Bữa sáng biên giới

MY LĂNG 23/10/2017 22:10 GMT+7

TTCT - Thương công nhân vất vả đi làm đêm chưa kịp ăn sáng, không có thời gian nhiều cho gia đình, ý tưởng về bữa sáng cho công nhân ở Công ty 78 (Binh đoàn 15) đã được hình thành và thực hiện, bắt đầu từ tháng 6-2017…

Trẻ con cũng có mâm ngồi riêng.-Ảnh: My Lăng
Trẻ con cũng có mâm ngồi riêng.-Ảnh: My Lăng

 

Một đội ăn, tắt bếp nửa làng

6h30 sáng, tại hội trường của đội sản xuất số 6 (Công ty 78, Đoàn kinh tế quốc phòng 78, Binh đoàn 15) ở thôn Ia Mang (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum), ánh nắng sớm mai xuyên qua hàng lá cao su.

Hàng chục bàn tròn, hàng trăm chiếc ghế đã được xếp sẵn. Gần đó, nhóm hậu cần gần 10 người đang tất bật xới cơm, xếp thức ăn ra đĩa... Ở khoảng sân bên cạnh hội trường, người lớn, con nít đã háo hức tập hợp.

Người lớn trò chuyện rôm rả, hỏi han nhau. Họ vừa đi cạo mủ cao su về, đã thay bộ quần áo công nhân quốc phòng lấm lem mủ, mặc những bộ đồ sáng, tươi tắn. Có người nhà xa, cạo mủ xong không kịp về thay bộ đồ sạch, vẫn còn mặc đồ công nhân quốc phòng.

Con nít tung tăng chạy nhảy, đùa giỡn nhau, cười giòn vang. Gương mặt người lớn, trẻ nhỏ đều rạng rỡ, tươi tắn. Tiếng cười nói chộn rộn cả một khu.

“Sáng nay đến đội mình làm “Bữa sáng biên giới”. Công nhân, trẻ con, bố mẹ của công nhân đến đông lắm. Một tháng cả đội tập trung lại ăn sáng cùng nhau một lần. Vì hai đội là một thôn nên mỗi lần một đội ăn sáng chung là tắt bếp nửa làng. Vui lắm” - trung úy Kim Ngọc Biết, đội trưởng đội 6, hồ hởi nói.

Chị Bùi Thị Hoa (26 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết hai vợ chồng làm công nhân cạo mủ cao su cho Công ty 78 từ năm 2014. Sáng nay, chị cạo mủ nhanh hơn chồng nên về trước, thay đồ công nhân quốc phòng, dẫn con trai Hoàng Bảo Nam (6 tuổi) ra cho tụi nhỏ gặp bạn bè chơi đùa.

“Đứa thứ hai mới 1 tuổi, mình cho đi nhà trẻ rồi. Tối qua, ban chỉ huy đến từng nhà công nhân mời. 6h sáng nay, mình làm xong nhiệm vụ cạo mủ mới tập trung đến ăn. Đây là lần thứ hai đội mình tổ chức bữa ăn sáng này. Mấy chú hậu cần nấu ăn ngon, lại có nhiều món nên người lớn, trẻ con ai cũng thích” - chị Hoa cười nói.

Ngồi bên cạnh, chị Lê Thị Mỹ Bình (35 tuổi, người Thanh Hóa) mỉm cười cho biết đây cũng là lần thứ hai chị tham dự “Bữa sáng biên giới”. “Mình cạo mủ xong lúc 5h30 là về, đến 7h sáng ra đây với hai con - chị Bình cho hay - Mình ăn xong, 9h30 lại đi trút mủ.

Từ khi giám đốc mới lên và có các phó giám đốc mới về thì đơn vị mình làm bữa sáng tập thể. Chắc ngày trước khó khăn quá nên không có điều kiện tổ chức bữa cơm này. Công nhân tụi mình thích lắm. Bọn mình tuy cùng một đơn vị nhưng bận công việc, không gặp nhau thường xuyên.

Đêm từ 2h tụi mình đã đi cạo mủ rồi, sáng mới về, nấu nướng vội vội vàng vàng. Mấy anh trong ban giám đốc quan tâm, tổ chức bữa ăn sáng này rất ý nghĩa. Công nhân bọn mình thấy được cấp trên quan tâm, chu đáo nên cảm thấy được động viên, ấm lòng lắm.

Ở công ty, các anh trong ban giám đốc rất tình cảm, quan tâm công nhân từ những cái nhỏ như vậy nên ai cũng muốn gắn bó lâu dài. Vất vả tí nhưng thu nhập ổn định hơn ở quê. Môi trường làm việc lại thoải mái”.

Đúng 7h sáng, đích thân giám đốc Công ty 78 - thiếu tá Nguyễn Hồng Lam - mời công nhân ngồi vào bàn ăn. Dường như đã quá quen với giờ giấc của một đơn vị quân đội làm sản xuất, mọi người từ công nhân đến trẻ con rất nhanh chóng ngồi kín các bàn. Mỗi lần tổ chức “Bữa sáng biên giới”, ban giám đốc trong công ty cùng đến dự, ăn chung bữa sáng với công nhân.

Sáng nay còn có cả chủ tịch xã Mô Rai H Rách Láo vào dự. Nhìn cảnh công nhân, trẻ con náo nức chờ đợi các món ăn bưng ra, ông H Rách Láo nói: “Lần trước dự về anh chủ tịch huyện có nói cho mình nghe. Lần này mình vào xem thế nào, thấy hay quá. Cái tên “Bữa sáng biên giới” rất hay.

Mô Rai là xã biên giới, cách xa trung tâm huyện hơn 60km. Từ đây ra biên giới chỉ 20km. Ở vùng sâu vùng xa khó khăn này, bữa ăn sáng cũng là bữa ăn tinh thần, gắn kết công ty với công nhân sâu sắc hơn”.

Thiếu tá Đỗ Ngọc Hồng, đội trưởng đội xe máy - dịch vụ tạo giống Công ty 78 kiêm phụ trách nhóm hậu cần lo nấu nướng, cho biết: “Bình thường ở các đội khác có 160-250 người. Hôm nay ở đây có 180 người. Chúng tôi phải dậy từ 2h sáng để làm heo, nấu nướng mới kịp”.

Thiếu tá Hồng đi hết bàn này đến bàn kia kiểm tra các món ăn. Thấy bàn nào còn thiếu, anh lại hô to để nhân viên nhóm hậu cần mang đến. Bữa ăn sáng có sáu món: cháo lòng, cật xào, gan xào, dồi trường, thịt heo luộc...“Hôm nay chúng tôi làm ba con lợn, một phần nấu cháo, xào..., phần còn lại xuất ra căngtin bán cho bà con” - thiếu tá Hồng nói.

Bữa cơm ở hội trường Đội 6 như dành cho một đại gia đình hàng trăm người, nhiều thế hệ. Ai cũng vui vẻ cười nói. Cánh phụ nữ, đàn ông ngồi riêng từng bàn. Tụi nhỏ cũng tìm một bàn ngồi với nhau, tha hồ ăn. Phụ nữ rôm rả “tám” chuyện gia đình, con cái. Cánh đàn ông lâu lâu được thoải mái uống 1-2 ly rượu, cười nói tưng bừng.

Toàn bộ nguồn thực phẩm cung cấp cho bữa ăn sáng được lấy từ trang trại thanh niên của Công ty 78. -Ảnh: My Lăng
Toàn bộ nguồn thực phẩm cung cấp cho bữa ăn sáng được lấy từ trang trại thanh niên của Công ty 78. -Ảnh: My Lăng

 

Vì thương công nhân...

Chưa ăn hết món đầu tiên, trước khi đi đến từng bàn hỏi thăm công nhân, ban giám đốc cùng nhau đến một bàn rất đặc biệt để chào hỏi: đó là một số bố mẹ của công nhân từ quê vào trong công ty ở cùng con. Có người còn mặc cả trang phục truyền thống của người Thái. Có người là cựu chiến binh. Có người là nông dân... Bên mâm cơm nóng hổi, thơm mùi thức ăn, họ vui vẻ trò chuyện, hỏi thăm quê quán, gia đình con cái.

“Bữa sáng biên giới” có từ tháng 6-2017, là sáng kiến của phó giám đốc Công ty 78 (phó đoàn trưởng Đoàn kinh tế quốc phòng 78, Binh đoàn 15): thượng úy Nguyễn Xuân Hiển.

Thượng úy Hiển kể: “Mình có ý tưởng này vì thương công nhân thôi. Họ vất vả quá. Từ lúc 2h sáng công nhân đã phải đi làm. Cạo về là 5h30-6h sáng. Công việc dồn dập, điều kiện chợ búa lại quá khó khăn, công nhân ít có điều kiện ăn sáng. Mình làm bữa cơm này, công nhân đi làm đêm về ăn sáng luôn rất tiện.

Hơn nữa, mình thấy công nhân nữ thời gian buổi sáng dành cho con trẻ và gia đình không nhiều. Thỉnh thoảng nếu họ có được bữa sáng ngon, không phải đôn đáo vội vàng đi về nấu nướng cho gia đình cũng thấy nhẹ nhàng, thoải mái được một chút.

Trong khi đó công ty mới làm mô hình trang trại thanh niên, tự chăn nuôi, trồng trọt, đã có sẵn thực phẩm. Mình lấy sản phẩm đó phục vụ lại người lao động. Khi mình đề xuất ý tưởng này, ban giám đốc nhất trí ngay. Chỉ sau ba ngày thì có “Bữa sáng biên giới” đầu tiên ở đội 6.

Chúng tôi chọn đội 6 làm trước vì đội này ở gần trang trại chăn nuôi, công nhân lại hay qua giúp anh em bên trang trại nên thân tình, thuận tiện hơn. Trước khi tổ chức, ban chỉ huy đội đi từng nhà mời gia đình và cả bố mẹ của công nhân đến dự bữa cơm vui vẻ, thân mật”.

Công ty 78 có 10 đội và 1 cơ quan. Một tháng tổ chức “Bữa sáng biên giới” được tám đơn vị. Cứ một tuần tổ chức ở hai đội vào thứ tư và thứ bảy. “Đã xong một tua, giờ vừa quay lại đơn vị đầu tiên là đội 6. Công nhân thích lắm, cứ nói được một tháng hai lần thì tốt quá.

Mình muốn làm thường xuyên hơn đấy nhưng lực lượng ít quá, chỉ 30 người, làm không nổi. Đơn vị nấu phục vụ bà con rất phấn khởi, nói bữa ăn này rất quý. Trẻ con là vui nhất. Háo hức lắm” - thiếu tá Đỗ Ngọc Hồng tự hào nói.■

Sống chan hòa, quan tâm lẫn nhau

Ông Lục Cao Điểm - 58 tuổi, cựu chiến binh đến từ Thanh Hóa - cho biết đây là lần thứ hai vợ chồng ông tham dự bữa cơm đặc biệt này. Vợ chồng ông đã vào đây 3 năm, ở cùng gia đình con trai (anh Lục Đình Thêm, 39 tuổi, y tá đội 6). Ngồi cùng bốn “phụ huynh lớn tuổi” khác, ông Điểm cho biết cả ba người con của ông đều làm ở Công ty 78. Tất cả đều đã có nhà riêng, không phải ở nhà tập thể nữa.

Vợ chồng con gái thứ hai đang làm ở đội 3, đều là công nhân cạo mủ cao su. Con trai út của ông Điểm làm công nhân cạo mủ ở đội 3. “Trước đây, vợ chồng tôi có vào chơi thăm con cái mấy lần. Từ tháng 3-2017, vợ chồng tôi chuyển vào ở hẳn luôn. Ở đây thoải mái, vui, hiền hòa, mọi người quan tâm nhau lắm”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận