TTCT - “Khi làm chính sách, người ngồi ở trung ương thì nghĩ thế là đúng, nhưng khi đưa vào thực tiễn lại không sát” - nhận định của ông Lưu Hoài Chuẩn (Hội Khoa học kinh tế y tế VN) trong cuộc trao đổi với TTCT về tài chính y tế cho thấy nhiều vấn đề y tế không nằm ở chỗ thiếu tiền như vẫn thường nghe than thở. Phóng to Tình trạng quá tải xuất hiện ở hầu hết bệnh viện công (ảnh chụp tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng I, TP.HCM) - Ảnh: T.T.D. Ông Chuẩn cho rằng nguồn lực tài chính cho y tế của VN vẫn rất thấp. Đầu tư khám chữa bệnh cho người dân bình quân chỉ 60-70 USD/người/năm, trong khi ở Mỹ là trên 4.000 USD/người, Nhật trên 3.000 USD/người, giá thuốc và giá trang thiết bị y tế ở ta lại bằng hoặc đắt hơn họ. Điều này cho thấy người dân được chăm sóc sức khỏe với chi phí rất thấp. Đầu tư từ ngân sách nhà nước cho y tế tiếng là đã tăng (hiện được khoảng 10%) nhưng so với giáo dục thì chỉ bằng một nửa, dù nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã yêu cầu chính sách cho y tế phải tương đương với giáo dục. Một ông trạm trưởng trạm y tế xã phường, có bằng ĐH nhưng phụ cấp trách nhiệm chỉ 0,2, còn một ông hiệu trưởng trường tiểu học có khi chỉ có trình độ cao đẳng, phụ cấp trách nhiệm đã là 0,7. * Ông nói nhiều đến những vướng mắc trong chính sách tài chính y tế. Nhưng thực tế nhiều bệnh viện đã “xé rào” viện phí, người bệnh khám chữa bệnh và chi trả tiền mặt không còn được hưởng nhiều mức giá trong khung mà Bộ Y tế quy định (năm 1995) từ lâu. Ông nghĩ sao về điều này? - Tôi cho là không có nhiều bệnh viện “xé rào” viện phí, vì “xé rào” là vi phạm luật, không nhiều bệnh viện dám làm. Hiện quy định khám bảo hiểm y tế ở tuyến xã thì viện phí cho công đoạn khám là 1.000 đồng, trong đó phải trích 200 đồng lên tuyến huyện để họ làm thủ tục tài chính, còn ở xã có 800 đồng. 800 đồng ấy lại mất nhiều thứ giấy tờ, có khi còn bị lỗ nhưng họ vẫn không dám thu hơn. Ở tuyến huyện, theo tôi biết, mức viện phí cho công đoạn khám cũng là 1.000 đồng, lên đến tỉnh mới được 3.000 đồng /lần khám, hầu hết bệnh viện chấp nhận, trừ trường hợp người ta “lót tay” cán bộ y tế để được khám nhanh hơn (mà làm gì có được bằng chứng). Khám bảo hiểm y tế có thu cao hơn cũng không được quyết toán. Chỉ có những người chi trả tiền mặt thì có thể sử dụng hình thức khám dịch vụ với giá 30.000 đồng/lần khám mà thật ra khám vẫn thế thôi. Đây là điều không hợp lý nhưng thực tế đang diễn ra như vậy. * Tăng viện phí đang là chủ trương được nhắc đến nhiều, có người cho là tăng viện phí để bệnh viện khỏi lỗ, vì họ đã lỗ vốn lắm rồi. Đẩy giá viện phí như khám dịch vụ 30.000 đồng/lần cũng là một hình thức. Nhưng nhiều ý kiến lại cho rằng tăng viện phí sẽ đánh vào người nghèo, người cận nghèo. Ý kiến ông ra sao? - Viện phí tăng không phải là chính sách đánh vào người dân, vì với chính sách hiện tại, người nghèo, người cận nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người có công, người già… đều đã có chính sách hỗ trợ, bằng cách mua hoặc hỗ trợ họ mua thẻ bảo hiểm y tế. Những người khá hơn, hoặc chưa tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện thì trong trường hợp phải đi bệnh viện, họ phải chấp nhận giá viện phí phù hợp. Thật ra với giá viện phí hiện nay Nhà nước đã bao cấp nhiều, lương cán bộ y tế do Nhà nước chi trả, trang thiết bị lớn hay đất đai nhà cửa do Nhà nước đầu tư. Chỉ có điều mâu thuẫn là mặc dù Nhà nước bao cấp, người cận nghèo có thẻ bảo hiểm y tế đi bệnh viện vẫn phải cùng chi trả 20% viện phí. Trong tình huống này, những người cận nghèo mắc bệnh bình thường thì không ảnh hưởng nhiều, nhưng trường hợp bệnh nặng như bệnh tim hay suy thận thì phải gánh rất nặng, không chịu đựng nổi. Chính sách của chúng ta còn để khoảng trống này. * Luật bảo hiểm y tế mới đi vào thực hiện năm đầu tiên (2010). Nhóm cận nghèo hiện đã lên đến 15 triệu người, chưa kể 15 triệu người nghèo phải cùng chi trả 5% phí khám bệnh và gặp nhiều khó khăn nếu bị bệnh nặng. Theo ông, vì lý do gì mà luật vừa ra đã có khoảng trống như vậy? - Chính sách phải dựa trên bằng chứng, nhưng chúng ta chưa dựa trên đầy đủ bằng chứng. Khi làm chính sách, người ngồi ở trung ương thì nghĩ thế là đúng, nhưng khi đưa vào thực tiễn lại không sát. Quy định người cận nghèo cùng chi trả 20% viện phí, nếu chúng ta có thực tiễn thì khi làm luật đã có thể đưa vấn đề này ra bàn thảo, vì các nước có khi người nghèo, cận nghèo cũng phải cùng chi trả, VN có đặc thù nhiều người nghèo hơn thì phải có phương án cụ thể. Tôi biết Bộ Y tế đang dự định có quỹ hỗ trợ cho người nghèo, cận nghèo bệnh nặng, chứ chưa thể sửa ngay Luật bảo hiểm y tế. * Người nghèo, cận nghèo mà bệnh nặng thì rất khó khăn. Nhưng năm 2010 lại có hơn 1.000 tỉ đồng vốn được cấp để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho người cận nghèo phải trả lại. Có ý kiến cho rằng nay thẻ chưa mua, tiền ngân sách phải trả lại, viện phí lại tăng, tức là chúng ta chưa hề đạt được mục tiêu hỗ trợ cho nhóm khó khăn mà lại chuyển sang giai đoạn thay đổi viện phí để cải thiện chất lượng dịch vụ. Ông nghĩ thế nào về ý kiến này? - Lý do chính của việc thừa tiền khám chữa bệnh cho người cận nghèo là vận động người ta mua thẻ bảo hiểm y tế rất kém, mặc dù Nhà nước đã hỗ trợ 50-80%. Vận động kém cũng khiến người cận nghèo thấy không cần thiết phải mua thẻ bảo hiểm y tế. Điều đó dẫn đến tiền vẫn còn mà người cận nghèo lại chưa tham gia bảo hiểm y tế, dễ rủi ro khi bệnh nặng. Mặc dù khi bị bệnh, người dân có thể bán tất cả tài sản, nhà cửa để cứu người thân, nhưng bình thường họ lại cho chưa cần thiết và chưa có sự chuẩn bị tài chính cho tình huống rủi ro. Vấn đề tài chính y tế được coi là mới, nhưng nếu thực hiện đúng chính sách, đảm bảo lo cho nhóm nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi, có quỹ hỗ trợ họ trong tình huống bệnh nặng, chi phí cao, với nhóm có nhu cầu cao, muốn có điều kiện dịch vụ tốt hơn… thì phải đóng góp với mức giá phù hợp, vì đó là những chi phí ngoài y tế, ngoài phác đồ điều trị. Theo tôi, đó mới là cách giải quyết vấn đề tài chính y tế đang gây nhiều tranh cãi này. Chưa tìm được mô hình quản lý tài chính phù hợp cho bệnh viện Từ năm 2002, ngành y tế bắt đầu thực hiện tự chủ tài chính trong bệnh viện công lập. Từ năm 2006, hoạt động này được triển khai mạnh và đến nay gần 100% cơ sở y tế công từ tuyến huyện trở lên thực hiện tự chủ tài chính. Lợi ích của hình thức này là tăng rõ rệt quyền và trách nhiệm của đơn vị; sử dụng nhân sự hiệu quả hơn; nguồn thu tài chính tăng, chủ động và sử dụng hiệu quả hơn nguồn thu tài chính; tăng tính cạnh tranh giữa đơn vị cung ứng dịch vụ; cải thiện quyền lợi của cán bộ. Tuy nhiên, tự chủ tài chính cũng có thách thức là tạo ra xu thế tăng cường đầu tư cơ sở vật chất theo yêu cầu hơn là theo nhu cầu, nguy cơ chạy theo lợi nhuận, đùn đẩy trường hợp bệnh khó, coi nhẹ chỉ đạo tuyến, y tế công cộng và phòng bệnh. Việc khoán thu cho từng bộ phận khiến bệnh viện công trở thành bệnh viện tư trá hình, còn bệnh nhân trở thành đối tượng để tăng thu, lạm dụng xét nghiệm, thuốc, kỹ thuật đắt tiền, phân biệt đối xử nhóm bệnh nhân nộp viện phí trực tiếp và nhóm bệnh nhân bảo hiểm y tế, hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ của người nghèo, người bệnh bảo hiểm y tế. Viện phí thực tế có tăng Theo khảo sát của Cục Quản lý khám chữa bệnh và Hội Khoa học kinh tế y tế trình bày tại hội thảo về tài chính y tế diễn ra đầu tháng 12-2010 ở Hà Nội, khảo sát mức chi phí bình quân điều trị nội trú và ngoại trú năm 2005 và 2008 tại 16 bệnh viện trong toàn quốc cho thấy chi phí bình quân mỗi lần khám bệnh năm 2008 tăng so với 2005 tại tất cả các bệnh viện. Trong đó, nhóm bệnh viện tỉnh và huyện có mức tăng cao nhất, mức chênh lệch chi phí năm 2008 với 2005 là 3 và 2,3 lần. Với bệnh nhân nội trú, chi phí bình quân/đợt điều trị nội trú năm 2008 tăng so với năm 2005 ở tất cả các bệnh viện, trong đó nhóm bệnh viện trung ương và bệnh viện huyện có mức chi phí bình quân/đợt điều trị nội trú năm 2008 gấp hơn 2 lần so với năm 2005. Báo cáo này cũng cho rằng có sự lãng phí và thiếu hiệu quả trong cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh, do sự phân định chức năng theo tuyến và do chưa tổ chức dịch vụ y tế theo yêu cầu của cụm dân cư. Bên cạnh đó, quá trình điều trị chưa có tính liên tục khi chuyển từ tuyến này sang tuyến khác, cơ sở này sang cơ sở khác, thậm chí từ lần khám này sang lần khám khác tại cùng một cơ sở khám chữa bệnh. Nhóm bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tỉnh đang quá tải trầm trọng và ảnh hưởng tới chất lượng điều trị cũng như sự an toàn của người bệnh. __________ Tin bài liên quan: Sẽ xin ý kiến người dân về viện phí mới Đề nghị giải thích chi tiết cơ cấu giá viện phí mới“Xé rào” viện phí, bệnh viện vẫn kêu lỗ
Tổng Bí thư cùng lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh tại TP.HCM THẢO LÊ 29/04/2025 Đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước do Tổng Bí thư Tô Lâm làm trưởng đoàn đến dâng hương, dâng hoa Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bến Nhà Rồng, TP.HCM.
Chủ tịch nước đặc xá cho 8.055 phạm nhân, trong đó có 25 phạm nhân người nước ngoài THÀNH CHUNG 29/04/2025 Chiều 29-4, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức công bố quyết định đặc xá năm 2025 của Chủ tịch nước.
Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng, cựu giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca được đặc xá THÀNH CHUNG 29/04/2025 Hai ông này cùng cựu bí thư Hải Dương Phạm Xuân Thăng, cựu bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến... có tên trong đợt đặc xá năm 2025.
Hàng ngàn người đổ về trung tâm TP.HCM chụp ảnh, tham quan trước lễ 30-4 MINH HÒA 29/04/2025 Sáng 29-4, không khí tại trung tâm TP.HCM trở nên náo nhiệt hẳn khi rất đông người dân tập trung về chụp ảnh, tham quan.