Chuyện học nghề

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

TTCT bàn về câu chuyện nên học nghề hay theo đuổi đại học bằng mọi giá? Nên làm thấy hay thợ? Và nếu học nghề, có phải chỉ cần đam mê thôi là đủ?

Bạn trẻ TP.HCM chi hàng chục triệu đồng học nghề 'tay trái'

NGỌC PHƯỢNG 16/03/2024 05:45 GMT+7

Nhiều bạn trẻ đã chi hàng chục triệu đồng để học thêm nghề viết thư pháp, đồ họa, làm bánh... để tăng khả năng tìm kiếm việc làm.

Bạn Nguyễn Hoài Vân (giữa) viết chữ thư pháp tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: NVCC

Bạn Nguyễn Hoài Vân (giữa) viết chữ thư pháp tại Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: NVCC

Đang học ngành quản trị kinh doanh, Nguyễn Hoàng Trường Giang (Trường đại học Công Thương TP.HCM) cho biết đã thích công việc làm bánh từ lâu. Được gia đình cho phép, Giang quyết định đăng ký học thêm nghề này.

Từ 30-90 triệu đồng

"Tôi học một khóa làm bánh 24 ngày với chi phí khoảng 30 triệu đồng. Nghề này khá nghệ thuật, càng học tôi càng tự tin. Tôi cho rằng cần thêm nghề tay trái để bổ trợ qua lại với nghề hiện tại. Nhiều nghề vẫn tốt hơn cho bản thân mình" - Giang bộc bạch.

Bùi Gia Khánh (Đại học Kinh tế TP.HCM) cho biết bạn học ngành kinh doanh quốc tế tại trường, song song đó chọn đăng ký học thêm đồ họa tại Arena Multimedia.

"Hiện tôi đã học được ba kỳ về đồ họa, thiết kế giao diện web, thiết kế app và làm phim... với chi phí khoảng 80-90 triệu đồng/5 kỳ. Tôi được ưu đãi và không phải đóng hết học phí một lần nên cũng đỡ áp lực.

Tôi không giỏi vẽ nên khi đăng ký học nghề thiết kế đồ họa cũng đắn đo và sợ học hai ngành này trái ngược nhau" - Khánh chia sẻ.

Theo Khánh, sau khi học đồ họa được một năm, bạn nhận ra kiến thức đồ họa giúp ích cho ngành kinh doanh quốc tế rất nhiều, chẳng hạn biết thêm được về marketing và tâm lý khách hàng...

Khánh cho biết thêm ở thời điểm hiện tại với tư cách là sinh viên năm cuối, bạn khá tự tin với kiến thức về kinh tế và cả mảng thiết kế.

"Thường các công ty luôn muốn nhân sự của họ đa năng, có thể làm nhiều công việc, ngoài lĩnh vực chuyên môn thì còn thiết kế, làm video và hình ảnh. Tôi đã được học như vậy nên khả năng sẽ cạnh tranh hơn các bạn khác" - Khánh tự tin nói.

"Tay trái" kiếm tiền nuôi "tay phải"

Vốn có đam mê với viết chữ thư pháp, Nguyễn Hoài Vân (Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM) cho biết từ khi lên đại học đã bén duyên với câu lạc bộ viết thư pháp của trường.

"Khi tham gia vào bộ môn này, tôi không nghĩ cơ hội nghề nghiệp đến bất ngờ như vậy. Tôi được tiếp xúc với các anh chị, được học hỏi, nhiều khi đi viết tại phố ông đồ ở Nhà văn hóa Thanh niên. Bên cạnh đó, tôi vẫn đi viết chữ cho các tổ chức Đoàn thanh niên, Đoàn phường khi cần.

Với nghề này, tôi làm được nhiều vào dịp Tết và các sự kiện cần đến ông đồ viết thư pháp. Thường thì mức thu nhập của việc viết thư pháp sau một mùa Tết có thể lên tới 20 - 25 triệu đồng. Chi phí kiếm thêm từ nghề tay trái này tôi dùng vào việc trang trải trong gia đình và đóng học phí" - Vân nói.

Vân chia sẻ thêm bạn trẻ nếu có thời gian, đam mê thì nên học thêm một nghề phụ như móc len, thư pháp, nhạc cụ... Hơn nữa, khi các bạn có "tài lẻ" thì trong công việc dễ tiếp cận với đối tác, có mối quan hệ ổn định hơn, không ngại khi tham gia các phong trào chung.

Cũng học thêm đồ họa được 2 năm, Nguyễn Phúc Bảo Uyên (Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho hay chuyên ngành mình theo học là công nghệ thông tin nên học thêm đồ họa cũng giúp ích nhiều cho ngành chính.

"Về cân bằng lịch học thì ban đầu cũng chật vật giữa bài tập trong trường và đồ án đồ họa. Qua thời gian đầu, tôi đã biết cách đưa ra lịch học phù hợp nên mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Học đồ họa nên tôi có nhận thêm các dự án để làm khi có thời gian rảnh. Tôi thấy tự tin hơn, năng động và có tư duy sáng tạo nhiều hơn" - Uyên nói.

Thêm kỹ năng, thêm cơ hội

Ông Đinh Trí Dũng, đại diện Arena Multimedia, cho biết các bạn trẻ có thêm kỹ năng khác rất có lợi trong công việc.

"Trường chúng tôi có ba nhóm đối tượng chính, trong đó có nhóm sinh viên các trường cao đẳng, đại học; nhóm học sinh hoàn thành xong chương trình phổ thông; nhóm người đã đi làm đăng ký học tại trường.

Số lượng học viên đăng ký khóa dài hạn 2,5 năm (học để làm nghề) là 60%, còn lại là học để bổ trợ kiến thức và có thêm nghề để tăng khả năng tìm kiếm việc làm" - ông Dũng nói.

Có nghề vẫn học thêm nghềCó nghề vẫn học thêm nghề

TT - Hiện nay nhiều người đang làm việc hoặc đã có một nghề rồi vẫn tìm cách học thêm nghề mới hoặc nâng cao tay nghề để kiếm thêm thu nhập trong thời buổi khó khăn.


Năm 2025, TP.HCM thu hút 45% học sinh tốt nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp

TRỌNG NHÂN 12/05/2023 17:06 GMT+7

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2025, TP.HCM thu hút 45% học sinh tốt nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp - Ảnh 1.

Học sinh giáo dục nghề nghiệp tại Trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (Q.5, TP.HCM) - Ảnh: TRỌNG NHÂN

TP.HCM xác định phát triển giáo dục nghề nghiệp là quan trọng hàng đầu trong phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, thành phố đặt ra nhiều chỉ tiêu để đảm bảo quy mô, cơ cấu ngành, nghề đào tạo.

Năm 2025, thành phố sẽ thu hút 40-45% học sinh tốt nghiệp vào giáo dục nghề nghiệp (trường nghề), bao gồm cả các học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Trong đó, học sinh, sinh viên nữ trong các trường nghề đạt 30% tổng chỉ tiêu tuyển sinh mới. Ít nhất 40% lực lượng lao động được đào tạo lại, đào tạo thường xuyên.

Hiện số lượng các trường nghề chất lượng cao của thành phố còn khiêm tốn. Vì thế, thành phố phấn đấu đến năm 2024 sẽ có 4 trường nghề chất lượng cao, 4 trường trình độ ASEAN-4.

Đến năm 2030, mạng lưới giáo dục nghề nghiệp sẽ nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo lên 89%. Ngoài ra, 100% ngành nghề được xây dựng, cập nhật chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.

Để đạt được những mục tiêu này, thành phố sẽ tiếp cận nhiều giải pháp cho giáo dục nghề nghiệp. Thành phố sẽ ưu tiên chính sách thu hút cán bộ quản lý, nhà giáo dạy nghề giỏi.

Bên cạnh đó, sẽ có chính sách thu hút nhà đầu tư tham gia phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thành phố sẽ đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng đào tạo nghề tại chỗ.

Đặc biệt, thành phố sẽ thành lập Hội đồng phát triển giáo dục nghề nghiệp TP.HCM. Hội đồng gồm các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hiệp hội, đại diện người lao động… Hội đồng đề xuất các tiêu chuẩn kỹ năng nghề cho chương trình đào tạo tiếp cận với quốc tế.

Thành phố cũng chú trọng hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường cần tăng cường kết nối với doanh nghiệp để tận dụng thiết bị đào tạo tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, chương trình giáo dục nghề nghiệp của thành phố được xác định hướng theo tiêu chuẩn quốc tế. Thành phố khuyến khích phát triển các chương trình liên kết với nước ngoài ở các trường nghề.

TP.HCM sẽ tăng ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp

Thành phố sẽ tăng ngân sách nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp hàng năm. Cụ thể, sẽ ưu tiên phân bổ cho các chương trình, dự án của thành phố.

Ngoài ra, sẽ đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp. Khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân. Đồng thời, thúc đẩy sự tài trợ của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế.

Thành phố ưu tiên đầu tư đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao. Chú trọng vào các cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và thực hành. Các ngành nghề trọng điểm, ngành nghề đào tạo đặc thù cũng sẽ được đặc biệt quan tâm.

Dự thảo quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp: Xóa sổ trung cấp, sáp nhập cao đẳngDự thảo quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp: Xóa sổ trung cấp, sáp nhập cao đẳng

TTO - Dự kiến đến năm 2030 không còn trường trung cấp công lập. Mỗi tỉnh thành chỉ có một trường cao đẳng công lập cấp tỉnh trên cơ sở sáp nhập các trường trên địa bàn.

Học và làm nghề với người Nhật

TRUNG TRẦN 01/10/2020 18:10 GMT+7

TTCT - Nói vui, đi làm cho công ty Nhật, không cần bằng cấp, không cần cả ngoại ngữ, chỉ cần yếu tố duy nhất là sự chăm chỉ và cầu tiến.

Kaizen (âm Hán Việt: cải thiện) là cốt lõi trong sự thành công của Nhật Bản. Ảnh: pinterest
Kaizen (âm Hán Việt: cải thiện) là cốt lõi trong sự thành công của Nhật Bản. Ảnh: pinterest

Khoảng năm 1998, ở Đồng Nai có chiến dịch kiểm tra lý lịch của nhân viên ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Nhiều công nhân, nhân viên văn phòng các công ty Nhật Bản bị phát hiện làm giả chứng minh nhân dân, khai man tên tuổi và bằng cấp. Nguy cơ bị đuổi việc là hiển hiện theo quy định của pháp luật và nội quy công ty. 

Nhiều người phải xin nghỉ phép để về quê hoàn thành các giấy tờ nhân thân và chứng minh bằng cấp. Người viết nằm trong trường hợp đấy. Khi lên xin phép cấp trưởng phòng người Nhật thì nhận được câu trả lời: quy định của pháp luật thì nên làm đúng, còn bằng cấp thì sau chừng đấy thời gian làm việc, ông không quan tâm nhân viên thực sự có tốt nghiệp đại học hay chưa, và nếu chưa có thì ông có thể nói giúp phòng nhân sự là bỏ qua việc phải đáp ứng yêu cầu đấy.

Việc nào cũng quan trọng

Thời kỳ đấy là những năm đầu các công ty Nhật Bản đặt chân vào Việt Nam, những cái tên đầu tiên ở miền Nam là những nhà chế tạo như Fujitsu, Sanyo, Suzuki… Cách tuyển dụng nhân viên - chủ yếu là thợ nghề - cho các vị trí kiểm phẩm, lắp ráp, đứng máy gia công… có những chuyện bây giờ khó tưởng tượng ra.

Một ví dụ: tuyển nhân viên kiểm phẩm, ngoài thử khả năng cầm thước đo và ghi lại kết quả, còn có thêm cả bài thi tuyển gắp đậu phộng bằng đôi đũa so le. Mục đích là tìm ra các ứng viên có đủ kỹ năng khéo léo, tinh mắt, thao tác nhanh… để thực sự phù hợp yêu cầu công việc là kiểm tra chất lượng sản phẩm đầu vào.

Đa số lứa nhân viên kiểm phẩm trúng tuyển thời đấy ở Công ty Sanyo Home Appliances Việt Nam (SHV), rất ít người có bằng đại học. Trong 6 tháng đầu học việc, nhiệm vụ của họ chỉ là học cách đo bằng thước cặp điện tử, thước panme, cách ghi chép, so sánh mẫu màu bằng mắt…, những điều mà trong các trường nghề kỹ thuật lúc đấy hầu như họ chưa bao giờ được thực hành.

Đáng nói hơn, nếu đưa những việc đấy vào tay một kỹ sư người Việt thì thường hay nhận được sự lóng ngóng kèm một cái nhún vai kiểu như những việc đấy - không đáng cho người tốt nghiệp đại học phải làm.

Những ngày đầu, các kỹ sư người Nhật chỉ dẫn kỹ lưỡng, kiên nhẫn cho nhân viên bằng thứ tiếng Anh mà không một cử nhân ngoại ngữ mới ra trường nào dịch nổi, bởi cũng có lẽ chưa bao giờ ở trường họ có cơ hội được nghe phát âm tiếng Anh kiểu J-lish kỳ dị của người Nhật.

Ví dụ, từ “if” (có nghĩa là “nếu”), qua miệng người Nhật sẽ trở thành: “Ip-phù-nê”. Nói vui, đi làm cho công ty Nhật, không cần bằng cấp, không cần cả ngoại ngữ, chỉ cần yếu tố duy nhất là sự chăm chỉ và cầu tiến.

Còn nhớ những nhân viên văn phòng thời đấy, đầy đủ Anh văn giao tiếp, tin học ứng dụng, bằng đại học hạng khá, trường kinh tế hàng đầu của Sài Gòn, mỗi lần báo cáo với cấp trên thì tái diễn cảnh chạy vòng quanh, kiểu như: Thưa nhà cung cấp họ bảo hôm nay giao hàng trễ, sếp hỏi vì sao trễ, lại chạy đi alô hỏi, thưa người ta bảo máy hư, lại bị hỏi tiếp, máy hư lúc nào? Bao giờ sửa xong? Lại lon ton về bốc điện thoại hỏi tiếp…

Xin hãy ghi ra giấy những điều mình sẽ hỏi để không bị quên, sếp thi thoảng lại căn dặn các cô cậu tân cử nhân hạng ưu vẫn hay bụm miệng cười khi nghe sếp phát âm từ “problem” (“trục trặc”, “vấn đề”) mà như là “program” (“chương trình).

Nghĩa là cái kỹ năng hỏi 4W - 1H (What, Where, When, Who - How: cái gì, ở đâu, khi nào, ai, thế nào) cho đến tận lúc đấy, người lao động Việt Nam, dù đại học hay học nghề, vẫn phải có người bắt tay chỉ việc mới biết là áp dụng thế nào. Nói không ngoa, chỉ có người Nhật mới đủ kiên nhẫn để chỉ dạy cho nhân viên người Việt như thế.

Nhưng nếu thực sự bạn có bằng cấp thực học hẳn hoi thì lại có những câu chuyện khác. Có một đợt, công ty chuyển đổi nhà cung cấp cho một linh kiện trong cụm truyền động, kết quả là động cơ ồn hơn. Họp kỹ thuật để giải quyết, kỹ sư phòng kỹ thuật được cho một ngày để chuẩn bị báo cáo.

Nguyên nhân kỹ sư người Việt đưa ra là do dây cuaroa. Kỹ sư người Nhật lim dim hút thuốc nghe rồi hỏi, linh kiện thay đổi nhà cung cấp có phải là dây cuaroa không? Không phải, vậy thì sao có thể do lý do đấy. Lại cho thêm một ngày với yêu cầu liệt kê tất cả các nguyên nhân gây ồn.

Kết luận của kỹ sư người Việt sau cuộc họp thứ hai do bề mặt pulley - tức bánh truyền động - không đủ láng, gây ồn, và yêu cầu nhà cung cấp đến giải trình. Kỹ sư Nhật lại lim dim hút thuốc phản đối, tại sao mình không đến tận nơi để xem người ta gia công thế nào hòng tìm ra lỗi, nhân tiện đem một số phế phẩm về cho tôi.

Năm lần bảy lượt như thế, cuối cùng kỹ sư phòng kỹ thuật người Việt phải tự tay hì hục cưa mấy chục cái mẫu hỏng để trình ra mặt cắt bên trong ở cuộc họp thứ n. Kết luận nguyên nhân ồn đưa ra của kỹ sư Nhật sau khi cầm mười mấy cái mẫu đã cắt vụn ra săm soi là do… vết rỗ trên bề mặt quá nhiều - do áp lực đúc không ổn định, kèm theo là một bài thuyết giảng về kỹ thuật đúc nhôm và ảnh hưởng của vật liệu phôi lên chất lượng thành phẩm.

Bài học về cách sử dụng biểu đồ xương cá - Ishikawa, trong phân tích lỗi - anh kỹ sư đấy khó mà không nhớ để áp dụng cho những lần sau.

Một thao tác 6.600 lần

Hay như ở công ty M, chuyên lắp ráp cụm cho Sony và Canon lại có câu chuyện khác. Một nhân viên kỹ thuật đứng máy ép nhựa, người Việt được phép dùng đến 1 tấn nguyên liệu nhựa để ép ra được 10 thành phẩm nặng 15 gram đảm bảo dung sai tiêu chuẩn, nghĩa là thực hiện một thao tác 6.600 lần để tìm ra được thông số ép tối ưu: thời gian, nhiệt độ sấy nguyên liệu, lực kềm, thời gian ép…, tất cả mất một tuần lễ nằm với máy, không về nhà.

Sau đấy tầm một năm, người thợ ấy trở thành trưởng xưởng ép nhựa, bất chấp bằng cấp ban đầu của anh là kỹ sư… nông lâm.

Với kiểu huấn luyện, chỉ nghề on site như thế, đa số thợ nghề, hay cả kỹ sư trẻ, người Việt sẽ rất dễ nổi khùng và bỏ cuộc. Nhưng nếu ai đủ kiên nhẫn, họ sẽ có những kinh nghiệm vô giá và không khó khăn gì để trở thành một người thợ thực sự lành nghề, tinh thông trong tương lai.

Kaizen - cải tiến - là triết lý nằm lòng của người Nhật. Cứ làm tốt dần dần. Trong môi trường nhà máy, điều đấy bắt đầu từ hoạt động 5S - dịch sang tiếng Việt là sàng lọc - sắp xếp - sạch sẽ - săn sóc - sẵn sàng, áp dụng trước hết ngay nơi làm việc của mình, duy trì được thói quen đấy, rồi chúng ta sẽ làm được nhiều việc khác tốt hơn, hiệu quả hơn.

Với người Việt, 5S luôn là nỗi ám ảnh khi đa số ban đầu đều biến văn phòng mình trở thành một phòng triển lãm, cấm sờ vào hiện vật, không ai được làm gì cả để cho gọn gàng ngăn nắp tuyệt đối, đợi ban kiểm tra nội bộ đến chấm điểm.

Câu chuyện về 5S ở công ty cũ của người viết, đích thân tổng giám đốc đến kiểm tra. Phòng ban tự tin nhất là văn phòng kho nguyên liệu. Tất cả đều sạch sẽ ngăn nắp, tổng giám đốc hỏi chắc ăn chưa? Anh em OK, tổng giám đốc bảo kéo cái ngăn kéo dưới cùng của hộc bàn ra xem nào? Toàn bộ giấy thừa, bút kéo, băng keo dùng dở… nằm một nùi ở đấy.

Anh em bảo sếp cho thêm một ngày nữa. Hôm sau, tổng giám đốc lại hỏi chắc chưa? Anh em lại OK. Tổng giám đốc lại bảo anh nào cao với lên miết vào cái nóc tủ đựng hồ sơ, đưa ngón tay cho tôi xem. Bụi đen kịt cả ngón tay. Tổng giám đốc lúc đấy mới bảo: Xưa tôi cũng từng làm kho mấy năm, hãy làm tốt mỗi ngày, các bạn sẽ như tôi bây giờ!

Những bài học kiểu mưa dầm thấm đất như thế đã hình thành được một lớp người biết suy nghĩ và ý thức làm việc theo kiểu Nhật ở Việt Nam, từ những năm 1995-2000. Những thế hệ tiếp theo, sau khoảng 5 năm làm việc, dù có thay đổi môi trường làm việc thì đa số cũng hình thành được nếp nghĩ trong công việc, thứ mà người Nhật đã trao cho họ: cách hiểu được quy trình công việc, thói quen làm việc cẩn thận, có trách nhiệm, và tâm thế cứ làm tốt việc của mình, rồi sẽ có cơ hội.

Với cách nghĩ như thế, hơn ai hết, họ hiểu rõ cái gì quan trọng hơn: tấm bằng đại học hay là sự chăm chỉ, cầu tiến?■

Chuyện thầy và thợ

LÊ QUANG 30/09/2020 18:09 GMT+7

TTCT - Hệ thống trường nghề đào tạo kép của Đức đã qua mấy trăm năm thử thách, được cho là đảm bảo tính sát thực tế, các doanh nghiệp tham gia đào tạo không “lỗ” khi trả lương cho học sinh, và cả xã hội cũng có lợi.

Hai thợ học việc của Hãng Bosch. Ảnh: hafactory.it
Hai thợ học việc của Hãng Bosch. Ảnh: hafactory.it

Ngày còn sống ở nước ngoài, tôi có đứa cháu đỡ đầu xinh như thiên thần, mắt xanh, tóc vàng, và sáng dạ lạ thường, luôn miệng hát líu lo, chỉ có cái tật là vào lớp 1 vẫn còn mút tay khi ngủ. Lúc mời mẹ tôi sang thăm thì bà yêu nó lắm. 

Chơi với nó có mấy bữa mà về nhà cả chục năm vẫn hay hỏi thằng bé giờ học hành ra sao, lớn chừng nào, còn mút tay không, con một là hay được chiều chuộng quá đáng lắm...

Bẵng đi ít lâu, tôi kể cho mẹ nghe, bố mẹ thằng Stefan mới báo tin nó tốt nghiệp phổ thông rồi, đi học và ở ký túc xá xa nhà mà tự lập lắm. Mẹ tôi hỏi ngay, nó học ngành gì, rồi bà rơm rớm nước mắt...

Chuyện quản lý nhà nước

Có lẽ nước Đức là một trong những quốc gia hiếm hoi không có bộ giáo dục hay ít nhất là không có cơ quan nào chuyên trách 100% về giáo dục và đào tạo. Cộng hòa Liên bang Đức, như cái tên cho thấy, là một nhà nước liên bang, và đấy là một hình thái rất rối rắm và lạ mắt đối với người ngoài cuộc, cũng vì thế chỉ kể sơ sơ chứ chẳng định so bì làm gì.

Trên thượng tầng liên bang thì có bộ giáo dục và nghiên cứu (cấp liên bang), song cơ quan này chỉ đưa ra khung nội dung đào tạo chung chung như hô khẩu hiệu, chứ từ việc to như thành lập đại học và phong giáo sư cho đến nhỏ như in sách giáo khoa màu gì, do ai biên soạn, bán hay phát miễn phí… đều do các bang tự quyết định và chi trả.

Cơ quan cấp bang cũng tên là bộ (như sở ở ta) và có đủ tên khác nhau như Bộ Văn hóa và châu Âu, Bộ Khoa học và văn hóa, Bộ Nghiên cứu và nghệ thuật…, và tham gia đạo diễn một phần công tác giáo dục cũng như đào tạo nghề.

Giáo dục hàn lâm của Đức thì ta đã nghe nhiều, ngày xưa mấy vạn học sinh Việt Nam được học hành ở Đông Đức bằng học bổng nhà nước, thời nay cũng có vài ngàn thanh niên sang học đại học và sau đại học bằng tiền của bố mẹ ở một hệ thống giáo dục chủ yếu miễn phí.

Thực ra cũng phải đóng vài trăm euro mỗi học kỳ, song tiền ấy chỉ đủ làm giấy tờ và nhận vé tháng cho giao thông công cộng địa phương.

Công tác đào tạo nghề có lẽ đáng quan tâm hơn, vì nó chỉ ra một thành công dựa trên đường đi khác biệt: trong khu vực nói tiếng Đức (có thêm Áo, Thụy Sĩ) có một thứ đặc sản được xuất khẩu đi khá nhiều nơi trên thế giới, tên là Hệ thống đào tạo kép hay Đào tạo phối hợp. Hệ thống này xuất hiện cả ở Hoa Kỳ hay Na Uy…, nhưng có lẽ vì lý do lịch sử mà không thành công lắm.

Mô hình đào tạo nghề với những nét cơ bản còn tồn tại đến tận hôm nay đã xuất hiện ở Đức thời Trung Cổ, tức là khoảng thế kỷ 12, khi nước Đức dù không ở hiện trạng địa lý như bây giờ song đã là một nhà nước thương mại phát triển.

Họ lập ra các hội đoàn thợ thủ công với một cơ chế tự cung cấp nhân lực thạo nghề gọi là hệ thống thợ cả (học trò - thợ học nghề - thợ cả).

Nhân thể kể thêm cho đỡ khô khan: bốn năm nay tôi theo hầu một số thợ cả Đức sang hỗ trợ mấy trường cao đẳng nghề Đồng Nai và Long Thành để đào tạo giáo viên cho mấy nghề mới, nhờ đó được bổ sung cho từ vựng đôi phần gỉ sét của mình: cái tên “thợ cả” mộc mạc quê mùa sắp tuyệt chủng, thay vào đó là “Bachelor Professional” (thợ nghề cấp cử nhân?), học nâng cao được vài khóa thì thành “Master Professional” (thợ nghề cấp thạc sĩ?), toàn những danh hiệu chát chúa từ bên kia cái ao to Đại Tây Dương trôi sang, và khôi hài thay, từ một nước chật vật mãi không phát triển được đào tạo nghề kép kiểu Đức như vẫn kỳ vọng - là đang nói Hoa Kỳ, chứ không phải Việt Nam nhé.

Thằng Stefan, lát nữa sẽ kể thêm, viết thư kể với tôi là ông bảo vệ ký túc xá của nó, mọi khi vẫn đi thay bóng đèn hành lang cháy hoặc tưới cây và lau cửa kính, gần đây có hàng chữ mới thêu trên áo bảo hộ lao động: “Facility Manager” (giám đốc cơ sở vật chất).

Nhìn một cách tích cực thì sự quốc tế hóa ấy chứng tỏ nước ngoài rất quan tâm đến việc dạy nghề kép kiểu Đức, Áo và Thụy Sĩ.

Lịch sử dạy nghề

Rất lâu trước khi có cái gọi là cách mạng công nghiệp ở châu Âu làm Marx và Engels tốn nhiều giấy mực, các đô thị Đức đã bắt đầu đào tạo nghề có hệ thống. Các làng nghề hay hội nghề thủ công (thợ nướng bánh, thợ đóng giày, thợ rèn, thợ dệt…) tự đặt ra quy chế đào tạo và tổ chức sát hạch, cấp bằng.

Thợ học nghề được thợ cả cầm tay chỉ việc và thường được nuôi ăn ở và cũng làm thằng hầu trong gia đình thầy luôn. Để bảo vệ lợi ích kinh doanh, nhà nước hỗ trợ bằng quy định: chỉ có người đang hoặc đã học nghề mới được làm một nghề cụ thể.

Chuyện này bây giờ tên là “lợi ích nhóm”, bù lại thì tranh thủ giữa vụ chiêm và vụ mùa ra thành phố xây nhà 7 tầng bằng bêtông cốt tre là chuyện bị chính quyền cấm!

Các cơ sở thủ công ngày càng chịu nhiều áp lực theo tiến trình công nghiệp hóa. Họ không chỉ có sức sản xuất kém hơn máy móc và băng chuyền đời mới, mà còn rơi vào thế bí bởi tư tưởng tự do kinh doanh bắt đầu bùng ra ở Phổ (tiền thân của nước Đức), dẫn đến các cải cách đầu thế kỷ 19.

Khác với phần còn lại của châu Âu, Đức phản ứng tương đối bảo thủ bằng Luật bảo vệ nghề thủ công 1897 và để các hội thủ công độc quyền quy định đào tạo nghề. Phía công nghiệp cũng học theo và lăm le thành lập các phòng công thương nghiệp với công năng tương tự, cho đến khi Chiến tranh thế giới I và II dìm tất cả vào máu lửa.

Hòa bình rồi, Đức ban hành Quy chế nghề thủ công 1953 và Luật đào tạo nghề 1969, lấy nhà nước làm nhạc trưởng trong dàn nhạc dạy nghề. Trên cơ sở đó, toàn nước Đức dạy nghề và thi tay nghề, phát bằng cấp theo cùng một bộ quy định thống nhất.

Về cơ bản nó vẫn dựa trên hệ thống đào tạo kép và quá khứ đã được thử thách cả ở Áo, Thụy Sĩ và Đan Mạch: học lý thuyết ở trường nghề của nhà nước, thực hành ở một doanh nghiệp kết hợp, cũng là nơi trực tiếp ký hợp đồng đào tạo và trả lương cho học sinh ngay từ ngày đầu tiên vào trường.

Mô hình này cũng một phần được triển khai ở Mỹ và Anh (với tên gọi “training on the job”, đại khái là “huấn luyện nghề dạy nghề”), hoặc cả ở Pháp, dù sự tham gia của doanh nghiệp ở những nơi đó yếu ớt hơn hẳn so với Đức.

Bằng tốt nghiệp thợ nguội của làng nghề Nuremberg 1915, ghi rõ được đào tạo theo Luật bảo vệ ngành thủ công 1897 theo quy chế đào tạo của phòng thủ công địa phương. Ảnh: picture-alliance/akg
Bằng tốt nghiệp thợ nguội của làng nghề Nuremberg 1915, ghi rõ được đào tạo theo Luật bảo vệ ngành thủ công 1897 theo quy chế đào tạo của phòng thủ công địa phương. Ảnh: picture-alliance/akg

Đào tạo kép

Nói vắn tắt thì học sinh học ở trường dạy nghề tại Đức học các môn lý thuyết, ngoại ngữ, kỹ năng sống và thể chất, mỗi tuần trung bình 12 tiết - hay 2 ngày. 3-4 ngày còn lại đều là thực hành ở một cơ sở sản xuất.

Người ta cũng có thể tùy nghề mà dồn các môn lý thuyết thành cả tuần. Doanh nghiệp tuy trả lương nhưng phải bảo đảm chất lượng đào tạo theo tiêu chí của bang về sư phạm, nhân lực và trang bị kỹ thuật.

Học sinh trường nghề đang học việc ở xưởng - doanh nghiệp không được phép cử đi làm việc vặt ngoài chuyên môn như rửa bát nhặt rau. Sau ba năm đến ba năm rưỡi, họ làm bài thi do phòng thủ công nghiệp hay phòng công thương nghiệp ra đầu đề, chấm và phát bằng.

Đào tạo kép qua mấy trăm năm thử thách được cho là đảm bảo tính sát thực tế, các doanh nghiệp tham gia đào tạo không “lỗ” khi trả lương cho học sinh, vì từ năm thứ hai trở đi học sinh dần dần tham gia lao động và tạo ra sản phẩm thực sự, ngoài ra công ty có đủ thì giờ ngắm nghía chọn ra ứng viên thành thạo cả tay nghề lẫn tổ chức sản xuất để tuyển vào làm chỗ mình.

Được học sát thực tế, công nhân kỹ thuật Đức ít bị đào tạo lại khi vào làm việc độc lập. Tuy nhiên, người tốt nghiệp, vốn yên tâm vì có tiền sinh hoạt, có quyền cầm chứng chỉ nghề để chọn nơi làm việc khác - làm nảy sinh cuộc cạnh tranh giữa các chủ lao động.

Viện nghiên cứu kinh tế Đức IFO trong khảo sát sâu hồi năm 2013 giải thích lý do chính khiến tỉ lệ thanh niên Đức thất nghiệp thấp nhất Tây Âu là nhờ hệ thống đào tạo kép. Thời hoàng kim của kinh tế Đức - những năm đầu thế kỷ 21 cho đến trước dịch COVID-19 - bao giờ cũng trên 50% học sinh tốt nghiệp phổ thông chọn học nghề thay vì lên tiếp đại học.

Một công ty ở miền bắc Đức thưa dân còn lôi kéo học sinh học nghề bằng một ưu đãi khó tin: trong ba năm học, học sinh được phát ôtô để dùng riêng!

Vị thế xã hội của thằng Stefan

Có lẽ sẽ quá lan man khi so sánh các triết thuyết và tâm lý xã hội của phương Tây và phương Đông trong chuyện dạy nghề, nên xin phép chỉ dẫn chiếu hẹp hơn một triết gia xã hội học Anh/Mỹ khá nặng ký thời nay: Richard Sennett, sinh năm 1943, con trai một gia đình Nga nhập cư và chuyên sâu nghiên cứu chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa.

Lúc Sennett thành danh thì Khổng Tử đã qua đời từ lâu, dù là triết lý “một người làm quan cả họ được nhờ”, “vạn nghề đều hạ phẩm, chỉ có đọc sách là cao” của ông thầy cúng kiêm triết gia mập mờ từ Trung Quốc hãy còn dai dẳng tồn tại ở nhiều nền văn hóa tận ngày nay.

Một ngày đẹp trời, triết gia Sennett bất ngờ tung ra tác phẩm The Craftsman (Người thợ thủ công). Thoạt tiên hãy bàn đến cách dịch khái niệm từ “craftsman”, mà tiếng Việt lâu nay vẫn là “thợ thủ công” (còn ngôn ngữ của quê hương Khổng Tử hiện đại cũng tương đương: “thủ công nghiệp công nhân”), nói chung nghe là đã không thấy được coi trọng lắm rồi.

Sennett cho biết: ông quan sát 15 năm ròng những vị cổ cồn ở văn phòng của những doanh nghiệp thuộc về “new economy” - nền kinh tế thời mới, đại khái là kinh tế hiện đại, thời mới bắt đầu có những nghề như “nhân viên văn phòng” - và thấy đại đa số dù làm ra tiền, không thấy thỏa mãn với công việc.

Công trình nghiên cứu về “thợ thủ công” của Sennett dạy ta một định nghĩa mới: ước vọng làm thật tốt một thứ gì cụ thể cho chính mình. Trong mắt Sennett, thợ thủ công không nhất thiết là một anh thợ công nhật lấm lem (theo cách nhìn phương Đông?), mà có thể là một thợ kim hoàn, nhạc công, kỹ sư tin học, hay thậm chí cả chính khách.

Phải chăng chúng ta đã tắm quá lâu trong dòng chảy Nho giáo để chỉ thích mũ cao áo dài, để không còn nhận ra hạnh phúc được “làm thật tốt một thứ gì cụ thể” bằng chính đôi tay của mình, thay vào đó lao vào học thuộc 20 tác gia trung đại để hi vọng “trúng tủ” trong kỳ thi Đường lên đỉnh Olympia, cốt tránh “không học hành tử tế thì chỉ có cạp đất mà ăn”, như nhiều bậc phụ huynh vẫn đe, không phải với ý đồ hướng nghiệp cho con sau này vào ngành bất động sản.

Đi đâu cũng nghe phàn nàn xã hội ta thừa thầy thiếu thợ, phục vụ bàn có bằng đại học không khó kiếm, nhưng tìm được bác thợ mộc sửa lại cái chân bàn cho tử tế chẳng dễ chút nào.

Song có ai vì thế mà không bán trâu bán bò cho con vào đại học “cho bằng anh bằng em”, kẻo mặt mũi sáng sủa thế kia mà đi làm phu hồ thì cha mẹ “mặt mũi nào nhìn hàng xóm”?

Quay lại thằng cháu đỡ đầu của tôi, nó có tội gì mà làm mẹ tôi rơm rớm nước mắt? Nó tốt nghiệp phổ thông thì xin đi học môn “logopedics” - chuyên điều trị và luyện cho trẻ con bị rối loạn nhận thức giao tiếp, rối loạn giọng nói và rối loạn nuốt, nói theo giọng Khổng Tử là bọn ngắn lưỡi, bọn ngọng, bọn ấm đầu nói chẳng thành câu.

Mẹ tôi, một bác sĩ nhân từ, chẳng cần hỏi thằng Stefan có hạnh phúc không, chỉ thấy nó tội nghiệp bị trời đày phải làm việc đó. Giá mà nó thành ca sĩ opera hay kỹ sư tin học, hay tốt nhất là cả hai, có phải cả họ nhà nó nở mày nở mặt không!■

Vượt qua định kiến để học nghề

TRỌNG NHÂN 28/09/2020 18:09 GMT+7

TTCT - Ba câu chuyện, ba quyết định, rất nhiều nỗ lực, họ sau cùng đều trở thành những người theo đuổi con đường học nghề và thành công trong niềm vui và sự tự tin quý giá.

Như Ý đang là pha chế chính tại một thương hiệu nước giải khát ở Bình Dương. Ảnh: CTV
Như Ý đang là pha chế chính tại một thương hiệu nước giải khát ở Bình Dương. Ảnh: CTV

Nói dối gia đình để học nghề

Một ngày hè 2019, Nguyễn Thị Như Ý (sinh năm 2001, quê Đắk Lắk) nhận được tin trúng tuyển cả Trường ĐH Tài chính - marketing và Trường ĐH Hùng Vương. Ý lẳng lặng đi nhận giấy báo rồi cất sâu vào ngăn bàn. Em không có ý định học ĐH vì từ đầu năm lớp 12, Ý quyết tâm sẽ học nghề.

Trong những giấc mơ, Ý thường thấy hình ảnh một cửa tiệm nhỏ, nơi phục vụ các loại bánh ngọt, nước uống do tự tay mình pha chế và làm chủ. “Mọi người thường khuyên mình phải vào ĐH mới có tương lai.

Các anh chị, thầy cô trong trường nhắc nhở học sinh: Con đường ngắn nhất dẫn tới thành công là ĐH. Mình thấy cũng có phần đúng, nhưng đó không phải là thứ mình kiếm tìm. Mình muốn môi trường tự do, nơi có thể sáng tạo các món ăn, các công thức ẩm thực riêng và tự làm chủ một quán”, Ý chia sẻ.

Nói với gia đình ý định sẽ học nghề bếp, Ý bị phản đối kịch liệt. Không dưới ba lần, gia đình tổ chức “hội nghị” bàn tương lai của Ý, nhẹ thì những cái lắc đầu, nặng thì những lời trách mắng bất hiếu, không coi trọng công sức dưỡng dục của bố mẹ.

Mẹ Ý buồn rầu rút ruột khuyên: “Không vào ĐH, 12 năm phổ thông lãng phí sao con?”. Bố em thì khăng khăng: “Có bằng ĐH, đi làm nhà nước, cuộc sống mới ổn định”.

Không thể thuyết phục gia đình, Ý vào TP.HCM, nói dối gia đình vào học ĐH nhưng lại tìm một trường nghề học bếp núc. Ý học hai khóa pha chế (17 buổi) và nghiệp vụ bếp trưởng (2 tháng), một khoảng thời gian mà Ý mô tả “như cá về với nước”, mọi tiết học được bạn cảm thụ trọn vẹn, từng kiến thức như thấm vào cơ thể.

“Mình thấy hạnh phúc dâng trào. Lúc mệt mỏi, chỉ cần vào bếp tự mình pha một ly nước, làm một cái bánh là thấy thoải mái. Người khác ăn thử rồi khen, mình càng sung sướng. Mình sống thật nhất với bản thân mình khi học bếp”, Ý nói.

Sau hai tháng, Ý cho gia đình biết sự thật. Nghe tin, bố bàng hoàng và giận con gái ra mặt. Suốt một thời gian, ông không nói gì với con. Ý cố gắng xoa dịu và nhờ mẹ cùng các anh chị nói chuyện thuyết phục bố.

“Một ngày nọ, bố chịu nói chuyện với mình, bố nói con đã quyết tâm và chọn vậy rồi thì còn nói gì được nữa. Từ đó, mình như được tiếp sức rất nhiều để bước tiếp”, Ý nói.

Ý xin làm nhân viên pha chế với mức lương khá thấp, lại bị đồng nghiệp ăn hiếp. Những áp lực buổi ban đầu khiến Ý đôi lúc tự hỏi: Liệu lựa chọn bỏ ĐH, đi học nghề có đúng không? “Một người chị khuyên mình: Con đường thành công nào mà trải đầy hoa hồng, ĐH hay học nghề cũng thế thôi. Lời nói đó khiến mình thêm mạnh mẽ”, Ý cho biết.

Hiện tại, Ý đang làm pha chế chính tại một chuỗi quán nước giải khát ở thành phố Dĩ An (Bình Dương), trong môi trường năng động, tôn trọng sự sáng tạo và có định hướng rõ ràng.

Hằng ngày, Ý được giao chủ động tính toán pha chế, biến tấu với các nguyên liệu hiện có. Cô được tùy sức sáng tạo những loại siro riêng, giúp cửa hàng dễ bảo quản nguyên liệu và tạo điểm nhấn cho món nước uống.

Mỗi ngày, Ý làm 10 tiếng, những buổi quán tổ chức biểu diễn nhạc acoustic thì ở lại đến 15 tiếng. Dù vậy, Ý vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được nâng cao tay nghề, học hỏi thêm nhiều cái mới, trong đó có cách thức kinh doanh. Cô gái nhỏ vẫn đang tích cóp hằng ngày để có thể mở một cửa tiệm nhỏ bán nước uống và bánh ngọt cho riêng mình.

Thái Phương trong Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019. Ảnh: CTV
Thái Phương trong Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019. Ảnh: CTV

Chọn nghề vì học phí thấp

Năm 2019, Nguyễn Thái Phương (24 tuổi, Bình Dương), cựu sinh viên ngành kỹ thuật thoát và xử lý nước thải của Trường cao đẳng Kỹ nghệ 2, giành chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc tại Kỳ thi tay nghề thế giới, môn công nghệ nước.

Sau thành công, Phương được trường mời làm giảng viên và trở thành chuyên gia huấn luyện cho các thí sinh nghề công nghệ nước của VN chuẩn bị tham gia Kỳ thi tay nghề thế giới 2021.

Đó là quả ngọt sau quãng thời gian tôi luyện vất vả. Từng trúng tuyển Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Phương chuyển sang học trường nghề vì học phí rẻ hơn, khi ấy chỉ tốn 6,5 triệu/năm, bằng phân nửa so với học phí ĐH.

“Tôi có thể tự kiếm tiền lo khoản học phí này vì nhà còn đứa em nhỏ, ba thì bệnh không làm việc được, mẹ tất tả buôn gánh bán bưng. Chưa kể học trường nghề thời gian học ngắn, dễ có việc sau khi ra trường”, Phương nói.

Vừa học, Phương vừa đi giao hàng, chạy Grab... Có thời gian, cứ sáng sớm, Phương từ Bình Dương sang Q.9 (TP.HCM) đi học, khoảng 17h30 tan trường là chạy thẳng xuống Long An làm phụ hồ cho một công trình, tới 4h sáng mới xong, Phương về nhà rồi lại chuẩn bị đi học tiếp. “Mình con nhà nông, quen làm chân tay rồi”, Phương cười.

Những cố gắng trong học tập của Phương đã được đền đáp. Phương được các thầy cô đưa vào đội tuyển thi tay nghề môn công nghệ nước, khi đó Phương đã có một ít kinh nghiệm làm việc tại một công ty môi trường. Qua nhiều vòng thi trường, bộ, rồi quốc gia, Phương đại diện cho VN sang Nga tranh tài cùng các bạn quốc tế năm 2019.

Tham dự một cuộc thi tầm cỡ toàn cầu, Phương e ngại các đối thủ từ những nước có công nghệ tiên tiến. Đây cũng là năm đầu tiên VN thi môn công nghệ nước nên chưa có nhiều kinh nghiệm, các tư liệu, trang thiết bị cũng không nhiều.

“Có một cái máy do trường nhập về VN cho tôi ôn tập nhưng tới nơi thì chỉ được ngắm một cái rồi phải lên đường đi sang Nga do thời gian rất eo hẹp. Sang Nga, tôi phải mất thêm thời gian làm quen với những thiết bị quá mới với mình”, Phương kể. Nhưng đó là một kỳ thi thành công, Phương nhận được chứng chỉ xuất sắc.

Nguyễn Văn Hưng khi tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019. Ảnh: THIÊN TÔN
Nguyễn Văn Hưng khi tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019. Ảnh: THIÊN TÔN

Bỏ dở đại học chuyển sang trường nghề

Nguyễn Văn Hưng (22 tuổi, Hà Nội) hiện là sinh viên khoa điện Trường cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội. Năm 2019, Hưng nhận được chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc thế giới tại Kỳ thi tay nghề thế giới và là một trong 10 đại sứ kỹ năng nghề đầu tiên của VN.

Trước đó năm 2018, Hưng từng được sang Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) ôn luyện cùng đội Hàn Quốc trong một năm. Mỗi ngày, Hưng và các bạn phải giải quyết vô số bài tập luyện tay nghề từ 8h - 23h, có hôm đến 2h sáng. Áp lực làm việc là khủng khiếp vì ở VN có thể làm một bài từ 1 - 2 tuần, nhưng khi ở Hàn Quốc tất cả phải đều xong trong ngày.

“Nếu không làm được, tôi sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ ôn tập của cả đội nên càng phải cố gắng. Khi tôi sang Hàn Quốc đã trễ chương trình hơn các bạn ba tháng, nhưng chỉ một tháng cày cuốc, tôi đã bắt kịp các bạn, dẫu bị sụt hơn chục cân”, Hưng kể.

Cũng nhờ chuyến rèn luyện ở Hàn Quốc đó, Hưng biết được năng lực của bản thân ở đâu so với các đối thủ để tự tin khi bước vào tranh tài tại Nga. Dù đạt kết quả tốt, Hưng vẫn còn tiếc nuối vì nghĩ mình có thể làm tốt hơn để nâng cao thành tích.

Hiện tại, Hưng sắp tốt nghiệp. Nghĩ lại hành trình đã qua, Hưng vẫn nhớ như in bước ngoặt năm 2016 khi đang học học kỳ 1 khoa công nghệ thông tin ĐH Quốc gia Hà Nội thì bỏ học, chuyển sang trường nghề.

“Tôi phải suy nghĩ rất nhiều và cảm thấy môi trường học nhiều lý thuyết, không phù hợp với bản thân dù gia đình luôn khuyên bảo nên học tiếp ĐH. Tôi nghĩ, khi có cái nghề chắc chắn trong tay thì đi đâu cũng vững, không lo thất nghiệp”, Hưng tâm sự.■

Hơn 80% có việc làm sau tốt nghiệp

TS Trương Anh Dũng, tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH), cho biết tỉ lệ học sinh, sinh viên trường nghề có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt trên 80%, trong đó sinh viên cao đẳng ra trường có việc làm đạt 85%, trung cấp 80%.

Học sinh, sinh viên chưa có việc làm ngay phần lớn do tiếp tục học liên thông lên trình độ cao hơn. Ở một số trường có uy tín, tỉ lệ tốt nghiệp có việc làm đạt 100%.

Người thất nghiệp trở thành giám đốc công ty

Võ Tấn Lộc (30 tuổi, Long An) từng tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Đây là ngành thu hút nhiều bạn trẻ đăng ký nhưng khi ra trường tìm việc không dễ dàng. Lộc nhớ lại đã loanh quanh thành phố xin việc mất hơn nửa năm trời nhưng không công ty nào nhận.

Muốn chuyển ngành, Lộc thi lại ĐH và trúng tuyển vào ba trường: ĐH Văn Lang, ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và Trường cao đẳng Cao Thắng. Cuối cùng, Lộc chọn học ngành nhiệt điện lạnh tại Trường cao đẳng Cao Thắng. Năm 2005, Lộc được trường cử đi thực tập ở một cửa hàng điện lạnh tại Bình Dương và được giữ lại làm việc.

Sau 5 năm, tay nghề được nâng cao và tích cóp tiền bạc, được người quen giúp đỡ, Lộc mở Công ty TNHH cơ điện lạnh Tiến Lộc Tài. Khi đã thành công, Lộc thường xuyên nhận các sinh viên Trường cao đẳng Cao Thắng đến công ty thực tập và giao việc ngay khi ra trường.

"Học nghề, hãy thận trọng với hai tiếng "đam mê"!

HUY THỌ 28/09/2020 01:09 GMT+7

TTCT - Nổi tiếng trong thế giới pha chế đồ uống, là một bartender thành danh ở tầm mức quốc tế và nay đứng lớp dạy hàng ngàn học trò nhưng Phạm Đình Song chỉ có đúng một mảnh bằng lận lưng, đó là trung cấp quản lý nhà hàng…

Phạm Đình Song giới thiệu với các bartender quốc tế món cocktail Vietnamese breakfast.
Phạm Đình Song giới thiệu với các bartender quốc tế món cocktail Vietnamese breakfast.

Cách đây một tháng, Tuổi Trẻ cùng Tổng cục Dạy nghề cùng tổ chức tọa đàm về “Chọn trường nghề cho lối vào đời”. Hôm ấy, Phạm Đình Song tham dự. Anh kể chuyện đời, chuyện nghề của mình, nhưng kết thúc với một lời kêu gọi giới báo chí: “Các anh chị đừng tạo ra ảnh hưởng không hay cho giới trẻ khi quá đề cao hai tiếng ĐAM MÊ trong chuyện hướng nghiệp”.

Tôi tìm đến Pha chế Education - nơi Song mở lớp đào tạo nghề pha chế các loại thức uống được vài năm nay, cung cấp hàng ngàn nhân viên cho các chuỗi cà phê, quán bar, nhà hàng, khách sạn - cũng vì sự tò mò sau câu nói ấy.

Anh có vẻ dị ứng với hai từ ĐAM MÊ, có thể cho biết tại sao không?

- Tôi dân Hóc Môn. Ba tôi làm bảo vệ ở Bưu điện TP, mẹ ở nhà làm nội trợ. Khi tôi học cấp 3, ba mẹ tôi chỉ muốn con mình theo học ngành công an hoặc vào đại học để kiếm cái bằng kỹ sư. Nhưng hồi nhỏ, tôi chỉ mê âm nhạc, sát ngày thi tốt nghiệp THPT, tôi vẫn chưa biết mình sẽ học ngành nào, nghề gì.

Thế rồi, một người bạn thân rủ tôi đăng ký học nghề quản lý nhà hàng khách sạn ở Trường trung cấp nghề tư thục du lịch Khôi Việt. Bạn rủ nhưng đến ngày khai giảng lại bỏ, tôi một mình bơ vơ nhưng vẫn vào học vì tiếc tiền học phí đã đóng.

Không ngờ khi vào học thì lại thích, mà thích nhất là môn pha chế cocktail. Một khi đã thích, cộng thêm tinh thần khát khao tự lập, tôi lao vào tập luyện như điên, học ké, học lóm cả các anh chị khác trong trường.

Nhìn lại 2 năm học ấy, tôi rút ra một điều mà tôi cho là vô cùng quan trọng: vai trò của người thầy. Tôi nhớ như in lời thầy hiệu trưởng, cũng là chủ trường, thường nói “vào đây không chỉ học mà còn phải chơi. Em nào không chịu chơi thì mời ra”! Một đứa ham chơi như tôi mà gặp người thầy luôn bắt học và học suông thì chắc thua.

Sau này, tôi mới hiểu ý của thầy là những cuộc chơi như thi hiphop, thi thời trang, thi hoa hậu... trong trường là nhằm giúp học sinh khắc phục một điểm yếu của người Việt, đó là sự thiếu tự tin. Nói thật, gặp ai cũng rụt rè, nói năng lắp bắp, ăn mặc thì lè phè... thì khó mà làm việc được trong ngành du lịch, quản lý nhà hàng, khách sạn.

Nơi học tập được thầy thiết kế y như các nhà hàng, khách sạn, quán bar thứ thiệt chứ không làm cho lấy có như nhiều nơi khác. Một người thầy có tâm như thế chắc chắn sẽ nâng bước bạn lên trên con đường vào đời...

Cứ thế, tôi lao theo luyện và làm riết rồi mới đâm mê cái nghề này. Chứ nói thật, tôi tin là không ai đam mê một thứ mà mình chưa biết, chưa thật am hiểu về nó. Vì vậy, xã hội, truyền thông quá đề cao sự đam mê khi người trẻ còn chưa biết gì về lĩnh vực dự tính đi theo, theo tôi là một điều tai hại.

Một ngôi trường tốt, gặp được người thầy có tâm thì sẽ có nhiều học trò thích. Thích rồi thì những học trò có ý chí tự lập sẽ lao vào học, rèn luyện để tồn tại, để thể hiện bản thân; phải dăm bảy năm sau khi làm nghề, làm đến mệt phờ người mà không bỏ nghề, khi ấy thì người ta gọi là đam mê.

Phạm Đình Song được gọi là "ông thầy trẻ" với sự say mê nhiệt huyết trong lớp dạy pha chế của anh. (Ảnh: HT)

Giờ thì gia đình Song đã hài lòng?

- Thú thật là ba mẹ tôi giờ cũng không biết tôi đang làm gì. Những người lớn ở Hóc Môn mấy ai biết bartender, flair bartending, barista là gì, nên tôi cũng không nói nhiều về công việc của mình. Trong những ngày đi học nghề, tôi về nhà cứ ôm mấy cái chai tập tung hứng suốt, chỉ có mỗi bà ngoại ủng hộ - một sự ủng hộ vì tình thương cháu chứ không phải vì bà hiểu nghề này là gì.

Câu chuyện của gia đình là một vấn đề khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tiếp xúc với hàng ngàn học viên, tôi thấy đa số người Việt bảo bọc con quá kỹ. Có nhiều phụ huynh tìm tới tận trung tâm của tôi chỉ để xin tôi đừng bắt con họ dọn dẹp, vệ sinh quầy bar, ly tách...

Nếu ít được bảo bọc, quan tâm thì trong con mắt đa số người Việt là một sự bất hạnh; nhưng thà ít bảo bọc để con cái tự lập trong cuộc đời, có ích cho xã hội còn hơn là đưa cho xã hội một công tử bột, sống bám víu, không có chí lập thân.

Phạm Đình Song dạy trong lớp pha chế đồ uống tại Pha chế Education. Ảnh: H.T.
Phạm Đình Song dạy trong lớp pha chế đồ uống tại Pha chế Education. Ảnh: H.T.

Tôi xem trong bảng thông báo treo ở Pha chế Education thấy khá nhiều thông tin tuyển dụng nhân viên pha chế thức uống, một điều khá vui trong thời COVID-19 này. Tuy nhiên, mức lương có vẻ không hấp dẫn cho lắm khi chỉ bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng?

- Đó là lương cứng cho người mới, chưa tính các khoản thưởng, tip. Nhân đây, có một điều mà tôi vẫn thường khuyên các học viên là phải học cho giỏi tiếng Anh. Giữa hai người có tay nghề pha chế thức uống ngang nhau, người có tiếng Anh sẽ thu nhập cao hơn người không có tiếng Anh từ 4-5 triệu đồng/tháng.

Nghề này phải tự học rất nhiều, tài liệu chủ yếu là tiếng Anh. Tôi may cũng nhờ thầy hiệu trưởng trước đây của Khôi Việt khuyên nên đã lao đầu vào học tiếng Anh ngay từ đầu, nhờ đó mới tiến bộ được.

Cũng cần nói một điều là nghề pha chế khá khắc nghiệt, tuổi thọ nghề không dài, nên luôn phải tiếp tục đọc, nghiên cứu, tìm hiểu... Không thể xem bartender là nghề gắn bó suốt đời, nhưng nó là một bàn đạp tốt cho tương lai vì có nhiều hướng để lập thân lâu dài như đi dạy, mở quán, làm quản lý, thậm chí nếu rèn luyện quyết liệt sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực thức uống.

Phạm Đình Song (sau quầy, áo gillet nâu) phô diễn tài năng pha chế trước các đồng nghiệp quốc tế.
“Xã hội bây giờ đề cao tiền dữ quá. Lên mạng xã hội thấy toàn khoe vật chất, nhưng nội lực bản thân là gì thì không thấy. Chính vì chạy theo vật chất như thế đã khiến chúng ta có nhiều chuyện đáng buồn. Tôi chỉ xin nói trong lĩnh vực của mình, là giờ đây đi tìm một ngôi trường nghề lấy chuyện ra đời thành công của học viên làm trọng cũng hiếm, khi phần lớn chạy theo lợi nhuận, làm sao chi thật ít mà thu thật nhiều; một lớp dạy nghề lý tưởng chỉ chừng 10-12 học viên mới hiệu quả thì người ta nhồi nhét 20-25. Nhiều người thầy dạy nghề khoe khoang quảng cáo ghê lắm, nhưng tay nghề thì gần như không có gì”. (Phạm Đình Song)

Anh nói nhiều đến chuyện rèn luyện, vậy năng khiếu thì sao?

- Năng khiếu là cần, nhưng không đủ. Với tôi, rèn luyện vẫn là quan trọng nhất, đặc biệt là được rèn luyện trong môi trường tốt. Tôi may mắn khi chưa nhận bằng tốt nghiệp đã được nhận vào làm việc ở khách sạn 5 sao Caravelle - một cơ hội tuyệt vời. Hồi ấy tôi mới 19 tuổi, học chưa xong. Có 30 người ứng thí khi Caravelle tuyển, và 2 được chọn, trong đó có tôi.

Tôi biết chắc khả năng nghề của mình lúc ấy cũng như các ứng viên khác nên hỏi sếp vì sao tôi được chọn. Ông ấy cho biết là do tôi có phong cách và trang phục nghiêm túc, chỉn chu hôm ấy - một yếu tố quan trọng cho nghề này. Sau đó, tôi về làm quản lý cho một khách sạn 5 sao khác thuộc hệ thống Matriott lừng danh, cũng là một môi trường tuyệt vời để rèn luyện.

Mỗi “phù thủy bartender” đều có những món sáng tạo riêng để đưa tên tuổi mình lên, đặc biệt trong các kỳ thi quốc tế, với anh, món gì tâm đắc nhất?

- Đó là món cocktail Vietnamese breakfast, với hai thành phần chính là rượu cognac và cà phê pha phin kiểu Việt. Khi thuyết trình về món này, tôi giải thích về cội nguồn lịch sử của cây cà phê trên đất Việt Nam, quá trình nó trở thành một thức uống của đông đảo người Việt vào buổi sáng, nhưng theo một kiểu pha chế riêng, các gia vị người Việt cho vào cà phê khi rang, gồm cả chút nước mắm... với những thay đổi đầy sáng tạo. Và tôi tiếp tục con đường sáng tạo ấy theo cách riêng mình để khai sinh một món mới.

Những kiến thức của nghề pha chế thức uống rất rộng, với anh, nó đến từ đâu?

- Tôi chủ yếu tự học và đọc. Các món ăn, đồ uống đều có lịch sử, văn hóa sâu sắc thú vị của nó, hiểu biết những nền tảng ấy sẽ giúp anh pha chế và sáng tạo giỏi. Tôi cũng phải nghiên cứu về các chất hóa học, tương tác giữa các chất, độ oxy hóa... để trở thành chuyên gia về đồ uống. Muốn biết thì chỉ có đọc và học không ngừng. Và thế giới kiến thức ấy bây giờ là vô biên, sẵn có với Internet, sách vở.

Cảm ơn anh.■

Làng pha chế thức uống Việt Nam có 5 nhân vật được gọi là “phù thủy bartender”, gồm Lê Thanh Tùng, Phạm Tiến Tiếp, Đinh Quang Nam, Lê Xuân Trọng và Phạm Đình Song.

Phạm Đình Song sinh năm 1989 tại Hóc Môn, có một bộ sưu tập giải thưởng khủng: vô địch Việt Nam Barpro flair 2011, giải nhất Asia Mixologist and Flair 2012 tại Malaysia, giải nhất cuộc thi Asia competition 2014 và Asia Bacardi quick mix 2014 tổ chức tại Bangkok, vô địch pha chế nhanh nhất với kỷ lục 1 phút 20 giây cho 5 loại thức uống…

Anh đã đoạt giải quản lý bar chuyên nghiệp nhất trong hệ thống Marriott toàn cầu năm 2011. Năm 2018, Song làm giám khảo tại cuộc thi vô địch bartender thế giới tổ chức tại Hàn Quốc.

Phạm Đình Song làm Giám Khảo Vòng Chung Kết Cuộc thi Bartender Châu Á.

 

 

Bạn đang đọc trong chuyên đề "CHUYỆN HỌC NGHỀ"