Học đại đi!

THANH HẢI (TP.HCM) 02/05/2013 20:05 GMT+7

TTCT - Cách đây khoảng ba năm, tôi có tham gia giảng dạy ngoại ngữ tại một trường cao đẳng ngoài công lập. Tôi để ý thấy trong số ba mươi mấy sinh viên lớp mình phụ trách, chỉ có một em nam.

Hôm sau, trong giờ giải lao tôi mới hỏi vì sao em lại chọn học ngành mà thường chỉ dành cho nữ. Em thành thật trả lời là do thiếu điểm nên “được” trường cho chuyển sang học ngành này. Tôi lại hỏi: “Thế em có thích nó không, có biết nghề của mình mai mốt sẽ làm gì không?”.

Em cười hiền và bảo: “Dạ kệ, mai mốt học ra nếu không kiếm được việc thì em học thêm cái khác thầy!”.

Mùa tuyển sinh năm ngoái, do không có năng lực nên đứa cháu tôi rớt tất cả các trường đại học, cao đẳng cháu đăng ký. Vài tuần sau, nghe tin một trường cao đẳng nghề công lập khá lâu đời ở TP.HCM xét tuyển hệ trung cấp ngành mình thích, cháu vội vã cùng mẹ vượt gần 300 cây số vào làm thủ tục. Nhưng khi hai mẹ con vào đến nơi thì trường thông báo ngành cháu thích đã xét đủ chỉ tiêu, và gửi cho cháu một thư xét tuyển chuyên ngành khác.

Mẹ cháu năn nỉ cháu... học đại đi, vì nếu không thì bà cảm thấy mắc cỡ với mấy người hàng xóm ở ngoài quê. Tuy nhiên cháu khăng khăng không chịu, bảo: “Con không thích nó, mà con cũng có biết gì về nó đâu mà học?”. May thay, vài tuần sau cháu lại được một trường cao đẳng công lập khác xét vào hệ trung cấp ngành cháu thích.

Hiện tôi đang dạy tại một trường đại học tư thục khá nổi tiếng. Vì là giáo viên ngoại ngữ nên thỉnh thoảng các em có mang những tài liệu tiếng Anh chuyên ngành hỏi thêm tôi. Dĩ nhiên có cái tôi cũng... bí vì tôi đâu có đủ kiến thức về lĩnh vực đó.

Những lúc như vậy tôi giới thiệu cho các em các từ điển chuyên ngành uy tín trên mạng để các em tham khảo thêm và thường kèm theo câu hỏi đùa: “Sao em học ngành gì... lạ hoắc lạ huơ vậy?”.

Ngạc nhiên thay, trong số các câu trả lời của các em, ngoài những câu như “Dạ tại em thích”, “Tại trường... quảng cáo là nó đang “hot” thầy”, thì vẫn có nhiều em trả lời... y chang như em học trò năm xưa ở trường cao đẳng: “Dạ tại em thiếu điểm nên trường “cho” chuyển qua ngành này!”.

Ngẫm lại các tình huống “bi hài” trên, không biết tôi có quá lời hay không khi nghĩ rằng không ít trường hợp “lạc đường” là do tình hình tuyển sinh bát nháo. Trường nào cũng tranh thủ tuyển theo kiểu... lấp đầy chỉ tiêu, thậm chí là... ”vơ vét”, còn chuyện học hành cho đúng nguyện vọng, sở thích, và cả điều kiện gia đình của các em là chuyện của... tư vấn trước mùa thi!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận