Khi Iran trở lại

NGUYỄN ĐĂNG PHÁT 14/04/2015 03:04 GMT+7

Ba tháng sắp tới sẽ là những ngày thương thảo vô cùng căng thẳng của các bên để cụ thể hóa thành văn bản những thỏa thuận khung mà bộ trưởng ngoại giao nhóm P5+1 và Iran đạt được tại Lausanne (Thụy Sĩ) ngày 2-4-2015.

Ngoại trưởng Iran Mohammed Zarif (bìa phải) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (bìa trái) tạm hài lòng với thỏa thuận khung - Ảnh: nehanradio.com

Mặc dù giới chức phương Tây, Nga và Iran đánh giá rất cao “bước đột phá” trong tiến trình thương lượng về chương trình hạt nhân của Tehran nhưng các bên cũng không che giấu lo ngại thời hạn chót 30-6-2015 để đúc kết một hiệp định chính thức dày rất nhiều trang có thể sẽ không được đáp ứng.

Và cho dù cuối cùng vẫn đạt được hiệp định thì việc thực thi cũng khó mà suôn sẻ.

Kẻ vui mừng, người lo ngại

Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius có lẽ là người dè dặt nhất trong số những bộ trưởng tham gia đàm phán, ông chỉ coi kết quả cuộc thương lượng marathon ở Lausanne là một “thỏa thuận tạm thời”. Những nhân vật khác thì gọi đây là “cơ sở”, “là một bước to lớn và có ý nghĩa quyết định” để tiếp tục cùng làm việc, đi tới hiệp định tổng thể.

Và triển vọng ký kết một thỏa thuận như vậy giữa Iran và các nước P5+1, được Liên Hiệp Quốc chấp thuận, sẽ đưa nước cộng hòa Hồi giáo này trở thành một quốc gia có vị thế khác hẳn so với nhiều năm qua. Điều đó sẽ có tác động to lớn đến các mối quan hệ không chỉ trong khu vực Trung Cận Đông mà cả quan hệ quốc tế, từ chính trị đến kinh tế, an ninh.

Trong thế cờ này có những “đấu thủ” khấp khởi vui mừng, nhưng cũng có những “người chơi” vô cùng lo ngại.

Với Iran, điều quan trọng nhất là nước này vẫn có quyền tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực hạt nhân, trong tương lai vẫn có thể tiếp tục sản xuất nhiên liệu hạt nhân ở quy mô công nghiệp để sử dụng cho nhà máy điện nguyên tử của mình.

Và Iran sẽ được Liên Hiệp Quốc, Mỹ và phương Tây từng bước nới lỏng, dỡ bỏ các biện pháp cấm vận. Nhờ đó, Iran sẽ trở lại sân khấu chính trị quốc tế và thị trường thế giới với một vai trò mới. Trên thực tế, mặc dù lâu nay Iran đã có ảnh hưởng đáng kể đến diễn biến tình hình ở Iraq, Syria, Lebanon, Bahrain, Yemen nhưng Tehran không có vai trò chính thức trong tiến trình thương lượng tìm kiếm giải pháp cho các cuộc xung đột khu vực.

Sự trở lại trong nay mai của Iran sẽ không được chào đón ở nhiều nước Ả Rập, trước hết là Saudi Arabia, cũng như ở Pakistan. Đặc biệt, Israel là nước lo ngại nhất về cuộc đàm phán giữa P5+1 và Iran.

“Mối nguy lớn nhất đối với an ninh của chúng tôi và tương lai của chúng tôi chính là những nỗ lực của Iran nhằm chế tạo vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận Lausanne mở đường cho Tehran đi tới mục tiêu đó” - Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố.

Cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran đã trở thành cái dằm tai hại trong quan hệ giữa hai đồng minh Mỹ - Israel.

Lần đầu tiên trong lịch sử quan hệ hai nước, lập trường của Tel Aviv trong vấn đề Iran không giành được sự đồng tình của Nhà Trắng, bởi chính quyền Obama cho rằng “thương lượng là cách tốt nhất ngăn không cho Iran có vũ khí hạt nhân”.

Hồ sơ hạt nhân Iran cũng đã khoét sâu mâu thuẫn giữa Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát và Tel Aviv đã lợi dụng điểm này để vận động các nghị sĩ Mỹ ngăn cản thỏa thuận với Iran. Đây là một trong những yếu tố khiến Iran và dư luận nhiều nơi, kể cả ở Iran, hoài nghi khả năng đạt được hiệp định chính thức.

Sự lo ngại đó cũng có lý khi phó phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz ngày 4-4 đã trấn an cả Tel Aviv lẫn các đối thủ ở Quốc hội rằng “Tổng thống Obama sẽ không ký hiệp định (với Iran) nếu sau đó vẫn tồn tại mối đe dọa đối với Israel”. Ông này nhấn mạnh Nhà Trắng “hiểu thấu những lo ngại của Thủ tướng Benjamin Netanyahu”.

Trước đó, trong tuyên bố về kết quả đàm phán ở Lausanne, Tổng thống Obama nhắc lại rằng Quốc hội Mỹ giữ vai trò then chốt trong chính sách của Mỹ đối với hồ sơ hạt nhân Iran.

“Nếu Quốc hội chôn vùi thỏa thuận này khi không căn cứ vào những phân tích của giới chuyên môn và không đề xuất được một sự lựa chọn hợp lý thì chính nước Mỹ sẽ bị cáo buộc làm đổ vỡ các nỗ lực ngoại giao”.

Như vậy, nước Mỹ, thông qua chính quyền Barak Obama, thời gian qua đã thúc đẩy đàm phán hướng tới kết quả cụ thể. Nhưng cũng chính nước Mỹ, với những quyền hạn của một Quốc hội đang đối lập với Nhà Trắng, có thể sẽ là trở ngại lớn nhất đối với việc ký kết hiệp định và đặc biệt là thực thi hiệp định trong tương lai.

Triển vọng quan hệ với Iran được “bình thường hóa” khi các biện pháp cấm vận của phương Tây và Liên Hiệp Quốc được dỡ bỏ không chỉ tác động đến thị trường dầu mỏ mà sẽ làm sôi động hoạt động đầu tư vào nền kinh tế nước này.

Theo ước tính của các chuyên gia kinh tế được CNN Money dẫn lời, nếu Iran và P5+1 đạt được hiệp định hạt nhân thì giá dầu thô sẽ giảm 5 USD/thùng; nếu lệnh cấm vận xuất khẩu dầu Iran được dỡ bỏ, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ được bổ sung 1-1,5 triệu thùng/ngày đêm.

Iran chiếm 13% trữ lượng dầu mỏ đã được xác định của các nước OPEC (xếp thứ ba sau Venezuela và Saudi Arabia) nên sự trở lại thị trường của nước này sẽ là một diễn biến rất đáng kể.

Ngoài ra, sẽ có những dòng vốn đầu tư đổ vào Iran, mạnh hơn nguồn vốn vào Iraq vài năm trước, vì Iran có chế độ chính trị ổn định, trình độ học vấn của dân cư cao hơn và công nghệ phát triển hơn.

Giá dầu sẽ giảm, nhưng “Nga không lo ngại”?

Một trong những bên đắc lợi từ kết quả tích cực của cuộc đàm phán với Iran có thể là Nga. Vốn có quan hệ chính trị, kinh tế khá tốt đẹp với Iran trong khi nước này bị cấm vận nghiệt ngã, Matxcơva đã có những đánh giá mới liên quan thỏa thuận hạt nhân với Tehran.

Phó thủ tướng Nga Arkadi Zhvorkovich cho biết Matxcơva đã tính đến khả năng cấm vận đối với Iran được dỡ bỏ khi dự báo giá dầu thô năm 2015 ở mức xấp xỉ 50 USD/thùng, do đó “chúng tôi không thấy có thêm rủi ro nào trong vấn đề này cả”. T

heo ông Zhvorkovich, việc đạt được hiệp định về chương trình hạt nhân của Iran và dỡ bỏ cấm vận quốc tế “sẽ mở ra những cơ hội mới để phát triển các dự án trong lĩnh vực kinh tế giữa Matxcơva và Tehran”.

Tiến sĩ Vladimir Sotnikov, chuyên viên khoa học cao cấp tại Trung tâm an ninh quốc tế của Viện Kinh tế thế giới và quan hệ quốc tế thuộc Viện hàn lâm Khoa học Nga, cũng cho rằng khi không còn bị chụp cái mũ “xấu xí” trên trường quốc tế nữa thì Iran sẽ có thêm nhiều cơ hội tham gia giải quyết các vấn đề an ninh ở Afghanistan và Trung Đông là những nơi Nga và Iran có các lợi ích gần gũi nhau - ông Sotnikov chia sẻ với tờ Kommersant.

Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị Andrey Fedorov, cựu thứ trưởng ngoại giao Nga, ước tính giá trị các hợp đồng tiềm năng mà Matxcơva sẽ ký kết với Tehran trong những năm sắp tới sẽ vào khoảng 20 tỉ USD trong lĩnh vực hạ tầng, điện nguyên tử và bán vũ khí.

Và vì Nga đã xây dựng nhà máy điện nguyên tử ở Iran nên sau này Matxcơva có thể vẫn tiếp tục “can dự” danh chính ngôn thuận vào lĩnh vực này, điều sẽ bảo đảm cho Nga những món lợi không nhỏ cả về kinh tế và chính trị.

Một điều rất quan trọng về chính trị - ngoại giao đối với Nga là việc đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran cho thấy vai trò của Nga trong việc thúc đẩy thương lượng với Iran, trong việc làm cho lập trường của Washington và Tehran xích lại gần nhau hơn (mặc dù trong hàng loạt vấn đề hiện nay quan hệ Nga - Mỹ rất căng thẳng).

Trước đây, trong “hồ sơ Syria”, Nga đã có vai trò quyết định trong việc đưa Iran tham gia tiến trình đàm phán. Còn trong “hồ sơ Iran”, nguyên tắc đối thoại giải quyết vấn đề “theo từng bước và có đi có lại” được Matxcơva nêu ra mấy năm trước đã phát huy tác dụng. Ngày 4-4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf thừa nhận nếu không có sự tham gia của Nga thì không thể đạt được thỏa thuận chính trị với Iran về chương trình hạt nhân.

Từ thỏa thuận khung tới Hiệp định

Sau thỏa thuận khung ở Lausanne, hàng loạt vấn đề vẫn chưa được làm rõ. Chẳng hạn, đó là các biện pháp cấm vận đơn phương của Mỹ, Liên minh châu Âu và cuộc cấm vận của Liên Hiệp Quốc đối với Iran: sẽ được dỡ bỏ hay chỉ tạm ngừng, và bao giờ thì bắt đầu?

Ai, với cơ chế nào để đánh giá việc Iran thực thi hiệp định trong tương lai như một điều kiện để dỡ bỏ cấm vận? Tất cả những vấn đề chưa được sáng tỏ báo hiệu tiến trình thương lượng phía trước vẫn rất khó khăn, có thể còn phức tạp hơn và vấp phải nhiều trở ngại hơn so với những vòng đàm phán đã qua.               

Thỏa thuận sơ bộ nói gì?

Thỏa thuận đạt được hiện vẫn chỉ là thỏa thuận sơ bộ và sẽ còn cần được thống nhất về chi tiết trong ba tháng tới. Theo thỏa thuận này, Iran đồng ý cắt giảm 2/3 số máy li tâm để làm giàu uranium (từ 19.000 xuống còn 5.060 máy) và giảm lượng uranium nghèo dự trữ từ 10.000kg hiện nay xuống còn 300kg trong vòng 15 năm tới. Iran cũng thỏa thuận chỉ làm giàu uranium đến 3,67% (tức chưa đủ để làm vũ khí hạt nhân nhưng đủ để sử dụng cho những mục đích hòa bình).

Ngoài ra cộng đồng quốc tế có thể thanh sát Iran bất cứ nơi nào nghi ngờ có cơ sở hạt nhân bí mật và việc thanh sát sẽ kéo dài từ 20-25 năm. Về phía phương Tây, lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) sẽ được gỡ bỏ đầu tiên, trong khi lệnh cấm vận của Mỹ sẽ được gỡ bỏ sau khi xác nhận được việc Iran tuân thủ thỏa thuận. Lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc cũng sẽ được gỡ bỏ nhưng một số biện pháp kiểm soát nhất định sẽ vẫn được duy trì. Chi tiết của thỏa thuận này đến nay vẫn còn tranh cãi vì hai bản thông báo từ Mỹ và Iran đưa ra có những điểm khác biệt. Phía Iran cho rằng bản thông báo của Mỹ chịu áp lực của Israel và Quốc hội Mỹ.

P5+1 là nhóm năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gồm Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh, Mỹ cộng với Đức tham gia cuộc thương lượng về vấn đề hạt nhân Iran kể từ năm 2006. Tuy nhiên, P5+1 còn được gọi là nhóm 3+EU3 trong các văn bản thỏa thuận với Iran (với việc từ tháng 7-2006 có thêm Trung Quốc, Nga và Mỹ tham gia cuộc đàm phán hạt nhân Iran cùng với ba nước EU đang thương lượng vấn đề này với Iran từ năm 2003 là Pháp, Đức, Anh).

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận