TTCT - Bóng dáng người già lầm lũi mưu sinh khắp nơi.
Bà Ba Huệ với công việc nhặt phế liệu ở bãi rác hằng ngày. Ảnh: Mậu Trường |
Mưu sinh ở tuổi “thất thập cổ lai hi”
Chạng vạng tối, ở góc cửa hàng sửa chữa máy tính trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cụ Dương Văn Đỉnh (ngụ Q.Phú Nhuận) lại ngồi xếp riêng chai nhựa, vỏ hộp cactông mang tới vựa phế liệu.
“80 tuổi rồi, chân yếu lết từng bước, đâu có làm gì được. Cứ hai, ba bữa cửa hàng lại cho phế liệu đem bán kiếm vài chục ngàn đồng. Trước một ký được 1.500 - 2.000 đồng, giờ chỉ còn 1.000” - cụ Đỉnh nói.
Có tới 5 người con, nhưng cụ Đỉnh không thể nương tựa vào ai bởi các con cũng sống chật vật. Chỗ dựa lớn nhất của cụ - người con thứ ba ở Q.Thủ Đức, trước đây vẫn chu cấp hằng tháng cho cụ 500.000 đồng - nay cũng không còn khi anh bị tai nạn gãy xương bả vai.
“Mình tôi ăn uống qua ngày cũng được nhưng còn có đứa cháu ngoại. Mẹ nó mất gần 5 năm. Ba nó lang bang kiếm sống bên ngoài đâu biết được - ông già kể - Hồi trẻ, tôi làm ở bộ phận khai thác không lưu trong sân bay, đất nước thống nhất, được lưu dụng 5 năm rồi ra khỏi ngành, chạy xe ôm nuôi con”.
Phía bên kia đường, chúng tôi gặp cụ bà Mai Thị Hương (79 tuổi) đang đi bán vé số buổi tối. Ở thành phố đến nay đã mười mấy năm, bà vẫn giữ giọng Phú Yên đặc sệt. “Tháng giêng vô bán, tháng ba về rồi vô lại. Ngày nào cũng năm giờ chiều đi, chín giờ về” - bà nói.
Giống như cụ Đỉnh, bà có đủ con đủ cháu nhưng ai cũng có hoàn cảnh éo le, khó khăn. Bà vào Nam, một thân một mình kiếm sống: “Một ngày bán 200 tờ chua chát lắm, nhưng đại lý cho cơm ăn. Trưa về mạnh ai nấy ăn. Nếu đi về trễ, họ ăn hết. Đại lý đó có 50 người: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định; ở ngoài đó khổ họ vô hết, mấy đứa nhỏ nghỉ hè cũng theo vô bán, đông lắm”.
Ở tuổi 81, mắt đã mờ đục, tai đã lãng nên cụ ông Trần Mau chẳng đi được đâu xa để bán vé số, chỉ quẩn quanh trước một tiệm bánh ngọt trên đường Hai Bà Trưng (Q.1), ai mua thì tự lấy số và đưa tiền. Cụ bán từ 12h trưa đến 22h, được khoảng 120 tờ.
Giọng Huế của cụ vẫn còn rõ và minh mẫn: “Tui mướn nhà ở gần Thị Nghè với mấy người cùng quê. Vô đây bán 6-7 năm ni rồi. Hai đứa con gái tui làm rẫy ngoài Đắk Nông, đứa 60 tuổi, đứa 58 tuổi mà đều nghèo quá không chu cấp gì nổi. Mướn phòng trọ một tháng tám trăm, ăn uống ngoài đường. Ngày nào bán 200 tờ được 240.000 đồng”.
Trưa nắng trên 40 độ C ngày cuối tuần ở Hà Nội, cụ bà Hà Thị Ngạn - 82 tuổi, ở Quảng Xương (Thanh Hóa) - tay cắp chiếc rổ chựa đựng mấy gói tăm bông, vài chiếc dây buộc tóc, ít bấm móng tay, quanh quẩn mấy quán ăn ở khu Trần Huy Liệu, Giảng Võ.
Cụ ghé từng bàn mời mua hàng. Những người khách trong quán ăn khó chịu ra mặt. Bởi chỉ trong 20-30 phút có đến 3-4 “cửa hàng di động” như vậy ghé đến chào mời.
Ngồi đánh giày gần chỗ mẹ quanh quẩn bán hàng là bà Hương, 52 tuổi, con gái thứ 2 của cụ Ngạn và vài đứa trẻ loanh quanh gần đó, cũng đeo rổ nhựa trước bụng. Đó là mấy thế hệ trong gia đình họ cùng kiếm sống.
“Gia đình tôi có 5 chị em, 4 gái 1 trai, nhưng con trai duy nhất của cụ đã qua đời vì bệnh ung thư năm 2018. Trong 2 năm điều trị bệnh, mọi tài sản trong nhà đều “đội nón” ra đi.
Gia đình chúng tôi ở vùng biển, chỉ có đất ở, không có đất sản xuất” - bà Hương kể. Từ 2 năm nay, cụ Ngạn được nhận một khoản trợ cấp nhỏ của Nhà nước dành cho người từ 80 tuổi trở lên nhưng khoản tiền quá ít ỏi, thậm chí không đủ chi trả tiền ăn.
Cụ Dương Văn Đỉnh (79 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận, TP.HCM) sống bằng phế liệu của cửa hàng máy tính gần nhà. Ảnh: VŨ THỦY |
Nương tựa đời người
Sống ở thành phố mà không có một người thân thích, nhiều người già tìm đến nương tựa lẫn nhau, khỏa lấp những thiếu vắng tình thân. Hơn 10 năm nay, ông Ẩn (71 tuổi) và bà Kiều (60 tuổi) ở cùng nhau trong một nhà trọ. Đêm, ông làm bảo vệ cho vài cửa hàng ở đường Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận, TP.HCM).
“Hộ khẩu tui ở Phú Nhuận, đi bộ đội được cấp nhà nhưng con nó ở. Tui có ba thằng con trai nhưng không nhờ vả được gì bởi thằng làm thợ hồ, thằng bán vé số, đứa bán hàng rong. Thỉnh thoảng tui về nhà thăm cháu nhưng nó coi mình không ra gì, thấy buồn tui không muốn về nữa.
Tui với bả ở với nhau mười mấy năm, trước tôi làm thợ hồ. Tối tối tôi làm ở đây, rồi sáng về cho bả đi bán cơm tấm, đồng lương đủ lây lất qua ngày” - ông bảo.
Ông Dương Văn Minh (50 tuổi) và bà Phạm Ngọc Minh (70 tuổi) cũng nương tựa nhau suốt 10 năm nay. Phòng trọ chừng 6-7m2 của họ nằm trong một con hẻm ngoằn ngoèo trên đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM).
Dọc đường về, ông Minh ghé vào mua cho cụ bà một ly trà đào to. Cụ bà nhận ly nước đầy vui mừng. “Cụ bị lãng tai nghe không rõ. Cách đây 10 năm, tui gặp cụ ngồi lang thang ốm đau ở đường Bùi Hữu Nghĩa. Tôi đưa về chăm sóc, cụ khỏe lại thì tiếp tục bán vé số, hai chúng tôi cùng làm cũng đủ sống qua ngày” - ông Minh kể.
Bà Nguyễn Thị Đáng, 85 tuổi, huyện Đan Phượng (Hà Nội) mỗi ngày đứng ở ngã tư Nguyễn Tri Phương - Phan Đình Phùng bán chanh. Ảnh: Nguyễn Khánh |
Cần “chợ việc làm” cho người cao tuổi
Bà N.T.T. - 67 tuổi, đã nghỉ “một cục” (theo chế độ 176, thanh toán bảo hiểm xã hội một lần từ đầu những năm 1990) - cho hay bà không có lương hưu, cũng chưa đến tuổi nhận trợ cấp. Trước đây, bà sống cùng gia đình người con trai, nhưng từ 5 năm nay ông bà sống riêng với chỉ một suất lương hưu của ông.
“Ông nhà tôi chỉ có hơn 3,5 triệu tiền lương nên chúng tôi vẫn phải làm thêm, ông làm bảo vệ, tôi đưa đón trẻ đến trường. Mỗi tháng, thu nhập từ công việc làm thêm này hơn 7 triệu đồng, ngoài chi trả cuộc sống, một phần nhỏ tích lũy, một phần mua thuốc chữa bệnh, một phần còn lại hỗ trợ cháu nội vì con trai tôi đã mất” - bà T. nói.
Theo bà T., khu bà ở có hơn 40 người cao tuổi, chưa đầy 1/2 trong số này có lương hưu. Số còn lại đang hỗ trợ con trông cháu hoặc tự kiếm công việc như vợ chồng bà. Năm nay, một cháu nhỏ trong số những đứa trẻ bà đưa đón đi học chuyển lên cấp học mới, bà “giảm” một khoản thu nhập hằng tháng.
“Chúng tôi chưa già hẳn, có thể làm việc gì đó kiếm thêm thu nhập nhưng không biết làm thêm việc gì, nếu có một nơi để người lớn tuổi giao dịch, tìm việc làm phù hợp thì tốt quá” - bà T. mong ước.
Đây cũng là nguyện vọng chung của nhiều người già mà chúng tôi khảo sát vì nhiều người muốn độc lập tài chính, khi già quá mới nhờ đến con cháu. Có người muốn tìm công việc vì không muốn cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Có việc làm khiến người già cảm thấy họ có ích và thấy tự tin hơn.
Nhưng không dễ để người già tìm được công việc phù hợp sức khỏe của mình. Vì vậy, VN đang rất cần có thêm nhiều tổ chức xã hội trợ giúp để người già có tích lũy, dành cho thời điểm cần dưỡng lão hoặc chăm sóc y tế.
Bảo hiểm xã hội VN và các cơ quan chức năng đang tính đến việc trợ cấp cho người già từ 75 tuổi (không có lương hưu và các trợ cấp khác) từ năm 2030. Nhưng chặng đường từ nay đến đó còn rất xa và khoản trợ cấp ấy chắc chắn không nhiều…■
Theo kết quả nghiên cứu do Bảo hiểm xã hội VN phối hợp với một tổ chức quốc tế thực hiện và công bố năm 2018, trong số 12 triệu người già, số người được hưởng lương hưu mới khoảng 2,3 triệu, trên 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất, 2,3% gặp khó khăn tài chính, trên 70% người cao tuổi vẫn đang phải tự kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, bên cạnh khoản trợ cấp xã hội rất nhỏ dành cho các cụ từ 80 tuổi trở lên. |
Bãi rác Phú Hưng (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) đã đóng cửa vài năm nhưng bà Nguyễn Thị Huệ, 78 tuổi, vẫn đều đặn đến đây nhặt ve chai hằng ngày. “Nếu không làm thì không có tiền mua gạo ăn” - bà nói. Đời bà Huệ gắn với bãi rác Phú Hưng từ sau năm 1975. Hơn 2 năm nay, từ khi tỉnh đóng cửa bãi rác, nguồn phế liệu không còn dồi dào như trước, bà phải dùng cuốc đào bới xuống các lớp rác liên tục mỗi ngày tám tiếng, kiếm được khoảng 100.000 đồng. Số tiền này để lo bữa ăn cho vợ chồng bà trong ngày và trả nợ cho căn nhà được cất từ nhiều năm trước. “Tôi không muốn làm phiền con cháu. Tụi nó cũng phải lo cuộc sống riêng. Tôi còn sức thì còn làm để tự lo cho mình và chồng. Khi nào quản lý bãi rác không cho làm nữa, tôi sẽ chuyển qua bán vé số dạo” - bà nói. Mậu Trường |
Ở phố Trần Hưng Đạo (thành phố Hải Dương), người dân nơi đây quen với một cụ ông tối tối về nghỉ dưới mái hiên của những trụ sở trên phố này. Ông nói mình tên N.N.T., 81 tuổi, nhà ở huyện Thanh Miện (Hải Dương), cụ bà năm nay 74 tuổi. “Chúng tôi có ba người con đều đi làm ăn xa. Ở nhà có mấy sào ruộng nhưng chúng tôi tuổi cao không làm được nữa, trả lại cho xã. Tôi có khoản trợ cấp 270.000 đồng của người cao tuổi nên dành lại cho vợ, tôi lên thành phố kiếm sống” - ông nói. Kiếm sống với ông là tìm đến một góc chợ trong thành phố ngồi đó, ai cho gì nhận nấy. “Tôi chỉ có cái bao đựng bộ quần áo, cái áo mưa và mấy liều thuốc cảm. Tôi lên thành phố chừng 2-3 ngày mỗi lần, sau đó lại về nhà một hôm rồi đi tiếp. Tiền con cái gửi về biếu tôi cũng không dám tiêu. Còn sức thì tôi cứ đi thế này, được đồng nào tiêu đồng ấy” - ông nói. Xuân Long |