Cuộc chiến chống HIV/AIDS: Mất tài trợ chưa chắc đã dở

HẢI MINH 02/07/2015 00:07 GMT+7

TTCT - Vì các lý do chính trị, Zimbabwe - một trong những quốc gia có tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS cao nhất thế giới - chỉ nhận được sự hỗ trợ ít ỏi từ bên ngoài, nhưng cuộc chiến chống căn bệnh thế kỷ vẫn đạt được những bước tiến vững chắc ở quốc gia này.

 

Trong một thời gian dài, Zimbabwe bị bỏ lại phía sau trong các chương trình viện trợ chống HIV/AIDS khi không có tên trong kế hoạch PEPFAR, một đề án có quy mô toàn cầu do Mỹ tài trợ ra mắt năm 2003 dưới thời tổng thống George W. Bush. Zimbabwe vì thế phải dựa hoàn toàn vào hệ thống y tế cộng đồng rộng khắp của họ trong cuộc chiến chống AIDS.

Các bằng chứng thống kê cho thấy những nỗ lực tự thân vận động của Zimbabwe mang lại kết quả còn tốt hơn so với các nước nhận được nhiều tài trợ. Chẳng hạn, tỉ lệ nhiễm HIV ở người trưởng thành 15-49 tuổi tại nước này đã giảm xuống 15% so với mức 18% trong năm năm 2006-2011.

Với nguồn quỹ tự thân và điều chỉnh các nguồn tài trợ quốc tế cho các bệnh khác đã không còn đe dọa như HIV/AIDS như lao phổi, sốt xuất huyết..., Bộ Y tế Zimbabwe huấn luyện các nhân viên y tế, trả một khoản lương khiêm tốn và biến họ thành những chiến sĩ tuyến đầu trong cuộc chiến chống HIV/AIDS.

So sánh với các nước PEPFAR, Zimbabwe (với tỉ lệ nhiễm AIDS 15%) nhận được tất cả 200 triệu USD tài trợ quốc tế từ năm 2003 tới nay. Trong khi Ethiopia (với tỉ lệ nhiễm 1,5%) đã nhận được 1,6 tỉ USD trong cùng thời kỳ.

Các chuyên gia hiện vẫn còn tranh luận về lý do thành công của Zimbabwe, nhưng không ai phủ nhận việc nước này đã phải xoay xở hết sức mình trong cuộc chiến chống AIDS khi các nguồn tài trợ từ bên ngoài rất hiếm hoi. 

Geoff Foster, một bác sĩ ở Zimbabwe chuyên về HIV, nói chiến dịch phản ứng ở cấp địa phương với một mạng lưới toàn quốc đã giúp nước này hạ tỉ lệ nhiễm và kiểm soát không để dịch bệnh lan rộng. Zimbabwe cũng học hỏi kinh nghiệm từ nhiều quốc gia châu Phi khác, như Uganda, tập trung vào giáo dục và tuyên truyền, nhấn mạnh các biện pháp tình dục lành mạnh.

“Cách làm của Zimbabwe là tập trung thay đổi hành vi chứ không chỉ phân phát bao cao su và kêu gọi sử dụng - Foster nói - Có quá nhiều bạn tình là lý do khiến HIV trở thành đại dịch”. Foster, sáng lập viên của Quỹ tín thác Family AIDS Caring, nói ban đầu mọi việc rất khó khăn. 

“Chúng tôi đã theo dõi kỹ vấn đề này, tỉ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh vào những năm 1990, có lúc lên tới 30%” - ông nói với Đài truyền hình Mỹ PBS.

Nhưng Foster cho biết sau một chiến dịch của ông và Hội đồng thành phố Mutare năm 1993 giáo dục các biện pháp tình dục an toàn cho người dân, tỉ lệ lây nhiễm ở đây đã giảm 50%. Gợi ý của Foster là trong tình trạng kinh phí thiếu thốn thì tuyên truyền và phòng ngừa hiệu quả sẽ giúp giảm rất nhiều chi phí điều trị.

Ông cũng cho rằng các nước tham gia chương trình PEPFAR chính vì nguồn lực quá dồi dào, không tập trung vào điểm then chốt, do đó kết quả không cao bằng Zimbabwe. 

Những quốc gia không tham gia như Zimbabwe hay Uganda, không có lựa chọn nào khác, không coi HIV là một thách thức y tế và kỹ thuật mà là một rủi ro cần phải phòng tránh. Vì thế vấn đề rốt cuộc là kiểm soát hành vi.

Bác sĩ Henry Madzorera, bộ trưởng y tế Zimbabwe, cho rằng HIV/AIDS đã trở thành một vấn đề cá nhân mà mọi người Zimbabwe đều ý thức rất khẩn thiết. “Gần như ai ở Zimbabwe cũng có một người thân hay bạn bè chết vì bệnh này. Vì thế khi chúng tôi không có tiền, chúng tôi luôn có thể dựa vào cộng đồng trong những chiến dịch phòng chống bệnh” - ông nói.  

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận