Để người thu gom rác thấy không đơn độc

LÊ PHAN 27/04/2024 05:58 GMT+7

TTCT - Cũng như nhiều nước trong khu vực, Việt Nam đã có nhiều hoạt động hỗ trợ công nhân thu gom rác, dọn vệ sinh, người mua ve chai, để họ cảm thấy không đơn độc.

Bà Chu Thị Kim Thanh, giám đốc vận hành PRO Việt Nam, tặng trang bị bảo hộ cho người thu gom rác dân lập tại huyện Nhà Bè, TP.HCM.  Ảnh: LÊ PHAN

Bà Chu Thị Kim Thanh, giám đốc vận hành PRO Việt Nam, tặng trang bị bảo hộ cho người thu gom rác dân lập tại huyện Nhà Bè, TP.HCM. Ảnh: LÊ PHAN

Người làm rác thấy được quan tâm

Làm nghề thu gom rác hơn 10 năm, bà Đỗ Thị Nhiên (48 tuổi) huyện Nhà Bè thu gom rác cho khoảng 300 hộ gia đình. 

Việc thu gom vất vả vì nhiều người dân vẫn để rác bừa bãi. "Rác trồng cây, chất thải thú cưng, miểng chai, thậm chí nước cũng đổ chung vào bịch rác. Đủ thứ rác bỏ chung vào", bà Nhiên nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Công việc thường ngày của bà Nhiên bắt đầu lúc 4h sáng, kết thúc khoảng 7h sáng sau khi đem rác tới điểm thu gom. "Tôi chỉ mơ ước nhà nước quan tâm tới người lao động trong nghề rác hơn. Trong nhiều năm tôi làm việc, có những người dân không đóng tiền rác, chửi mắng, chúng tôi nhờ giải quyết nhưng nhận lại thái độ khá thờ ơ. Với người dân, tôi mong họ bỏ rác gọn gàng, phân loại ban đầu để dễ thu gom hơn. Gần đây nhiều đơn vị đồng hành hơn, chúng tôi cảm nhận được sự chia sẻ. Chúng tôi cảm ơn vì xã hội nghĩ tới người làm rác", bà Nhiên nói.

Sự đồng hành mà bà Nhiên nhắc tới là những chương trình như hoạt động hỗ trợ an sinh xã hội do Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) phối hợp với Tổ chức ENDA Việt Nam thực hiện. 

Chương trình đồng hành với người thu gom rác này được thực hiện thường niên, nhằm hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, bảo hộ lao động cho lực lượng lao động trong lĩnh vực thu gom rác.

Đợt trao tặng gần nhất diễn ra ngày 16-4 vừa qua, với gần 200 phần đồ bảo hộ lao động cùng bảo hiểm tai nạn và bảo hiểm y tế được trao cho lực lượng thu gom rác dân lập trên địa bàn huyện Nhà Bè, TP.HCM. 

"Mang bộ đồng phục có logo của các nhà tài trợ thì sẽ thấy ấm áp hơn vì bên cạnh mình có nhiều sự quan tâm" - bà Nguyễn Thị Hoài Linh, trưởng đại diện Tổ chức ENDA Việt Nam, nói.

Cùng có mặt tại sự kiện này với bà Nhiên, anh Trần Văn Điệp và vợ cho biết cả hai ở xã Phước Lợi (Cần Giuộc, Long An) lên TP.HCM làm việc thu gom rác khoảng 1 năm. Họ làm từ 23h đêm tới sáng, gửi con gần 1 tuổi cho người quen trông giúp. 

"Mình thuê trọ khoảng 1,8 triệu đồng/tháng cả tiền nước. Thu nhập đủ trang trải cuộc sống và mua sữa cho cháu, không dư nhiều. Ở dưới quê không có ruộng đất, trước đây mình đi làm công ty cây xanh rồi công ty giải thể nên nghỉ. Thấy đợt này được hỗ trợ vốn mình mong sẽ được vay để mở gì đó nho nhỏ cho vợ buôn bán ban ngày", anh Điệp nói.

Là người thuê anh Điệp vào HTX của mình làm việc, ông Đặng Văn Trường, giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ môi trường Hiệp Phước, cho biết HTX có 22 xã viên với khoảng 30 người lao động. Ông Trường mong muốn các tổ chức giới thiệu cho ông đầu mối mua bán rác tái chế hoặc hướng dẫn người thu gom bán được giá cao hơn. 

"Ví dụ mình bán tại chỗ thì có 1.000 đồng nhưng người ta mua lại bán ra gấp 9-10 lần. Do đó tôi mong có đơn vị chỉ mình bán được giá cao hoặc thu mua cho mình. Từ đó người thu gom rác có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống hơn chút xíu", ông Trường nói.

Hỗ trợ cần thiết

Bà Chu Thị Kim Thanh, giám đốc vận hành PRO Việt Nam, cho biết theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới, lượng rác thải không tái chế gây lãng phí khoảng 3 tỉ đô la mỗi năm. Hiện nay phần lớn rác tại Việt Nam được xử lý hoặc chôn lấp, chỉ một tỉ lệ rất nhỏ được tái chế.

Lực lượng đóng góp chính vào quy trình thu gom để tái chế hiện nay vẫn là lực lượng thu gom rác tự do (bao gồm thu gom rác dân lập, người thu mua ve chai). Bà Thanh cho biết liên minh hiện có 24 công ty thành viên, là các doanh nghiệp cùng chung mong muốn góp phần vì một Việt Nam xanh, sạch, đẹp bằng việc thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn, thông qua việc làm cho quá trình thu gom và tái chế bao bì dễ tiếp cận và bền vững hơn.

"Hy vọng khi hiệu quả tái chế được nâng cao, rác thải có thể tái chế sẽ mang lại nhiều giá trị hơn và tăng thu nhập cho người thu gom rác", bà Thanh bày tỏ.

Bà Nguyễn Thị Hoài Linh, trưởng đại diện ENDA Việt Nam, cho biết chương trình phối hợp của hai đơn vị đã diễn ra nhiều năm nay. Trước đây đã có gói hỗ trợ tại TP Thủ Đức (quận Thủ Đức cũ) giai đoạn 2021-2023. Lần 2, tổ chức hỗ trợ hơn 1.800 người thu gom rác trên địa bàn TP.HCM và lần này diễn ra ở huyện Nhà Bè.

Thống kê cho thấy hiện nay tại TP.HCM có hơn 10.000 người tham gia lực lượng thu gom rác tự do (dân lập, ve chai). Đa số anh chị em di cư từ các tỉnh lên nên đời sống khá khó khăn. ENDA Việt Nam muốn đi cùng họ để giúp lực lượng này làm việc ổn định, đỡ vất vả hơn và có thu nhập tốt hơn.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, giám đốc HTX nông nghiệp dịch vụ môi trường Nhà Bè, cho biết do HTX làm trong lĩnh vực thu gom rác, xã viên và người làm thuê phần lớn là dân nhập cư (hơn 60%). 

Những xã viên này gặp nhiều khó khăn trong đời sống, nhưng do trình độ và năng lực tài chính có hạn nên HTX chưa đủ khả năng để hỗ trợ an sinh xã hội cho họ. Những năm qua, ENDA Việt Nam đã giúp HTX này tổ chức các gói an sinh xã hội (cấp đồ bảo hộ lao động, mua BHYT, BHTN) và tập huấn nâng cao nhận thức, xây dựng năng lực cho HTX, cũng như kết nối với thị trường, các công ty lớn để thu gom rác tái chế.

"Trước đây, người thu gom rác dân lập hiếm khi nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Khi gặp phải những khó khăn, vướng mắc chúng tôi cũng không tìm được sự hỗ trợ từ bên ngoài mà phải tự xoay xở. Thậm chí đôi khi chịu phần thiệt thòi về chính mình và cảm thấy rất tủi thân. Qua những hỗ trợ của các đơn vị, chúng tôi cảm thấy phấn khởi hơn và từ đó cũng ý thức rõ hơn về tầm quan trọng cũng như trách nhiệm của nghề rác trong việc bảo vệ môi trường", bà Linh nói.

Tại buổi làm việc với lực lượng thu gom rác dân lập huyện Nhà Bè, TP.HCM các đơn vị cũng đã ký quy chế quỹ xoay vòng. Đây là nguồn vốn hỗ trợ tài chính thông qua khoản vay 0% lãi suất.

"Những năm gần đây việc tìm kiếm tài trợ cho anh chị em rất khó. Do đó việc được Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam đồng hành là rất quý. Đến với anh chị em thu gom rác huyện Nhà Bè đợt này chúng tôi sẽ triển khai gói an sinh xã hội và nguồn vốn xoay vòng. Hy vọng đây là sự hỗ trợ ban đầu cho anh chị em. Với nguồn quỹ khoảng 200 triệu đồng, ENDA sẽ trao cho người đứng đầu các HTX để cân đối cho xã viên vay vốn làm ăn. Khi có tiền thì trả dần để người tiếp theo tiếp cận. Và lãi suất sẽ là 0% để anh chị em an tâm", bà Linh nói.

Để người thu gom rác thấy không đơn độc- Ảnh 2.

Chuyên mục Việt Nam Xanh được thực hiện với sự đồng hành của PRO VIỆT NAM.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận