Dặm cuối gian nan của vaccine covid-19

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Cuộc đua tìm vaccine ngừa COVID-19 đã bắt đầu gần như lập tức sau khi bản đồ gene của virus SARS-CoV-2 được công bố. Đó là một tiến trình vũ bão chưa có tiền lệ, và giờ đây một cuộc đua khác lại bắt đầu, không còn là trong phòng thí nghiệm nữa mà là chạy đua đưa thuốc ngừa đến với người cần. Thành bại giờ nằm ở dặm cuối trên hành trình vaccine đi từ nhà máy đến bắp tay của người dân khắp thế giới. Chặng cuối này mới lắm gian nan, bởi những cản vật không chỉ ở khâu bảo quản, vận chuyển thuốc ngừa

Kẻ chống, người do dự, hậu quả dành cho ai?

LÊ MY 25/12/2020 23:10 GMT+7

TTCT - Vaccine COVID-19 chắc chắn sẽ đi vào sử sách như một thành tựu khoa học rực rỡ của loài người. Nhưng chúng ta hãy luôn chuẩn bị đón nhận sự bùng nổ của những điều phi lý, khi mà nhiều người - hoặc muốn phản đối, hoặc muốn phá hoại - đang lan truyền những thông điệp chống lại vaccine.

Thế giới vừa tiến một bước gần hơn đến ngày tàn của “bóng ma” SARS-CoV-2 khi Vương quốc Anh trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện tiêm chủng đại trà vaccine của Hãng Pfizer/BioNTech. Một cột mốc quan trọng giữa đại dịch: lúc 6h31 sáng theo giờ địa phương, hôm 8-12 bà Margaret Keenan, người vừa đón sinh nhật lần thứ 91, là công dân Anh đầu tiên nhận mũi tiêm thứ nhất trong số hai liều.

Tuy nhiên, làn sóng những người chống vaccine (anti-vaxxer), trên đường phố và cả trên mạng, có thể là mối đe dọa chết người đối với nước Anh và toàn thế giới.

Ít nhất 7,8 triệu người đã đăng ký theo dõi các tài khoản mạng xã hội của nhóm anti-vaxxer kể từ năm 2019, tạp chí The Lancet trích báo cáo của Trung tâm Đối phó sự căm ghét (trên) kỹ thuật số (CCDH) ở Anh hồi tháng 10. CCDH cảnh báo rằng phong trào chống vaccine ngày càng lớn mạnh thì việc triển khai bất kỳ loại vaccine nào trong tương lai chống lại COVID-19 sẽ càng suy yếu.

Biểu tình chống vaccine. Ảnh: khn.org

Kẻ bài xích

Tin tức về vaccine Pfizer/BioNTech cũng đã không tránh khỏi bàn phím của các anti-vaxxer. Họ cố làm mất uy tín của vaccine này trên mạng xã hội chỉ vài giờ sau khi những thông tin đầy hứa hẹn được công bố.

Một bức ảnh chụp những vết loét màu tím và đỏ, đôi chân sưng tấy và mưng mủ được chia sẻ hàng ngàn lần trên Instagram, Twitter và Facebook chỉ trong vòng một ngày, với dòng chú thích: “Đây được cho là của người tham gia thử nghiệm [vaccine] … sẵn sàng xắn tay áo của bạn lên chứ?”

Theo BBC, đôi chân kia thuộc về Patricia, một phụ nữ ngoài 30 sống ở Texas (Mỹ). Cô ấy quả là có tham gia thử nghiệm vaccine Pfizer/BioNTech. Nhưng còn một sự thật nữa, “tình cờ” không được nêu trong bức ảnh lan truyền trên mạng: Patricia chưa bao giờ được tiêm vaccine thật mà chỉ được chích giả dược là dung dịch nước muối. Như vậy, đôi chân của cô không liên quan gì đến việc tiêm thuốc, nhưng không gì ngăn được lực lượng chống vaccine vặn vẹo câu chuyện của Patricia để thu hút khán giả.

Trước đó, trên mạng cũng đã đầy rẫy các video đổ lỗi cho những ông lớn trong ngành dược phẩm, tỉ phú Bill Gates và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã âm mưu tạo ra đại dịch (không có bằng chứng), hay những bức ảnh chế tràn lan khắp mạng xã hội cho rằng vaccine có thể làm biến đổi ADN của chúng ta (không chính xác) hay nhằm đưa các con chip vào cơ thể người (chưa có công nghệ này), và vô số tin tức giả khác.

Và cũng không ngạc nhiên khi tên tuổi trong làng chống vaccine Andrew Wakefield lại nổi lên để khẳng định COVID-19 “không nguy hiểm đến tính mạng hơn bệnh cúm mùa” và số ca tử vong đã bị “phóng đại rất nhiều”. Báo The Guardian phải nhắc lại: Wakefield đã bị loại khỏi danh sách các bác sĩ được công nhận của Anh vào năm 2010, và bị “cạch mặt” vì nghiên cứu đầy gian lận của ông về mối quan hệ giữa vaccine sởi - quai bị - rubella (MMR) với chứng tự kỷ.

Theo khảo sát về khả năng chấp nhận vaccine COVID-19 thực hiện với 13.426 người ở 19 quốc gia vừa công bố trên Nature vào tháng 10, 71,5% người tham gia cho biết sẽ sử dụng loại vaccine “đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả”, trong khi 14% sẽ từ chối thẳng thừng. Thêm 14% cho biết họ sẽ do dự về việc tiêm vaccine. Phổ khác biệt về mức độ chấp nhận vaccine khá rộng, từ gần 90% ở Trung Quốc đến dưới 55% ở Nga. 

Người lung lay

Tuy nhiên, điều thực sự khiến các chuyên gia y tế công cộng thao thức mỗi đêm không phải là số người cho rằng Bill Gates muốn tiêm vào họ những con chip vô hình, mà chính là những người còn đang do dự. Sự do dự về vaccine (vaccine hesitancy) là sự trì hoãn hoặc từ chối tiêm chủng, được WHO hồi năm ngoái nhấn mạnh là mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe, cùng với Ebola và nguy cơ đại dịch cúm toàn cầu (không ngờ virus corona đã đến thế chỗ).

Nina, 21 tuổi, sống ở London (Anh) với người bà 82 tuổi, nói với BBC rằng cô có “cảm xúc lẫn lộn” về vaccine COVID và vẫn chưa chắc chắn liệu chính mình có chấp nhận đi tiêm trong tương lai hay không. “Rõ ràng là giống như mọi người, tôi muốn con virus này biến mất càng nhanh càng tốt - Nina nói - Nhưng đồng thời, tôi không chắc mình tin tưởng vào vaccine đến mức nào, vì nó diễn ra quá nhanh”. Lượng thông tin xung quanh Nina gây thêm khó khăn trong việc thấu hiểu các vấn đề khoa học đằng sau vaccine.

Đám đông do dự chính là những người có thể dễ dàng bị lung lay bởi thông tin mà bạn bè của họ đăng trên Facebook, là những người muốn chờ xem điều gì sẽ xảy ra với những ca đã tiêm vaccine. Theo cây bút Gaby Hinsliff của The Guardian, đó có thể là những người đàn ông lớn tuổi, thường thuộc dân tộc thiểu số, vốn đã cảnh giác với việc đi khám bệnh và tiêm chủng, cũng có thể là những phụ nữ có trình độ đại học, chăm đọc tin tức và tự hào vì họ tự nghiên cứu thông tin.

Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature vào tháng 5, Neil Johnson thuộc ĐH George Washington (Mỹ) và nhóm của ông đã cho rằng phong trào chống tiêm chủng phải chịu nhiều trách nhiệm cho tình trạng do dự vaccine.

Khi so sánh với nhóm ủng hộ, thông điệp của anti-vaxxer đa dạng hơn, dễ gây xúc động và thường có sức thuyết phục, và họ giỏi truyền bá những thông điệp đó ra bên ngoài nhóm hơn, từ đó tiếp cận nhiều người hơn. Theo một bài báo sắp xuất bản của Johnson mà NBC News tiếp cận được, tác giả cho biết có sự gia tăng kết nối giữa các cộng đồng “không liên quan” hoặc “chưa quyết định” về vaccine (tỉ như hội yêu thú cưng, nhóm phụ huynh hay người hâm mộ yoga) với phong trào chống tiêm chủng.

Ngay cả khi các mạng xã hội đã ra sức loại bỏ một số nội dung cực đoan nhất, Heidi Larson, giám đốc Dự án Niềm tin vaccine (Anh), cho rằng rất khó để giám sát các nội dung mập mờ, hoặc được đăng tải bởi những tổ chức mang tên vô thưởng vô phạt, hoặc ngăn họ chuyển sang nền tảng khác. Các cá nhân và hội nhóm chống lại hay hoài nghi vaccine đang tích cực tìm kiếm những người còn thắc mắc và do dự, và họ ở đó chờ đợi để nói: “Bạn nói đúng, bạn có lý do chính đáng để lo lắng, đúng là (vaccine) có vấn đề”.

Biểu tình chống vaccine ở bang California (Mỹ) vào tháng 5-2020. Ảnh: Getty Images

Cả cộng đồng lãnh đủ

Tiêm phòng không chỉ trực tiếp bảo vệ bạn khỏi virus corona, mà còn gián tiếp bảo vệ những người không thể tiêm vaccine (có thể vì họ không đủ sức khỏe). Khi một tỉ lệ dân số (đã được tính toán) được chủng ngừa, virus sẽ khó lây lan trong cộng đồng.

Theo tính toán của các chuyên gia WHO, một loại vaccine có hiệu quả ngừa bệnh hơn 90% (như vaccine Pfizer theo công bố của hãng dược này) sẽ yêu cầu khoảng 60-70% dân số được tiêm chủng để đạt khả năng đó, hay còn gọi là miễn dịch cộng đồng.

Khả năng thành công của vaccine COVID-19 sau khi triển khai ở Anh ra sao? Theo The Lancet, cứ 6 người Anh thì có 1 người cho biết khó đồng ý tiêm vaccine COVID-19, và một tỉ lệ tương tự vẫn còn do dự. Điều này có một ngụ ý đáng lo: một phần ba nước Anh không tin rằng họ sẽ tiêm vaccine. Đây là kết quả của một cuộc khảo sát do CCDH ủy quyền, thực hiện trên 1.663 người, trong đó những cá nhân cập nhật thông tin về đại dịch qua mạng xã hội thì thường do dự hơn. Tỉ lệ 1:6 lặp lại trong cuộc thăm dò do Savanta ComRes tiến hành cuối tháng 11. Theo đó, 16% trong tổng số 2.090 người Anh được hỏi nói rằng họ không tin tưởng dù vaccine được phê duyệt sử dụng.

Có vẻ như “thiên thời, địa lợi, nhưng nhân… chưa hòa” về vấn đề vaccine là điều đang xảy ra ở nước Anh và cả thế giới nói chung. Phong trào chống vaccine có khả năng làm cho tình hình khó khăn hơn.

Tiến sĩ Paul Goepfert, giáo sư y khoa và vi sinh vật học tại ĐH Alabama (Mỹ), lạc quan nói với NBC News rằng COVID-19 vốn có thể dễ dàng được kiểm soát hơn so với bệnh sởi thông qua tiêm chủng đại trà. Với bệnh sởi, chúng ta cũng có vaccine hiệu quả 90%, nhưng 12-14 người có thể bị lây bệnh từ một ca sởi nếu không có miễn dịch cộng đồng, vì vậy cần phải bảo vệ 90% dân số. “May mắn thay, COVID không kinh khủng đến thế - một ca bệnh thường chỉ lây cho 2-3 người, vì vậy với vaccine có hiệu quả 90%, bạn không cần phải tiêm phòng cho tất cả mọi người” - ông giải thích.

Vì hiệu quả của vaccine phụ thuộc vào một tỉ lệ lớn dân số được tiêm chủng, các chính phủ nên sớm bắt đầu gửi đi những thông điệp tích cực, để ngay cả những người đang do dự về vaccine có thể thấy rằng quyết định của họ có ý nghĩa quan trọng để tạo nên miễn dịch cộng đồng.■

Lại nhắc về nghiên cứu bài xích vaccine MMR của Andrew Wakefield, tác động của nó vẫn tiếp diễn đến hôm nay, và là một bài học từ quá khứ. Năm 2018, Anh đánh mất công nhận “loại trừ bệnh sởi” của WHO, khi tỉ lệ tiêm chủng giảm 5 năm liên tiếp, ở mức 90% vào năm 2019 (thấp hơn yêu cầu của WHO là 95% trẻ). Số ca sởi và quai bị ở thanh thiếu niên đã tăng lên sau khi các phụ huynh - vì sợ hãi trước thông tin của Wakefield nên đã không tiêm phòng cho con họ. 


Hạn chót điên rồ và vaccine thần tốc

YÊN LAM 24/12/2020 23:00 GMT+7

Bằng cách nào mà Hãng Pfizer (Mỹ) và Công ty công nghệ sinh học BioNTech (Đức) chỉ mất chưa đầy một năm là có thể nghiên cứu, sản xuất và triển khai vaccine ngừa COVID-19 bằng công nghệ mRNA, trong khi thông lệ thường là vài năm đến cả chục năm?

 

Đứng sau hành trình ly kỳ của vaccine mRNA vừa được tiêm ở Anh và sắp tới sẽ là Mỹ là một vị giám đốc điều hành (CEO) luôn thúc giục nhân viên cố gắng vượt sức mình, phá vỡ mọi giới hạn bằng cách đề ra những hạn chót điên rồ để công việc hoàn thành nhanh nhất và tốt nhất có thể, theo phóng sự ngày 11-12 của báo Wall Street Journal (WSJ).

Nhiều hơn và sớm hơn

Đó là một ngày tháng 6 ấm áp khi Albert Bourla, người giữ chức CEO của Pfizer từ năm ngoái, tham gia cuộc họp hai tuần một lần với nhóm phụ trách dự án vaccine mRNA. Vị CEO yêu cầu phải tăng năng lực sản xuất lên ít nhất 10 lần. “Tại sao không thể làm ra nhiều hơn và sớm hơn?” - ông nói.

Mike McDermott, giám đốc phụ trách mạng lưới sản xuất toàn cầu của Pfizer, không đồng tình với sếp khi nhóm của ông vốn đã phải làm việc như điên. McDermott nói thẳng: “Những gì chúng tôi đang làm đã là điều kỳ diệu rồi. Ông đang đòi hỏi quá đáng”.

Nhưng Bourla là kiểu CEO luôn thúc giục nhân viên phải luôn vượt qua giới hạn hay mục tiêu bản thân. Chương trình phát triển vaccine nhanh nhất trong lịch sử trước đây (ngừa quai bị) cũng mất 4 năm. Bourla đã yêu cầu đội ngũ phải rút thời gian xuống còn 1 năm, và đội ngũ của ông đã làm được. Thành công này một phần là nhờ Bourla đồng ý cùng BioNTech đặt cược vào công nghệ gene (xem thêm bài Khi thông tin thành vaccine, TTCT số 47-2020).

Không giống như việc bào chế vaccine trong ống nghiệm vốn mất hàng tháng, thiết kế vaccine mRNA nhanh hơn rất nhiều, dựa trên nguyên tắc thiết kế một đoạn gene giả làm protein gai trên bề mặt của con virus; khi đưa thông tin này vào tế bào, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể để chống lại. BioNTech dùng phần mềm thiết kế các đoạn gene giả khác nhau, làm thành “vaccine ứng viên” trong nội bộ nghiên cứu, trước khi kiểm nghiệm, lựa chọn ra sản phẩm đạt chuẩn cuối cùng.

Ngày 25-1, CEO của BioNTech là Ugur Sahin đã tự tạo ra 10 vaccine ứng viên, còn nhóm nghiên cứu của ông tạo thêm 10 phiên bản khác nữa. Với 20 vaccine tiềm năng, nhóm nghiên cứu báo cáo với CEO Bourla trong một cuộc họp giữa tháng 3-2020 là 9 tháng sau mới có vaccine cuối cùng, ông đã gạt ngay: “Làm thế không được. Người ta đang chết ngoài kia”. Bourla đặt ra hạn chót mới là trước tháng 10, khi làn sóng dịch bệnh thứ hai dự kiến đạt đỉnh, và phải sản xuất được 100 triệu liều, tức là đủ cho 50 triệu người, trước khi hết năm.

Chọn 1 trong 20

Để kịp tiến độ, phải thử hết 20 vaccine ứng viên và chọn ra cái cuối cùng trong vòng 6 tháng. Quy trình kiểm tra vaccine thông thường luôn có 3 giai đoạn, trong đó đầu tiên phải thử trên một nhóm giới hạn để kiểm tra tính an toàn. Các nhà nghiên cứu đốt cháy giai đoạn bằng cách thử nghiệm nhiều phiên bản cùng lúc, thực hiện gộp giai đoạn 2 và 3.

Nhờ thế, đến 12-4 các nhà khoa học đã loại được 16/20 vaccine ứng viên. Chỉ còn lại 4 ứng viên, nhưng vấn đề không vì thế mà đơn giản hơn. Lẽ thường phải mất vài năm thử nghiệm trên động vật trước khi chuyển sang con người, nhưng Pfizer và BioNTech đâu có nhiều thời gian đến thế. Họ vẫn thử nghiệm trên khỉ nhưng tiến hành song song với trên người.

Ngày 23-4, họ tiêm 4 vaccine ứng viên trên một nhóm nhỏ tình nguyện viên ở Đức. Chỉ trong 2 ngày, nhiều tình nguyện viên được tiêm 2 trong số 4 vaccine bắt đầu sốt và ớn lạnh, dấu hiệu vaccine không tương thích. Pfizer và BioNTech mang 2 vaccine ứng viên còn lại sang Mỹ thử nghiệm. Sự khác biệt giữa hai phiên bản vaccine cuối cùng này là việc chúng hướng dẫn tế bào trong cơ thể tạo ra một phần (partial spike) hay toàn bộ (full spike) protein bề mặt giống protein gai của virus SARS-CoV-2.

Sau nhiều thử nghiệm với các liều lượng khác nhau, các nhà nghiên cứu kết luận phiên bản nào cũng cần chích 2 liều mới đạt miễn dịch tối đa. Ngày 7-6, nhóm nghiên cứu thông báo kết quả ban đầu rằng phiên bản tạo ra một phần protein gai (từ giờ gọi là vaccine 1) giúp người được tiêm tạo kháng thể - cho tiến sĩ Kathrin Jansen, người phụ trách mảng nghiên cứu vaccine của Pfizer, và gửi báo cáo hoàn chỉnh vào ngày 1-7. Phiên bản còn lại (vaccine 2) phải vài tuần sau đó mới hoàn tất thử nghiệm. Khi không có kết quả của cả 2 phiên bản vaccine cùng lúc, Pfizer và BioNTech không thể chắc nên đưa loại nào vào thử nghiệm giai đoạn cuối - mấu chốt để cơ quan y tế có cấp phép cho vaccine đó hay không.

Đến ngày 23-7, đã có kết quả. Vaccine 2 tạo miễn dịch mạnh giống vaccine 1, song các tình nguyện viên đã tiêm ít bị sốt và ớn lạnh hơn so với vaccine 1, nghĩa là cơ thể dung nạp vaccine 2 tốt hơn. Chọn 1 hay 2 lúc này vẫn là quyết định khó khăn vì khác biệt rất ít. Một ngày sau, Pfizer và BioNTech thống nhất chọn vaccine 2.

 Sau khi Vương quốc Anh “mở màn”, đến lượt Mỹ và Canada cùng khởi động chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng vào ngày 14-12. Tại Mỹ, gần 3 triệu liều vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech được vận chuyển đi khắp cả nước, trong lúc các bệnh viện khẩn trương xây dựng điểm tiêm chủng. Theo New York Times, điểm tiêm vaccine đầu tiên của Mỹ đặt tại Queens (thành phố New York). Trong khi đó, Canada cũng dựng 14 điểm phân phối khắp cả nước để nhận vaccine Pfizer/BioNTech chuyển từ Bỉ về. Lô vaccine đầu tiên sẽ ưu tiên cho người cao tuổi và nhân viên y tế tại các nhà dưỡng lão ở Quebec và Toronto.

Chi bộn cho sản xuất

Trong lúc nhóm nghiên cứu tập trung lựa chọn vaccine, nhóm sản xuất của Pfizer cũng bắt đầu kết hợp với BioNTech để chuẩn bị vật tư sản xuất vaccine, sẵn sàng cho cả khâu thử nghiệm cuối cùng lẫn việc triển khai thực tế vì, một lần nữa, họ không có thời gian.

Vấn đề là Pfizer không có thiết bị để chế tạo vaccine mRNA, vốn đòi hỏi một quy trình sản xuất mới. Từ tháng 3, McDermott chi tổng cộng 500 triệu USD từ ngân sách của Pfizer, thay vì nhận hỗ trợ từ FDA, để mua thiết bị, gấp đôi số tiền dự kiến. Pfizer cải tạo một nhà máy ở Andover (bang Massachusetts, Mỹ) để làm mRNA, và giao một nhà máy ở St. Louis (bang Missouri) làm nguyên liệu thô cho các liều vaccine. Công ty cũng mua 6 cỗ máy to bằng gara để vừa một chiếc xe hơi để “bọc” vaccine vào lớp vỏ lipid - nếu không có phần bảo vệ này phần mRNA sẽ vỡ trên đường đến tế bào. Mỗi chiếc máy ngốn của Pfizer 200 triệu USD.

Mọi thứ đang ổn cho đến ngày 30-6, khi các nhà quản lý ở Mỹ và châu Âu yêu cầu kiểm nghiệm giai đoạn cuối với quy mô lớn: 30.000 người thay vì 8.000 như dự tính ban đầu. Điều này có nghĩa Pfizer và BioNTech phải sản xuất gấp 3 số lượng so với dự kiến trong vòng vài tuần. Ngoài ra, thời điểm này nhóm nghiên cứu chưa quyết chọn vaccine 1 hay 2. Nên nhóm sản xuất của McDermott phải sản xuất đủ vật tư cho cả 2 phiên bản. Mọi thứ rồi cũng giải quyết ổn. Nhà máy ở Bỉ làm việc vượt năng suất, sắm thêm một máy bọc vỏ lipid. Tất cả tốn thêm 10 triệu USD.

Cơn đau đầu cuối cùng của McDermott là khi nhóm nghiên cứu chốt phương án vaccine 2, trái với dự đoán của họ là vaccine 1. Phiên bản được chọn cần liều lớn hơn, và sếp Pfizer muốn có 100 triệu liều ngay trong năm nay. McDermott xin giảm xuống còn 80 triệu, nhưng Bourla bác bỏ, chỉ nói: “Hãy tìm cách đi”.

Những thử thách cuối cùng

Đến cả giai đoạn thử nghiệm cuối cùng (bắt đầu vào 27-7), thách thức vẫn chưa từ bỏ Pfizer khi tỉ lệ lây nhiễm ở những nơi họ chọn tình nguyện viên tiêm vaccine lại giảm, khiến số người nhiễm bệnh vẫn ít hơn dự kiến để có thể đánh giá tính hiệu quả của vaccine.

Phải mất thêm thời gian thay đổi địa điểm, tuyển thêm tình nguyện viên, chờ đợi kết quả để đến được quả ngọt cuối cùng vào đầu tháng 11: vaccine của Pfizer hiệu quả hơn 90%. Ngày 12-12, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho phép sử dụng vaccine này trong trường hợp khẩn cấp.

Thực tế Pfizer đã bắt đầu sản xuất các liều vaccine tại nhà máy ở Bỉ từ cuối tháng 9 và các nhà máy khác vào tháng 10. Ngày 9-11, Pfizer tuyên bố có thể sản xuất 50 triệu liều trong năm nay, chỉ bằng 1 nửa so với yêu cầu của Bourla. Nhưng CEO Bourla vẫn lạc quan và hài lòng vì sự cương quyết của mình rốt cuộc cũng dẫn đến thành tựu.

Cần nhớ khi mới xảy ra dịch, giới y tế Mỹ e dè dự báo đến 2021 mới có vaccine, còn các nhà nghiên cứu của Pfizer ban đầu cũng dự kiến sớm nhất phải giữa năm sau. ■

Nhanh hơn nữa được không?

Vaccine mRNA-1273 của Hãng Moderna cũng hoàn tất thiết kế trong tháng 1-2020, nhưng phải nhiều tháng sau mới hoàn tất thử nghiệm giai đoạn ba và công bố đạt hiệu quả 94,5% hôm 16-11.

Dù vaccine của Pfizer/BioNTech và Moderna đều phát triển với tiến độ thần tốc, nhưng khi những người đầu tiên trên thế giới được tiêm vaccine này (ở Anh hôm 9-12) cũng là lúc số ca nhiễm trên toàn thế giới vượt mốc 70 triệu người, và số tử vong là hơn 1,5 triệu người. Vì sao không thể triển khai vaccine sớm hơn?

Viết trên New York Magazine hôm 7-12, tác giả David Wallace-Wells lưu ý rằng việc các vaccine được cấp phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp là quyết định dựa trên dữ liệu thử nghiệm sơ bộ, không tính đến tác dụng bảo vệ lâu dài của vaccine, thậm chí là không đo được tác động của nó lên việc lây lan dịch bệnh. Quyết định đưa ra chỉ dựa vào việc vaccine đó bảo vệ con người trước căn bệnh đến mức nào.

Lịch sử cho thấy vaccine không an toàn, như vaccine sốt bại liệt khiến 10 người chết và 200 người bại liệt vào năm 1955, có thể gây thảm họa y tế và phản kháng từ lĩnh vực y tế cộng đồng. Một vaccine không hiệu quả lại có thể dẫn đến tình trạng “an tâm giả” cho những người được tiêm, từ đó khiến dịch lây lan thêm vì cộng đồng nghĩ rằng việc đã tiêm vaccine chính là “giấy thông hành” để họ trở lại các hoạt động thiếu trách nhiệm trong thời dịch như tiệc tùng hay không đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, Wallace-Wells cho biết đã phỏng vấn nhiều nhà khoa học, và họ cho rằng có thể thay đổi “truyền thống” - làm nhanh hơn nhưng không có nghĩa là bất cẩn hơn, để nhân loại không phải khốn đốn vì một đại dịch khác sau COVID-19. Mấu chốt là làm sao tăng tốc hoặc bỏ luôn giai đoạn 1 - giai đoạn kiểm tra tính an toàn của vaccine. Cụ thể, các nhà khoa học này tin rằng việc thực hiện toàn bộ các khâu nghiên cứu, phát triển, kiểm nghiệm tiền lâm sàng và thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 với các bệnh truyền nhiễm ngay cả trước khi các chủng virus mới xuất hiện là khả thi; giống như cứ làm ra và để sẵn vaccine trên kệ, khi cần là có dùng ngay.

Việc này có thể thực hiện với ít nhất 90% các bệnh lây do virus, và có thể học cách giới khoa học đang làm với vaccine cúm mùa. Khi đã biết họ virus gây bệnh, với các chủng virus tương tự nhau, các nhà khoa học không chỉ tạo ra vaccine cho toàn bộ các chủng virus đó mà còn làm luôn cả loại vaccine có thể dễ dàng chỉnh sửa để đáp ứng với các biến chủng mới trong họ virus đó.

Trong một bài báo xuất bản trên tạp chí Cell, Florian Krammer, nhà khoa học vaccine thuộc hệ thống Bệnh viện Mount Sinai, cho biết cả 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng đều có thể được thực hiện trước khi xảy ra dịch, đặc biệt là với các chủng virus đã biết. Theo Krammer, để tìm kiếm khả năng sinh miễn dịch ta thậm chí không cần phải phát triển vaccine; chỉ cần tạo ra kháng nguyên trong phòng thí nghiệm và kiểm tra nó. Nếu cần thiết thực hiện giai đoạn 3, có thể bắt đầu chỉ vài tuần sau khi xác định được bệnh và có kết quả trong vòng mười tuần.

Nếu làm được điều này, toàn bộ tiến trình phát triển vaccine sẽ được “nén” xuống còn 3 tháng. 3 tháng tính từ lúc Moderna thiết kế xong vaccine là ngày 13-4. Lúc đó chưa có các đợt bùng phát thứ 2 và thứ 3, và chưa có 225.000 ca tử vong và 50 triệu ca nhiễm ở Mỹ.


Bài ca muôn thuở của giới bài vaccine

PHAN BẢO 24/12/2020 23:00 GMT+7

Những người tẩy chay việc tiêm vaccine ngày nay vẫn vin vào những luận điểm mà thế hệ cách họ 135 năm đã dùng.

Tranh "bài vaccine" của James Gillray vẽ năm 1802, mô tả cảnh bác sĩ Edward Jenner, người tạo ra vaccine ngừa bệnh đậu mùa, tiêm vaccine cho một người phụ nữ đang hoảng sợ và bò "mọc" ra từ khắp cơ thể những người khác.

Viết trên The Conversation,nhà nghiên cứu lịch sử y học Paula Larsson kể lại phong trào bài vaccine trong trận dịch đậu mùa năm 1885 ở Montréal (Canada), cho thấy những người không tin vào tiêm ngừa ngày nay đã soạn lại bổn cũ có từ cách đây hơn một thế kỷ.

Theo Larsson, những người tẩy chay tiêm chủng thời dịch đậu mùa năm 1885 và COVID-19 thời nay vẫn luôn dựa vào những lập luận không mới và ít thay đổi theo thời gian. Bác sĩ Alexander M. Ross, một trong những người dẫn đầu phong trào chống tiêm chủng lúc bấy giờ, đã tổng hợp các luận điểm đó thành một quyển sách mỏng, lưu hành rộng rãi giữa những người đồng “chí hướng”.

Tối thiểu hóa sự đe dọa

Phương thức đầu tiên mà Ross sử dụng trong chiến lược của ông là coi nhẹ đến mức tối đa sự nguy hiểm của căn bệnh. Ross và các cộng sự không ngần ngại bác bỏ hiểm nguy từ bệnh đậu mùa, cho rằng bệnh này chỉ là mối đe dọa nhỏ đối với dân số, bất chấp căn bệnh này có tỉ lệ tử vong lên đến 30-40% và khả năng lây lan cực cao.

Ross chỉ trích các quan chức y tế và bác sĩ đã tạo nên “sự hoảng sợ vô nghĩa” về dịch bệnh. Ông cho rằng thực tế bệnh đậu mùa không phải là dịch bệnh và thành phố có “rất ít ca bệnh”. Trong khi đó, 9.600 ca nhiễm với 3.234 trường hợp tử vong - chiếm gần 2% dân số Montréal - đã được ghi nhận vào thời điểm đó. Ngoài ra, thêm 10.000 trường hợp được ghi nhận ở Québec, và các nhà sử học tin rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

“Tối thiểu hóa” mức đe dọa cũng là một chiến thuật phổ biến trong các cuộc tranh luận đương thời về tiêm chủng. Nhiều người ủng hộ việc chống tiêm chủng cho rằng vaccine còn nguy hiểm hơn dịch bệnh.

“Vaccine không xi-nhê, có khi phản tác dụng”

Nếu ngày nay, những người anti vaccine thường vin vào những lập luận sai bét rằng vaccine gây ra chứng tự kỷ, những quan điểm ngày xưa lại xoay quanh các cáo buộc về việc bị nhiễm trùng từ vaccine đậu mùa. Không chỉ vaccine đậu mùa, những người tẩy chay tiêm chủng trước đây cho rằng tiêm vaccine nói chung gây ra nhiều loại bệnh, từ bệnh đậu mùa, giang mai, đến thương hàn, lao, tả và “nhiễm độc máu”.

Những cáo buộc này không phải lúc nào cũng vô căn cứ, nhưng chúng luôn phóng đại các rủi ro. Thực tế đúng là đã xảy ra một số trường hợp lây bệnh thứ phát do quá trình thực hành tiêm chủng kém. Một số bác sĩ đã sử dụng cùng một dụng cụ để tiêm cho cả dòng người, hoặc sử dụng vaccine được điều chế từ virus đậu mùa ở người chứ không phải từ virus đậu mùa ở bò. Một số trường hợp hiếm hoi lây truyền bệnh thứ phát là do không vệ sinh vô trùng giữa các ca mổ hoặc sử dụng vaccine được điều chế từ người bị bệnh.

Từ những trường hợp lây bệnh này, một số quy định đầu tiên về quá trình chuẩn bị và quản lý vaccine đã được hình thành, đồng thời cộng đồng y tế trở nên quan tâm sâu sắc về tính an toàn của vaccine - một mối quan tâm vẫn tiếp tục là cơ sở chính cho việc sản xuất vaccine cho đến ngày nay.

Cuốn sách mỏng của Ross cũng khẳng định chắc nịch rằng báo chí và ngành y muốn kiếm chác bằng cách khơi dậy nỗi sợ hãi của mọi người. Quả thật, dịch bệnh hiện nay đang tạo ra cả cơ hội việc làm và cơ hội nghiên cứu trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, cơ hội việc làm này lại bị mô tả như một sự bóc lột người nghèo một cách phi đạo đức để làm giàu cho ngành y, chứ không phải một sự nỗ lực cứu lấy hàng ngàn người khỏi đau khổ và cái chết.

Hợp thức hóa luận điểm

Chiêu bài cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là kêu gọi những người có tiếng nói giúp hợp thức hóa quan điểm chống tiêm chủng. Andrew Wakefield là một ví dụ.

Một trong những đối tượng mà những người anti vaccine vẫn luôn tìm đến như một truyền thống, đó là các “chuyên gia”. Vào thế kỷ 19, các cuộc tranh luận về tiêm chủng thường có sự tham gia của một nhóm nhỏ gồm những người trong ngành y lên tiếng chống lại việc tiêm chủng, gọi đó là một hành vi “bẩn thỉu” và “xấu xa”. Mặc dù lập luận của họ bị nhiều người trong cộng đồng y tế bác bỏ, nhưng những người tẩy chay tiêm chủng vẫn xem họ như những người có thẩm quyền đưa ra “bằng chứng” cần thiết trong bối cảnh đó.

Trong trận dịch đậu mùa năm 1885 ở Montréal, khi các quan chức y tế công cộng đang tìm cách mở rộng phạm vi tiêm chủng, Ross đã lợi dụng việc mọi người muốn tăng cường các biện pháp bảo vệ sức khỏe nhằm đạt được quyền lực, sự nổi tiếng bất chấp và danh vọng cá nhân. Ông tự tô vẽ mình thành người hùng trong câu chuyện của chính ông, rằng ông là “bác sĩ duy nhất, người dám nghi ngờ sự đề cao việc tiêm vaccine”. Mặc dù vậy, người ta phát hiện ra Ross đã đi tiêm ngừa trong trận dịch - một sự thật đã được các tờ báo lớn hân hoan đưa tin vào thời điểm đó. ■

Việt Nam sẽ hỗ trợ giá vaccine nội địa ngừa COVID-19

LAN ANH 24/12/2020 22:10 GMT+7

TTCT - Do đây là dự án được Chính phủ đặt hàng nghiên cứu nên sẽ có chính sách hỗ trợ giá cho người được tiêm.

Dự kiến tháng 3-2021, nhà sản xuất sẽ bắt đầu tiến hành thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 giai đoạn 2, nếu suôn sẻ VN sẽ có vaccine sớm hơn dự tính. Nhưng nếu không có trợ giá hoặc các hình thức hỗ trợ nào khác, chi phí mua vaccine sẽ là trở ngại với nhiều người. Do đây là nghiên cứu mới nên giá vaccine thường sẽ cao vì ảnh hưởng bởi chi phí bản quyền nghiên cứu, phát triển.

Tại VN, Công ty Nanogen là đơn vị đầu tiên được thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 trên người. Tháng 3-2021, Nanocovax sẽ tiêm thử vaccine Nanocovax trên nhóm lớn (khoảng 600 người tình nguyện), nhằm đánh giá tính sinh miễn dịch của vaccine.

Trong điều kiện cả thế giới săn tìm vaccine, như ở Singapore, với 5 triệu dân thuộc diện được cấp vaccine, chính phủ nước này đã dành khoảng 750 triệu USD cho khoản chi phí này. VN xấp xỉ 100 triệu dân, khoản tiền mua vaccine sẽ rất lớn và ngân sách không thể chi trả nổi. Quy định hiện hành cũng không đưa việc tiêm vaccine vào danh mục dịch vụ bảo hiểm y tế chi trả. 

Tuy nhiên, Chính phủ đã tạo cơ chế để Công ty Nanogen tiếp cận nguồn vốn phát triển (vay không lãi suất) tại TP.HCM. Riêng khâu thử nghiệm lâm sàng trên người chi phí khoảng 90 tỉ đồng. “Như kiểm toán đã tính thì giá vaccine chỉ khoảng 120.000 đồng/mũi tiêm vaccine COVID-19 nội địa. Do đây là dự án được Chính phủ đặt hàng nghiên cứu nên sẽ có chính sách hỗ trợ giá cho người được tiêm” - ông Nguyễn Ngô Quang, phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế), cho biết. 

Với nguồn vaccine ngoại, thông tin từ Bộ Y tế cho biết các đơn vị liên quan đang tính toán đến hình thức trợ giá, theo hướng “Nhà nước và nhân dân cùng góp”, để giá vaccine đến tay người dân vào khoảng 5 USD/mũi tiêm, tức khoảng 115.000 đồng. Mức giá này, theo ông Quang, là “có thể chấp nhận được”.

Theo ông Hồ Nhân - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Nanogen, hiện nay tại VN không có trung tâm có thể tiến hành khâu “test thử thách” trên linh trưởng (khâu bắt buộc trước khi tiến hành thử nghiệm trên người), nên nhóm nghiên cứu chuyển mô hình thử thách trên chuột hamster. 

Theo các quy trình cũ, thời gian phát triển một vaccine cần 5-10 năm. Tuy nhiên do dịch COVID-19, các vaccine sẽ ra thị trường sớm nhờ vào các giấy phép đặc biệt. Nếu VN cấp “giấy phép đặc biệt” và khâu thử nghiệm trên người suôn sẻ, vaccine ngừa COVID-19 nội địa có thể ra thị trường vào tháng 5 tới. Trước mắt sẽ ưu tiên cho các nhóm người thuộc tuyến đầu, gồm y bác sĩ, nhân viên hàng không, du lịch, người có nguy cơ cao...

Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ vaccine nội địa trong sản xuất Nanocovax là mới và sản phẩm là rất an toàn. Điều còn chờ đợi chỉ còn là tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ. Ông Hồ Nhân cho rằng thời gian tới vaccine ngừa COVID-19 sẽ phải sử dụng hằng năm, tương tự vaccine cúm mùa. 

Trên thế giới, cũng đã có nhà sản xuất công bố hiệu quả bảo vệ của vaccine COVID-19 của họ là hai năm. Song việc khẳng định hiệu quả bảo vệ hai năm của một số vaccine cần có thêm thời gian, và các nhà sản xuất vaccine hiện nay đều đang vừa tiêm vừa nghiên cứu thêm. ■

Liệu có thể “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”?

CẢNH CHÁNH 24/12/2020 22:10 GMT+7

TTCT - Người dân Trung Quốc đang rất mong chờ nước này sẽ sớm tiêm chủng vaccine COVID-19 đại trà vào cuối năm nay.

Một tình nguyện viên tham gia thử vaccine ở Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: The New York Times

Đại dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 1-2020 ở Vũ Hán, Trung Quốc và tính đến ngày 12-12, nước này đã có hơn 95.000 ca nhiễm với 4.757 ca tử vong. Báo chí Trung Quốc nói ngay từ những ca bệnh đầu tiên, việc nghiên cứu vaccine đã được tiến hành và virus corona chủng mới được phân tách thành công vào ngày 7-1.

Nghiên cứu thần tốc

Nhiều loại vaccine của Trung Quốc đã đi vào thử nghiệm lâm sàng trên người giai đoạn 1 ngay từ tháng 3, 4 như vaccine Ad5-nCoV của Công ty CanSino Biologics (phối hợp với Viện Khoa học quân sự nhà nước) thử nghiệm giai đoạn 1 vào 16-3 với 108 tình nguyện viên trưởng thành, khỏe mạnh; giai đoạn 2 ngày 12-4 với 500 người. Hai loại vaccine của Sinopharm (Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc) và một của Sinovac (Công ty Dược phẩm sinh học) cũng đã thử nghiệm trên người hai giai đoạn cho tới tháng 7. Các báo cáo đánh giá kết quả thử nghiệm giai đoạn 1 và 2 của CanSino Biologics và Sinopharm cũng được công bố trên tạp chuyên ngành chí uy tín The Lancet. 

Đến đầu tháng 12, Trung Quốc có tất cả 14 loại vaccine đang thử nghiệm lâm sàng ở người bằng 5 công nghệ gồm vaccine bất hoạt, vaccine protein tái tổ hợp, vaccine adenovirus vector, vaccine virus cúm suy yếu và vaccine axit nucleic. Trong đó có 5 loại vaccine đã bước vào giai đoạn 3, được triển khai sử dụng tiêm chủng khẩn cấp, bao gồm của Sinopharm (hai loại), Sinovac, CanSino Biologics và phòng vi sinh Viện Khoa học Trung Quốc hợp tác với Công ty sinh phẩm Trí Phi An Huy. Đến 25-11, Sinopharm tuyên bố họ đã xin được cấp phép lưu hành vaccine.

Thử nghiệm lâm sàng vaccine CanSino Biologics trên người giai đoạn 1 vào giữa tháng 3 chỉ tuyển tình nguyện viên ở Vũ Hán, tuổi từ 18-60; chia làm 3 nhóm: liều lượng thấp, trung bình và cao; mỗi nhóm 36 người. Sau khi tiêm phải cách ly theo dõi 14 ngày. Tình nguyện viên được theo dõi định kỳ 6 tháng sau khi tiêm, xem có phản ứng phụ hay không và để kiểm tra kháng thể.

Tình nguyện viên Trần Khải tham gia nhóm thử nghiệm liều lượng thấp cho biết ngày thứ hai ngủ dậy sau khi tiêm anh thấy đau vùng tiêm, thân nhiệt tăng lên một chút. Mỗi tình nguyện viên đều được dùng băng keo dán cặp nhiệt độ dưới nách, điện thoại di động tải app theo dõi nhiệt độ liên tục. Sau khi ăn sáng, anh thấy hơi chóng mặt, cảm giác ê ẩm và cơn đau lan đến vùng lưng, tinh thần mệt mỏi nên đi ngủ. Anh và những tình nguyện viên khác trong nhóm đều có phản ứng giống nhau là thân nhiệt hơi cao, tinh thần uể oải, chóng mặt. Đến tối thì tình hình ổn hơn, thân nhiệt bình thường. Trong vòng 6 tháng sau khi tiêm, anh phải lấy máu xét nghiệm 7 lần để kiểm tra kháng thể. Tình nguyện viên lớn tuổi nhất trong đợt thử nghiệm giai đoạn 1 đó là 58 tuổi. Thử nghiệm giai đoạn 1 chủ yếu thử nghiệm tính an toàn, giai đoạn 2 là thử nghiệm tính hiệu quả. Tình nguyện viên giai đoạn 2 không phải cách ly theo dõi 14 ngày, theo Chinanews.

Vẫn chưa suôn sẻ

Mặc dù chưa hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, nhưng ngày 22-7, Trung Quốc đã phê chuẩn tiêm chủng khẩn cấp cho các đối tượng ưu tiên như nhân viên y tế, nhân viên làm việc tại các trung tâm kiểm dịch, cán bộ làm việc ở biên giới, cửa khẩu, những nơi có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao, cán bộ ngoại giao, nhân viên doanh nghiệp nhà nước công tác ở nước ngoài và du học sinh.

Theo Hoàn Cầu Thời Báo thì giữa tháng 6, Sinopharm đã thông báo nhân viên doanh nghiệp nhà nước đi công tác nước ngoài có thể tham gia làm tình nguyện viên thử nghiệm vaccine. Trang web của Sinopharm xác nhận kể từ khi triển khai tiêm chủng khẩn cấp đến tháng 11, họ đã sử dụng gần 1 triệu liều vaccine tiêm cho các đối tượng nêu trên, cho đến nay không ai báo cáo xuất hiện phản ứng nghiêm trọng, dù có một số phản ứng nhẹ, cũng không có ai dương tính với COVID-19, trong đó số người tiêm chủng xong xuất ngoại là 56.000 người. Cũng theo thông tin từ Sinopharm, một công ty đa quốc gia Trung Quốc có 81/99 nhân viên sử dụng vaccine của họ, sau đó trong 18 người chưa tiêm chủng thì có 10 người nhiễm virus corona.

Hồi giữa tháng 11, khi tham dự Hội nghị cấp cao Tài Tân lần thứ 11, ông Lầu Kế Vĩ, nguyên bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc, tiết lộ ông đã được tiêm 2 liều vaccine, với hiệu quả 99%. Từ đó có thể suy ra có lẽ lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đều đã được tiêm chủng. Trên mạng xã hội Trung Quốc vào đầu tháng 10 từng xuất hiện thông tin Sinopharm tổ chức đăng ký tiêm chủng miễn phí cho học sinh chuẩn bị du học, thời gian từ tháng 11-2020 đến tháng 1-2021, thu hút hàng chục ngàn học sinh đăng ký, nhưng sau đó thông tin này đã bị xóa. Thật ra du học sinh quả có được tiêm chủng, nhưng phải nộp tiền, như sinh viên Trung Quốc Evelyn Ngô (20 tuổi) mới quay lại Anh - đã tiêm vaccine với giá 456 tệ (gần 1,6 triệu đồng), theo Đài Sky của Anh. Hiện sức khỏe cô Ngô bình thường.

Các tập đoàn Trung Quốc cũng mang việc thử nghiệm ra nước ngoài. Thử nghiệm giai đoạn 3 của Sinopharm được thực hiện ở nhiều nước, như UAE từ tháng 6; Bahrain, Ai Cập, Jordan và Morocco từ đầu tháng 8; Peru và Argentina từ 20-8… Số người tiêm chủng thử nghiệm đã lên đến trên 50.000 trong kế hoạch thử nghiệm quy mô 60.000 người.

Vaccine của Sinovac cũng đang thử nghiệm giai đoạn 3 ở Indonesia, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngày 9-11, một tình nguyện viên thử nghiệm vaccine này ở Brazil đã tử vong, khiến Bộ Y tế Brazil tuyên bố dừng thử nghiệm ngay lập tức. Nhưng sau khi điều tra, nước này công bố cái chết của tình nguyện viên không liên quan đến vaccine và cho phép tiếp tục thử nghiệm lâm sàng trên 9.000 người, theo China Daily.

Mới đây, Peru cũng tạm ngừng thử nghiệm lâm sàng vaccine của Sinopharm sau sự cố liên quan đến một tình nguyện viên. Trưởng nhóm nghiên cứu của Chính phủ Peru German Malaga nói: “Vài ngày trước, chúng tôi đã thông báo với các cơ quan quản lý rằng một trong những người tham gia thử nghiệm xuất hiện các triệu chứng thần kinh tương ứng với tình trạng gọi là hội chứng Guillain-Barre [chứng rối loạn hiếm gặp và không lây lan, ảnh hưởng đến cử động của cánh tay và chân]”.

Kết quả thử nghiệm vaccine của Sinopharm với 31.000 người ở UAE lại khả quan. Chính phủ UAE tuyên bố ngày 10-12 rằng hiệu quả vaccine Trung Quốc đạt 86% và nhiều lãnh đạo nước này đã tiêm vaccine công khai, theo Reuters.

Khi được hỏi về chất lượng vaccine, ông Chu Tố, cố vấn pháp lý của Sinophram, trả lời trên CCTV nói 7 ngày sau khi tiêm liều đầu tiên sẽ sản sinh kháng thể, 28 ngày sau khi tiêm liều thứ 2 cách 2-4 tuần, tỉ lệ xét nghiệm âm tính đạt 100%; và kháng thể có thể tồn tại khoảng 1-3 năm. Chuyên gia vaccine Đào Lê Na chia sẻ trên trang 21CBH cũng cho rằng vaccine của Sinopharm có thể ngừa bệnh 2-3 năm. ■

Sẵn sàng phân phối quy mô lớn

Đầu tháng 12, bà Tôn Xuân Lan, phó thủ tướng Trung Quốc, trong chuyến làm việc với các đơn vị nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19 cho biết trong năm nay nước này sẽ hoàn thành việc tiêm chủng cho cán bộ nhân viên các cửa khẩu và nhân viên tuyến đầu chống dịch và sẽ sẵn sàng phân phối vaccine ở quy mô lớn. Cụ thể, Sinopharm nói nếu được cấp phép thì sản lượng năm nay của họ là 610 triệu liều, còn sang năm sẽ tăng lên 1 tỉ liều.

Chính quyền các địa phương Trung Quốc cũng đang tích cực chuẩn bị hậu cần cho vaccine. Chẳng hạn ngày 15-10, thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang đã công bố tiêm chủng khẩn cấp cho các đối tượng đặc biệt. Ngày 23-11, tỉnh Tứ Xuyên bắt đầu đặt hàng mua vaccine, sau khi tiêm chủng cho đối tượng ưu tiên, kế hoạch là sẽ tiêm đại trà vào đầu năm 2021, với giá hiện là 400 tệ/2 liều (hơn 1,4 triệu đồng) cách nhau 14-28 ngày. Chính quyền tỉnh Giang Tô gần đây cũng cho biết đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của các hãng Sinovac và Sinopharm, theo AP ngày 6-12.

Để dân yên tâm xắn tay áo

TỊNH ANH 24/12/2020 22:10 GMT+7

TTCT - Khi các nước đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine COVID-19, thách thức còn lại là gầy dựng lòng tin của công chúng với thuốc ngừa và đồng ý đi tiêm để đạt được mục tiêu cuối cùng là có đủ số người có kháng thể để tạo miễn dịch cộng đồng. Nhưng bằng cách nào?

Tranh "bài vaccine" của James Gillray vẽ năm 1802, mô tả cảnh bác sĩ Edward Jenner, người tạo ra vaccine ngừa bệnh đậu mùa, tiêm vaccine cho một người phụ nữ đang hoảng sợ và bò "mọc" ra từ bắp cơ thể những người khác. Nguồn: Getty Images

Trong bài viết trên tạp chí The Economistngày 30-11, Katy Milkman, giáo sư Trường Wharton (Đại học Pennsylvania), cho rằng có thể ứng dụng khoa học hành vi trong việc thuyết phục người dân chịu đi tiêm chủng.

Trước hết, cần hóa giải các mối lo của những người còn e ngại chuyện đi tiêm về tác dụng phụ cũng như tính an toàn của vaccine: các phương tiện truyền thông nên tăng cường nói về sự ủng hộ việc tiêm chủng thay vì ý kiến phản đối; cơ quan hữu trách phải có cách dập các thông tin sai lạc về vaccine lan truyền trên không gian ảo.

Thứ nữa là tận dụng đặc tính tâm lý nhìn vào người khác để điều chỉnh hành vi của con người. Tấm thẻ “Tôi đã bầu” phát cho cử tri sau khi đi bỏ phiếu không chỉ là một phần thưởng nho nhỏ cho họ vì đã hoàn thành nghĩa vụ công dân, mà còn có tác dụng kích thích những người khác cũng đi bỏ phiếu. Milkman đề xuất có thể làm tấm thẻ “Tôi đã tiêm” để đạt hiệu ứng tương tự, cũng như khuyến khích mọi người “khoe” việc mình đi chích ngừa lên mạng xã hội hay báo tin cho bạn bè. Tóm lại, càng khiến việc tiêm ngừa trở nên phổ biến thì sẽ càng xoa dịu lo lắng của những người còn e ngại vấn đề an toàn của vaccine.

Với những người còn đang lưỡng lự, nửa muốn tiêm nửa lại không, Milkman cho rằng có thể áp dụng các cơ chế thuyết phục truyền thống thông qua bắt buộc hoặc phần thưởng. Chẳng hạn bắt buộc tất cả nhân viên y tế và sinh viên phải tiêm để làm tiền lệ, hoặc trả tiền để người dân chịu tiêm. Tuy nhiên, việc trả tiền cần cân nhắc kỹ vì có thể phản tác dụng, dẫn đến ý nghĩ “việc đó chắc rủi ro lắm nên mới phải trả tiền đây”, nghĩa là càng làm vaccine mang tiếng xấu.

Sau khi giải quyết xong khâu thuyết phục, thách thức kế tiếp là làm sao để người dân thật sự đi tiêm và tiêm đủ 2 liều như quy định. Một nghiên cứu cho thấy 30-60% những người nói sẽ làm gì đó, chẳng hạn tập thể dục hay đi khám sức khỏe, rốt cuộc chẳng làm gì cả. Nếu không có giải pháp, sẽ có rất nhiều người chỉ tiêm lần đầu tiên và không đi chích mũi còn lại.

Milkman gợi ý các cách làm như gửi tin nhắn, thư hoặc email để nhắc người đã tiêm về việc tiêm mũi tiếp theo (cần nhắc sát thời điểm phải đi tiêm thay vì nhắc quá sớm), cho phép đặt lịch tiêm dễ dàng, tạo sự thuận tiện để người dân đi tiêm (không phải xếp hàng dài, lằng nhằng giấy tờ, di chuyển quá xa).

Cuối cùng, Milkman cho rằng các giải pháp để việc tiêm ngừa không còn đáng sợ như phát thăm xổ số cho người đi tiêm, thậm chí “cho xe tải bán kem kèm tiêm vaccine miễn phí chạy vòng quanh với tiếng chuông vui tai” cũng nên được xem xét nghiêm túc. “Quan trọng là ta không chỉ nghĩ thận trọng mà còn phải sáng tạo. Các nhà hóa sinh đã làm xong phần việc của mình, đã đến lúc giới khoa học thần kinh làm việc để đem lại sự thay đổi” - Milkman kết thúc bài viết.

Trong khi đó, trong bài viết “Làm sao để gây dựng lòng tin vào vaccine" trên The Atlantic ngày 12-12, Brendan Nyhan, giáo sư Đại học Dartmouth, cho rằng tìm cách sửa các quan niệm sai lầm về vaccine không hiệu quả bằng cách lan truyền các thông điệp khác, chẳng hạn như tập trung vào nguy cơ của các căn bệnh mà vaccine có thể phòng ngừa.

Theo tác giả, “sứ giả” truyền các thông điệp này hiệu quả nhất chính là những chuyên gia y khoa được cộng đồng tín nhiệm. Ở tầm quốc gia, đó là bác sĩ Anthony Fauci, chuyên gia bệnh nhiễm hàng đầu của Mỹ, còn với mỗi cá nhân, đó là bác sĩ gia đình hay các đơn vị chăm sóc y tế tin cậy.

Nyhan cũng cho rằng người nổi tiếng cũng có thể “làm gương” đi tiêm vaccine, giúp xóa bỏ các nghi ngại và khơi dậy lòng tin vào việc tiêm chủng. Việc ba cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama tuyên bố sẽ tiêm vaccine COVID-19, hay danh ca Elvis Presley từng tham gia chiến dịch vận động tiêm vaccine ngừa sốt bại liệt là những ví dụ.

Tác giả cũng lạc quan cho rằng cách vaccine triển khai từ từ, ưu tiên cho người có nguy cơ cao trước khi chích trên diện rộng, cũng là một lợi thế: những người còn đang lưỡng lự sẽ có thể quan sát quá trình vaccine được tiêm, chứng kiến “những người họ quen biết và tin tưởng không chỉ ủng hộ vaccine mà còn để người thân và chính họ đi tiêm”, cũng như “giám sát” tính an toàn và hiệu quả của nó.

Một điều thú vị là cả Milkman và Nyhan đều cho rằng những người chống vaccine không thật sự đáng lo, bởi họ chỉ là thiểu số (chiếm dưới 15% dân số Mỹ). Trên thực tế, theo Nyhan, Mỹ thật sự có nhiều lợi thế trong việc giành lấy niềm tin vào vaccine COVID-19: rất ít người Mỹ phản đối vaccine, và ngay từ trước khi có đại dịch, tỉ lệ tiêm chủng ở trẻ em và trẻ trong tuổi đi học luôn ở mức cao và ổn định.

“Vẫn còn một số người lưỡng lự và cần phải cải tiến một số loại vaccine, nhưng không nên lẫn lộn giữa việc tồn tại một nhóm nhỏ những người chống vaccine và thái độ với vaccine ở cấp độ dân số rộng hơn” - Nyhan viết.■

Khi chặng cuối không đo bằng khoảng cách

HOA KIM 24/12/2020 22:10 GMT+7

TTCT - Câu chuyện tiêm chủng ngừa COVID-19 với thế giới bây giờ không còn là cuộc đua đưa vaccine ra khỏi phòng thí nghiệm, mà là một cuộc chạy đua đến với bệnh nhân.

 

Robin Townley - người đứng đầu các dự án hậu cần đặc biệt tại AP Moller-Maersk, một công ty chuyên cung cấp chuỗi cung ứng dịch vụ hậu cần và vận chuyển - mô tả công tác hậu cần từ khi vaccine rời các nhà máy sản xuất như một cuộc đua khác, cũng gay go không kém việc giới khoa học chạy đua với thời gian để nghiên cứu vaccine, khi trả lời phỏng vấn trang Science News.

Theo Townley, dù mọi thứ đang diễn ra với tốc độ kỷ lục, cuộc đua sản xuất vaccine ngừa COVID-19 vẫn còn lâu mới chạm đến vạch đích. Vaccine thành công nhất, theo ông, sẽ là vaccine được sản xuất bởi công ty dành nhiều sự quan tâm nhất đến khâu phân phối ngay từ những ngày đầu. “Đây là lần ra mắt sản phẩm lớn nhất trong lịch sử loài người” - ông nói.

Thách thức chuỗi cung ứng lạnh

Chặng đường cuối cùng - hành trình của vaccine từ các trung tâm phân phối tập trung đến các phòng khám và cuối cùng là bệnh nhân - không được đo bằng khoảng cách. Đó là một mê cung đầy “ổ gà” quy định và thách thức về chuỗi cung ứng mà các công ty phải vượt qua, với mục tiêu cuối cùng là đưa vaccine đến tay gần 8 tỉ người trên thế giới. Với thực tế là hầu hết các vaccine COVID-19 đang được phát triển cần hai liều để đạt hiệu lực đầy đủ, sẽ có khoảng 15 tỉ liều vaccine cần được phân phối trên toàn cầu.

Quản lý khâu phân phối cũng quan trọng không kém độ hiệu quả của vaccine trong việc xác định khả năng dập tắt đại dịch của vaccine ấy, theo nghiên cứu đăng trên Health Affairs ngày 19-11. Các nhà nghiên cứu đã xem xét các kịch bản khác nhau, truyền vào các thông số như độ hiệu quả của vaccine, tốc độ triển khai tiêm chủng (phụ thuộc vào cả hệ thống phân phối và sự sẵn lòng được tiêm ngừa của công chúng) và tốc độ lây lan của virus. Họ nhận thấy ngay cả khi bản thân vaccine chỉ có hiệu quả 50% trong việc ngăn ngừa bệnh thì vaccine ấy vẫn đủ khả năng dập tắt đại dịch, nếu nó được phân phối đủ nhanh.

“Vai trò của khâu triển khai (vaccine) là rất quan trọng” - đồng tác giả nghiên cứu Jason Schwartz, nhà nghiên cứu chính sách tiêm chủng tại Trường y tế công cộng Đại học Yale khẳng định. Schwartz cho rằng việc tạo ra vaccine trong thời gian ngắn là một thành tựu khoa học đáng chú ý, nhưng những thách thức về kỹ thuật và hậu cần để vaccine có thể được tiếp cận ở nơi cần chúng nhất cũng sẽ là một bài toán không dễ giải đáp.

Ví dụ, vaccine của Pfizer phải được giữ ở nhiệt độ âm 70oC và sau khi rã đông phải sử dụng trong vòng 5 ngày nếu để trong tủ lạnh thường, hoặc 2 tiếng ở nhiệt độ phòng. Vaccine của Moderna cũng cần giữ lạnh, nhưng ở điều kiện tủ đông thông thường. Nhiệm vụ phân phối vaccine giống như tìm cách “đặt 2 chiếc iPhone vào tay tất cả mọi người trên thế giới và đảm bảo rằng những chiếc iPhone đó vẫn lạnh khi đến tay họ” - Townley ví von.

Số lượng xe tải, máy bay và tàu hỏa có thể vận chuyển hàng lạnh như vậy không đủ để đáp ứng nhu cầu quá lớn một cách đột ngột. Các đơn vị cung cấp dịch vụ hậu cần có thể lựa chọn vận chuyển vaccine thay vì các loại hàng hóa cần kiểm soát nhiệt độ khác, hoặc đầu tư tốn kém để gia tăng năng lực vận chuyển lạnh. Nếu chọn phương án đầu tiên, thiệt hại đến kinh tế quốc gia là đáng cân nhắc. “Nếu vaccine đến Nam Phi cùng lúc với mùa bơ (mặt hàng cần vận chuyển lạnh), điều đó sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế Nam Phi?” - Townley đặt câu hỏi.

“Nếu (vận chuyển vaccine) ở Mỹ còn khó khăn, thì nó gần như là nhiệm vụ bất khả thi ở hầu hết các quốc gia đang phát triển” - bà Mei Mei Hu, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Covaxx, một công ty nghiên cứu vaccine COVID-19 có trụ sở tại New York, nói thẳng. Ngay cả những tủ đông gia dụng thông thường cũng không dễ kiếm ở một số nơi. “Có rất nhiều nơi trên thế giới mà bạn thậm chí không thể tìm ra một lon Coca ướp lạnh để uống” - bà Hu nói.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính khoảng 2,8 triệu liều vaccine đã bị tổn hao ở 5 quốc gia trong năm 2011 do chuỗi cung ứng lạnh bị đứt quãng. Con số đó bao gồm tổn thất ở các nước như Nigeria, nơi có 41% tủ lạnh không hoạt động, và Ethiopia, nơi có khoảng 30% thiết bị dây chuyền lạnh bị hỏng hóc.

“Hộp pizza” cứu tinh

Để đáp ứng yêu cầu vận chuyển và bảo quản đặc thù, Pfizer đã phát minh các thùng chứa đặc biệt, đặt tên là “hộp pizza”, để giữ lạnh vaccine ngắn hạn tại các cơ sở không có thiết bị làm lạnh có thể đạt đến nhiệt độ lý tưởng là âm 70oC. Theo The Atlantic, thiết bị này ngang ngửa kích thước tiêu chuẩn một kiện hành lý xách tay được phép mang lên máy bay và sử dụng đá khô để làm lạnh.

Pfizer cam kết vaccine của họ có thể được bảo quản tới 15 ngày trong “hộp pizza”, chỉ cần cơ sở tiếp nhận vaccine nạp thêm đá khô 5 ngày/lần, và sau đó có thể để thêm 5 ngày trong tủ lạnh thường trước khi chất lượng vaccine không còn đủ đảm bảo để sử dụng - theo Kurt Seetoo, người quản lý chương trình tiêm chủng của tiểu bang Maryland.

Điều này cho phép các quan chức Mỹ có khoảng 20 ngày để phân phối vaccine sau khi nhận từ nhà sản xuất. Chính phủ Mỹ cũng hứa gửi kèm mỗi lô vaccine số lượng đá khô đủ dùng cho lần nạp thêm đầu tiên, còn lại mỗi bang phải tự xoay xở nguồn cung đá khô nếu cần bảo quản lâu hơn.

Tuy nhiên, một nhược điểm lớn của đá khô là dễ thăng hoa thành khí CO2 (nhờ tính chất này mà đá khô còn được dùng để tạo hiệu ứng khói sân khấu). Khói có thể tích tụ và gây ngộp nếu không có đủ hệ thống thông gió tại điểm tiêm chủng. Stirling Ultracold, một công ty chuyên sản xuất tủ đông lạnh di động, đề xuất một giải pháp khác là sử dụng các thiết bị chuyên dụng hiện đang dành cho việc vận chuyển tế bào hoặc các loại thuốc nhạy cảm với nhiệt độ, với khả năng làm lạnh đến âm 80oC. Tủ đông di động của Stirling đang được triển khai để lấy vaccine COVID-19 từ các “trang trại làm lạnh,” nơi vaccine được lưu trữ sau khi vừa ra khỏi dây chuyền sản xuất, đến các phòng khám và các địa điểm phân phối khác.■

Vương quốc Anh hiện là quốc gia đi đầu trong triển khai tiêm chủng COVID-19. Người dân Anh bắt đầu được chủng ngừa COVID-19 từ ngày 8-12, trong đó nhân viên các cơ sở chăm sóc người cao niên và bệnh nhân trên 80 tuổi thuộc nhóm ưu tiên cao nhất trong thang ưu tiên 9 bậc do Ủy ban hỗn hợp về tiêm chủng và chủng ngừa đề xuất.

Một lô hàng đầu tiên gồm 800.000 liều Pfizer - đủ để tiêm chủng cho 400.000 người - được vận chuyển từ nơi sản xuất ở Bỉ, chỉ vài ngày sau khi Anh trở thành quốc gia phương Tây đầu tiên cấp phép sử dụng khẩn cấp loại vaccine này. Trung bình mỗi ngày hiện có 427 người chết vì COVID-19 ở Anh, với tổng số ca tử vong hiện đã vượt quá 61.000 người, cao thứ 5 thế giới. Anh đã đặt hàng tổng cộng 357 triệu liều của bảy loại vaccine khác nhau, bao gồm 40 triệu liều - đủ cho 20 triệu người - vaccine Pfizer/BioNTech, 100 triệu liều vaccine AstraZeneca/Oxford và 60 triệu liều vaccine Sanofi/GSK. Dù cho đến nay chỉ mới có vaccine của Pfizer được phê duyệt, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock kỳ vọng Anh sẽ nhận được 5 triệu liều từ đây đến cuối năm.

Châu Á liệu có làn sóng “anti vaccine”?

TRỌNG NHÂN 16/12/2020 08:12 GMT+7

TTCT - Dù không rầm rộ như các nước phương Tây, nhưng các nước châu Á vẫn cần chuẩn bị tinh thần trước một làn sóng “anti vaccine” nếu muốn triển khai tiêm chủng thành công vaccine ngăn chặn COVID-19 trong tương lai.

Tranh: Sasha Krasutska/codastory.com

Theo khảo sát năm 2018 của Wellcome Global Monitor, hơn 85% người châu Á tin vaccine an toàn. Tỉ lệ này cao hơn phần còn lại của thế giới. Số liệu của WHO cho thấy tỉ lệ tiêm chủng các bệnh như lao, ho gà và uốn ván ở châu Á cao ngạc nhiên (hơn 90%).

Tiến sĩ John Siu Lun Tam - chuyên gia tiêm chủng tại ĐH Bách khoa Hong Kong - cho rằng tâm lý bài vaccine ở châu Á thường không mạnh bằng những nơi khác. Một phần do hệ thống y tế và bộ máy tuyên truyền can thiệp sớm, bên cạnh tâm lý theo đám đông vốn có ở người Á Đông. Điều này làm cho đa số người châu Á thường xem vaccine là tốt.

Tuy nhiên, làn sóng chống vaccine ở những nước phương Tây lan sang châu Á, báo South China Morning Post nhận định trong bài “Làn sóng bài vaccine đe dọa sự hồi phục của châu Á trước COVID-19” hồi tháng 7. Bài viết dẫn lời giáo sư dược học Auliya Suwantika (Đại học Padjadjaran, Indonesia) cho rằng ngày nay nhiều phụ huynh trong nước có tư tưởng chống vaccine một phần vì tác động từ “các thông tin trên Internet, những nhóm chống vaccine tuyên truyền sai lệch”.

Tương tự, Jerome Kim - giám đốc Viện Vaccine quốc tế, có trụ sở ở Seoul (Hàn Quốc) - cho biết mạng xã hội giúp nhiều người châu Á tiếp cận được những ý nghĩ chống vaccine dường như chỉ có ở những nước kém phát triển. “Ở một số quốc gia, nhờ mạng xã hội, thông điệp ‘anti vaccine’ lan truyền rất nhanh. Thật không may, người châu Á lại dành nhiều thời gian dùng mạng xã hội ngày nay” - Kim nói.

Ở Việt Nam, dù việc tẩy chay vaccine chưa tạo thành làn sóng bài trừ mãnh liệt như một số nước phương Tây, nhưng chuyện phản đối vẫn có trong nhiều hội nhóm, nhất là trên mạng xã hội. Trước thông tin sắp có vaccine ngừa COVID-19, chủ đề “anti vaccine” cũng bắt đầu rôm rả trong các hội nhóm này.

Là người ủng hộ “ra mặt” lối sống không vaccine, P.H.D. (Hà Nội) cho rằng ngành công nghiệp tiêm chủng thường dựa vào chuyện nhờ tiêm mà không mắc một loại bệnh nào đó, để cho thấy rằng tiêm chủng như vị “cứu tinh” nhân loại. Tuy nhiên, theo D., dường như vẫn chưa có chứng minh rõ ràng việc những người tiêm chủng sẽ không mắc bệnh nhờ kháng thể từ vaccine hay nhờ sức đề kháng tự nhiên ở mỗi người.

“Khi được hỏi vì sao có những người đã tiêm vẫn mắc bệnh khi có dịch, ngành công nghiệp tiêm chủng im lặng. Khi được hỏi vì sao có những người không tiêm nhưng không mắc bệnh lúc có dịch, ngành công nghiệp này cũng im lặng” - H.D. viết trên một nhóm Facebook. Ý kiến này nhận được nhiều đồng tình. N.T.C. (Hưng Yên) cho rằng những người “cuồng vaccine” thường biện minh đã tiêm mà vẫn mắc bệnh là vì gặp chủng virus khác (!?), và may là có tiêm chủng nên bệnh mới nhẹ, chứ không sẽ còn nặng hơn.

Dạo một vòng các bài viết và bình luận quanh chủ đề “anti vaccine”, có thể thấy lý do chính mà nhiều người Việt phản đối kịch liệt tiêm chủng là vì tiêm chủng đồng nghĩa đưa hóa chất vào cơ thể. Điều này theo họ không “thuận theo tự nhiên”. Trong một nhóm Facebook về lối sống “thuận theo tự nhiên” có 34.000 người theo dõi, H.N. (Hải Dương) cho rằng người ta thường nhắc tới tác dụng của vaccine mà bỏ qua hậu quả. 

Theo N., cần hỏi vì sao nhiều trường hợp trẻ không tiêm vaccine lớn lên khỏe mạnh nhưng trẻ khác được tiêm lại luôn ốm đau. N. chất vấn: “Tại sao anh chị không tự hỏi thành phần của vaccine là gì, nếu không may xảy ra biến chứng sẽ có thể để lại hậu quả ra sao. Những anh chị thấy con chưa bị gì thì lúc nào cũng ‘bô bô’ miệng nói đến tác dụng của vaccine, đến khi hậu quả xảy ra bất ngờ rồi lại hối hận”.

Hầu hết thành viên có tư tưởng “anti” đều chủ trương tìm cách tự tăng sức đề kháng, thay vì “bơm đống hóa chất vào người đổi lấy kháng thể chống một loại virus”. ■

Nhiều năm qua, chuyện “tẩy chay” vaccine ở Việt Nam thường nóng nhất khi xuất hiện nhiều trường hợp tử vong sau khi tiêm. Chẳng hạn năm 2013, 3 cháu bé ở Quảng Trị cùng tử vong sau tiêm vaccine viêm gan B. Sự kiện nhanh chóng được bàn luận sôi nổi, và các nhóm “anti vaccine” khi đó đón nhận thêm hàng ngàn thành viên. Sau sự cố, ngày 26-7-2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có công văn hỏa tốc đề nghị chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo Sở Y tế kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm trong việc xảy ra sai sót trong quá trình tiêm chủng. Ngày 30-7, bà Tiến tiếp tục có công văn hỏa tốc gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện qui định về sử dụng vaccine.

Bạn đang đọc trong chuyên đề "DẶM CUỐI GIAN NAN CỦA VACCINE COVID-19"