Không thể đánh đồng thi rớt là thất bại

GIÁO SƯ BARMABY KEENEY 03/09/2011 18:09 GMT+7

TTCT - Đến VN nghiên cứu và giảng dạy từ năm 2005, hai giáo sư tâm lý trị liệu Neal Newfield và Susan Newfield (Đại học West Virginia, Hoa Kỳ) đã nhiều lần trăn trở khi nhận thấy áp lực học hành và điểm số cao ở giới trẻ Việt là “quá khủng khiếp”. Cả hai đã dành cho TTCT buổi trò chuyện liên quan tới loạt bài “Tôi không qua nổi kỳ thi này”.

Phóng to
Hai giáo sư Neal Newfield và Susan Newfield cùng các sinh viên, giảng viên trong hội thảo được tổ chức tại Đại học An Giang - Ảnh do nhân vật cung cấp

Thi rớt không đồng nghĩa với thất bại

* Sau sáu năm làm việc tại VN, ông bà nhìn nhận thế nào về áp lực thi cử ở đây?

- Theo nhìn nhận của chúng tôi, mỗi kỳ thi tại VN đều gây quá nhiều căng thẳng cho xã hội, về mức độ nghiêm trọng nó vượt xa những quốc gia phương Tây. Thí sinh đi thi luôn nơm nớp lo sợ, người thân trong gia đình cũng phập phồng, mất ngủ không kém... Kết quả cuối cùng tốt đẹp thì không sao, ngược lại thì nhục nhã, ê chề. Mọi người quá coi trọng thi cử, thường cho rằng nó quyết định sự thành bại của mỗi cá nhân. Đó quả thật là một lối suy nghĩ rất nguy hiểm.

Chúng tôi cho rằng việc thi rớt ở trẻ là điều không mấy dễ chịu nhưng việc này khó có thể khẳng định được giá trị của một con người, bởi không thể đánh đồng người thi rớt là kẻ thất bại. Các kỳ thi chỉ có thể đánh giá được một mặt rất nhỏ khả năng của con người. Giáo sư Barnaby Keeney, một vị hiệu trưởng đáng kính của trường đại học danh tiếng Brown (Hoa Kỳ, giai đoạn 1955-1966), từng nhận định: “Bạn chỉ có thể khẳng định ai là người làm bài giỏi nhất qua những kỳ thi ở trường chứ không thể khẳng định được ai là người có năng lực tốt nhất”.

“Bạn chỉ có thể khẳng định ai là người làm bài giỏi nhất qua những kỳ thi ở trường chứ không thể khẳng định được ai là người có năng lực tốt nhất”.

* Liệu từ “nguy hiểm” có phù hợp trong trường hợp này?

- Chúng tôi nghĩ cách dùng từ của mình là chính xác.

Cụ thể, Neal từng giảng dạy một sinh viên rất có tài trong lĩnh vực hóa học. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh ta đã thực hiện được những dự án có giá trị hàng chục ngàn USD. Tuy vậy, anh ta lại nhanh chóng rơi vào cảnh nghiện ngập bởi quá cô đơn và không có đủ kỹ năng để hòa nhập, giao tiếp với xã hội. Tất cả do quá khứ của anh ta là những ngày tháng dài phải chạy theo kỳ vọng của gia đình, chỉ biết học mà không được tạo điều kiện cập nhật những kiến thức khác cần thiết thật sự cho cuộc sống.

Một câu chuyện khác. Neal từng tham gia tư vấn tâm lý cho một sinh viên có sức học đáng nể. Anh ta quyết định bỏ ngang việc học ở một ngôi trường lớn dẫu chỉ còn một học kỳ nữa là tốt nghiệp. Anh không chịu đựng nổi việc gồng mình trở thành người hoàn hảo trong mắt cha mẹ một phút giây nào nữa. Ở trường, nếu anh ta mất vị trí dẫn đầu, cha mẹ sẽ khiển trách anh ngay. Việc bản thân bị đánh giá chỉ từ kết quả các kỳ thi trong thời gian dài khiến tâm trí anh ta luôn trong tình trạng căng như dây đàn. Anh ta thừa nhận đã nghĩ tới cái chết nhiều lần. Anh ta chỉ mới 22 tuổi mà đã sức tàn, kiệt quệ, không còn chút niềm tin vào cuộc sống... Thay vì có một nhân tài, xã hội lại có một người trẻ quyết “về hưu sớm” chỉ vì áp lực vô lý từ gia đình.

Và còn rất nhiều trường hợp khác thừa nhận luôn bị hai chữ “thi cử” ám ảnh trong đầu. Họ co rúm người lại và luôn sống trong mặc cảm tội lỗi, xấu hổ khi thi rớt. Khi cuộc sống không còn ý nghĩa với họ thì họ trở nên bất cần tất cả, từ đó nhiều hệ quả xấu xảy ra.

* Liệu tương lai của họ có khác nếu không bị mọi người kỳ vọng quá mức, hay nói cách khác giá trị của họ được đánh giá một cách thoáng hơn?

- Cả hai chúng tôi đều là những ví dụ điển hình của việc được giáo dục, nuôi dưỡng bằng niềm tin chứ không phải kỳ vọng, áp lực vô lý từ gia đình. Thời trung học, giáo viên thường cho rằng tương lai chúng tôi sẽ làm những công việc tầm thường, đáng chán trong xã hội bởi chúng tôi học không xuất sắc. Nhưng cha mẹ chúng tôi đã không tin vào những lời phỏng đoán đó, họ luôn khuyến khích và động viên chúng tôi tin vào bản thân dù kết quả thi có như thế nào. Được tin yêu, chúng tôi có thêm nghị lực phấn đấu và từ đó đạt được thành công một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Ngẫm lại, nếu không có sự động viên từ họ, chúng tôi chắc sẽ không thể có được ngày hôm nay.

* Chúng ta có thể giải thích như thế nào về hiện tượng “ác mộng thi cử”?

- Đầu tiên, sự khác biệt về văn hóa sống đã tác động mạnh đến hiện tượng trên. Văn hóa sống phương Tây thường thiên về cá nhân, còn văn hóa Việt cũng như nhiều nước châu Á khác lại hướng đến tập thể và bị tập thể tác động. Dĩ nhiên mỗi nét văn hóa có những ưu và khuyết điểm riêng. Nếu một người chỉ biết sống cho riêng mình thì họ dễ trở nên ích kỷ, chỉ làm những thứ có lợi cho mình và dễ dàng phớt lờ lợi ích của xã hội. Ngược lại, văn hóa sống vì tập thể có thể khiến người ta mất đi sự độc lập nhất định, khả năng sáng tạo cũng hao mòn và cơ hội phát triển bản thân theo đó bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, hầu hết các quốc gia phương Tây đều có nền văn hóa hướng về người trẻ, trong khi những người lớn tuổi như chúng tôi thường được xem như những kẻ lỗi thời. Người Việt do ảnh hưởng bởi đạo lý Khổng Tử, người lớn tuổi được xem trọng hơn, vì vậy cha mẹ, ông bà trong gia đình thoải mái quản lý con cái một cách chặt chẽ, mặc cho con cháu họ là đứa trẻ lên 5 hay 30 tuổi đi chăng nữa.

Cha mẹ ít nói lời xin lỗi

* Trong lần trò chuyện gần đây, ông bà đã chia sẻ thông tin về việc giới trẻ Việt thường có khuynh hướng đóng chặt cửa lòng với cha mẹ. Việc này liệu có liên quan đến điều ông bà vừa phân tích?

- Quả thật nhiều bạn trẻ Việt đã tìm đến chúng tôi để kể những bí mật mà họ cho rằng sẽ không bao giờ sẻ chia được với cha mẹ mình. Giới trẻ quyết định chôn chặt nhiều bí mật trong lòng trước cha mẹ bắt nguồn từ việc họ muốn có một sự độc lập nhất định với gia đình, hoặc có thể muốn làm giảm đi sự quản lý từ cha mẹ. Những gia đình mà việc lắng nghe, trò chuyện thật lòng giữa phụ huynh và con cái càng ít thì số lượng bí mật ở trẻ càng nhiều. Thực chất, điều này xảy ra ở khắp nơi trên thế giới và chỉ khác nhau ở mức độ.

Một khi người trẻ thường xuyên bị cha mẹ phê bình, chê bai hay bị đem ra so sánh... họ sẽ có khuynh hướng tự thân giải quyết những vấn đề mình gặp phải trong cuộc sống. Thiếu kinh nghiệm sống, họ dễ đi những bước sai lầm và gây tác hại nghiêm trọng về sau. Nếu bạn muốn con mình đạt được thành công trong cuộc sống thì việc bạn được chúng tin tưởng sẻ chia những câu chuyện quan trọng của mình rất cần thiết.

* Dù muốn hay không nhiều phụ huynh cũng sẽ có lúc không thể kiềm chế. Họ khiển trách, trừng phạt con, để lại một vết hằn khó quên. Có cách nào để có thể làm phai đi vết hằn đó?

- Chúng tôi nhận thấy việc xin lỗi con thường là điều quá sức với các bậc phụ huynh Việt, nhiều người còn cho rằng điều đó là trái đạo lý xã hội. Quan điểm này cần được nhìn nhận lại nếu họ thật sự muốn cải thiện mối quan hệ với con. Còn nếu lời xin lỗi vẫn quá khó nói thì họ nên tìm cách thể hiện điều đó bằng hành động hoặc nhờ sự hỗ trợ của người thứ ba nào đó có mối quan hệ mật thiết với cả hai bên.

Phụ huynh cần quản lý tốt cảm xúc của mình, đừng trò chuyện với con khi bạn vẫn còn đang giận dữ. Hãy dành cho bản thân một khoảng thời gian nhất định để suy ngẫm kỹ về mọi thứ, để tự đặt ra và trả lời những câu hỏi: “Vì sao con thi rớt?”, “Năng lực của con mình có phải chỉ đến thế?”, “Con có đang buồn về chuyện tình cảm?”... Chúng tôi biết nhiều bậc phụ huynh bắt ép con mình phải học giỏi, thi đậu các kỳ thi này nọ một phần để tránh khỏi sự phán xét từ xã hội. Nhưng hãy tin chúng tôi, khi nào điều này còn tồn tại thì mối quan hệ giữa bạn và con sẽ vẫn còn khoảng cách.

* Ông bà đã giáo dục con mình như thế nào?

- Chúng tôi có một người con gái tên Erica. Trước đây khi kèm con học ở nhà, Neal từng không ít lần gắt gỏng, rầy la con và hai người sau đó không nhìn mặt nhau nữa. Sau khi lấy lại bình tĩnh, Neal đã nói lời xin lỗi con và giải thích rằng mọi chuyện bắt nguồn từ sự mệt mỏi khi cả ngày ông phải quay cuồng với lịch làm việc dày đặc ở trường. Cả hai sau đó đã quay lại việc dạy và học bình thường. Sự giải thích hợp lý luôn có sức mạnh nhất định.

Chúng tôi không nghĩ việc nói lời xin lỗi con là điều gì quá nặng nề. Nhân cách người lớn hay con trẻ đều có giá trị như nhau, nếu chúng ta trân trọng quan điểm sống này thì con cái chúng ta tự khắc coi trọng bản thân chúng hơn.

* Ông bà có điều gì muốn nhắn gửi đến các bậc phụ huynh ở VN?

- Việc người trẻ thất bại trong các kỳ thi không đồng nghĩa với việc tương lai của họ sẽ đi vào lối cụt, vẫn còn đó rất nhiều người thợ, kỹ sư, doanh nhân... có sự nghiệp được xã hội tôn trọng và cuộc sống riêng rất hạnh phúc dù họ chưa bao giờ cầm bằng tốt nghiệp đại học trên tay.

Nên nhớ việc tôn trọng họ không đồng nghĩa rằng bạn thỏa hiệp, đồng ý với họ trong mọi trường hợp. Tôn trọng tức là bạn lắng nghe thật kỹ, hiểu thấu điều họ nói và gợi ra những lập luận khác nhau một cách nhẹ nhàng để họ được giải thích.

__________

Tin bài liên quan:

Tôi như con búp bê được lập trình
Đâu chỉ có một con đường
Tôi học để không sợ hãi
Con tôi đã gần đến đích
Chuyện hướng nghiệp ở Canada

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận