Những câu chuyện trung đông

Tuổi Trẻ Cuối Tuần

Tuổi Trẻ Cuối Tuần - Sau 10 năm của những biến cố Mùa xuân Ả Rập, nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm. Nhìn lại những gì đã diễn ra trên vùng đất đặc biệt này và số phận của những thường dân...

Một thập kỷ tang thương

SÁNG ÁNH 25/01/2021 02:00 GMT+7

TTCT - Sau 10 năm của những biến cố Mùa xuân Ả Rập, nhiều nước Trung Đông và Bắc Phi vẫn chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.

10 năm sau Mùa xuân Ả Rập, tình hình khu vực vẫn hỗn loạn. Ảnh: Twitter

Bấy giờ là đầu năm 2011. Hai chị em cô gái người Kuwait là bạn học của con tôi ở Lebanon vừa sang Cali sửa soạn nhập học niên khóa tới, thuê nhà xong thì phải nghĩ đến chuyện mua xe con để đi lại. 

Tại Trung Đông và Bắc Phi, cái gọi là Mùa xuân Ả Rập đang dậy lửa trên đường phố. Đó đây người ta tự thiêu để phản đối, trước tiên là đời sống đắt đỏ, vật giá gia tăng và nạn thất nghiệp trong giới thanh niên.

Tại Kuwait cũng thế, các bà nội trợ than phiền giá bánh mì. Quốc vương Al Sabbah bèn khéo léo bày ra là nhân 50 năm lập quốc, tặng mỗi người dân già trẻ lớn bé 1.000 dinar, tức 3.850 USD xài chơi, đồng thời, dân than bánh mì đắt thì cho thêm mỗi người đủ tiền thực phẩm trong 13 tháng tới! 

Tôi hỏi hai cô này, thế có đủ mua xe con ở Mỹ không? Các cô bẽn lẽn trả lời, vâng, cả hai chị em cộng mưa móc này của hoàng gia lại thì cũng mua được cái xe cũ chạy đỡ đấy, nhưng chúng cháu có thêm tiền của bố mẹ.

10 năm trước

Ngày 17-12-2010, một thanh niên bán rau 26 tuổi là anh Mohamed Bouazizi ở Tunisia tự thiêu để phản đối chính quyền. Nguồn thu nhập của anh là gánh xe rau cải bị tịch thu vì bán rong trái phép và anh thấy bị làm nhục vì bị một sếp cảnh sát nữ đánh trước mặt bàn dân thiên hạ. 

Tình hình diễn tiến nhanh chóng và không tới một tháng sau, ngày 14-1-2011, tổng thống Tunisia lúc bấy giờ Ben Ali phải ra đi sau 23 năm tại chức.

6 tháng đầu năm 2011, phong trào tự thiêu bắt lửa, riêng tại Tunisia có chí ít 107 vụ, dù cả Hồi giáo lẫn Kitô giáo đều cấm tự sát. Những cuộc xuống đường lan sang các nước trong khu vực, từ vùng vịnh Ả Rập đến bờ biển Bắc Phi. 

Nguyên nhân đầu tiên là khó khăn kinh tế và sự vững bền kỷ lục của các chế độ trong vùng. Không nói đến các hoàng tộc cha truyền con nối đã đành, tại Ai Cập, Mubarak tại chức 30 năm, tại Libya - Gaddafi 41 năm, tại Sudan - Bashir 22 năm, tại Syria - cha con Assad 39 năm, tại Yemen - Saleh 21 năm.

Ả Rập là một ý niệm ngôn ngữ và văn hóa. Sau đó có thể tạm gọi là một dân tộc, phần sắc da từ đen đến trắng, về tôn giáo đa số là Hồi giáo thuộc nhiều phái và một thiểu số Kitô giáo. 

Nếu lấy Liên minh Ả Rập (Arab League) làm cơ bản thì đây là một khối 22 quốc gia gồm 450 triệu dân, rộng 13 triệu km2 diện tích, tổng GDP 10.700 tỉ USD. Khối này rất đa dạng. 

Về kinh tế có từ Qatar là nước dân giàu nhất thế giới đến Somalia là nước dân đói nhăn răng - thu nhập bình quân giữa hai quốc gia này cách nhau cả trăm lần! Cho nên móc ví ra, tôi là người Ả Rập, thì cũng phải nói cho rõ là Ả Rập nào.

Về thể chế, ta có thể chia làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là quân chủ chuyên chế và thân Tây phương. Nhưng tuy là vua, vị nào thì cũng quyền thế, nhưng cũng có người hay quát tháo, có người nói năng nhẹ nhàng. Nhóm này có Saudi Arabia, Jordan, Morocco, UAE... 

Nhóm thứ nhì là những nơi quân chủ bị lật đổ trong thập niên 1950-1960 sau độc lập. Tại đây, cầm quyền là các lãnh tụ quốc gia chủ nghĩa dựa vào quân đội. Trước sự chống đối của Tây phương, các chế độ quốc gia chủ nghĩa này theo khối phi liên kết và thời chiến tranh lạnh, Liên Xô gây ảnh hưởng ít nhiều. 

Đây là trường hợp Iraq, Syria, Ai Cập, Algeria, Libya, Somalia, Yemen... Sau chiến tranh 1973, Liên Xô rời Ai Cập để cho Mỹ đến thay, và sự sụp đổ của Liên Xô khiến Tây phương rộng đường mà nguyệt nọ hoa kia.

Năm 2011, trước Mùa xuân Ả Rập, Somalia vốn đã hỗn loạn rồi. Hoa Kỳ thì đang sa lầy ở Iraq và tìm cách rút quân, lịch là tháng 12-2011 thì rút hết. Tại Ai Cập, Mỹ cũng đang lo vì bạn chí thích của họ là tướng Mubarak sau 30 năm quần chúng đã chán, ông này còn định đặt cậu cả lên thay. 

Lạm phát và khó khăn kinh tế, tham nhũng và năng lực điều hành quốc gia yếu kém trở thành vấn đề mãn tính. Hoa Kỳ định tương kế tựu kế: nếu không chặn được quần chúng ở đó và “mất” Ai Cập, ta có thể thúc đẩy quần chúng bên cạnh và “được” Libya.

Tại đây, không có vấn đề kinh tế trầm trọng và không ai tự thiêu cả, tuy sẵn lắm dầu. Chế độ Gaddafi trợ cấp nhà cửa, thực phẩm, xăng điện cho dân chúng, y tế và giáo dục miễn phí. 

Một ổ bánh mì hay một lít xăng giá 3.500 đồng. Nếu mua nhà thì nhà nước cho vay 50.000 USD, lãi suất 0%, sanh con thì nhà nước tặng 5.000 USD, mua xe lần đầu được nhà nước tặng nửa giá trị. Không biết có phải do xe rẻ xăng rẻ không mà ở Libya, tỉ lệ tai nạn giao thông cao nhất thế giới! Đụng xe không chết thì vào nhà thương miễn phí. 

Tại chỗ không chữa được thì gửi sang Ý điều trị, cũng miễn phí luôn. Thế thì người dân Libya bất mãn chỗ nào? Vậy mà không hiểu sao vẫn thành được bạo động, trở thành nội chiến và cuối năm 2011, Gaddafi bỏ mạng.

Những di chứng tới bây giờ

Một nước Ả Rập khác là Syria, vốn không có tài nguyên như Iraq hay Libya, và mùa đông 2010 là một năm mất mùa ở miền nam, gây bất mãn trong dân chúng. Cảnh sát Syria bắt giữ 15 em học sinh và đánh chết một em 13 tuổi, được coi là mồi lửa đầu tiên châm ngòi cuộc nội chiến. 

Cuộc nội chiến ở Syria vẫn chưa có lối thoát. Ảnh: history.com

Quân đội Syria phần lớn là lính nghĩa vụ, tan rã ngay thành cả trăm phe phái. Đất nước này, cũng như Libya, trở thành sân chơi của các thế lực tứ chiếng - từ Nga, Mỹ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi đến UAE. Hỗn loạn tại đây cũng như tại Iraq là chỗ đâm chồi và kết trái của hiện tượng Quốc gia Hồi giáo (IS) tự xưng, một phong trào thần quyền thuộc phái Sunni.

Tại Ai Cập, quần chúng lật đổ được chế độ Mubarak. Hiến pháp mới và bầu cử mới năm 2012 đưa lên một tổng thống mới, liên kết với phong trào Anh em Hồi giáo, vốn chống đối chế độ Mubarak từ lâu. Nhưng tân tổng thống Morsi tại vị được có một năm rưỡi. 

Ông bị quân đội đảo chánh, lại đổi hiến pháp và bầu lên tướng Al Sisi. Ông này trở thành đại đế mới với tiền của Saudi và ủng hộ của Mỹ. Ai Cập sau 3 năm biến động, trở về đúng chỗ cũ là quân phiệt đại diện của phương Tây như dưới thời Mubarak.

Mâu thuẫn lớn nhất trong khối Ả Rập là giữa hai hệ phái Hồi giáo Sunni và Shia. Tại Syria, gia đình Assad và sĩ quan quân đội thuộc phái thiểu số Alawite. Phái này trong quá khứ được mẫu quốc Pháp dùng để giúp họ cai trị đa số Sunni. Người Alawite không phải là Shia, nhưng vì đè đầu Sunni nên được thần quyền Iran giúp đỡ. 

Nếu không có Iran hẳn chế độ Assad đã đi đời. Hiện nay, dân số 20 triệu thì đến 12 triệu người Syria là tị nạn, bao gồm 6,5 triệu tị nạn trong nước và 5,5 triệu ở nước ngoài. Năm 2015, hơn 700.000 người tràn qua châu Âu gây ra cả một cuộc khủng hoảng.

Tương tự, Yemen đang trải qua nội chiến trầm trọng. Đây là nước lân cận Saudi và các tiểu quốc vùng Vịnh, nên UAE và Saudi tích cực can thiệp, gửi quân sang tác chiến tại chỗ. Nhưng nỗ lực lắm tiền này không dẹp được du kích thuộc thành phần phái Houthi được Iran trợ giúp. 

Việc vây hãm và cô lập Yemen khiến tình trạng y tế và thực phẩm tại đây hết sức trầm trọng và không có dấu hiệu gì khả quan hơn trong tương lai gần.

Mùa xuân Ả Rập đã mang chết chóc và tàn phá đến ba nước là Libya, Syria và Yemen, mà các quốc gia này cũng chẳng về tay Tây phương. Ngược lại, Iran là ảnh hưởng mới tại khu vực, càng lớn hơn tại Syria và Yemen, ngoài ảnh hưởng sẵn có tại Iraq và Lebanon trước 2011. 

Tại Ai Cập, Mùa xuân không mang lại dân chủ tự do hay sung túc mà đâu lại vào đó, với chế độ quân phiệt còn độc tài và tệ hại hơn.

Tại Algeria, Morocco hay Jordan, những hi vọng lóe lên đã sớm bị dập tắt. Tại vùng Vịnh, các vương quốc vội bỏ tiền ra mua chuộc quần chúng bất bình. Bahrain là trường hợp đặc biệt. Vương tộc là phái Sunni nhưng số lớn dân chúng lại theo phái Shia. 

Khi họ biểu tình chống đối, nhà Khalifa đã vội vời Saudi gửi quân sang trấn đóng tại chỗ. Chính ngay Saudi cũng có vấn đề với thiểu số Shia, khoảng 15% dân số nhưng lại ngụ ngay khu vực các mỏ dầu chính. Nếu họ ly khai thành công thì Saudi kể như húp cháo. Năm 2011, thiểu số này lên tiếng thì bị đàn áp thẳng thừng.

Chỉ có tại nơi xuất phát, là Tunisia, thì Mùa xuân có thể coi là thành công. Trước hết, tổng thống ra đi nhưng Tunisia không rơi vào hỗn loạn. Dĩ nhiên đất nước này không thể nằm ngoài tranh chấp nhiều luồng giữa phe thân Tây phương, phe tôn giáo bảo thủ, phe xã hội cấp tiến... 

Chỉ có tình hình ở Tunisia là đã ổn định lại sau biến cố Mùa xuân Ả Rập 10 năm trước. Ảnh: Al Jazeera

Cuộc bầu cử 2014 khiến tân tổng thống Caid Essebsi là nguyên thủ đầu tiên được bầu lên tự do và dân chủ. Nỗ lực hòa giải quốc gia khiến các thành phần tham gia được trao giải Nobel hòa bình năm 2015. Dĩ nhiên, bình minh nạm vàng 9999 vẫn chỉ là ảo tưởng, giai đoạn 2017-2018, Tunisia gặp khó khăn về kinh tế khiến 15% thất nghiệp, trong đó 30% người có bằng đại học không có việc làm. 

Bầu cử 2019 cho thấy đường dân chủ của Tunisia vẫn còn xa diệu vợi. Đối với Syria tan hoang, hay Yemen rã họng còn tệ hơn, Mùa xuân này tang thương từ đầu ngõ vào đến sân sau. Các nước khác dao động và nghiêng ngả trong chốc lát rồi trở lại tình trạng cũ không chút sứt mẻ.

Hai chị em người Kuwait bạn của con tôi thì nhờ đức vương mà có được một cái xe con dùng tạm. Giờ họ đã ra trường và mua xe khác, còn thế giới Ả Rập xem ra còn tệ hại hơn xưa! ■

Nhớ lại 10 năm trước, truyền thông Tây phương hết sức hồ hởi với Mùa xuân Ả Rập. Ngoại trưởng Mỹ lúc đó Hillary Clinton thậm chí còn nhại lời Julius Caesar để nói về cái chết của Gaddafi: “Chúng ta đã đến, đã thấy, hắn ta (Gaddafi) đã chết”. 

Sự hồ hởi này là bởi suy nghĩ nay có cơ các nước Ả Rập sẽ thu về một mối theo những giá trị Tây phương. Bà Clinton có ngờ đâu sự nghiệp chính trị của chính bà sau đó sẽ gặp nhiều khúc khuỷu vì vụ giết đại sứ Mỹ ở Ben Ghazi. Cho đến giờ, vẫn chưa có ai hay thế lực trong ngoài nào bình trị được Libya.

Vùng Vịnh: Gương vỡ lại lành?

SÁNG ÁNH 12/01/2021 21:05 GMT+7

Sau 3 năm rưỡi giận lẫy, nguýt xéo, xúc xiểm, gièm pha và xô đẩy, đầu năm 2021, tại đại hội thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council - GCC), 6 nữ anh hào dầu hỏa của khu vực lại chị chị em em thắm thiết ôm hôn nhau.

GCC là tổ chức quốc tế quy tụ Saudi Arabia, Bahrain, Qatar, Oman, UAE và Kuwait. 6 quốc gia độc lập này có nhiều lý do để hợp tác thân thương. Họ cùng một khu vực địa lý là vùng Vịnh, cùng sống nhờ một nguồn tài nguyên là dầu hỏa, cùng một dân tộc là Ả Rập, cùng một văn hóa là đạo Hồi và cùng một thể chế là quân chủ chuyên chế. 

Họ còn cùng một bảo mẫu là đế quốc Ottoman cho đến Thế chiến I. Sau đó họ lại được đế quốc Anh đỡ đầu và sau Thế chiến II, vì trở về quê thu vén, cần bán nhà, Anh quốc đã nhượng lại giá hời cho đế quốc Mỹ. Trong 6 nước này, về phần diện tích và dân số, chị hai là Saudi. Các tiểu quốc còn lại, nếu không nhờ Anh quốc khéo chia để trị thì đã biến mất: Qatar nhập vào Saudi, Kuwait trở về với Iraq, Bahrain bị Iran thôn tính và UAE thì là cái quái gì.

Thượng đỉnh GCC là nơi để các nước vùng Vịnh giàn hòa. Ảnh: middle-east-online.com

Tình duyên ngang trái

Trường hợp của Oman trong chị em nhà này khá đặc biệt. Ở vị trí địa lý ngoài cùng, đế quốc Oman trong lịch sử quay lưng với bán đảo mà nhìn về châu Phi và Ấn Độ Dương. Bờ biển Pakistan cách Mascat có 400km trong khi Mecca, thánh địa Hồi giáo, cách 2.200km sa mạc. 

Khi Hồi giáo phân chia thành hai nhánh choảng nhau chí chóe là Shia và Sunni, thì Oman đứng ngoài với thuyết “trung lập”, và tự gọi là Hồi giáo Ibadi. Nhìn qua là thấy khác, ngay cả trong phục sức, Oman cũng có kiểu khăn quấn lạ mắt riêng.

Nửa thế kỷ qua, các nước này từ vô danh trở thành số má. Chị cả Saudi, dưới thời vua Faisal (trị vì 1964 - 1975), được thế giới biết đến khi dẫn đầu phong trào tăng giá dầu thô để phản đối chiến tranh 1973 với Israel. Đây là cuộc khủng hoảng dầu hỏa lần thứ nhất, thực ra là cần thiết vì nó chỉnh lại kinh tế Tây phương, lúc đó về mặt này nửa ăn nửa đổ đi.

Nước Mỹ, nhờ giá dầu tăng lên mà khai thác được các giếng nội địa. Trước đó, giá dầu quá rẻ nên chẳng bõ công. Nhờ thế giờ Hoa Kỳ trở thành độc lập về năng lượng. Nói qua, vua Faisal trước khi bị ám sát (tháng 3-1975) có hứa giúp miền Nam Việt Nam thay cho Mỹ bằng cách bán dầu chỉ lấy giá vốn, muốn mua bao nhiêu cũng được.

Qatar ngày nay là quốc gia giàu nhất thế giới theo bình quân đầu người, là chủ nhân một vũ khí lợi hại và đẳng cấp quốc tế là đài truyền thông Al Jazeera. UAE thì mở cửa cho du lịch và đi mua sách kỷ lục Guinness. Họ mang về nhà lật ra từ trang 1 trở đi và bắt đầu tìm cách vượt qua các kỷ lục trong đó, cái gì cũng muốn nhất thế giới (tất nhiên, “Bánh chưng lớn nhất thế giới” vẫn phải ngậm ngùi nhường cho Việt Nam).

Dubai (UAE) trở thành trung tâm tài chánh và du lịch thành công, sẵn sàng chờ kỷ nguyên hậu dầu khí. Saudi thì vô địch về sắm vũ khí Mỹ, qua đó hoạnh họe định làm trùm khu vực Trung Đông và khối Ả Rập. Ai Cập trong khối này xuống dốc đứt phanh. Tại Trung Đông, sự ra đi của đế chế Shah Iran khiến vị trí thứ phi của Mỹ còn trống một chỗ. Vai trò này được Saudi sẵn lòng đảm nhận, nhưng có một khó khăn.

Năm 1979, một thầy Hồi cùng mấy trăm thủ hạ đột ngột chiếm thánh địa Mecca và tự xưng Mahdi (tức “kẻ khôi phục Hồi giáo”). Ông này phê bình vương tộc Saudi là chỉ lo hưởng thụ chứ không lo sống thánh thiện theo tôn giáo. Năm trước, một phong trào bảo thủ tôn giáo tương tự, nhưng thuộc giáo phái Shia, mới lật đổ thành công “Vua của các vua” ở Iran. Hoàng gia Saudi tái mét mặt mày sau khi chiếm lại Mecca, đêm nằm ngủ vẫn giật bắn mình.

Nếu các tiểu quốc vùng Vịnh ít nhiều cởi mở về mặt chính trị (như Oman, Kuwait), hay về mặt văn hóa, xã hội (Qatar, UAE), thì Saudi lại khép kín và khắt khe, để giữ ngôi cho các chúa. Saudi từ ngày lập quốc (1932) không có một cuộc bầu cử chính trị đã đành, bầu hoa hậu cũng không có luôn. 

Phụ nữ đi đâu phải tùy thuộc đàn ông trong nhà, không được tự lái xe, không được ngồi chung xe với người ngoại tộc, điện ảnh, ca nhạc, rạp hát bị cấm. Đây là để chiều các thành phần tôn giáo bảo thủ sau vụ nổi loạn 1979 nói trên.

Chính sách bảo thủ của Saudi về mặt tôn giáo khiến nước này mâu thuẫn với một cô lắm chuyện là Qatar - nước dự kiến tổ chức World Cup bóng đá 2022, nước vừa sắm tòa nhà The Shard cao nhất London! Vậy đã thấy ghét, Qatar sau những biến loạn Mùa xuân Ả Rập lại còn ủng hộ các phong trào khác với tôn chỉ và chính kiến của Saudi. 

Qatar tại Ai Cập ủng hộ Anh em Hồi giáo của tổng thống bị quân đội lật đổ là Morsi. Tại Lybia, Syria cũng vậy. Tại Yemen thì rắc rối hơn. Tại đây, phong trào Islaat được Qatar đỡ đầu thuộc liên minh chính phủ cũng được Saudi ủng hộ. Trong khi UAE, đồng minh với Saudi, thì lại lơ là với chính phủ này.

Bấy nhiêu rối rắm dẫn tới tại sao các ả vùng Vịnh ngày hôm nay lại làm hòa thắm thiết hôn nhau.

Vì sao phải giàn hòa?

Các nước trong khối GCC. Ảnh: Britannica

Thứ nhất là vì hết tiền! Vùng Vịnh mà hết tiền? Chứ sao nữa. Giá dầu đang giảm nên thu nhập xuống. Quân chủ Saudi tồn tại nhờ mấy chục năm nay nuôi công dân và vỗ béo bằng dầu mỏ. Ai cũng no đủ và ăn học tử tế, tốt nghiệp thì được vào bộ máy nhà nước hay quân đội, được đeo kính mát đi xe điều hòa mà chẳng phải làm gì. 

Hiện nay số bằng cấp Saudi rất cao, các đại học Saudi đã đạt đến đẳng cấp quốc tế, và nhất là rất nhiều phụ nữ đỗ đạt mà thất nghiệp. Họ có trình độ chuyên môn, hiểu biết mà muốn đi đâu, làm gì cũng khó khăn và thực ra, không đi học thì chẳng biết làm gì, học xong lại càng không biết làm gì! Cánh đàn ông giờ cũng thất nghiệp và lạm phát trình độ chuyên môn. Quốc gia lâm vào túng thiếu, không phải là lúc gây nhau mãi với láng giềng.

Thứ nhì là chiến tranh Yemen. Saudi gửi quân sang can thiệp, tưởng thái tử chỉ tay là giặc kéo nhau bỏ chạy ngoài cõi Thiên Sơn. Nhưng không phải vậy, tháng 9-2019, giặc Houthi bắn có 25 tên lửa mà làm ngưng 50% mức sản xuất dầu của Saudi trong 2 tuần lễ. Thất bại ở chiến trường Yemen khiến phe Saudi - UAE đâm ra mâu thuẫn nội bộ. 

Saudi ủng hộ chính quyền miền Bắc vì nó gần biên giới Saudi. UAE ủng hộ thành phần miền Nam vì UAE chỉ cần an ninh mặt biển để bảo đảm các tuyến xuất dầu. Tưởng dễ thì tôi cũng giúp anh một tay nhưng khó khăn như vậy thì anh thông cảm, tôi lo chuyện nhà tôi còn chưa xong! Trong khi đó, thành phần Yemen thân Saudi phải liên minh với Yemen thân Qatar, thôi thì hòa, vui vẻ cả đôi bên.

Thứ ba là ảnh hưởng của Iran. Saudi cô lập Qatar vì chế độ này bị coi là thân Iran. Khi cô lập Qatar, phong tỏa và cấm bay qua không phận, không cho tàu bè tiếp tế, thì Qatar làm gì? Qatar có chết đói không? Qatar gọi điện cho Iran giao cơm đến tận nhà, còn xuống mở cửa mời anh giao cơm lên, hai bên nói cười khúc khích, hình như là nói xấu Saudi. Càng cô lập Qatar thì ảnh hưởng của Iran ở đó càng tăng, chứ không có bớt.

Thứ tư là quyền lợi của Hoa Kỳ. Qatar không phải là Cuba thù nghịch, mà là nước có căn cứ Hoa Kỳ lớn nhất trong khu vực - căn cứ không quân Al Udeid. Căn cứ trị giá 1 tỉ đôla này xây hồi những năm 1990. Năm 2019, nó được nới rộng thêm với khoản đầu tư 1,8 tỉ đôla nữa. 

Ngoài bỏ tiền xây dựng, mỗi năm Qatar còn trang trải 60% phí tổn trấn đóng của 100 phi cơ và 11.000 lính Mỹ, là 650 triệu đôla. Năm 2017, Saudi có kế hoạch đánh Qatar và chiếm khu vực sản xuất dầu khí, nhưng Kuwait can thiệp với Mỹ để kịp ngăn.

Liệu đây có thể coi là thành công ngoại giao của chính quyền Donald Trump, hay thành công riêng của phò mã Jared Kushner? Mà duyên nợ của nhà Kushner với Qatar cũng không ít. Năm 2015, khi ông Trump bắt đầu vận động tranh cử, cha con Kushner níu được long bào của một vương Qatar là HBJ al Thani. 

Vị này OK, tôi bỏ 500 triệu, nhưng các bạn phải lo được phần còn lại. Nhà Kushner sau đó kèo nài được thêm công ty Trung Quốc Anbang (An Bang bảo hiểm Tập đoàn) bỏ thêm 4 tỉ. Trước khi tế thế, Anbang đã kịp bỏ chạy khỏi cam kết này. Hoàng thân al Thani thấy thế cũng ôm cặp đựng tí tiền còm chạy nốt, để bố con Kushner bơ vơ. Nói thêm, năm 2018, Anbang bị nhà nước Trung Quốc xiết về tội lường gạt, chủ tịch Ngô Tiểu Huy lãnh án 18 năm tù.

Trước từng có đồn đại là vì vụ tanh bành đó nên năm 2017, Jared Kushner mới ủng hộ thái tử Saudi mạnh tay với Qatar để trả thù. Chẳng ai biết được tường tận, chỉ biết là giờ Kushner đang muốn lãnh công “người hòa giải”! Về phần Tổng thống Trump, khi thăm Saudi đã bênh ngay nước này và đổ luôn cho Qatar là ủng hộ khủng bố, tức trước đá họ đi, nhưng giờ vẫn nhận công là tôi mang họ về.

Thực chất, “hòa hoãn” tại vùng Vịnh không phải là thành công của phò mã Kushner, mà là thất bại của Saudi trong việc cô lập Qatar, đánh đổ hoàng tộc ở đó, hay thay đổi chính sách của họ, và cả thất bại trong đòi hỏi cấm đoán đài Al Jazeera, phải nói là kênh truyền thông tự do và cấp tiến bậc nhất khu vực. Mọi chuyện giờ trở lại như xưa, phí cả công gây sự lắm lời.■

Tháng 12-2015, Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ký thỏa thuận quân sự về mở căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Chưa cần biết Mỹ nói gì, đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ theo lời mời của Qatar, đã gửi 3.000 quân nhân sang nước này. Saudi sau đấy nguội hẳn, tuy vì sĩ diện vẫn phải đợi 3 năm mới nở được một nụ cười duyên làm lành.

Ăn tiền và ở tù

SÁNG ÁNH 02/01/2021 21:00 GMT+7

12 giờ đêm ngày 22-12-2020, Quốc hội Israel tự giải tán vì không thông qua được ngân sách quốc gia cho năm 2021. Bầu cử được ấn định vào ngày 23-3-2021. Chuyện này cũng không quá lạ. Việc Quốc hội Israel không hoàn tất nhiệm kỳ định lệ 4 năm không hiếm: từ lập quốc và bầu cử 1949 đến giờ mới có… 10 lần, đây cũng đã là lần thứ 4 phải tổ chức bầu cử chỉ trong 2 năm sau bầu cử lần trước.

Quốc hội Israel gồm 120 ghế đại biểu. Đảng nào có 61 ghế đa số sẽ cầm quyền, nhưng từ 1949, chưa từng có một đảng đơn lẻ nào kiếm đủ số ghế đó - nhiều nhất là 56 ghế. Tất cả các chính phủ cầm quyền tại Israel đều là liên minh giữa nhiều đảng khác nhau. Chuyện này âu cũng là thường tình, cho đến nay.

Thế giằng co không lối thoát

Tháng 4-2019, số ghế của hai đối thủ chính Benjamin Netanyahu (hữu khuynh) - Benny Gantz (trung hữu) là 35-35. Việc này dẫn đến bầu cử lại vào tháng 9-2019, tức chỉ 5 tháng sau, thay vì hết nhiệm kỳ 48 tháng. Kết quả mới là Netanyahu 33, Gantz 32. Đành phải bầu cử nữa vào tháng 3-2020. Kết quả chót là Netanyahu 36 và Gantz 33! Hai vị đành phải ôm nhau vì đại sự, nhưng Netanyahu bị truy tố về tội tham nhũng. Theo ông Gantz thì ông Netanyahu bám trụ chỉ để khỏi ở tù và không thể vừa ra tòa vừa làm thủ tướng được. Như vậy có nghĩa ông Gantz làm thủ tướng. Tòa thì chưa biết sẽ xử thế nào và trước mắt lại có bầu cử Quốc hội mới.

Ảnh: The New York Times

Đây là lần đầu tiên thủ tướng đương nhiệm chính thức bị truy tố ở Israel. Thủ tướng Ariel Sharon từng bị điều tra khi đang tại chức hồi năm 2005, nhưng kết luận cuối cùng là không đủ bằng chứng nên không truy tố. Người kế nhiệm Sharon là Ehud Olmert cũng bị điều tra trong khi tại chức, nhưng chỉ bị truy tố sau khi đã từ chức (2009). Kết quả mà ông Netanyahu muốn tránh là số phận của người tiền nhiệm này. 5 năm sau khi từ chức, ông Olmert khăn gói quả mướp vào trại với mức án 6 năm. Ông chỉ nằm ấp 18 tháng, có lẽ nhờ mặt mũi sáng sủa, nhưng thế cũng mất vui. Đây là gương tối hù mà ông Netanyahu quyết không theo và mong rằng cử tri có thể cứu ông. Một gương tối khác là chủ tịch nước Moshe Katsav, bị tố cáo hãm hiếp thuộc cấp trong khi tại chức năm 2006. Ông Katsav bị truy tố và kết án 7 năm tù về ba tội hiếp dâm và hai tội quấy rối tình dục. Ông thụ án 5 năm rồi được chủ tịch nước Reuven Rivlin thả sớm.

Ngoài lề những chuyện tòa án và bất chính về tiền bạc, tại sao không có đảng nào tại Israel nắm được đa số 61 ghế Quốc hội, mà cứ phải lập chính phủ liên minh, lắm lúc chéo cẳng ngỗng và rất phiền phức?

Đó phần lớn là tại cách thức bầu cử ở quốc gia này. Mỗi đảng tham gia tranh cử sẽ đưa ra một liên danh 120 ghế và cử tri bỏ phiếu cho liên danh toàn quốc này. Liên danh nào được 10% phiếu thì được 10% ghế và lúc đầu, năm 1949, mức tối thiểu là 1%. Thể thức này có cái lợi là công bằng, thể hiện được nguyện vọng cử tri, nhưng bất lợi là khiến rất nhiều đảng phái có ghế trong Quốc hội, khiến việc lập liên minh cầm quyền đôi khi rất khó khăn, nhiều lúc ba đại biểu thích râu dài gây với hai đại biểu đòi râu ngắn là đủ để lật đổ chính phủ. Năm 1988, mức tối thiểu để có đại biểu tại Quốc hội tăng lên 1,5%, rồi 2% năm 2003, và mới nhất là 3,25% năm 2014, nhưng vẫn chỉ là cải cách nhỏ giọt, chưa thể tạo ra đa số ổn định như mong đợi.

Một thử nghiệm khác là bầu trực tiếp thủ tướng cùng Quốc hội. Biện pháp này được sử dụng ba lần, 1996, 1999 và 2001, nhưng rồi cũng phải bỏ vì không giải quyết được vấn đề bấp bênh cố hữu.

Nhân khẩu học bầu cử

Từ năm 1949 đến giờ, thành phần dân số Israel cũng trải qua nhiều biến đổi. Lúc lập quốc chủ yếu là thành phần di dân lập ấp từ Âu châu sang Palestine. Đây là thành phần Zion chủ nghĩa, được gọi là Ashkenaze. Sau Thế chiến II, thành phần này được tăng cường thêm người Do Thái khuynh tả về xã hội và chính trị, chống phát xít. Các phong trào cấp tiến, Đảng Lao động, Đảng Cộng sản Israel rất mạnh trong thời gian này, trong khi thành phần tôn giáo không có ảnh hưởng mấy. Trong chiến tranh lập quốc, Liên Xô là nguồn ủng hộ quyết định, cung cấp vũ khí qua Tiệp Khắc, là nơi thành lập, trang bị và huấn luyện lữ đoàn không quân đầu tiên của quốc gia Israel. Liên Xô cũng là nước đầu tiên công nhận Israel.

Người Do Thái Đông phương, tức người Sefardi-Mizrahi, lúc đó vẫn sống rải rác ở nhiều nước Hồi giáo Trung Đông. Chiến tranh với Ai Cập 1956 và 1967 khiến nhiều người rời các nước Ả Rập và Bắc Phi để sang Israel định cư, ngày nay thành phần này trở thành đa số về mặt dân số ở Israel, cũng là bộ phận xã hội nghèo khó, thu nhập thấp, và học thức kém hơn, đồng thời cổ truyền và bảo thủ hơn về mặt tôn giáo so với thành phần gốc Âu. Họ hội nhập khó khăn, kể từ ngôn ngữ trở đi. Tiếng Do Thái hiện đại là phát minh của người Ashkenaze. Người Do Thái Sefardi-Mizrahi vẫn sử dụng tiếng Do Thái cổ khi đi lễ, như Phật tử dùng kinh Phạn hay tín đồ Công giáo dùng tiếng Latin. Về mặt chính trị, họ lép vế hơn.

Thập niên 1990 trở đi, Israel gặp một biến cố mới về nhân khẩu học. Khối Liên Xô tan rã khiến người gốc Do Thái từ Nga và Đông Âu di cư ồ ạt sang Israel. Dân số Israel năm 1990 là 4,5 triệu và 15 năm tiếp theo đón thêm 1 triệu di dân từ Liên Xô cũ. Đợt di dân này có nhiều người học thức. Năm 1989, Israel có 30.000 kỹ sư và 15.000 bác sĩ. Riêng giai đoạn 1990-1993 đã có 57.000 kỹ sư và 12.000 bác sĩ từ Nga di dân sang. Về văn hóa, họ xa vời tôn giáo Do Thái và những cấm cản truyền thống, vẫn thích ăn thịt heo chẳng hạn. Về chính trị, họ chống tất cả những gì xa gần với xã hội chủ nghĩa. Về ngôn ngữ, nhiều người Do Thái Nga ngang nhiên không cần hội nhập và vẫn nói tiếng Nga. Về xã hội, họ nhanh chóng đạt địa vị cao hơn thành phần Sefardi-Mizrahi.

Như vậy, chính trường Israel đang trải qua mâu thuẫn giữa ba nguồn gốc dân tộc Do Thái này, rất khác biệt về xã hội, tôn giáo, văn hóa, và quan điểm chính trị. Thành phần Nga, đại diện là ông Avigdor Lieberman, gây khủng hoảng khi rời liên minh Netanyahu vì vấn đề giáo sĩ được miễn nghĩa vụ quân sự. Đối với thành phần Nga, nghĩa vụ quân sự là trên hết, không thì ai bảo vệ tổ quốc? Với thành phần tôn giáo bảo thủ, không có Do Thái giáo thì cũng không có quốc gia Israel, nên mấy đứa ăn xúc xích heo lậu (hàng quốc cấm) từ Nga mới sang làm sao hiểu! Chuyện này không có lối thoát. Hai chính đảng lớn ngang ngửa số ghế, hai đảng nhỏ - phe cực hữu Lieberman và phe thiên tả (Đảng Lao động) - chẳng khác, kỳ nào cũng 5-7 ghế.

Đại kỵ tham nhũng

Ông Netanyahu, 71 tuổi, là lãnh đạo lâu đời nhất hiện nay tại Israel, lần đầu làm thủ tướng 24 năm về trước, khi đối thủ hiện giờ của ông là tướng Gantz, 61 tuổi, mới là đại tá cấp chỉ huy lữ đoàn. Mấy năm qua, ông Netanyahu được sự ủng hộ chưa từng thấy từ chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump. Hoa Kỳ lần lượt công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, việc chiếm đóng cao nguyên Golan (thuộc Syria), rồi việc chiếm đóng các vùng thuộc Palestine từ năm 1967. Mới đây, nhờ Saudi Arabia - đồng minh thân thiết của Mỹ - ngấm ngầm thúc đẩy, UAE, Sudan, Bahrain và Morocco đều đã thiết lập bang giao chính thức với Israel. Đây được coi là thành tích của “phò mã” Jared Kushner. Nói qua, cậu Kushner lúc còn tuổi đi dự dạ hội trường cấp III (17 tuổi) từng phải nhường phòng ngủ cho ông Netanyahu lúc ông ghé thăm nhà cậu ở New Jersey hồi những năm 1990 - cha cậu là một doanh nhân Do Thái có tiếng ở Mỹ.

Cựu tướng Benny Gantz hiện nắm tạm quyền thủ tướng Israel. Ảnh: The Times of Israel

Nhưng cũng trong những năm chót này, cá nhân ông Netanyahu gặp nhiều vấn đề. Tuy ông không hiếp dâm ai, nhưng bà vợ thứ ba của ông, Sara, là người nhiều tai tiếng. Nghe đâu bà khó tính, hay mắng chửi và sai vặt nhân viên thuộc quyền chồng. Chuyện này khiến bà từng bị kiện và phải bồi thường cho một thuộc cấp 42.000 đôla. Bà đặt cơm giao đến nhà 100.000 đôla trong khi dinh có đầu bếp. Bà mang thân phụ đến dinh ăn ở và dùng tiền nhà nước để chu cấp. Bà còn dùng quỹ nhà nước để nuôi một cậu chó tên là Kaiya. Vào dịp tết Do Thái Hannukah 2015, cậu này không biết điều cắn hai vị khách, nên chuyện cậu được nuôi bằng quỹ quốc gia đổ bể! Bà cũng dùng tiền chính phủ để sắm bàn ghế cho nhà nghỉ mát riêng tại Caesarea.

Nhưng đó là chuyện của bà, và chuyện cũng nhỏ, chẳng nhằm nhò gì khi ví với chuyện của ông. Ông Netanyahu bị tố cáo có nguồn rượu và xì gà riêng vô tận từ một đại gia Israel và một tỉ phú Úc, lên đến mấy trăm ngàn đôla. Trầm trọng hơn chuyện hút sách lẻ tẻ là ông dùng quyền thủ tướng để giúp đỡ nhóm truyền thông Wallal, giá trị lên đến vài trăm triệu đôla. Ngược lại, nhóm này ủng hộ ông trong sự nghiệp tiếp tục làm phụ mẫu chi dân của Israel. Nội vụ thế nào thì chưa biết, chỉ biết là từ bị điều tra, ông Netanyahu nay bị truy tố, giờ phải đáo tụng đình, còn chờ kêu án, rồi kháng án… phải mất mấy năm mới có kết quả cuối cùng.

Trong khi chờ đợi thì biến cố bên ngoài là chính quyền Trump đã thất cử ở Hoa Kỳ, ông Netanyahu mất một chỗ dựa lớn. Có thể chắc chắn là chính quyền Biden sẽ tiếp tục ủng hộ Israel, nhưng có lẽ không nhiệt tình hết cỡ như thời Trump!■

Bản thân nội bộ Đảng Likud cũng đang chia rẽ vì ông Netanyahu, nửa chống và nửa ủng hộ. Đại biểu Gideon Saar của đảng này đã bỏ ghế ra đi ngày 8-12, tuyên bố không thể chấp nhận “chủ nghĩa tôn thờ cá nhân” nữa. Cựu chánh văn phòng của ông Netanyahu 12 năm trước và là người nhiều lần giữ chức bộ trưởng trong chánh quyền của ông Naftali Bennett thì mới tuyên bố sẽ ra tranh ghế của Likud. Theo lời ông Bennett, cả nước Israel đã đội ơn ông Netanyahu nhiều rồi, giờ ông nên về vườn nhà ở Caesarea giữ chó cho vợ, kẻo nó lại cắn khách, thì hơn.

Israel và thế giới Hồi giáo: Một lịch sử những vụ ám sát

SÁNG ÁNH 07/12/2020 21:12 GMT+7

TTCT - Khoa học gia hạt nhân người Iran vừa bị ám sát không phải là vụ đầu tiên Israel bị nghi ngờ đứng đằng sau âm mưu trừ khử một nhân vật then chốt của các quốc gia đối địch, và có lẽ cũng chẳng phải vụ cuối cùng.

Mohsen
Mohsen

Từ California tới Paris

Bấy giờ là mùa hè ở Bắc California, năm 1952, tại thị trấn Berkeley, Sameera Moussa - một phụ nữ Ai Cập 35 tuổi, sang Mỹ theo diện học bổng Fulbright. Berkeley dạo đó - hay dạo này, đi đâu cũng phải có xe có pháo.

Sameera không phải người Mỹ, không biết lái xe, không có bằng lái và không có xe. Bằng mà cô có là tiến sĩ vật lý nguyên tử: cô là phó giáo sư Đại học Cairo ở Ai Cập và là người phụ nữ đầu tiên ở trong nước đạt tới học hàm đấy.

Sameera được mời sang Hoa Kỳ và việc cô được thăm trung tâm nghiên cứu nguyên tử tại đây gây ra nhiều tranh cãi. Năm 1952, chuyện nguyên tử còn rất mới, và cô Sameera là người da màu đầu tiên được đặt chân đến nơi này, với tư cách chuyên gia nghiên cứu phóng xạ để điều trị bệnh ung thư.

Được mời ở lại Mỹ làm việc và vào quốc tịch, cô từ chối, nhưng chiều ngày 5-8-1952, cô không từ chối lời mời đi chơi. Cô sẽ có xe đến tận nhà rước.

California, Bắc cũng như Nam, hay có những con đường dài quanh co uốn éo những lưng đồi. Chiếc xe chở cô rơi xuống vực cao 12 thước. Người lái đã nhanh chân nhảy khỏi xe trước khi xe lao xuống như trong phim… Hollywood, chỉ có Sameera bỏ mạng.

Một người Ai Cập khác, nữ diễn viên Raqya Ibrahim, lúc đó 33 tuổi và sống tại Bắc California. Bà mất năm 1978, nhưng cháu bà sau đó nhờ lục kho mới phát hiện và đọc được sổ tay nhật ký của bà mình để lại. Hóa ra trong thời đó, Raqya và Sameera có qua lại.

Cũng là chuyện tự nhiên thôi, hai phụ nữ Ai Cập nổi tiếng, đang ở nước ngoài cùng một nơi và cùng lứa tuổi. Cô Raqya là người Ai Cập đạo Do Thái và ủng hộ Israel. Cô có lén lấy chìa khóa nhà Sameera in dấu trên một cục xà bông và trao cho tình báo Israel.

Họ dùng chìa khóa giả này để vào nhà sục sạo và chụp hình tài liệu, nhưng nhật ký không đề cập chuyện mời đi chơi và chuyện rơi xe xuống núi.

Năm 1962, tình báo Israel phát hiện một nhóm 35 chuyên gia người Đức đang làm việc tại Cairo cho chương trình tên lửa của Ai Cập. Tại Đức, nhóm này được đại diện bởi một công ty do tiến sĩ Hans Krug đứng đầu.

Ông này bị bắt cóc, đưa sang Pháp và bí mật mang về Israel giam giữ, khai thác, rồi thủ tiêu, trước khi xác ông bị ném bằng máy bay xuống biển. Đồng thời, tin được phao kín là ông ta giật tiền của Ai Cập bỏ trốn sang Nam Mỹ. Chương trình tên lửa của Ai Cập, vì thiếu phần điều khiển, sau đó không thể hoàn tất.

Năm 1980, Yahya El Mashad, khoa học gia nguyên tử người Ai Cập làm việc cho Iraq, bị đập vỡ đầu trong một phòng ở khách sạn Meridien tại Paris. Ông này sang đó để nhận kiểm hàng từ Chính phủ Pháp - nước bán trung tâm nguyên tử Osisris cho chế độ Saddam Hussein.

Kẻ cuối cùng ông gặp khi còn sống đêm hôm đó là một cô gái bán dâm Pháp nghệ danh Marie Express (Marie “Tốc hành”). Cảnh sát Pháp đã tìm và gặp được cô, xui sao, vừa thẩm vấn song, khi Marie đang băng qua đường thì bị xe con đâm chết - kẻ gây ra tai nạn tẩu thoát. Những chuyện dao gậy kiểu đó nhiều kể không hết, và dễ hơn là viện tới máy bay ném bom.

 

Những toan tính đằng sau

40 năm sau vụ Marie “Tốc hành”, hôm 27-11, Mohsen Fakhrizadeh, lãnh đạo Tổ chức Đổi mới và nghiên cứu phòng thủ Iran, đang đi trên đường ở ngoại ô Tehran cùng vợ thì bị ám sát. Mohsen ít được quần chúng biết đến, nhưng mang hàm thiếu tướng Vệ binh Cách mạng và được coi là nhà khoa học đứng đầu nỗ lực nguyên tử quân sự của Iran.

Chuyện ám sát này xảy ra thế nào thì chưa rõ. Tin ban đầu cho biết 3-4 sát thủ đã tấn công xe ông và đoàn ba xe hộ tống, rồi cả 3-4 sát thủ đều bỏ mạng sau đó. Sau đó lại có tin nói ông bị một súng máy điều khiển từ vệ tinh đặt trên một xe con Nissan giết.

Chuyện điều khiển từ xa qua vệ tinh như máy bay không người lái thì chẳng có gì lạ. Súng máy cũng thế thôi, biên giới Gaza - Israel đầy những ụ súng máy kiểu này.

Tại Iran, tình báo Israel - nếu họ là thủ phạm - hẳn dựa vào tổ chức chống đối chế độ thần quyền MEK (Tổ chức Mujahedin Nhân dân Iran), vốn có mấy nghìn người nằm vùng ngay tại Iran.

Với Iran, chuyện này chẳng mới mẻ gì. Năm 2010, ba nhà khoa học dính dáng đến nguyên tử của nước này bị ám sát; năm 2011, một giáo sư bị giết chỉ vì giỏi toán khi đang leo lên xe máy đi làm; năm 2012, thêm một nhà khoa học khác bị đánh bom.

Như vậy đây là lần ám sát thứ 6 tình nghi là do Israel gây ra tại Iran. Chuyện này hồi hộp hơn những lần trước vì nó xảy ra vào giao thời giữa hai tổng thống Mỹ, 8 tuần trước khi ông Donald Trump ra đi và ông Joe Biden (dự kiến) nhậm chức vào ngày 20-1-2021.

Trong 4 năm nhiệm kỳ vừa qua, ông Trump đã có chính sách thân thiện và o bế chưa từng thấy với Israel trong lịch sử ngoại giao Hoa Kỳ. Đã đành nhà nước Do Thái vốn là đồng minh cật ruột, được Mỹ yêu quý như tròng con ngươi, mọi người đều biết thế, nhưng yêu mấy thì yêu, trên danh nghĩa thì cưng mấy là cưng vẫn không phải là tiểu bang thứ 51.

Chính quyền Trump yêu chiều quá lộ liễu - công nhận Jerusalem là thủ đô chính thức và ủng hộ giành thêm đất, vốn là chuyện đã bị mấy chục nghị quyết Liên Hiệp Quốc lên án suốt từ năm 1948. Lý do là ông Trump phải dựa vào thành phần cử tri Kitô Phúc âm (Evangelical) vốn cực kỳ sùng đạo ở Mỹ.

Thành phần này có nhiều người tin rằng Chúa Giêsu sẽ hạ phàm ở Israel để cứu rỗi họ, rồi sau đó là 7 năm hỗn loạn và người Do Thái sẽ bỏ đạo họ để theo Chúa. Số cử tri này hết sức cần thiết cho ứng viên Trump. Nó là lý do Phó tổng thống Mike Pence, một nhân vật cốt cán đại diện cho thành phần này, được lựa chọn từ đầu.

Mặt khác, cả nhiệm kỳ của ông Trump là để đảo ngược và đả phá các thành quả của chính quyền Barack Obama tiền nhiệm. Ông Trump thật ra lần đầu gây tiếng vang trên chính trường Mỹ chính với tuyên bố (sai sự thật) rằng ông Obama sanh ở nước ngoài và là người đạo Hồi.

Để rồi năm 2016, ông Trump hứa hẹn nếu lên làm tổng thống sẽ rút khỏi hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu, hiệp định thương mại TPP, xóa sổ bảo hiểm y tế Obamacare và thỏa thuận hạt nhân với Iran… 4 năm qua, ông Trump đã làm gần đủ những việc đó.

Ông chỉ còn thiếu nước đánh Iran, vì lý do Iran… sẽ đánh lại, cũng đau chứ! Giờ thì có vẻ đã gần như chắc chắn thất cử, ông Trump hình như đang muốn gây chuyện, hậu quả đã có chính quyền tới “đổ vỏ”.

Phần Iran, sau khi nghiến răng và nín thở qua sông được 4 năm qua, đành phải nín thở thêm 2 tháng nữa. Thỏa thuận 6 bên năm 2015 giữa Iran, Hoa Kỳ, Nga, Anh, Đức, và Pháp, chỉ mình Hoa Kỳ của chính quyền Trump đơn phương rút lui.

Cấm vận kéo dài ước tính khiến Iran thiệt hại khoảng 160 tỉ đôla! Nhịn vài tuần nữa thôi, Iran sẽ có hi vọng giải tỏa được khoản tài sản 100 tỉ đôla đang bị Tây phương phong tỏa sau cách mạng thần quyền, được quyền thoải mái bán tài nguyên dầu khí, được vui vẻ nhập hàng quốc tế để tân trang nhà máy và thiết bị, để phục hồi một nền kinh tế rất tiềm năng, nhưng cũng đang điêu đứng vì COVID-19.

Israel, nếu đúng họ đứng sau vụ ám sát vừa rồi, chắc nhận định “cửa sổ cơ hội” để họ ra tay không còn nhiều, bởi Iran sẽ vẫn nín nhịn đợi cho qua cảnh tranh tối tranh sáng lúc này, để chờ chính quyền Mỹ sang trang mới. Iran thề rửa hận, nhưng hiện mới dừng lại ở mức ghi sổ nợ bằng mực đỏ và tuyên bố tăng quỹ của phòng nghiên cứu lên gấp hai.

Tăng quỹ thì nào có chết ai, nhưng phản ứng “dịu dàng” được cũng một phần là bởi hành động ám sát - dẫu nhiều người tin là do Israel đạo diễn - chính thức vẫn là trò “ném đá giấu tay”. Nó khác hẳn, thí dụ, công khai mang máy bay ném bom nhà máy hạt nhân, hay lấy tên lửa “made in USA” bắn vào tướng lĩnh nước khác. ■

Trớ trêu ở chỗ, Iran và Israel cũng chẳng phải đời đời kiếp kiếp “bất cộng đái thiên” như nhiều người vẫn tưởng. Còn nhớ, tháng 9-1980, 8 ngày sau khi Iraq tuyên chiến với Iran và đánh bom các sân bay của nước này, Iran trả đũa bằng cách tấn công trung tâm nguyên tử Tammuz ở Osiris.

Vụ tấn công cần phải đổ xăng trên không, lừa phòng không địch bằng cách đánh cùng lúc nhà máy phát điện của thành phố Baghdad. 40 năm sau, có thể gọi đó là một phi vụ thành công, nhưng lúc bấy giờ, truyền thông quốc tế còn đồn đãi các máy bay Iran thực ra là do phi công Israel lái.

Năm 1981, các không ảnh do Iran chụp được với cơ sở hạt nhân Tammuz của Iraq lại tạo điều kiện cho Israel đánh sập cơ sở này.

Thời đó, Iraq là kẻ thù chung của Israel và Iran. Sau khi Hoa Kỳ đưa quân vào Iraq, rồi lại rút quân ra, nước này từ từ rơi vào quỹ đạo của… Iran, thì Iran trở thành kẻ thù số 1 của Israel và Saudi Arabia.

Tức là, không thể loại trừ khả năng Saudi trong tương lai sẽ trở thành cường quốc nguyên tử và tình báo Israel sẽ lại phải tìm kiếm những mục tiêu mới. Gần đây nhất, tháng 7-2019, nhà khoa học Ai Cập Abu Bakr Abdel Moneim đi dự một hội nghị tại Marrakech (Morocco), rồi vì uống nước trái cây mà ngộ độc qua đời, gây ra nghi vấn là có bàn tay vắt cam vắt chanh gì đây của tình báo Israel.

Chu đáo nhất là trường hợp tự sát của tiến sĩ Ai Cập Said Bedair năm 1989. Ông ra lan can ngắm cảnh và té lầu chết tươi, nhưng trước đó đã cẩn thận cắt hai cổ tay của mình và vặn hơi ga trong căn hộ ông tạm trú.

Khoa học gia làm việc phương pháp chặt chẽ có khác: đã vặn hơi ga tự sát, lại cắt cổ tay cho chắc ăn, rồi cuối cùng nhảy lầu là bảo đảm nhất. Theo lời vợ ông thì Said Bedair không có lý do gì để tự sát - bà đổ cho tình báo Israel. Ta không biết được, dù rằng lý do để một ông chồng tự sát, thì bà vợ thường là người cuối cùng đoán ra!

Giấc mộng Đại Ottoman

SÁNG ÁNH 30/09/2020 01:09 GMT+7

TTCT - Những bất ổn ở khu vực đông Địa Trung Hải, trải rộng khắp Bắc Phi, Trung Đông và Trung Á, thời gian qua gần như luôn có sự góp mặt của một nhân tố “thường trực”: Thổ Nhĩ Kỳ.

Tranh chấp trên biển ở đông Địa Trung Hải rất phức tạp. Ảnh: geopoliticalfutures.com

Ngày 14-8-2020, tàu thăm dò dầu khí Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ được ba chiến hạm hộ tống tiến vào phía một khu vực tranh chấp giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hi Lạp tại phía đông Địa Trung Hải. Chiến hạm Limnos của Hi Lạp đi theo sát để canh chừng lúc đó đâm đầu vào đuôi chiến hạm Kemal Reis của Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Thổ Nhĩ Kỳ lên gồng, hăm dọa sẵn sàng phản ứng bằng vũ lực. Phía hải quân Hi Lạp xuống giọng, đây chỉ là tai nạn lưu thông, lỡ đụng vào mông. Chuyện là, cả hai quốc gia này đều là thành viên của khối quân sự NATO (đồng minh Bắc Đại Tây Dương của Hoa Kỳ), với Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh quan trọng hơn là Hi Lạp, về kích cỡ cũng như vị thế chiến lược. Nhưng Hi Lạp là thành viên Liên minh châu Âu (EU), khối mà Thổ Nhĩ Kỳ lâu nay vẫn mong gia nhập mà chưa được chấp thuận.

Năm bè bảy mối

Phía nam của khu vực này, Thổ Nhĩ Kỳ từ năm ngoái có tàu giàn khoan Yavuz hiện diện và hoạt động trong vùng kinh tế biển của đảo quốc Cyprus (Síp). Đây lại là một chuyện khác nữa. Cyprus là quốc gia từ nội chiến 1974 vẫn còn phân hai khu vực: 60% đảo thuộc thành phần dân cư gốc Hi Lạp và 40% thuộc dân cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Cộng hòa Cyprus - Hi Lạp, thuộc khối EU. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất công nhận Cộng hòa Cyprus - Thổ Nhĩ Kỳ. Cộng hòa này, năm 1983 còn đòi “trở về cố quốc”, tức là nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyện này đến nay chưa được giải quyết. Do đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng họ không xâm phạm chủ quyền biển của Cyprus - Hi Lạp mà chỉ khai thác và bảo vệ tài nguyên của Cyprus - Thổ Nhĩ Kỳ.

Chuyện thứ ba là đi xa hơn nữa, về hướng tây của Địa Trung Hải, thì Thổ Nhĩ Kỳ mới ký kết hợp tác khai thác dầu khí biển với Chính quyền Hòa hợp quốc gia (GNA) của Libya. Đây là chính quyền được Liên Hiệp Quốc và quốc tế công nhận. Chính quyền này đang bị đe dọa bởi lực lượng đối lập vũ trang của tướng Khalifa Haftar. Tướng này được Ai Cập, UAE và Saudi Arabia ủng hộ ra mặt, Pháp ủng hộ lén lút (vì ông này là một sứ quân chứ không có “chính nghĩa” quốc tế). Ai Cập bèn ký kết hiệp ước biển với... Hi Lạp, như một cách nói rằng ta đây không cùng phe với Thổ Nhĩ Kỳ. Pháp thì lên tiếng đe Thổ Nhĩ Kỳ. Mọi chuyện cứ như thời Ottoman.

Tại Ai Cập, sau khi Mùa xuân Ả Rập đánh đổ chế độ quân phiệt Mubarak thì tổng thống dân cử được bầu lên là Mohamed Morsi. Ông này thuộc phong trào Anh em Hồi giáo gần gũi với chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Thổ Nhĩ Kỳ. Quân đội Ai Cập, đứng đầu là tướng Abdel Fattah Al-Sisi, được phe Saudi - UAE ủng hộ lật đổ Morsi, cho nên giờ chế độ Ai Cập là thành phần chống Thổ Nhĩ Kỳ. Tại vùng Vịnh, liên minh Saudi - UAE - Bahrain từng hăm dọa cô lập và xâm lăng Qatar. Tiểu quốc này được Thổ Nhĩ Kỳ che chở, gửi ngay 5.000 lính sang nên thoát nạn. Trong chuyện Địa Trung Hải mới đây, Saudi chưa tiện can thiệp hay lên tiếng, nên để UAE giữ vai hung hăng.

Đây là bối cảnh ngoại giao quốc tế của chuyện tranh chấp khu vực kinh tế ở Địa Trung Hải. Ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ, nó còn có các tố phần chính trị nội bộ. Ông Erdogan đứng đầu một phong trào Hồi giáo chủ nghĩa tại một nước quốc gia chủ nghĩa thế tục. Về mặt chính trị, đối lập hiện nay là phong trào quốc gia chủ nghĩa Thổ Nhĩ Kỳ thuộc dòng dân chủ xã hội, trong khi Tổng thống Erdogan thuộc dòng bảo thủ. Trong bầu cử cuối năm 2018, bầu quốc hội và tổng thống, ông Erdogan thắng với 52,5%. Nhiệm kỳ này sẽ chấm dứt vào năm 2023, nhưng bầu cử địa phương 2019 cho thấy phe Erdogan đã mất đa số và bị đánh bại tại thủ đô Ankara cũng như thành phố lớn nhất nước Istanbul. Như vậy, có nguy cơ Erdogan sẽ thất bại trong tổng tuyển cử lần tới vào năm 2023. Chính quyền ông hiện đang gặp khó khăn về mặt tài chánh, với đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ liên tục mất giá và đời sống kinh tế của người dân khó khăn.

Ôn cố tri tân

Phong trào bảo thủ - Hồi giáo của Erdogan chỉ mới có từ 20 năm nay. Sau Thế chiến I, Đế quốc Ottoman tan rã, nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ được thành lập trên căn bản thế tục, cấp tiến xã hội và quốc gia chủ nghĩa. Giờ trước nguy cơ thất cử, phong trào Erdogan bèn áp dụng chính sách đối ngoại được gọi là “tân Ottoman”. Đây là kiểu quốc gia chủ nghĩa nhưng không hướng về cách tân hay tương lai mà về quá khứ hào hùng của cha ông. Phải biết, đây là một quá khứ rực rỡ đến chói lòa. Vùng Địa Trung Hải suốt hàng trăm năm từng là “ao nhà” đúng nghĩa của Đế quốc Ottoman sau khi họ tống khứ cộng hòa thương mại Venice khỏi Cyprus và Crete sau hàng loạt cuộc hải chiến. Hi Lạp và Đông Âu cho đến cửa thành Vienna nước Áo, gồm các nước Ukraine, Bulgaria, Moldova, Serbia, Bosnia, Hungary, Albania, Hi Lạp... ngày nay đều là thuộc địa của Đế quốc Ottoman trong nhiều thế kỷ sau khi họ hạ Constantinople (nay là Istanbul) năm 1453. Về phía bờ nam Địa Trung Hải, lãnh thổ và thuộc địa của Đế quốc Ottoman gồm Syria, Lebanon, Palestine, Ai Cập, Libya, Tunisia, Algeria... ngày nay. Nhưng rồi cách mạng công nghiệp khiến Tây phương vượt lên vào thế kỷ 18. Hi Lạp sau đó được Anh - Pháp - Nga xúm vào “bảo kê” và giành giật khỏi Đế quốc Ottoman vào đầu thế kỷ 19 để trao cho vương quốc Bavaria (Đức)!

Ông Erdogan tự cho mình là người thừa kế của đế quốc hùng vĩ một thuở và bị gọi nhạo là “sultan” (đại đế). Ba tàu giàn khoan của Thổ Nhĩ Kỳ - Fatih, Yavuz, Kanuni - cũng được đặt tên theo ba đại đế thế kỷ 15-16 đã đưa Đế quốc Ottoman lên đến đỉnh thế giới như đã kể, khuất phục Ả Rập, cai trị Trung Đông và Đông Âu, húng hắng ho là Nga và Tây Âu cảm thấy đau ngay cổ họng. Nhưng giờ là năm 2020 chứ không phải 1689.

Trong nước, ngoài thành phần cấp tiến chống đối, ông Erdogan còn phải cạnh tranh với thành phần cùng bán một mặt hàng là Hồi giáo bảo thủ, mà đại diện là giáo sĩ Fethullah Gulen, hiện đang tị nạn tại Hoa Kỳ. Cho nên ông phải vung tay nói lớn. Vừa rồi, tháng 7-2020, nhà thờ Hagia Sophia - di tích từ thời Đế quốc La Mã - được ông biến trở lại thành đền Hồi cho vui. Từ năm 1934, cộng hòa thế tục Thổ Nhĩ Kỳ dùng di tích này làm nhà bảo tàng. Chiếm được Hagia Sophia thì đại đế Fatih đã chiếm rồi, từ 1453, nên chuyện biến nơi đây thành hội đường Hồi giáo, ông Erdogan chẳng phải động quân khó nhọc gì cả, còn dễ hơn rục rịch các giàn khoan, mà lại mát lòng quần chúng của ông.

Sự sụp đổ của chế độ Saddam Hussein ở Iraq cũng như sự bấp bênh của chế độ Bashar Al-Assad ở Syria lại khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt một vấn đề đã cũ khác chưa giải quyết được: vấn đề dân tộc Kurd, vốn chiếm khoảng 15-20% dân số Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Iraq, người Kurd hầu như độc lập và tại Syria rối ren, họ đã giành được quyền tự quản. Tại Thổ Nhĩ Kỳ thì người Kurd đang có xu hướng chia rẽ, có cả thành phần hợp tác chính trị đến thành phần chống đối vũ trang. Đảng HDP (đại diện dân tộc Kurd) trong bầu cử quốc hội 2018 được 11,7% phiếu. Liên minh của họ với phe tả tất nhiên là năm 2023 sẽ đe dọa phong trào Erdogan. Đây cũng là một yếu tố khiến Địa Trung Hải “ào ào gió thu”, một khi ông Erdogan đã “thét roi cầu Vị”.

Sau chót là vấn đề tranh chấp Nagorno-Karabakh giữa hai nước thuộc Liên Xô cũ là Armenia và Azerbaijan mới lại bùng nổ (xem bài trang trước). Đế quốc Ottoman từng cai trị vùng Trung Á này và Azerbaijan với Thổ Nhĩ Kỳ là anh em về mặt lịch sử và ngôn ngữ. Đây đã và sẽ là điều kích động quốc gia chủ nghĩa “tân Ottoman” và ảnh hưởng đến việc duy trì giàn khoan Yavuz ở vùng biển Cyprus. Tiếng xích sắt xe tăng tại đây có thể khiến chiến hạm Thổ Nhĩ Kỳ tại Địa Trung Hải quay mặt với Hi Lạp.

Người ta vẫn nói Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia châu Á bị ám ảnh tưởng mình là một nước châu Âu. Họ đã nỗ lực bấy lâu nay để gia nhập EU và bị đặt đủ thứ điều kiện - đòi hỏi về kinh tế đã đành, nhưng còn cả đòi hỏi ngoại giao với lại chính trị. Đây là chuyện phức tạp và chưa giải quyết hay không giải quyết được, khiến trong hoàn cảnh khó khăn kinh tế hiện nay, dư luận Thổ Nhĩ Kỳ có thể ủng hộ các kiểu đánh roi đi quyền của “sultan Erdogan”.■

Mặc dù đế quốc Ottoman đã được phát tang, chôn vùi và cải táng, nhưng cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay vẫn có ảnh hưởng nhất định trong khu vực với vị trí “trấn Âu bình Á”. Dù không còn “duy ngã độc tôn” như thời Ottoman, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một nước lớn, 82 triệu dân và phát triển không kém so với các nước Đông Âu như Hungary hay Ba Lan, hoặc Nam Âu như Bồ Đào Nha hay Hi Lạp. Về mặt tôn giáo và xã hội, đất nước này thậm chí có thể đại diện cho một chiều hướng Hồi giáo tiến bộ khác biệt với Hồi giáo Shia Iran hay Hồi giáo Sunni kiểu Saudi. Về mặt này, ai từng ghé Thổ Nhĩ Kỳ, ra ngõ là gặp đàn bà quần cộc ngồi hút thuốc, chí ít là ở các khu vực phố thị. Về mặt bình quyền, có lẽ Đảng HDP của người Kurd là đảng phái chính trị bình quyền nam nữ nhất thế giới. Đảng quy định rõ các cấp phải có đồng lãnh đạo một nam một nữ, các đại biểu dân cử từ địa phương đến trung ương cũng bắt buộc tỉ lệ nam nữ là 50-50.

Thảm kịch vụ nổ Beirut: Nghìn lẻ một chuyện Lebanon

SÁNG ÁNH 15/08/2020 23:08 GMT+7

TTCT - Xứ sở đã có 5.000 năm lịch sử Lebanon vừa trải qua một biến cố chấn động. Vụ nổ ở cảng Beirut cướp đi sinh mạng 157 người ngày 4-8 như một thảm kịch thu nhỏ hình ảnh đất nước kỳ lạ của khu vực Trung Đông này.

Ảnh: annahar.com
Ảnh: annahar.com

Buổi chiều Địa Trung Hải thì rất đẹp. Chỉ tiếc là quang cảnh tuy nhìn ra biển nhưng bị các kho hàng của cảng Beirut che mất phần nào. Beirut là thành phố hai mặt biển, căn hộ của Lina và Imad đang ở 50 năm trước là thuộc khu bình dân và tạp nham ở phía đông thành phố, dân cư lúc đó chủ yếu là người lao động Kitô giáo. Bên phải là khu vực Karantina (Cách ly) cũ của cảng, khi Israel thành lập (1948) thì trở thành một trong các trại chứa nửa triệu người Palestine bồng con, cõng mẹ chạy sang tị nạn.

Nguồn cơn

Suốt thời nội chiến Lebanon (1975-1990), cảng Beirut do phe Kitô giáo kiểm soát và là nguồn thu nhập chính cho lực lượng vệ binh của họ. 30 năm qua, khu vực chung quanh cảng lên đời, Gemayzeh trở thành khu ăn chơi thanh lịch và căn hộ của hai bạn Lina và Imad không hề rẻ, có tầm nhìn ra biển, tuy hơi chán vì lem nhem tàu hàng với lại nhà kho.

Bên dưới là khu ăn uống, nhà hàng, trước mặt là đường cao tốc, đằng sau là khu mua sắm. Imad đương nhiên là hãnh diện, trong một clip giới thiệu tư gia, anh nói về phòng khách: “Đây là nơi tôi thích nhất. Xinh lắm!”.

Lúc 17h55 ngày 4-8-2020, tại cảng có một đám cháy. Khói đen bốc lên cạnh những cần cẩu dỡ hàng. Imad lấy di động ra ghi hình đám cháy và Lina đứng bên cạnh bình phẩm. Sao lính lửa không thấy đâu, lại có người đứng xem gần đám cháy thế, chẳng ai đảm bảo an toàn cả! Đang khi đấy thì nghe có tiếng nổ, bà Imad gọi anh: Vào nhà ngay, đừng đứng đó mà quay clip nữa!

Nhưng đang hấp dẫn, khói bốc lên cuồn cuộn, làm sao ngưng quay được. 33 giây sau tiếng nổ đầu, kho hàng phát nổ lớn, gây địa chấn cấp 3,3 trên thang Richter, ghi nhận được tại đảo Cyprus cách đó 150km.

Trên clip của Imad, vì anh ở rất gần, chỉ cách khoảng 600m, hình ảnh không ấn tượng mấy, chỉ thấy một chớp sáng. 157 người thiệt mạng, 5.000 người bị thương và 300.000 người mất nhà cửa. Imad và Lina hôn mê bất tỉnh, căn hộ “xinh lắm” của họ bị tàn phá mặt tiền, nhưng họ sống sót, dù phải nhập viện.

Năm 2013, tàu hàng Nga Rhosus chở 2.750 tấn amoni nitrat (AN), dùng làm thuốc nổ và do công ty Mozambique (Đông Nam Phi) Fábrica de Explosivos Moçambique (Hãng thuốc nổ Mozambique, FEM) đặt mua, cập cảng Beirut. Tàu Rhosus thuộc dạng gần như phế thải, hư hại và có khả năng bị chìm, vào cảng không có trên lịch trình để xin “lánh nạn”.

Chủ tàu không trả lương và tiếp tế cho thủy thủ đoàn người Nga và Ukraine đã mấy tháng qua. Vừa cập bến, thủy thủ đoàn bỏ tàu, bỏ hàng, và khó khăn lắm mới có phương tiện hồi hương. Đây là chuyện cũng thường thấy. Các công ty tàu biển dùng tàu cũ kỹ để vớt vát, chuyên chở những mặt hàng “thổ tả” ít tiền, nguy hiểm, khi gặp khó khăn thì bỏ tàu, bỏ hàng và bỏ cả thủy thủ đoàn.

Giá bán 1 tấn AN hiện khoảng 210-270 đôla, còn vào thời điểm đó chỉ là 130-150 đôla. Lô hàng ra đi từ Gruzia đó giá trị tổng cộng chỉ 400.000 đôla. Công ty FEM cho hay đây là số lượng họ cần dùng trong không tới một tháng. Khi không thấy hàng đến, họ đặt mua nơi khác, chẳng đáng là bao.

Vậy là 2.750 tấn thuốc nổ vô thừa nhận ở lại cảng Beirut tới giờ, tuy nhà chức trách có biết và đã được nhiều lần nhắc nhở. Hải quan, tòa án và cơ quan quản lý cảng còn nhiều chuyện khác béo bở hay sướng khoái hơn phải làm so với đi xử lý cả nghìn tấn AN. Tại sao nó phát nổ thì ta chưa biết chính xác, nhưng nếu điểm lại tình tiết sẽ không ai lấy làm ngạc nhiên!

Một đất nước kỳ lạ

Lebanon có lúc có đến 69 phe vệ binh võ trang khác nhau thuộc đủ phái liên minh và tranh đấu không ngừng. Nhưng con số này so với số thuyết âm mưu ở đây vẫn chẳng thấm vào đâu. Vì cảng và vụ nổ xảy ra ở khu vực đông người Kitô giáo, lập tức có thuyết quy kết cho phong trào Hezbollah (Hồi giáo Shia thân Iran).

Vì là Beirut và thành phố do Hezbollah ít nhiều kiểm soát, lại lập tức có thuyết là do Israel, cố tình hay lỡ tay, rồi lập tức các video tin giả tràn ngập, nào là vật lạ như drone bay qua hay tên lửa bay đến.

Phải nói thêm, tai nạn xảy ra trong lúc quốc gia Lebanon đang trải qua giai đoạn tài chính cực kỳ khó khăn. Nước từng được gọi là “Thụy Sĩ của Trung Đông” này, với chi nhánh ngân hàng nhiều hơn vũ công múa bụng với đèn thần, từ đầu năm 2020 lâm vào hoàn cảnh không còn tiền, tức là không còn ngoại tệ.

Sau Thế chiến I, Anh và Pháp chia chác khu vực Trung Đông với hiệp ước khét tiếng Sykes-Picot. Lebanon, rộng khoảng 10.000km2 và dân số lúc đó đa phần Kitô giáo, được Pháp tách ra khỏi Đế chế Ottoman thành một nước riêng.

Từ khi độc lập (1943) cho đến thời nội chiến, Lebanon là hải đăng của khu vực về mặt văn hóa và tài chính. Đây là nơi dân chủ nhất vùng theo kiểu Tây phương, có bầu cử chính trị, tự do ngôn luận và báo chí, giáo dục cao cấp và độc lập. Lebanon có cảnh đẹp và khí hậu tốt, có biển, núi, và các đại học hàng đầu khu vực.

Giới cai trị các nước Ả Rập gửi tiền vào ngân hàng ở đó, gửi con họ sang học, gửi vợ sang mua sắm, lướt ván và trượt tuyết. Giới chống đối ở các nước Ả Rập thì sang đó tị nạn, lập thuyết, lập đảng, âm mưu đảo chánh quê nhà. Khối Xô Viết và Tây phương thì gửi gián điệp, ngồi cạnh bàn nhau trong cùng quán rượu. Lebanon cái gì cũng có, chỉ không có sản xuất, và thứ gì cũng nhập khẩu: 20% GDP là du lịch, 70% là dịch vụ.

Trong các thập niên trước, nước này xuất khẩu lao động ra khắp vùng, ở cấp chuyên gia, quản trị, kỹ thuật và kinh doanh. Lebanon là một nước phát triển, tiêu xài và sinh hoạt như một nước châu Âu, nhưng thu nhập chính thức lại ở hàng tầm tầm (GDP bình quân đầu người gần 10.000 đôla).

Nghịch lý Lebanon là tiêu thì lắm mà không hiểu tiền từ đâu ra, một phần được giải thích là kiều hối, chính thức là 15% GDP, nhưng sự thực chẳng ai biết được. Đây là quốc gia vào loại tự do nhất về ngân hàng và hối đoái, nên rất khó có thống kê chính xác.

Dân số bản địa gần 5 triệu, nhưng còn có 15 triệu người gốc Lebanon hiện sống ở nước ngoài, có khi di dân đã cả trăm năm, số lớn là ở châu Mỹ. Ở Phi châu, họ hầu như nắm hết phân phối và tiêu dùng. Thành phần kiều bào vẫn tiếp tục đi lại và đầu tư cố quốc, mua nhà mua đất. Nội chiến tuy kinh hoàng (số người chết theo tỉ lệ cao hơn chiến tranh Việt Nam) nhưng được coi là dấu ngoặc thôi.

Sau năm 1990, cả nước ăn xài trở lại vui vẻ. Bằng tiền nào? Tiền nợ, chiếm tới 150% GDP, đại khái như Hi Lạp thôi và nợ cũng chẳng phải xấu, đâu phải ai cũng mượn tiền được, người ta nhìn mặt mới cho mượn chứ, mượn được là sang. Cho đến khi người ta không cho mượn nữa thì gọi là khủng hoảng.

Nội chiến Lebanon không giải quyết được gì cả. Mọi người chỉ đồng ý là không nên có nội chiến nữa thôi. Các phe phái giờ phải nhường nhịn nhau trong nội các. Anh nội vụ thì tôi tư pháp, anh thâu tiền điện nước thì tôi thâu tiền đổ rác.

Năm 2016, Beirut gặp nạn rác vì tranh chấp quyền lợi và không ai buồn nhặt. Điện thì mất thường xuyên và người giàu không khóc, họ gạt nước mắt đi mua máy phát thôi. Mạng và di động rất chậm vì phe nắm đặc quyền phân phối ngáng đường mà rằng ôi dào 3G cũng tốt chán rồi, đổi máy đầu tư 4G làm gì, tốn kém cho… tôi.

Năm bè bảy mối

Cách đây vài năm, tại một cửa hàng di động, một nhân viên nhận xét với người viết: “Đất nước này rất tốt đẹp, chỉ có ba vấn đề. Thứ nhất là giao thông, thứ nhì là tốc độ mạng và thứ ba là người Syria”. Lúc đó, người tị nạn Syria tại quốc gia 5 triệu dân này là 1,2 triệu, tức là 1/4! Ngoài ra còn có nửa triệu người tị nạn Palestine chưa hồi hương.

Nói thêm: 1/3 lực lượng lao động thất nghiệp và 1/10 phụ nữ Lebanon là người nước ngoài giúp việc nhà! Tại các nước láng giềng, quần chúng bất mãn dưới ách độc tài hay quân phiệt xuống đường biểu tình lật đổ, đòi tự do bầu cử và tự do ngôn luận, sau đó xách súng bắn nhau thành nội chiến.

Tại Lebanon, nội chiến có rồi, tự do bầu cử, tự do ngôn luận cũng có từ khi độc lập và giờ vẫn vậy. Tự do đến nỗi giai đoạn 2014-2016, Quốc hội không tìm ra được một ai làm tổng thống để vui lòng tất cả phe phái. Chuyện đùa lúc đó trong nước là sao không sang Ecuador mà tìm, vì Ecuador từng có ba tổng thống gốc Lebanon, trong khi Lebanon tìm mãi không ra!

Ngồi không mà tiêu tiền mãi thì cũng đến lúc giờ định mệnh điểm. Cuối năm 2019, tất cả các tài khoản ngoại tệ bị khóa, mỗi tài khoản mỗi tuần chỉ được rút 300 đôla. Sau đó, không được rút ngoại tệ nữa, mà chỉ được rút tiền địa phương. Giả sử bạn có 1 triệu đôla trong tài khoản, mỗi tuần bạn chỉ được rút số tiền tương đương 300 đôla theo tỉ giá chính thức, là 450.000 lira.

Do tiền mất giá liên tục bảy tháng qua, 450.000 lira đó giờ ngoài chợ đen mua được 45 đôla! Kiều hối gửi về cũng không được nhận bằng ngoại tệ, mà phải quy ngay ra lira. Cái gì cũng phải nhập khẩu, giá cả mọi thứ đều tăng vọt. Ngành du lịch thì chết đứng vì dịch COVID-19. Trong khi đó chẳng hiểu bằng cách nào, 15 tỉ đôla vẫn từ Lebanon bay ra nước ngoài để “tị nạn hối đoái”.

Chính quyền dân cử Lebanon về mặt tôn giáo đại diện đủ ba thành phần, đại khái 1/3 Kitô, 1/3 Hồi giáo Sunni và 1/3 Hồi giáo Shia. Nó cũng đại diện đầy đủ các thành phần chính trị là thân Mỹ - Saudi Arabia, quốc gia chủ nghĩa - Hồi giáo Sunni kiểu Erdogan, và Hồi giáo Shia kiểu Iran.

Từ sau nội chiến, các phe phái (buộc phải) chung sống, chia nhau các khu vực địa lý và lãnh vực làm ăn. Hải cảng Beirut là của phe thân Mỹ, phi cảng là của phe Hezbollah thân Iran. Kiểu chia chác này đang gặp vấn đề từ khi Syria loạn và trở thành gánh nặng quân sự lẫn kinh tế cho Hezbollah. Iran mất cơ hội mở cửa với thế giới sau hiệp ước bất thành 2015 và bị Mỹ cô lập gắt gao, đang thiếu thốn và không còn hào sảng tại Lebanon như trước được.

Thực tế là ảnh hưởng của Iran đang lớn ra trong khu vực thì phải loãng đi ở Lebanon. 10 năm trở lại đây, Iran thành chủ chốt ở Iraq, Syria và Somalia, rất tốn kém, không thể chăm bẵm Hezbollah như trước nữa.

Beirut quả là đang gặp khó, nhưng cần biết thành phố này lần đầu tiên có tên trong sử sách là từ lá thư của vua Beirut Ammuniro gửi hoàng đế Ai Cập Amenhotep vào thế kỷ 15 trước Công nguyên. Nó đã trải qua các đế triều Phoenicia, La Mã, Hồi giáo, thời Thập tự chinh có lúc thuộc về vương quốc Jerusalem, Ottoman, rồi Pháp.

Tháng 7-2020, gay go là vấn đề không có ngoại tệ trả lương cho 300.000 phụ nữ người nước ngoài giúp việc nhà. Giờ lúa gạo dự trữ chỉ còn đủ một tháng và không biết lấy đâu ra kính để thay cửa nhà, nhưng xét cái bề dày lịch sử kia thì tất cả cũng chỉ là chuyện… nước chảy chân cầu mà thôi (?!).■

Ngay sau khi vụ nổ xảy ra thì chạy sang an ủi và vỗ về đầu tiên là tổng thống Pháp. Đây là dịp tang gia bối rối, thì người xưa xuất hiện mặt mày rầu rĩ, tay nắm, mắt nhìn, lệ nhỏ, khiến dư luận có ngay 61.000 chữ ký đòi nhận Pháp làm mẫu quốc trở lại! 100 năm (1-9-1920) sau khi tướng Pháp Henri Gouraud tuyên bố thành lập Lebanon theo ủy trị của Hội Quốc Liên, mà thực chất cũng chỉ là thuộc địa, thì hậu nhân Emmanuel Macron có mặt ở nơi giờ là sứ quán Pháp, lên lớp tám lãnh tụ Lebanon đủ thành phần và nói trước là đúng 1-9-2020, ông sẽ trở lại xét bài xem các vị làm ăn ra sao. Quần chúng thì manh động hơn, lập pháp trường giả đòi treo cổ ngay tất cả lãnh đạo trong nước, không có thời hạn một tháng chi cả!

Tấm căn cước và con người thực

SÁNG ÁNH 11/02/2019 23:02 GMT+7

TTCT - Họ đi theo đoàn người trên các con đường đất. Leila lếch thếch nắm tay người anh lớn. Em vừa lên 4 và mẹ em đằng sau đội trên đầu cái chăn vải cột lại bốn góc chứa mấy bộ quần áo, tay xách bình nước bằng nhôm đã vơi nửa.

Tấm căn cước và con người thực - Ảnh 1.

Ảnh: BEHANCE

Quang cảnh ở đây vẫn thế, những đồi vàng đổ nhẹ xuống biển xanh, những vườn cam nặng trĩu dưới nắng lốm đốm trái chín, chẳng có gì khác trên con đường 30 cây số họ mới trải qua. 

Mẹ Leila bỗng dưng nói lớn: “Các con không được hái cam, rơi xuống đất cũng không được nhặt, đây là quê người, cây trái là của người ta”. Họ vừa qua đến phần đất Libăng, chỉ cách Haifa nơi em sinh ra có 1-2 ngày đường bộ. Cha em đã chọn ở lại. “Mẹ con cứ đi đi, biết đâu anh giữ được mảnh vườn căn nhà, sao thì cũng là quê cha”, và ông cúi xuống hôn em lần cuối. Đó là vào ngày 13-4-1948, ngày mà dân tộc Palestine gọi là “Nabka”, đại nạn, khi tân quốc gia vừa thành lập Israel tàn sát hàng ngàn người để đuổi 800.000 người Ả Rập sang các nước láng giềng, xóa 600 làng mạc không để lại một vết tích.

Căn cước của Leila Khaled từ đó dựa trên sự mất mát và cái không có, cái không có được và cái không còn. Phải đến vườn cam Libăng thì em mới ý thức rõ rệt em là người Palestine, trái cây ăn được và trái cây bị cấm. 

Năm lên 25 tuổi, Leila Khaled trở thành không tặc nữ đầu tiên trên thế giới. Năm 1969, đánh cướp chuyến bay TWA 840 từ Rome (Ý) đi Tel Aviv (Israel), cô đã buộc cơ trưởng phải bay qua trời Haifa, quê nhà mà cô đã rời bỏ bằng chân đất 21 năm về trước. 

Những căn cước “âm bản” như trên lại là những căn cước ràng buộc nhất, như lời thơ của nhà thơ quốc dân Palestine Mahmoud Darwish:

Hãy ghi xuống

Tôi là người A-rập

Số thẻ của tôi là 50.000

Tôi có tám người con

Đứa thứ chín sẽ ra đời sau mùa hạ”

(Thẻ căn cước)

Người Palestine khi mất đi đất nước, chỉ còn một tấm căn cước để duy trì.

Như nhân vật người gốc Hi Lạp của Anton Chekhov tiếc nuối là ở Hi Lạp, cái gì ông cũng có, gia đình, bạn bè..., nhưng ở Nga thì không có gì cả. Tuy vậy, cái mà ông vẫn có là tấm căn cước Hi Lạp. “Thẻ số 50.000” là cái chứng minh những người này mang theo dưới biển, trên rừng, trong những vườn cam hay là hoa lệ nước người.

 

Căn cước kiểu không còn, đã mất hay chưa có lại là cái được nâng niu và duy trì, bảo vệ nhiều nhất trong tâm khảm con người, kiểu “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, và bi lụy bởi nó, nhiều khi mất mạng như người Palestine, người Rohingya (Myanmar), người Kurd, người Tutsi-Hutu (Rwanda), người Dinka-Nuer (Nam Sudan)... và xiết bao nữa. 

Nó cũng là bám víu của những người tha hương lạc lõng, dù là về khoảng cách địa lý hay là về lịch sử, quá khứ. Nó mạnh mẽ nhất là lúc ngoại xâm, là trên sân bóng đá, là lúc ta ở xa quê nhà. “Càng đi xa ta càng nhớ em”, bên kia sông là nhà và căn cước của ta là ngày trước.

Tôi có dịp ngồi chung toa tàu với vài bạn tứ xứ không quen biết trước. Đó là tuổi thanh niên trên những con đường balô nên dễ gần gũi. Các bạn tự giới thiệu, có bạn bảo tôi người Thụy Điển, bạn thì người Mỹ. Một bạn bảo, tôi người Ý, đảo Sicily, thì một bạn Tunisia buột miệng: “Đó từng là thuộc địa của chúng tao!”. Thì có vậy, trong toa tàu này bạn ấy là người Ả Rập, đã có thời cai trị Sicily, nhưng ở một nơi khác, nơi vườn rau quê nhà của bạn đó, thì bạn là người Berber, một dân tộc bị văn minh Ả Rập đồng hóa. 

Tôi là người Việt ở Pháp, nhưng sang đến Đan Mạch, mở miệng nói vài câu là được người Pháp mời ăn chung. “Có chỗ ngủ chưa, về lều cắm trại của bọn tao”, tức là của “chúng mình”. Ở đây là ngược lại, sự gần gũi là vì tao từng là mẫu quốc của chúng mày. Một bà người Pháp kể, có thời gian bà phải công tác dài hạn ở Bắc Kinh. Bà có dịp mấy ngày sang thăm Hà Nội. Mới đến nơi, bà đã thấy thân quen, đây là nhà! Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà bà ở đó, và từng mái ngói rong rêu như bà tự nhận! Trên một du thuyền ở Caribê thì gia đình gốc Trung Quốc nhìn tôi như đồng hương. 

Tại Costa Rica (Trung Mỹ) còn có cả gia đình Ấn Độ lại ngồi cùng bàn hỏi có ăn chay như họ không, ở đây cơm bọn này thịt cá ê hề trông khiếp hãi nhỉ!

Người Việt tại Pháp, trong thập niên 1950 và mãi đến 1960, có rất nhiều trường hợp khi giao tiếp với người Âu hay tự nhận là người... Nhật. Chẳng qua, ta không có dịp đô hộ Tây Ban Nha hay Sicily, và thương hiệu Nhật Bản này được biết đến từ chiến thắng nửa vời của nước Nhật vào năm 1904 tại Port Arthur, Mãn Châu trước một nước châu Âu cũng nửa vời: Nga. Dẫu vậy, đó vẫn là lần đầu một nước châu Á có hải quân đủ hiện đại để đánh bại một nước Âu châu. 

Nó mang lại cho cả lục địa một niềm tự hào nhận vơ, sau này được xác định bởi màn hình Sony và xe Toyota. 

Tấm căn cước và con người thực - Ảnh 2.
 
 

Nếu căn cước Palestine dựa trên một “đại nạn” là mất hết, thì căn cước mà vài người Việt mượn tạm là dựa trên “đại nạn” kém phát triển và chưa có gì hết, không có cả hoa anh đào, nên ta đành lắt léo mà cầm nhầm. 

Phải nói, ngay cả ngày nay, đối với quần chúng bình dân Thái Lan, cụ thể là phái nữ không quan tâm đến bóng đá, căn cước “Việt Nam” chẳng gợi được gì cả. Có biết Cam-bốt không? Có. Có biết Lào không? Có. Vậy thì Việt Nam là nước phía đông hai nước vừa kể đấy. 

À! Nhưng nếu bảo Việt Nam là nước phía tây của Miến Điện thì thành phần bình dân Thái này cũng có kẻ tin.

Hiện nay ở Mỹ, cái căn cước “Mỹ” (trắng) đang có giá, và làn sóng này đã đưa ông Trump lên làm tổng thống. Thành phần nông dân ít thu nhập, thành phần công nhân những xưởng máy đóng cửa, những hầm mỏ khánh kiệt, bị toàn cầu hóa bỏ mặc trên những cánh đồng mênh mang và những thị trấn èo uột đột nhiên phát hiện ra căn cước siêu cường của Hoa Kỳ. Họ là người Mỹ và xác định điều này bằng ngoại nhân xâm nhập, đồng minh lừa đảo, bạn bè lợi dụng, đuổi hết ra ngoài và ta đóng cửa lại ngồi nhà ôm nhau ăn gà chiên và uống Coca Cola. Vậy là hạnh phúc của thời hoàng kim nào đó sẽ trở lại. 

Chiều hướng này lác đác ở Ý, Hungary, Czech, Ba Lan... Cái căn cước là cái đã mất, chùm khế ngọt, giàn hoa giấy và con trâu cày hay hồi chuông giáo đường trên những luống ruộng.

Còn một căn cước nữa, luôn phải khẳng định với một căn cước khác đối diện: một đội bóng đá. Không ai hô Việt Nam, Việt Nam nếu là hai đội Việt Nam đá với nhau. Nhưng căn cước cũng có thể là hội nhập và chia sẻ. 

Một sáng sớm ở một làng trung du bang Texas, tại quán bánh bột chiên (donut) duy nhất của thị xã ố màu, tôi gặp một ông già đội nón cao bồi và dây lưng to bản đang ngồi sẵn ở quầy. Ông gục gặc chào một tiếng “Howdy”. Bỗng dưng tôi thấy tôi là người ở đây từ tiền kiếp nào quen thuộc, bà phục vụ to xương chậu trễ nải trề môi đằng sau quầy là người tôi từng theo đuổi dạo cấp ba. Thật dễ dàng, dù là nơi xa lạ nhất, người xa lạ nhất, ta chỉ cần nhìn những người xung quanh lần đầu như họ hàng thân quen yêu mến là ta thấy bình yên. 

Trong tâm, ta chỉ cần tự bảo, tôi là người ở đây và đây là nhà, họ sẽ nhận ra ngay. Trên chuyến phà lên phố ở Zanzibar, hai thanh niên châu Phi ngồi cạnh mở gói ăn trưa chỉ có một ổ bánh mì ngọt, thay vì bẻ làm hai đã bẻ làm ba để đưa tôi một phần. 

Các anh không cần phải trao đổi trước. Tôi ngồi trên chuyến phà này như đã cả ngàn năm và bởi vì tôi yêu các anh như người làng cùng một cây đa, giếng nước.

Như vậy, căn cước chỉ định hay là ta tự nhận, có phần thiệt thòi và có phần vinh quang. Libăng chẳng hạn, là một quốc gia có nhiều người Ả Rập theo Kitô giáo, có nhiều địa danh gắn với các truyền thuyết về Jesus. 

Nhưng Libăng cũng là nôi của nền văn minh lừng lẫy Phoenicia từ thời tiền Công giáo, nền văn minh từng vùng vẫy Địa Trung Hải, có tướng Hannibal mang mấy thớt voi vượt cả rặng Alps chinh phạt đế quốc La Mã. Một số bạn Ả Rập Kitô tại Libăng khăng khăng họ là người Phoenicia, mặc dù, tất nhiên, vào thời xa xưa đó, chưa có đạo Hồi và chưa có cả Kitô. 

Tại Iraq thời còn Ả Rập chủ nghĩa của Saddam Hussein, ông này tôn vinh anh hùng dân tộc là sultan Saladin. Sultan này từng dẫn đạo quân Hồi chiếm lại thành Jerusalem và là lãnh đạo nghĩa khí được cả kẻ thù là các hiệp sĩ Thánh chinh Âu châu ca ngợi hết lời. Nhưng Saladin lại là người dân tộc Kurd, tức dân tộc thiểu số tại Iraq mà ông Hussein cho nếm mùi vũ khí hóa học khi ông cầm quyền!

 

Nó phức tạp như vậy, lắm khi, thường khi, cái gì vinh quang thì ta lấy, cái gì nhọc nhằn thì ta quên. Tôi cũng vậy, khi ở Hà Nội thì tôi là anh ba Sài Gòn. Nhưng lên taxi thì tôi là đồng hương Thành Nam vì quê cha tôi ở đó nên xin đừng “chặt chém” và đừng lái xe lòng vòng. Khi gây chuyện ân oán thì tôi là giang hồ Phố Cảng, vì tôi sinh ra ở đó không chối cãi được, có ghi rõ ràng trên giấy tờ tùy thân, tuy không có đâu ghi tôi là anh trai của Dung “Hà”. 

Tôi là người Mỹ, nhưng với người Mỹ miền Đông thì tôi là người Cali, dám theo phe chủ trương tách bang này khỏi liên bang. Trong cộng đồng Việt kiều bang Cali thì tôi là người “miền Nam”, đành nhường cho các bạn Việt kiều San Jose phần “Thung lũng hoa vàng”. 

 Nhưng khi xuống phố Bolsa dưới quận Cam thì tôi lại là người “miền Bắc”, quận Los Angeles. “Anh ở trên đó hả, đâu có phở ngon như ở dưới (quận Cam) này!”. Phở ấy hả, tôi thấy ngục nhưu phấn ngon nhất là ở... Hàn Quốc! Khẩu vị, cũng như căn cước, là cái quyền tôi, cho tôi khẳng định chút xíu vì nó của riêng tôi.

Có lần, tôi thấy một người da đen Mỹ bị bảo vệ đòi xem thẻ phòng tại chân thang máy một khách sạn cao cấp ở Mỹ. Ông tức giận mắng: “Tôi là khách ở đây, anh (phân biệt mà) không biết xấu hổ hả!” và bắt buộc phải chìa thẻ ra. Trong thang máy, ông vẫn chưa nguôi, hậm hực vì bị xúc phạm. Tôi vỗ về chia sẻ: “Họ cũng xét thẻ của tôi”, ý muốn nói là ở khách sạn này, ai lên phòng cũng bị xét thẻ hết vì lý do an ninh thôi. Nhưng ông bắt lấy ngay và bảo: “Đó thấy chưa, đúng là nó kỳ thị bọn chúng mình!”. Cũng là dễ hiểu, đoạn trường ai có qua cầu mới hay, như ông từ lúc sinh ra ở đây, là mỗi ngày đã gặp phải cảnh ngộ này, nên giờ phản ứng là phải.

Thời apartheid tại Nam Phi, kỳ thị và phân biệt, phòng ăn, nhà vệ sinh, khu vực sinh hoạt... đều chia rẽ hẳn hoi da trắng và da màu. Người nước ngoài, như người Nhật Bản, để họ có thể ra vào sinh hoạt chung với người da trắng, đặt mông lên cũng một bồn toalét, được phong tước là “da trắng danh dự”. 

Phần tôi, với người châu Phi, tôi tự phong cho tôi tước “da đen danh dự”, có bạn Phi châu cười thì tôi đưa cánh tay trần ra đọ ngay, thấy chưa, tôi cũng chẳng đen kém anh em mấy.

Căn cước của tôi, nếu theo phần ông ngoại, là làng Du La, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Nhưng nếu theo phần bà ngoại tôi thì bà lại bảo: “Cái làng Du La, nó nhiều du côn”.

Bạn đang đọc trong chuyên đề "NHỮNG CÂU CHUYỆN TRUNG ĐÔNG"