Đọc thơ giữa "trung tâm thuốc phiện" Medellin

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI 27/07/2013 07:07 GMT+7

TTCT - LTS: Từ Liên hoan thơ quốc tế Medellin, tác giả Nguyễn Phan Quế Mai đã gửi cho TTCT những xúc cảm ở một thành phố nổi tiếng về ma túy, bạo lực, nhưng cũng là nơi mà nhờ thơ ca đã trở nên khác biệt.

Phóng to
Nguyễn Phan Quế Mai và những đứa trẻ tại khu tái định cư La Cruz - Ảnh: Raul Montenegro

“Bạn có ngửi thấy mùi gì không? Mùi cần sa đấy!” - Mauricio Alejandro Moreno nói với tôi khi chúng tôi len lỏi qua một đám đông thanh niên đang tụ tập trên một con phố gần trung tâm thành phố Medellin, Colombia. Một mùi hăng hắc nồng nặc ùa vào mũi khiến tôi phải cố gắng kiềm chế cơn ho. Xung quanh chúng tôi, những thanh niên đứng ngồi la liệt cười nói, lắc lư theo điệu nhạc salsa, phì phèo chia nhau những điếu cần sa.

Sống giữa những “ranh giới tàng hình”

“Hút cần sa là hành động bất hợp pháp, nhưng tiếc rằng nó đã trở thành một phần văn hóa của chúng tôi” - Mauricio thở dài và nói. Vài ngày trước, sau khi lắng nghe tôi đọc thơ trong khuôn khổ Liên hoan thơ quốc tế Medellin, Mauricio đã đến gặp tôi, nói rằng các bài thơ tôi viết về chiến tranh, bạo lực, phận người đã làm anh lay động. Anh tình nguyện dẫn tôi đi thăm thành phố của anh, kể cả những khu bình dân nơi nguy hiểm tiềm tàng, để tôi thật sự hiểu về cuộc sống đời thường của thành phố này.

Và nếu không có Mauricio, chắc hẳn tôi sẽ như một khách du lịch bình thường khác ở nơi đây: ngất ngây trước vẻ đẹp của những tòa nhà cổ kính, những sắc hoa tràn ngập khắp nẻo đường, tiếng đàn mê hoặc của những ban nhạc đường phố và màu xanh bạt ngàn của những ngọn núi nhấp nhô đang choàng tay ôm lấy thung lũng trung tâm của Medellin.

Nhưng bước ra khỏi khu dành cho khách du lịch, tôi đang nhìn thấy một bộ mặt khác của Medellin: người vô gia cư co quắp ngủ bên đường, những cô gái điếm phì phèo thuốc lá, người bán thuốc phiện lấp ló ở các con phố và những nhân viên cảnh sát trang bị súng ống tối tân thình lình chặn người đi đường lục soát từ đầu đến chân để kiểm tra liệu người đó có mang theo vũ khí và thuốc phiện hay không.

Và giờ đây, dù đã được Mauricio chuẩn bị tinh thần một cách kỹ lưỡng, tôi vẫn không khỏi rùng mình khi đến thăm khu phố nơi anh ở. Đây là một trong những khu phố phân phối thuốc phiện nổi tiếng ở Medellin, với những tay buôn công khai đứng bán hàng trắng ngay giữa phố. “Những người bán thuốc phiện là tay chân của mafia đấy” - Mauricio nói và kể thêm bạn của em trai anh đã bị bắn chết vì tham gia bán thuốc phiện mà không có sự bảo kê của một tay mafia nào. Dường như ở nơi này, bạo lực và cái chết rình rập mọi ngóc ngách.

Mauricio cũng là một nạn nhân của bạo lực ở thành phố này: cha anh bị mafia bắn chết ba năm trước khi không chịu nộp tiền bảo kê cho chúng. Ông chỉ là một người lao động bình thường - một thợ đóng giày nai lưng làm lụng ngày đêm để nuôi vợ và những đứa con. Cái chết của ông đã làm Mauricio suy sụp và anh phải bỏ dở đại học để phụ giúp gia đình.

“Sau khi cha tôi chết, tôi chưa kịp hết suy sụp thì đến lượt chú tôi ra đi” - Mauricio trầm ngâm nói. Tôi kinh ngạc khi anh giải thích rằng ở thành phố Medellin có những “ranh giới tàng hình” mà nếu không may bước qua, người ta có thể bị mất mạng sống. Chú của Mauricio - một người lái taxi - vô tình lái xe qua “ranh giới tàng hình” và đi vào bộ phận đang bị phiến quân kiểm soát. Ông lập tức bị các tay súng chặn lại và bị bắn chết.

“Colombia đang trải qua một trong những bi kịch lớn nhất của nhân loại - nhà thơ Fernando Rendón, giám đốc Liên hoan thơ quốc tế Medellin, cho tôi biết - Hơn 60 năm qua, xung đột và nội chiến tại đất nước chúng tôi đã khiến hơn 5 triệu người chết, mất tích, bị thương, tàn tật hoặc mất nhà cửa. Đây là một trong những cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nhân loại, ảnh hưởng đến sự ổn định dân chủ của Nam Mỹ”.

65 năm qua, từ khi chính trị gia nổi tiếng Jorge Eliécer Gaitán bị ám sát khi đang tranh cử tổng thống, nội chiến và bạo lực bùng nổ đã trở thành một phần cuộc sống ở Colombia. Những nhóm du kích như Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), Quân đội giải phóng quốc gia (ELN) nói họ chiến đấu để giành lại quyền lực cho người nghèo, bảo vệ nhân dân Colombia khỏi bạo lực do chính phủ gây ra.

Chính phủ Colombia cho rằng họ phải chiến đấu để bảo vệ hòa bình và sự bền vững. Trong khi đó ngày càng có nhiều nhóm bán quân sự, điển hình là Lực lượng tự vệ đoàn kết Colombia (AUC) được lập ra để chống lại sự lộng hành của những nhóm du kích. Trong sự rối rắm, hỗn loạn để giành quyền lực và lãnh thổ ở đất nước này, những ông trùm mafia, thuốc phiện và vũ khí len lỏi khắp mọi nơi.

Phóng to
Mauricio và bà nội - Ảnh: Quế Mai

Thơ ca làm nên sự khác biệt

Liên hoan năm nay diễn ra từ ngày 6 đến 13-7, với sự tham gia của 60 nhà thơ đến từ 45 quốc gia trên thế giới. Nguyễn Phan Quế Mai là một trong 12 nhà thơ được chọn trình diễn trong lễ khai mạc tại Nhà hát ngoài trời Carlos Vieco, với sự tham dự của hơn 4.000 người và được truyền hình trực tiếp.

“Medellin hôm nay đã khác xưa rất nhiều rồi đấy. 23 năm trước, trước khi Liên hoan thơ Medellin được khởi xướng, rất ít ai dám ra đường. Khói thuốc phiện, sự sợ hãi tràn ngập khắp các nẻo đường” - ông Luis Herrera nói với tôi khi chúng tôi trò chuyện sau một buổi đọc thơ. Là một người cuồng nhiệt với thơ ca, năm nào ông cũng cố gắng đến tham dự các buổi đọc thơ trong khuôn khổ liên hoan vì theo lời ông, thơ ca đã trở thành máu thịt của ông.

23 năm trước, Medellin bị thống trị bởi sự sợ hãi, khủng bố và hỗn chiến giữa các nhóm tội phạm. Sau 8 giờ tối, thành phố trở thành bóng ma khi không ai dám ra đường và những nhóm bán quân sự ngang nhiên áp đặt lệnh giới nghiêm. Lúc đó, để phản đối bạo lực chính trị và trả lại sức sống cho thành phố Medellin, nhà thơ Fernando Rendón, chủ bút của tạp chí văn học Prometeo, và 12 đồng nghiệp đã khởi xướng Liên hoan thơ quốc tế Medellin nhằm kéo người dân ra đường trở lại.

Năm 1991, chỉ với 1.000 USD trong tay, họ đã xoay xở để đưa 13 nhà thơ quốc tế đến Medellin. Mười tấm poster quảng cáo nhỏ dán quanh thành phố đã đưa được lác đác một số người tham gia các buổi đọc thơ.

“Lúc đầu dân chúng ở đây chẳng màng đến thơ ca, họ chỉ lo mạng sống của mình - bà Gloria Chvatal, giám đốc truyền thông của Liên hoan thơ Medellin, cười và nói với tôi - Nhưng rồi các năm sau đó, ngày càng có nhiều người đổ ra đường để lắng nghe thơ. Ngày càng nhiều người dân vượt qua sự sợ hãi để đến với thơ.

Thơ được đọc trên đường phố, công viên, trong bảo tàng, nhà sinh hoạt chung của các khu dân cư. Thơ vang lên tại các nhà hát, thư viện, trường học, đường phố, trung tâm văn hóa, nhà hàng, trung tâm mua sắm, ga tàu điện ngầm, nhà máy, nhà thờ và cả ở nhà tù. Người ta kéo ra đường nghe thơ ngày càng nhiều mỗi dịp liên hoan tới và nhịp sống của Medellin đã dần trở lại”.

Giờ đây, sau 23 năm, Liên hoan thơ quốc tế Medellin đã trở thành liên hoan thơ lớn nhất thế giới và là biểu tượng của thành phố Medellin, thu hút sự tham gia của hơn 100.000 người vào mỗi dịp liên hoan. Hằng năm, có 145 sự kiện thơ ca được tổ chức ở trung tâm thành phố và vùng ven của Medellin suốt một tuần. Và kỳ diệu thay, Medellin đã biến từ trung tâm thuốc phiện của thế giới thành trung tâm của thi ca thế giới.

Thơ ca đang trở thành một trong những công cụ đặc biệt trong việc trả lại sự yên bình cho Medellin: trong bối cảnh chính phủ đang nỗ lực thực hiện các đối thoại hòa bình với các lực lượng du kích và bán quân sự, liên hoan thơ ca năm 2013 có sứ mạng chuyển tải các thông điệp hòa bình và kêu gọi các bên ngừng bắn.

Đến Medellin, tôi mới hiểu người dân Medellin trân trọng thơ ca, trân trọng những phút giây bình yên đến mức nào. Hàng loạt sự kiện thơ ca mà tôi tham gia ở trung tâm thành phố hay các khu dân cư xa xôi nằm vắt mình trên các triền núi cao hẻo lánh đều có sự tham dự của hàng trăm người. Có người nhắm chặt mắt nghe thơ, có người áp tay lên ngực. Dường như họ đang bỏ đằng sau mọi lo lắng và sợ hãi để đắm chìm trong sự tĩnh lặng của thơ.

Tôi sẽ nhớ mãi buổi đọc thơ tại khu tái định cư La Cruz. Tại đây, những người bị nội chiến cướp mất đất đai đã rơi nước mắt khi kể tôi nghe về những dòng đạn tuôn từ những chiếc trực thăng đã ào xuống bản làng bình yên của họ thế nào, những dòng đạn đã giết chết biết bao người thân của họ và khiến họ phải bỏ quê hương ra đi.

Nước mắt họ và nước mắt tôi hòa vào nhau khi tôi đọc cho họ nghe những bài thơ tôi viết về ngôi làng của tổ tiên tôi, về lòng quả cảm vượt qua nỗi đau của người Việt Nam sau chiến tranh. Những sự sẻ chia, những cái ôm chặt của họ cho tôi biết rằng thơ ca đang tiếp cho họ sức mạnh, rằng họ không lẻ loi trong cuộc chiến vượt lên số phận.

Rời Medellin, tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh Mauricio khi anh len lỏi trong dòng người ngược xuôi bán từng thanh pho mát chiên để kiếm tiền học tiếp đại học. Tôi sẽ đem theo chiếc túi mà chị Lorena Maria đã tự tay đan để dành tặng riêng tôi. Chị đã nghe thơ tôi trong đêm khai mạc và theo chân tôi suốt các buổi đọc thơ trong một tuần qua ở Medellin.

Tôi sẽ đem theo những cái ôm thật chặt của những đứa trẻ tại khu tái định cư La Cruz khi chúng thì thầm vào tai tôi rằng chúng yêu tôi. Tôi sẽ đem theo nước mắt, nụ cười của Medellin để tôi sống tốt hơn, để ngòi bút của tôi mọc rễ vào cuộc sống này, để khát vọng hòa bình của Colombia lan tỏa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận