Cù lao du lịch Thới Sơn kẹt trong "siêu" dự án

VÂN TRƯỜNG 17/03/2009 23:03 GMT+7

TTCT - Cù lao Thới Sơn (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) là một trong những địa chỉ du lịch sinh thái độc đáo và hấp dẫn nhất khu vực ĐBSCL. Mỗi năm nơi này thu hút khoảng 400.000 lượt du khách, trong đó 2/3 là khách quốc tế.

Cầu Rạch Miễu được thiết kế nằm vắt ngang cù lao càng làm Thới Sơn đẹp hơn bội phần. Không có gì thú vị hơn khi đi thuyền hoặc bách bộ trên những con đường mòn dọc chiều dài cù lao để chiêm ngưỡng cầu dây văng hoành tráng này.

Phóng to
Cù lao Thới Sơn

Tuy nhiên điều đáng buồn là khoảng hai năm nay cơ sở hạ tầng ở cù lao Thới Sơn bị xuống cấp thảm hại. Hơn 550ha vườn cây ăn trái - đặc trưng du lịch miệt vườn - trên cù lao này bị bỏ hoang, xơ xác. Gần 7.000 dân trên cù lao mất ăn mất ngủ, thắc thỏm lo không biết lúc nào bị giải tỏa trắng thu hồi đất để giao cho Công ty cổ phần quốc tế Lê Đại Nam thực hiện “siêu” dự án du lịch của họ.

Dự án... trên giấy

Mười năm trước có dịp đến Thới Sơn, chúng tôi bị choáng ngợp bởi những vườn cây ăn trái bạt ngàn, những con rạch thơ mộng bao bọc bởi nhiều rặng dừa nước đặc trưng Nam bộ. Nhưng bây giờ mọi thứ thay đổi đến mức khó tin. Con đường chính trên cù lao dài gần 8km gập ghềnh sỏi đá, bụi bay mịt mù. Phần lớn vườn cây ăn trái trơ cành, vàng quạch vì thiếu sự chăm sóc của con người. Hình ảnh du lịch sinh thái trên cù lao Thới Sơn rất mờ nhạt, dường như chỉ còn vài “món” cũ kỹ: uống trà mật ong, nghe đờn ca tài tử và đi xuồng trong các con rạch.

Đầu năm 2006, UBND tỉnh Tiền Giang có quyết định đầu tư xây dựng bảy khu chức năng trên diện tích 77ha ở cù lao gồm: khu đón tiếp đường bộ, khu cắm trại dã ngoại, khu thể thao dưới nước, khu vườn sinh thái, khu làng nghề Nam bộ, khu làng xã Nam bộ và khu nghỉ dưỡng. Dự kiến vốn đầu tư dự án này khoảng 400 tỉ đồng.

Phần lớn người dân cù lao đều đồng tình với dự án này vì họ được tham gia cùng Nhà nước làm du lịch tại chỗ, không bị thu hồi đất, không phải lo kế mưu sinh sau khi bị giải tỏa thu hồi đất. Cũng trong năm 2006, tỉnh đã cho vẽ bản đồ quy hoạch dựng lên dọc tuyến đường trung tâm Thới Sơn, càng làm người dân tin tưởng dự án sẽ được khởi công trong tương lai gần.

UBND xã Thới Sơn cho biết những năm trước tỉnh đã có dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng con đường trung tâm cù lao Thới Sơn thành đường nhựa rộng 6,5m, dài 8km. Ngoài ra, ngành giáo dục cũng đã thống nhất xây dựng trên cù lao này một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia cho gần 1.000 học sinh.

Thế nhưng cũng vì chờ “siêu” dự án của Công ty Lê Đại Nam mà tới nay cả đường và trường học đều chưa có. Mỗi khi trời mưa, du khách đến Thới Sơn dù không muốn cũng phải xắn ống quần lội bì bõm trên những con đường đất đỏ nhếch nhác.

Trong lúc dự án chưa kịp triển khai thì UBND tỉnh Tiền Giang lại đồng ý tiếp nhận “ý tưởng” của Công ty TNHH Mekong Thới Sơn (nay là Công ty cổ phần quốc tế Lê Đại Nam) biến cù lao này thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Chính vì thế dự án bảy khu chức năng tạm thời xếp lại. Ông Nguyễn Phục Dũng, chủ tịch UBND xã Thới Sơn, cho biết ban đầu Công ty Lê Đại Nam dự kiến thu hồi toàn bộ 1.200ha đất cù lao để làm du lịch. Khi đó sẽ làm bờ kè lấn sông Tiền để mở rộng diện tích lên 1.400ha.

Nhà đầu tư cũng đã trình bày với UBND tỉnh kế hoạch phác thảo sẽ dồn 1.400 hộ dân với gần 7.000 người về khu tái định cư diện tích khoảng 3ha ở đuôi cù lao phía đông. Phần đất còn lại sẽ làm một sân golf 36 lỗ rộng hơn 100ha cạnh cầu Rạch Miễu, khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị quốc tế, khu du lịch nghỉ dưỡng... với vốn đầu tư không dưới 3.000 tỉ đồng vào thời điểm năm 2007. Một bộ phận người dân cù lao sau khi bị thu hồi đất sẽ đi làm thuê cho Công ty Lê Đại Nam!

Tuy nhiên ý định làm sân golf và du lịch của Công ty Lê Đại Nam đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của người dân cù lao. Ông Phan Minh Thanh, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang hiện sống ở cù lao này, đã trực tiếp đến văn phòng tỉnh ủy gặp lãnh đạo đương nhiệm tỉnh ủy để phản đối kế hoạch thôn tính cù lao Thới Sơn của Công ty Lê Đại Nam. Cùng lúc đó Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo nghiêm cấm các địa phương lấy đất sản xuất nông nghiệp để giao cho nhà đầu tư làm sân golf.

Để làm dịu dư luận, đầu năm 2008 UBND tỉnh Tiền Giang đề nghị công ty này bỏ dự án sân golf, nhưng vẫn tiếp tục lập quy hoạch các dự án khác theo hướng thay sân golf bằng một hạng mục khác. Điều này cũng có nghĩa tỉnh vẫn ủng hộ ý tưởng thôn tính cù lao Thới Sơn của Công ty Lê Đại Nam. Nhưng đến tháng 3-2009, khi cơ sở hạ tầng của khu du lịch nổi tiếng này xuống cấp trầm trọng, du khách ngán ngẩm thì hai dự án du lịch hoành tráng đã nêu vẫn án binh bất động.

“Siêu” dự án khó khả thi

Bà Lê Thị Lan - chủ tịch HĐQT Công ty Lê Đại Nam - cho biết đã thuê một đơn vị tư vấn ở Đức lập quy hoạch cù lao Thới Sơn. Sở dĩ chậm là do tỉnh bắt buộc bỏ dự án sân golf nên phải làm lại từ đầu. Tuy nhiên, cũng chính bà Lan thừa nhận một mình Công ty Lê Đại Nam không thể thực hiện “siêu” dự án trên cù lao Thới Sơn mà phải kêu gọi các nhà đầu tư góp vốn.

“Việc lập quy hoạch du lịch trên diện tích 700-800ha như vậy đâu có dễ, đâu phải nói là làm được liền. Vả lại trong lúc kinh tế khủng hoảng như hiện nay, các nhà đầu tư cũng rất cân nhắc khi quyết định bỏ vốn vào đây. Tình trạng khiếu kiện đông người ở Tiền Giang liên quan đến đất đai cũng làm nhiều nhà đầu tư e ngại” - bà Lan nói.

Cù lao Thới Sơn là một trong số ít vùng đất màu mỡ nhất ở ĐBSCL, nước ngọt, phù sa bồi đắp quanh năm. Tất cả loại cây ăn trái đặc sản của ĐBSCL đều có mặt trên cù lao này. Nằm ngay bên cạnh trung tâm TP Mỹ Tho và công trình cầu Rạch Miễu, cù lao Thới Sơn có vị trí rất hấp dẫn về du lịch nên luôn là đích ngắm của những nhà đầu tư.

Chỉ cần đi thuyền dọc cù lao dài 8km để ngắm cầu Rạch Miễu và chiêm ngưỡng những làng bè nuôi cá lồng cũng đủ làm du khách thỏa mãn. Hiện tại giá đất ở đây rất cao, từ 500 triệu đến 2 tỉ đồng/1.000m2, nhưng người dân địa phương không muốn bán, càng không muốn giao cho nhà đầu tư làm du lịch.

Trong khi UBND tỉnh Tiền Giang vẫn kiên nhẫn chờ Công ty Lê Đại Nam trình dự án thì vào ngày 4-3, giám đốc Sở Văn hóa-thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Minh ký tờ trình đề nghị khôi phục dự án bảy khu chức năng đã phê duyệt đầu năm 2006.

Ông Minh giải thích: “Thời gian qua UBND tỉnh cũng đã gửi văn bản hối thúc, Sở VH-TT-DL cũng trực tiếp làm việc với lãnh đạo Công ty Lê Đại Nam để đôn đốc việc thực hiện quy hoạch. Nhưng đến nay chúng tôi thấy công ty này không đủ khả năng thực hiện ý tưởng mà họ đưa ra.

Là đơn vị quản lý du lịch, chúng tôi đã chịu rất nhiều sức ép từ phía người dân địa phương và du khách. Nếu cứ chờ Công ty Lê Đại Nam thì có thể du khách sẽ không đến Thới Sơn nữa. Nhưng điều quan trọng cần lưu ý là đa số dân Thới Sơn không đồng tình ý tưởng đầu tư của công ty này”.

Nhiều người dân Thới Sơn mà chúng tôi gặp đều nói không muốn UBND tỉnh tiếp nhận “siêu” dự án của Công ty Lê Đại Nam. Ông Đỗ Văn Ái ở ấp Thới Thạnh, xã Thới Sơn nói: “Tôi có 6.000m2 đất trồng nhãn. Vì sợ bị thu hồi đất nên không dám bỏ tiền chăm sóc, bây giờ một số chết trụi, số khác không cho trái. Vườn tược bao la như vậy mà gia đình tôi phải đi buôn bán kiếm sống mới khổ chứ. Mặc dù có nhiều dự án đầu tư nhưng chúng tôi không vui chút nào cả. Mất đất trước rồi sẽ thất nghiệp sau. Ở đây ai cũng hình dung viễn cảnh buồn như vậy cả”.

Có tới 5.000m2 vườn cây ăn trái, nhưng hai năm nay chị Trần Thị Năm ở ấp Thới Thạnh phải sống nhờ vào tiền lời bán hàng lưu niệm cho du khách. Chị tâm sự: “Dân ở đây trình độ không cao, không nghề nghiệp gì, nếu bị thu hồi đất thì chỉ một hai năm sau sẽ thất nghiệp, hết tiền. Con cháu đời sau không có đất làm ăn sẽ sống ra sao? Tôi mong UBND tỉnh có quyết định sáng suốt để dân đỡ khổ. Làm vườn không giàu nhưng chắc chắn không đói. Nếu bị mất đất mà lại không có nghề thì có nước chết sớm”.

Chiều 10-3, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Hữu Chí đã có buổi làm việc với Công ty Lê Đại Nam về dự án trên cù lao Thới Sơn. Tại đây các bên đã đổ lỗi cho nhau để biện minh chuyện dự án bị “treo” quá lâu. Bà Lê Thị Lan nói sở dĩ chậm gửi dự án quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh là do UBND tỉnh không thông báo bỏ dự án sân golf (?). Còn UBND tỉnh nói đã có thông báo và cả văn bản hối thúc khẩn trương trình dự án.

Cuối cùng ông Chí yêu cầu đến cuối tháng 3-2009 Công ty Lê Đại Nam phải trình “siêu” dự án của mình. Còn ông Nguyễn Ngọc Minh yêu cầu chậm nhất ngày 20-3 dự án này phải được gửi tới văn phòng sở để các cơ quan hữu quan có thời gian nghiên cứu, đánh giá và tham mưu cho UBND tỉnh quyết định.

Một lãnh đạo trong Ban thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang (đề nghị không nêu tên) cho biết việc đầu tư phát triển du lịch trên cù lao Thới Sơn là rất cần thiết. Tỉnh ủy cũng rất quan tâm đến dự án của Công ty Lê Đại Nam. Tuy nhiên, do hiện nay công ty này chưa trình dự án nên tỉnh cũng chưa bàn để quyết định chấp nhận hay không. “Khi có dự án của Công ty Lê Đại Nam thì tỉnh sẽ xem xét kỹ. Nếu dự án đó có lợi về mặt kinh tế-xã hội cho địa phương và được đa số dân đồng tình thì làm. Ngược lại đa số người dân ở đây phản đối thì phải tính lại. Làm gì thì làm, tỉnh cũng phải quan tâm đến lợi ích của dân, ý kiến của dân” - vị lãnh đạo này nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần ngày 11-3, ông Nguyễn Hữu Chí thừa nhận dự án liên quan đến Công ty Lê Đại Nam là “hết sức tế nhị”. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch Thới Sơn và khi công ty này trình dự án thì ban này sẽ xem xét, phân tích tất cả vấn đề có liên quan rồi trình Ban thường vụ tỉnh ủy cho ý kiến. “Tôi cho rằng việc đầu tư phát triển cù lao Thới Sơn theo hướng nào đi nữa thì ý dân là yếu tố quyết định, miễn sao đạt được hiệu quả cao nhất về mặt kinh tế - xã hội” - ông Chí nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận