Hoang mang

KIM OANH 24/08/2014 04:08 GMT+7

TTCT - LTS: Tham gia loạt Câu chuyện cuộc sống kỳ này là nỗi băn khoăn của hai bậc phụ huynh, người thì tiếc nuối đã bị đánh mất “một thời hoa bướm” nhưng người thì “không thể không can thiệp”.

Khi con yêu sớm
“Cứ khóc đi, con trai...”

Minh họa: bích khoa

1. Từ thời đi học cấp I tôi đã được gia đình định hình: con gái chơi với con gái, con gái mà chơi với con trai sẽ cục mịch như đàn ông hoặc bị bọn con trai bắt nạt thô bạo, nên tôi chỉ quanh quẩn chơi đồ hàng, búp bê, nhảy lò cò..., không dám ùa té nhau tạt lon hay trốn tìm như lũ trẻ trong xóm.

Lên cấp II, tôi được gia đình định hình rằng bản thân học giỏi, nhà khá giả, không nên chơi với bọn con trai nghịch ngợm, lông bông, kẻo vô duyên (?!). Một lần lao động tập thể ở trường, tôi bị trượt ngã bong gân, nhóm bạn học góp quà đến nhà thăm, bố đi làm về bắt gặp liền đuổi thẳng, cấm tiệt giao du với “lũ gái trai nhí nhố”.

Một thời gian dài tôi toàn cúi gầm mặt đi học, mắc cỡ kinh khủng, may mắn lũ bạn vẫn chơi với tôi và không nhắc lại chuyện ấy, nhưng tuyệt nhiên chẳng còn dám đến nhà tôi vì bất cứ lý do gì.

2. Lên cấp III vào phân ban A của trường điểm, lớp học toàn con trai sáng láng và nam tính cả. Trong khi các bạn vô tư vui đùa, giúp nhau học nhóm, kết “đôi bạn cùng tiến” thì tôi rụt rè quan sát và thèm thuồng, chỉ dám giao du với vài bạn gái hiếm hoi của lớp. Nhưng những đêm thao thức học bài, tôi nhận ra lòng cũng chùng chình với bạn này bạn nọ, song phải cố nén lặng.

Tết năm lớp 12 rất vui, các bạn rủ nhau đi chúc từng nhà. Tôi nghĩ năm cuối học trò nên cũng mạnh dạn tham gia. Ôi, nhà các bạn thật thoải mái, có nơi bố mẹ dọn cơm mời ăn, thậm chí có nhà còn cho uống bia mừng mốc 18 tuổi, có chỗ lì xì dày dày hỗ trợ hoạt động cho những kẻ sắp trưởng thành, thậm chí có bố mẹ còn chúc vui tụi nhỏ mau lớn để... yêu.

Đến khi qua nhà tôi, các bạn cũng tưởng dễ chịu vậy, ngồi rôm rả ở phòng khách chưa đầy 15 phút thì bố tôi bước ra chào đón bằng một màn đuổi khéo với thái độ thật khó chịu. Xấu hổ muốn độn thổ, lí nhí tiễn bạn về cũng đành tống tiễn luôn tuổi học trò hồn nhiên dù mới giữa năm cuối cấp.

Từ đó tôi càng thu mình lại, chuyên tâm luyện thi, gắng gạt phăng lãng đãng hoa niên.

Thi đạt học bổng mấy trường đại học sao chẳng hớn hở lắm trong khi cả nhà mừng ra mặt. Bố tôi tự hào nhờ khắt khe mà con gái đỗ đạt cao bốn ngành “hot” bấy giờ, có hiểu đâu tôi hờ hững biết bao nhiêu. Thậm chí tôi từng nghĩ chỉ cần vào đại học công lập thôi, chứ đỗ điểm cao học bổng chả bù nổi mất mát “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”.

Bố mẹ thưởng tôi nhiều thứ, động viên tôi tiếp tục học tốt, ra trường rồi hãy yêu cho chắc. Thế là tôi lại dùi mài song song hai trường, học ngoại ngữ và tin học suốt sáng tối. Kết quả tốt nghiệp khá giỏi, tìm việc tốt được ngay nhưng bắt đầu yêu thật không dễ. Hai mươi ba tuổi rồi vẫn lóng ngóng và lố ngố thế nào. Vụng về vỡ tan mấy mối tình ngắn dài, ba mươi tuổi mới kết hôn.

Đám bạn phổ thông hồi trước ai cũng vào đại học ngay và đa số thành đạt cả. Có đến mấy đôi nên duyên bắt đầu từ tình yêu học trò ngày ấy. Thỉnh thoảng gặp nhau, thấy gia đình các bạn rất rôm rả và dân chủ, họ thoải mái dạy con mà không hề gò ép, sẵn sàng sẻ chia tếu táo với những “rung rinh” rất lung linh của tụi nhóc dậy thì sớm hiện nay.

3. Về phía gia đình tôi, rút kinh nghiệm nghiêm khắc quá mức đến nỗi tôi suýt “ế chồng”, bố mẹ rộng đường cho em tôi tung tẩy theo lứa tuổi. Em lanh lợi hơn chị nhiều, song nuông chiều cảm xúc thái quá, em chệch khỏi quỹ đạo phát triển bình thường và thất bại trong cuộc sống.

Bây giờ bố mẹ tôi thở dài, lòng tôi man mác buồn. Ngày xưa không quay lại, nhất định tôi sẽ không để con cái rơi mất tuổi thần tiên ai cũng có một thời. Song tôi sợ mình chỉ có kinh nghiệm thất bại của hơn hai mươi năm trước, liệu nay vận dụng có còn phù hợp?

Tôi hoang mang tự hỏi: khắc phục sai lầm của bản thân lên thế hệ sau có vô tình “vẽ đường cho hươu chạy” vào sai lầm khác? Xã hội biến động khôn lường, giữ chặt con cái cho an lành sẽ lại đánh cắp của chúng những xúc cảm đáng yêu của một thời hoa bướm?...

______________________

Chỉ là một “Trẻ em” cần được bảo vệ...

Tôi có con gái sắp vào lớp 10 - không cấm đoán khắt khe nhưng thú thật tôi không thể không “can thiệp” vào những “rung động đầu đời” có thể gây tổn thương, thậm chí nguy hại đến tương lai cháu.

Tôi không tra hỏi lý lịch “bạn trai” của cháu nhưng tôi tự mình tìm hiểu. Cha mẹ nào có thể yên tâm khi biết con gái mình đang yêu con trai của một gã cờ bạc, rượu chè, thường xuyên đánh đập vợ con...? Tôi cho rằng gia đình cậu bé đó không cơ bản, nề nếp nên không tin tưởng để con gái yêu cậu bạn đó.

Nhận định của tôi hoàn toàn có cơ sở: qua tìm hiểu tôi biết cậu bạn này thường xuyên “bùng tiết”, trốn học, đánh nhau, có lý lịch tình trường chẳng thua kém ai... Khó khăn ở chỗ con gái tôi còn ít tuổi, cháu chỉ thích nghe những bài nhạc nhảy nhót điên loạn và mê những chàng “hot boy” đẹp trai, lạnh lùng, galăng...

Cả gia đình tôi tham gia động viên cháu bớt nghĩ đến “tình yêu”, chú tâm vào học hành vì tương lai còn dài, cháu còn cơ hội tiếp xúc với nhiều người thành đạt, giỏi giang. Từ khi cháu biết yêu, vợ tôi được phân công hướng dẫn, trả lời cháu những thắc mắc liên quan đến những kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản.

Tôi cho cháu trò chuyện nhiều hơn với những anh chị em trong gia đình, họ hàng (liên quan đến những câu chuyện về tình yêu, tương lai) với mục đích giúp cháu hiểu: tình yêu không phải là tất cả.

Thế nhưng, cũng đến ngày cháu bị cậu bạn kia “gạ gẫm” đi chơi xa, “chỉ có hai đứa cho tự do, thoải mái. Em lớn rồi có thể quyết định được mà?”. Đọc tin nhắn trong điện thoại của cháu, hai vợ chồng tôi phải mất nhiều ngày giải thích cho cháu hiểu những “rủi ro” tiềm ẩn của chuyến đi chơi xa...

Tôi theo dõi cháu thường xuyên hơn, thậm chí tra hỏi, dò xét những khi cháu xin phép đi chơi ở đâu, với ai, mấy giờ về? Bức bí một chút nhưng như vậy còn hơn “buông lỏng”, mặc kệ. Tôi không cho rằng vợ chồng tôi đã “lo xa” hay “can thiệp vào tự do cá nhân”...

Xin hãy hiểu, con tôi chưa tròn 16 tuổi - cháu vẫn đang là một trẻ em cần được bảo vệ. Trước những “rung động” đầu đời có thể gây tổn hại đến thể chất, tinh thần của con em mình, là cha mẹ chúng ta nên quan tâm, thậm chí can thiệp bằng những biện pháp cứng rắn để không phải nhận về những nỗi đau dai dẳng, khôn nguôi.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận