"Khác biệt giữa suy thoái và sụp đổ là tốc độ"

SPIEGEL 24/12/2012 22:12 GMT+7

TTCT - Không cần tới lịch của người Maya, nhân vật được mệnh danh là “tổ sư” vấn đề môi trường Dennis Meadows đã tiên đoán về sự tự hủy diệt của nhân loại trong công trình lừng danh Những giới hạn tăng trưởng từ năm 1972.

40 năm sau báo cáo này, Meadows cho biết trong một trả lời báo Spiegel (Đức) rằng “sự hủy diệt đang diễn ra ở một số nơi”.

Những người nghèo bới rác ở Ấn Độ. Đâu là giới hạn của tăng trưởng? - Ảnh: Getty Images

Vì người giàu mới hói đầu và người nghèo mới nhiễm HIV

* Thưa GS Meadows, 40 năm trước ông công bố Những giới hạn tăng trưởng - quyển sách khiến ông trở thành cha đẻ tri thức của phong trào bảo vệ môi trường. Thông điệp chủ yếu của quyển sách vẫn còn giá trị tới tận ngày nay: nhân loại đang khai thác một cách không thương xót tài nguyên toàn cầu và đang trên đường tự hủy diệt. Liệu chúng ta vẫn có thể tránh được một sự sụp đổ cuối cùng của hệ thống kinh tế?

- Vấn đề thách thức các xã hội chúng ta là chúng ta đang phát triển công nghiệp và chính sách phù hợp với mình ở một thời điểm nào đó, nhưng giờ đây chúng bắt đầu suy giảm lợi ích đối với con người, thí dụ công nghiệp ôtô hay dầu hỏa. Quyền lực chính trị và tài chính của chúng lớn đến nỗi chúng ngăn cản sự thay đổi. Và tôi đoán là mọi việc sẽ tiếp tục như thế. Có nghĩa chúng ta sẽ phải đi qua cuộc khủng hoảng này chứ không phải chủ động tiến hóa qua một sự thay đổi.

Giáo sư Dennis Meadows - Ảnh: clubofrome.at

* Nhiều dự báo trước đây trong quyển sách của ông đã thành sự thật, chẳng hạn việc tăng lũy tiến của dân số thế giới, sự suy thoái môi trường rộng khắp. Thế nhưng những tiên đoán về sự tăng trưởng, cụ thể là cuối cùng chúng sẽ suy giảm và kinh tế toàn cầu sẽ sụp đổ, vẫn chưa diễn ra.

- Việc chưa sụp đổ không có nghĩa là nó sẽ không diễn ra trong tương lai. Không nghi ngờ gì thế giới đang thay đổi, và chúng ta đang phải đồng hành với nó. Có hai cách để đi cùng: một, bạn thấy sự cần thiết phải thay đổi trước nên bạn chủ động làm, và thứ hai: bạn không thấy cần thiết và cuối cùng cũng bị buộc phải thay đổi. Hay nói như thế này: bạn đang lái một chiếc xe trong một tòa nhà công xưởng, có hai cách để dừng xe: hoặc bạn đạp thắng, hoặc bạn cứ cho xe chạy rồi đâm vào tường. Nhưng bạn vẫn phải dừng lại bởi tòa nhà đã kết thúc. Mọi điều cũng y như vậy với nguồn tài nguyên của Trái đất.

* Nghe có vẻ thuyết phục, nhưng liệu có đúng vậy không? Tại sao các công ty tư nhân không đáp ứng với việc tài nguyên đang thu hẹp bằng các sáng tạo nhằm đảm bảo duy trì lợi nhuận?

- Là bởi những thay đổi lớn thật sự không đến từ bên trong các công nghiệp đã được thiết lập. Ai làm iPhone? Không phải Nokia, không phải Motorola, không phải bất cứ nhà sản xuất điện thoại di động nào đã được thành lập mà là từ Apple, hoàn toàn bên ngoài công nghiệp này. Còn rất nhiều thí dụ như thế.

* Thế còn những khu vực đang nằm dưới sự kiểm soát hay điều tiết của nhà nước?

- Còn tệ hơn. Lịch sử của chúng ta với những màn đánh bắt cá cho thấy chúng ta đang hủy diệt hệ thống sinh thái biển, chẳng hạn. Và chúng ta đang sử dụng khí quyển của mình như một kho rác công nghiệp miễn phí. Không ai có động cơ bảo vệ chúng.

* Chẳng lẽ khao khát sống sót của nhân loại không đủ là một động cơ sao?

- Bạn thấy đó, có hai loại vấn đề lớn. Một, tôi gọi là những vấn đề chung, phổ thông và cái kia tôi gọi là những vấn đề toàn cầu. Cả hai đều có tác động tới mọi người. Cái khác ở chỗ: những vấn đề chung có thể được giải quyết bởi các nhóm người vì họ không thể đợi người khác làm cho họ. Bạn có thể làm sạch không khí ở Hanover mà không cần đợi Bắc Kinh hay thành phố Mexico làm giống vậy. Còn những vấn đề toàn cầu thì lại không thể giải quyết chỉ trong một nơi.

Không có cách nào Hanover có thể giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu hay chấm dứt phổ biến vũ khí hạt nhân. Muốn việc đó xảy ra, Trung Quốc, Mỹ và Nga cũng phải cùng làm. Nhưng ở những vấn đề toàn cầu, chúng ta không đạt được tiến bộ nào.

* Ông có đánh giá thấp con người và phản ứng của họ khi bị dồn vào chân tường? Doanh nhân và nhà môi trường người Úc Paul Gilding đã tranh luận trong quyển sách của mình The great disruption rằng một khi khủng hoảng xảy ra, nhân loại sẽ chung sức như trong thời gian chiến tranh.

- Ông ấy nói đúng. Nhưng liệu điều đó có xảy ra? Nó chỉ có thể khi sự trì hoãn là rất ngắn. Nhưng tiếc thay mọi chuyện không như vậy. Trong việc khí hậu thay đổi, chúng ta đã trì hoãn rất lâu. Ngay cả khi hôm nay chúng ta có giảm được khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống còn 0 thì sự nóng lên toàn cầu vẫn sẽ diễn ra trong vài thế kỷ nữa. Điều tương tự cũng xảy ra cho đất trồng, thứ mà chúng ta đang hủy hoại ở tầm toàn cầu. Việc phục hồi có thể mất hàng thế kỷ.

* Chắc rằng các phát minh công nghệ sẽ giúp giảm ảnh hưởng của những vấn đề trong dài hạn. Kể từ khi quyển sách của ông xuất hiện bốn thập niên trước, y học hiện đại đã giúp tăng tuổi thọ và giảm mức tử vong trẻ sơ sinh. Các công nghệ mới đang tăng đáng kể mùa màng và máy tính, Internet đã đưa nhân loại đến gần nhau hơn, cải thiện việc tiếp cận giáo dục.

- Công nghệ không thể tự nó sáng tạo. Những thành tựu này là kết quả nhiều thập niên lao động cật lực, và ai đó phải chi trả cho những chương trình này. Một nguồn tiền lớn của quân đội. Nguồn khác là của các công ty, và chúng đâu có động cơ giải quyết những vấn đề toàn cầu, chúng nhằm để kiếm tiền. Các công ty dược phẩm ở Mỹ chi tiền cho việc ngừa hói đầu nhiều hơn ngăn lây nhiễm HIV. Tại sao? Vì người giàu mới hói đầu và người nghèo mới nhiễm HIV.

Khi nhà bà hàng xóm giàu mất điện...

* Nhưng hãy hình dung những món lợi đang dồn cho người phát minh ra những nguồn năng lượng mới, sạch và vô giới hạn.

- ... Đó là chuyện nhảm nhí. Tôi nghĩ chúng ta sẽ tìm ra một nguồn năng lượng mới chủ yếu. Nhưng rồi sau đó sẽ mất nhiều thập niên để nó tạo ra được ảnh hưởng. Và nếu nó không gặp sự kháng cự, ngay cả khi nó không gây hậu quả môi trường nào và không làm nhiều người phá sản cũng sẽ mất một thời gian rất dài. Nên nếu ai nói với bạn rằng công nghệ sẽ cứu chúng ta như thế, tức là anh ta không biết công nghệ đã phát triển như thế nào.

* Thế còn về tài nguyên? Những dự báo trước đây cho rằng sẽ không còn chút dầu nào vào năm 2012, thế nhưng vẫn còn nhiều dầu đấy thôi. Những ước lượng gần đây thậm chí còn cho thấy Mỹ sẽ sản xuất dầu nhiều hơn cả Saudi Arabia.

- Có thể. Nhưng trữ lượng dầu mà chúng ta đang nói đang rất hiếm và rất đắt đỏ để khai thác. Mà cả chúng nữa, cũng sẽ cạn kiệt một ngày nào đó, khi đó chúng ta sẽ gặp rắc rối. Thí dụ: Tôi có một người hàng xóm, bà ta giàu. Hóa đơn tiền điện của bà ta cứ cho rằng chỉ bằng 1% thu nhập. Thế rồi bão Sandy ập tới và nhà bà ta mất điện.

Liệu chất lượng cuộc sống của bà ấy có chỉ giảm 1% không? Không! Thực phẩm của bà ta sẽ bị hỏng, bà ta không thể thắp đèn, không thể làm việc nữa. Đó là một thảm họa cho bà ấy. Rồi nhìn xung quanh đi. Cái ghế anh đang ngồi, cửa kính, những ngọn đèn - mọi thứ có ở đây chỉ nhờ một nguyên do: chúng ta đang hưởng thụ năng lượng giá rẻ.

* Cứ cho rằng ông đúng và sự sụp đổ sẽ diễn ra vào thế kỷ này. Nó sẽ như thế nào?

- Nó sẽ khác nhau ở những nơi khác nhau. Một số nước đang sụp đổ rồi, còn ở một số nước khác người ta vẫn chưa nhận ra. Có gần 1 tỉ người đang chết đói những ngày này, mà ở đây người ta có biết đâu. Và rồi còn chuyện tốc độ nữa: cái khác nhau giữa sự suy thoái và sụp đổ là tốc độ. Người giàu có thể mua một số lối thoát. Thí dụ, việc hết nhiên liệu hóa thạch sẽ diễn ra từ từ.

Nhưng thay đổi khí hậu cũng sẽ tới với các nước công nghiệp cho dù gì đi nữa. Và các báo cáo địa chất học chỉ ra rõ ràng rằng khí hậu toàn cầu không tăng lên theo đường thẳng. Nó nhảy vọt. Và nếu nó xảy ra thì sự sụp đổ sẽ tới. Nhưng có cái gì mới đâu. Các xã hội vẫn phát triển và sụp đổ đó thôi. Mọi chuyện đã như thế suốt 300.000 năm qua.

Dennis Meadows sinh năm 1942 ở Montana (Mỹ), bắt đầu sự nghiệp như một nhà hóa học trước khi chuyển sang nghiên cứu kinh tế và kỹ thuật. Trong công trình nổi tiếng toàn thế giới “Các giới hạn tăng trưởng” năm 1972, Meadows cùng vợ và các đồng nghiệp đã vẽ mô hình tương lai cho việc tăng dân số, phát triển công nghiệp, sản xuất thực phẩm, ô nhiễm và khai thác vật liệu thô.

Sau đó các tác giả vẽ ra ba kịch bản, hai trong số này tiên đoán tăng trưởng sẽ đạt tới giới hạn và hậu quả là sụp đổ kinh tế toàn cầu vào nửa sau của thế kỷ 21. Kịch bản thứ ba hình dung một thế giới ổn định với nền kinh tế bền vững. Nhiều nghiên cứu kiểm tra chéo các dự báo của Meadows từ năm 1972 cho thấy 40 năm qua, nhân loại đã phát triển theo các kịch bản dẫn tới sự sụp đổ.

MINH NHIÊN trích dịch từ Spiegel

____________

http://www.spiegel.de/international/world/limits-to-growth-author-dennis-meadows-says-that-crisis-is-approaching-a-871570.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận