Ảnh GIF: 35 năm giúp cõi mạng bớt buồn tẻ

HOA KIM 10/04/2022 17:05 GMT+7

TTCT - Ảnh GIF trong mắt thế hệ Z có thể đại diện cho lớp người dùng Internet già cỗi, nhưng 35 năm tồn tại đã chứng minh định dạng ảnh thô sơ này có sức sống vượt ra khỏi những gì được xem là thời thế.

 
 Stephen Wilhite, cha đẻ định dạng GIF.

Năm 1986, khi đang là lập trình viên cho nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến CompuServe, kỹ sư máy tính người Mỹ Stephen Wilhite được giao bài toán khó: phát triển một định dạng ảnh tương thích với mọi dòng máy tính sử dụng công nghệ đồ họa khác nhau và đảm bảo định dạng này có thể hiển thị hình ảnh sắc nét một cách nhanh chóng ngay cả trên đường truyền Internet tốc độ thấp.

Wilhite hoàn thiện phiên bản đầu tiên của GIF (viết tắt của Graphics Interchange Format - Định dạng trao đổi hình ảnh) vào tháng 5-1987, và công nghệ này được CompuServe đưa vào sử dụng thương mại chỉ một tháng sau đó. (Để dễ hình dung về mức độ “cổ xưa” của GIF, 1987 là 2 năm trước khi Sir Tim Berners-Lee công bố dự án World Wide Web và 6 năm trước khi Mosaic - trình duyệt web đại chúng đầu tiên - ra đời)

Cha đẻ của định dạng ảnh GIF vừa tạ thế hồi tháng trước ở tuổi 74 sau khi mắc COVID-19, nhưng đứa con tinh thần của ông vẫn ở lại và đón tuổi 35 rực rỡ như một hằng số giữa thế giới số cạnh tranh cùng quy luật đào thải khắc nghiệt.

Biểu đạt mọi cảm xúc

Không phải ảnh GIF nào cũng là ảnh động. GIF khởi đầu là một định dạng ảnh tĩnh được tối ưu cho việc hiển thị logo, hình vẽ đơn giản và các dạng biểu đồ trên web. Dù vậy, Wilhite, với tầm nhìn xa của mình, đã thiết kế để định dạng này có khả năng mở rộng, bổ sung tính năng. Nhờ vậy mà nhóm phát triển trình duyệt Netscape có thể tạo ra chuẩn GIF động vào năm 1995. Không lâu sau đó, các phiên bản khác nhau của ảnh động dựa trên định dạng GIF bắt đầu xuất hiện khắp nơi và hình ảnh “em bé nhảy múa” (Dancing Baby, 1996) đã trở thành hiện tượng Internet đầu tiên.

 
 Dancing baby

Khi thiết kế web được chuyên nghiệp hóa, những hình ảnh động không còn phù hợp cũng dần biến mất khỏi các trang web và được thay bằng các công nghệ mới hơn như Flash (giờ cũng là quá vãng) và HTML5. Tuy vậy, GIF không chết hẳn mà vẫn tồn tại song song và được lưu truyền chủ yếu trên các diễn đàn và trang web hướng tới cộng đồng ngách như Reddit hay Tumblr. 

Adam Leibsohn, CEO của công cụ lưu trữ và tìm kiếm ảnh GIF Giphy, gọi GIF là “định dạng nổi loạn” vì nó cho phép mọi người đăng tải ảnh động ở những nơi không nhất thiết nằm trong dự tính của người thiết kế, chẳng hạn như trong phần chữ ký thành viên trên các diễn đàn làm mưa làm gió một thời. “Phàm thứ gì dễ dàng nhất, đơn giản nhất thì sẽ giành phần thắng” - Leibsohn giải thích với Wired.

Khi mọi người nhận ra họ có thể dán các đoạn hoạt ảnh nhỏ và lặp lại vô tận vào các cuộc trò chuyện trên mạng, GIF tiến hóa thành một hình thức biểu đạt mới. Cảm thấy hứng thú khi là người ngoài cuộc chứng kiến một cuộc tranh luận nảy lửa? Còn gì phù hợp hơn ảnh GIF ông hoàng nhạc pop Michael Jackson ngồi ăn bắp rang với vẻ mặt hớn hở như đang theo dõi một bộ phim hay. 

Sự phổ biến của điện thoại thông minh càng làm cho hình thức giao tiếp bằng hình ảnh này trở nên hấp dẫn hơn. “Bạn có thể thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau qua GIF” - David McIntosh, CEO của nền tảng tìm kiếm ảnh GIF Tenor, nói với tờ Wired. Khoảng 90% lượt tìm kiếm trên nền tảng này có chứa từ khóa liên quan đến cảm xúc. 

 
  Bức ảnh GIF diễn tả cảm xúc "hóng chuyện".

Lát cắt văn hóa

Đầu thập niên 2010, nhiều người nghĩ GIF sẽ lại chỉ là một xu hướng chóng tàn như bao trào lưu khác trên Internet và không gì khác ngoài sự hoài niệm về những ngày đã cũ. Những công nghệ mới nổi hấp dẫn người dùng hơn như Vine hay Snapchat được dự báo gần như chắc chắn sẽ đẩy GIF vào con đường diệt vong. 10 năm sau, thời gian đã cho câu trả lời: Vine đã chết yểu, Snapchat đang vật lộn để giữ chân người dùng, trong khi GIF vẫn sống khỏe.

GIF gợi nhắc về một thời kỳ giản đơn của mạng Internet, trước khi trải nghiệm trực tuyến bị xâm chiếm bởi thuật toán thúc đẩy các nội dung sốt dẻo, tràn ngập âm thanh cùng hình ảnh cuốn hút nhưng cũng không thiếu cảm xúc tiêu cực. Khi Wilhite và các cộng sự phát triển GIF, họ được định hướng bởi một lý tưởng đơn giản là biến thế giới số trở thành nguồn vui cho người dùng phổ thông chứ không chỉ là nơi hội tụ của cộng đồng đam mê công nghệ.

Theo một cách nào đó, ảnh GIF đã làm được điều này khi ngày nay chúng được dùng rộng rãi để truyền tải một cảm xúc khó diễn đạt bằng ngôn từ trong các tương tác trên mạng. Những tín đồ của GIF đã xây dựng nên một thư viện khổng lồ các “ảnh GIF phản ứng” (reaction GIFs) cho cộng đồng thoải mái lựa chọn. Khi muốn thể hiện sự thất vọng, vui mừng, chọc quê hay bất kỳ cảm xúc nào khác, tất cả những gì bạn cần làm là truy cập Tumblr, Giphy hoặc Tenor và tìm cho mình một ảnh động phù hợp, không khác gì một kho từ vựng trực quan được mở rộng không ngừng theo năm tháng.

 
 Chúc mừng!

Và trong khi các định dạng mới có thể mang lại nhiều lựa chọn hơn, người đứng đầu chiến lược sáng tạo của mạng xã hội Tumblr David Hayes cho rằng những hạn chế kỹ thuật của GIF lại là điểm mạnh của định dạng này. Việc phải đánh đổi giữa kích thước ảnh, tốc độ khung hình và cường độ màu sắc lại là động lực thúc đẩy sự sáng tạo của các nhà chế tạo ảnh GIF.

Ảnh GIF cũng tồn tại lâu dài vì chúng chứa đựng lát cắt văn hóa đại chúng gắn với bản dạng của một cộng đồng cụ thể: một người yêu thích thể thao có thể chọn những ảnh GIF rất khác so với người đam mê phim ảnh để diễn tả cùng một trạng thái cảm xúc. Xúc cảm truyền tải qua một bức ảnh động thì ai cũng mường tượng được, nhưng để thấm thía trọn vẹn ý nghĩa một “tác phẩm” GIF thì cần nhiều hơn thế: phông nền văn hóa, cách ảnh đó được dùng trong ngữ cảnh thực tế, và cả bề dày lịch sử của tất cả những ảnh GIF đi trước - không khác gì tìm hiểu một sinh ngữ.

 
 Bộ sưu tập "GIF phản ứng" trên Giphy. Hẳn độc giả sẽ thấy nhiều trong số các hình ảnh này là quen thuộc.

Khoảng cách thế hệ

“Năm 2020 rồi còn ai xài GIF nữa ngoại ơi” - một người dùng Twitter phản ứng khi nữ ca sĩ Taylor Swift dùng ảnh GIF của diễn viên Dwayne Johnson đang nói “Oh my God!” (Lạy Chúa tôi!) nhằm bày tỏ sự phấn khích khi cô vừa chạm cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp.

Không khó để bắt gặp những dòng trạng thái hay clip TikTok tương tự của gen Z chế nhạo ảnh GIF là đại diện cho người già (mà theo góc nhìn của họ là từ 9x đời đầu trở về trước). “Bất cứ khi nào tôi bắt gặp một người sử dụng GIF thay cho phản ứng bằng lời, tôi lập tức biết người đó phải trên 33 tuổi” - tài khoản jennygzhang viết trên Twitter.

Dù chưa có số liệu thống kê chính xác song có lẽ nhiều bà mẹ, ông bố và cả ông bà nội ngoại đã học cách sử dụng GIF để thay lời muốn nói trong 2 năm qua khi buộc phải “sống online” nhiều hơn vì đại dịch. Nhưng trong mắt thế hệ trẻ, phàm thứ gì người lớn biết xài thì cũng trở nên bớt “ngầu”, tương tự như Facebook không còn là nơi lý tưởng để chia sẻ tâm tư thầm kín của gen Z khi toàn bộ gia đình họ hàng đều đã hiện diện trên mạng xã hội này.

 
 "The Rock" cảm thán

Robyn Ní Ríain (22 tuổi), một nhân viên bán lẻ đến từ Dublin (Ireland), không thể nhớ lần cuối mình sử dụng GIF - hành động mà cô cho là đáng xấu hổ - là khi nào. Người duy nhất thường xuyên gửi ảnh GIF cho Ní Ríain là mẹ cô. “Thế hệ trẻ luôn nghĩ rằng họ rành công nghệ hơn thế hệ trước… Vì vậy, khi một thế hệ cũ cuối cùng cũng thích nghi (với công nghệ mới) thì người trẻ lại xem đó một sự xúc phạm đối với chính công nghệ đó” - tác giả Curtis Silver viết trên trang Know Techie.

Dù thích hay ghét GIF, không thể chối cãi vị thế của định dạng ảnh này đang vững chắc hơn bao giờ hết. Vào đầu đại dịch COVID-19, Giphy thống kê lượt sử dụng GIF đã tăng 33% chỉ trong một tháng. Không lâu sau, Facebook (bây giờ là Meta) tuyên bố bỏ ra 400 triệu USD mua lại Giphy và từ đó đến nay đã tích hợp khả năng truy cập kho ảnh GIF khổng lồ của nền tảng này cho người dùng Facebook, Messenger, WhatsApp và Instagram.

Ngày 22-3 năm nay, Twitter thông báo đã cập nhập ứng dụng iOS cho phép tạo ảnh GIF trực tiếp từ camera. Trong khi đó, hơn 21 triệu người dùng Reddit đang đăng ký theo dõi chuyên mục trao đổi dành riêng cho ảnh GIF trên nền tảng này với gần 1.500 bình luận mới mỗi ngày. Ảnh GIF sẽ còn giúp cõi mạng bớt nhàm chán thêm nhiều năm nữa.

 
 Một khoảnh khắc tại London 2012

Khó có thể xác định chính xác thời điểm GIF trở nên thịnh hành trở lại, nhưng nhiều chuyên gia đồng ý Olympic London 2012 là một “đại tiệc” ảnh GIF khi các đơn vị truyền thông giải trí đồng loạt tận dụng định dạng ảnh này trong các tường thuật ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ tại kỳ thế vận hội mùa hè diễn ra ở Anh. 

Cùng năm, Từ điển Oxford gọi tên “GIF” là từ của năm. Sang đầu năm 2013, GIF trở thành công cụ phổ biến trong các chiến dịch tiếp thị. Cũng trong năm đó, Wilhite nhận giải thưởng thành tựu trọn đời tại lễ trao giải Webby - giải thưởng ghi nhận đóng góp xuất sắc cho Internet do Viện hàn lâm Khoa học và nghệ thuật kỹ thuật số quốc tế trao tặng. Tại đây, cha đẻ ảnh GIF gây sốt khi tuyên bố phát âm chuẩn của GIF là “JIF” chứ không phải “GIF” sau bao năm tranh cãi của cộng đồng mạng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận