Pathein dậy sắc bên sông

TRẦN THÁI HOÃN 02/08/2017 21:08 GMT+7

TTCT - Ít người Việt mình du lịch đến Pathein, miền đất thường được khách Âu Mỹ chọn làm điểm trung chuyển trên đường hướng đến những bãi biển nổi tiếng bờ tây Myanmar.

Góc phố ven sông Pathein dậy sắc trong ráng chiều.-Ảnh: T.T.H.
Góc phố ven sông Pathein dậy sắc trong ráng chiều.-Ảnh: T.T.H.

 

 Ghé lại Pathein ngày mưa mùa, đồng đất đang bạc trắng nước, càng thêm yêu miền quê mênh mang vàng bông điên điển như miền Tây mến yêu nước Việt và cả con phố hiền cũ chợt ấm hẳn lên dưới mấy con nắng lạc loài tìm về giữa những ngày xám mưa.

Miền xưa giàu chuyện cũ

Bảo tháp chính trong ngôi chùa Shwemokhtaw Paya xưa cổ.-Ảnh: T.T.H.
Bảo tháp chính trong ngôi chùa Shwemokhtaw Paya xưa cổ.-Ảnh: T.T.H.

 

Cũng na ná Tiền Giang, Hậu Giang, phố thị Pathein nương nhờ cái tên của con sông cưu mang phố, là nhánh chính của dòng sông lớn Irrawaddy, như nhánh Tiền, nhánh Hậu miệt Chín Rồng.

Miền đồng bằng Pathein này là vựa lúa lớn nhất xứ Miến Điện, dù cũng giống Cửu Long mình, dòng Irrawaddy chẻ thành chín nhánh đổ ra biển vẫn có các lưu vực màu mỡ khác.

Là đô thị lớn nhất toàn lưu vực sông Irrawaddy, Pathein bắt đầu phát triển từ một căn cứ tiền đồn của người Anh vào đầu thế kỷ 19.

Thế nhưng miền đất này ôm ấp những dấu tích từ rất xa xưa. Theo truyền thuyết, dù các nhà khoa học vẫn còn hoài nghi, ngôi chùa cổ Shwemokhtaw Paya ngay bên hông chợ đã được chính A Dục Đế của xứ Ấn cho xây dựng từ năm 305 trước Công nguyên.

Tuy chứng cứ xưa cổ chưa rõ ràng; các ghi chép, bi ký về mấy lần sửa sang, cơi nới xây thêm vào các năm 1115, 1263... thì rất đầy đủ và rõ ràng.

Rêu phong trên thánh đường Hồi giáo, tạo nét bàng bạc cho phố cũ.-Ảnh: T.T.H.
Rêu phong trên thánh đường Hồi giáo, tạo nét bàng bạc cho phố cũ.-Ảnh: T.T.H.

 

Những con phố kiểu thuộc địa già xưa dù không phải hết thảy đều 200 tuổi cũng là nét rất riêng của Pathein.

Nói nào ngay, những biến động, khó khăn của xứ này trong thời gian khá dài, cộng thêm miền đất mưa nhiều lũ lụt lắm, rồi gió Đại Tây Dương không xa vọng về... làm phố mang khá đậm nét rêu phong, nhưng lại là chút duyên lạ của tàn phai.

Không để lại nhiều dấu tích tôn giáo thời thuộc địa như vài nơi khác trên xứ Miến, nhưng vài ngôi nhà thờ Thiên Chúa thanh thoát của người Anh phết phẩy thêm nét giữa khá nhiều chùa chiền miệt này.

Rất nhiều chùa nữa là khác, thế nhưng đến Pathein, các du khách thuộc tôn giáo khác cũng không quá lo ngại chuyện lễ lạt kinh kệ vì dễ dàng tìm thấy nhà thờ Islam, Hindu, Sikh... trong phố.

 

 

Sắc màu những ngày nước về

Sông Pathein đoạn qua phố chạy theo hướng đông tây. Bên bờ tây là đồng quê chen rừng thấp xanh ngút ngàn. Bên này là con phố cũ nhìn xuống dòng sông.

Buổi chiều, từ phố nhìn sang bên kia hoàng hôn về dậy sắc đến lạ. Những ngày mưa nhiệt đới xám xịt, đến cuối buổi cũng gom đâu được chút nắng đổ lên đám ráng chiều rực rỡ.

Những con phà thư thả, mấy con đò bắng nhắng phi... đưa người quê sau ngày lam lũ trên phố về lại xóm làng. Lũ chim chóc vạc cò cũng từng đàn nương gió về tổ trong đám xanh rậm rì bên đó. Phông nền đại cảnh là bầu trời một góc xám mây, nửa dưới lũ ráng vẽ những đường kẻ, nét vạch rực rỡ. Mãn nhãn lắm một hoàng hôn sông.

Nhưng khi đã chói mắt vì nhìn miết nắng chiều bên bờ kia, quay về bên này lại giật mình. Những dãy phố buổi sáng lang thang thấy chìm trong bóng ngày xám cũ kỹ buồn bã, giờ vàng hực lên khi đón trọn lũ nắng chiều.

Các món ngon truyền thống đến từ nhiều vùng miền, nhóm dân tộc đa dạng.-Ảnh: T.T.H.
Các món ngon truyền thống đến từ nhiều vùng miền, nhóm dân tộc đa dạng.-Ảnh: T.T.H.

 

Màu gì, từ xanh lơ, xám nhạt, đỏ hay trắng cũng thảy nhuôm nhuốm vàng. Mang sắc thái mới, như con phố khác chứ chẳng phải phố phường ủ rũ buổi đầu ngày.

Thêm chân nền rất lạ cho khung hình là dòng Pathein mùa lũ vàng phù sa mênh mang tôn thêm sức sống phố bên sông.

Điểm nhấn lạ ở khúc quanh dòng sông là dáng chùa thanh thoát tinh xảo với màu xanh lạ soi bóng xuống sông vàng. Đường phố ven sông dậy lên bản tình ca sắc màu. Đẹp trong nắng hoang hoải ngày mưa nhiệt đới và con sông chỉ riêng mùa này mới có màu lạ.

Nhưng theo thiển ý cá nhân, điểm nhấn không chỉ là những sắc màu phố, mà là cuộc sống thư thả yên bình. Những vòng xe lôi, xe đạp thong thả chở các bà các cô, các cậu trai chở người em gái chậm quay, các chú nhỏ loăng quăng ở những con phố dậy rõ sắc màu của đổi mới.

Dù vẫn còn nhiều khó khăn dễ nhận thấy, cuộc sống chậm hiền nơi đây lại là điểm lôi cuốn du khách như nhiều guidebook nhấn mạnh “chỉ cần ngồi bên sông nhìn cuộc sống Pathein đa sắc thôi là đủ lắm rồi”.

Buổi chiều đó, theo lời sách, tôi ngồi bên sông. Không chỉ chiều mà miết đến tối mịt. Có thêm những ly bia thơm ngọt mát lạnh mà sao hoài vẫn thấy chưa đủ. Vậy bao nhiêu và bao giờ mới đủ hở Pathein?■

Mất chừng 4-5 giờ xe đò cho cung đường 190km từ Yangon. Lưu ý là xe xuất phát từ bến Hlaing Thar Yar, còn gọi Dagon Ayar, chứ không phải bến Aung Mingalar phổ biến cho phần lớn các tuyến đường từ Yangon. Rất lạ là vé của nhà xe Ayer Shwe Zin chỉ 3.600 kyat (60.000 đồng), rẻ hơn 1/2 so với tất cả các hãng khác dù chất lượng ngang ngang nhau. Bến xe Pathein ở ngoại vi nên sẽ có xe trung chuyển miễn phí chở khách vào trong phố, cũng nên nhớ chỗ xe trung chuyển dừng vì đó là nơi mua vé khi về lại Yangon, không phải ra bến xe.

 

Cô dâu, chú rể trong trang phục truyền thống

 

Chuyện dọc đường:

Đi ăn cưới quên đường về

Khi nghe cậu bạn nói “Okkar nó nhờ em mời anh đầu năm qua Yangon ăn cưới nó kìa, anh đi không?”, tôi lúc đầu còn lơ ngơ chưa nhớ đó là ai trong cái-đám-khá-đông-là-bạn-của-bạn chỉ mới gặp một lần nhưng có thể ngồi với nhau đến tận nửa đêm về sáng.

Cũng lâu lâu chưa quay lại xứ Miến, tôi đặt luôn vé máy bay khứ hồi cho hai tuần, đủ hết thời gian cho phép của visa miễn phí dù ăn cưới chỉ một buổi chiều. Trót thì cho trét luôn!

Okkar đang sống, làm việc ở Singapore, nên tôi được may mắn tham dự một tiệc cưới vừa truyền thống vừa hiện đại đan xen thú vị.

Hơi mất mặt vì mấy lần xuề xòa đi tiệc cưới xứ người, kỳ này cẩn thận hỏi bạn. “Vest và truyền thống, nhưng ưu tiên truyền thống nghen anh”, vậy là phải hẹn nhau buổi sáng trước đám cưới đi sắm sửa ở Yangon.

Chẳng nhiều nhặn gì vì cái longyi mua chơi trong chuyến đi trước vẫn còn nguyên bọc, ở Sài Gòn mặc vô chắc... nhiều người xin chữ ký!

Chỉ cần mua thêm đôi dép lê kiểu Miến - bằng nhung mịn chứ không phải kiểu mười mấy ngàn đôi lề đường mình, rồi một cái áo trắng cổ cứng bốn túi giống giống áo thủ tướng Miến mặc tiếp khách hay thấy trên tivi là xong.

Đám cưới tổ chức tại khách sạn Sedona 5 sao, trong khu vực đô thị mới Yangon, không xa lắm cụm cao ốc “đại gia” xứ Gia Lai sang đó đầu tư.

Sang trọng và hoành tráng trong thiết kế, nhưng khách ăn mặc gần y chang nhau về kiểu, chỉ khác nhau về màu - vì toàn longyi là longyi, nam lẫn nữ, Đức, Úc, Ấn, Sing, Malaysia, Việt Nam... đi dự cũng tuyền vậy, chỉ trừ mấy vị vừa xuống chuyến bay chiều nay chưa kịp sắm sửa. Chú rể chỉ hơn khách là cái nón truyền thống, khá lạ và đẹp.

Rất ngạc nhiên cho chúng tôi - đám khách không phải người bản xứ - khi thấy bánh ngọt được dọn lên trước tiên, ngay cả trước khi công bố hôn lễ. Và tiếp theo là buổi công bố hôn lễ dài dằng dặc giới thiệu khách mời cùng những lời chúc tụng...

Té ra đây là truyền thống. Bình thường chừng mươi phút, nhưng do gia đình chú rể là chức sắc quan trọng nên biến thành phần riêng “công bố hôn lễ” hơn cả tiếng đồng hồ.

Bánh ngọt để “cứu đói” cho khách sắp tụt longyi phần vì không biết quấn, phần vì đói! Lại ngơ ngác khi thấy sau phần công bố, chụp hình, mọi người lục tục rời phòng chứ không phải quay về bàn để dọn tiệc mặn như một vài hội nghị khách hàng ở mình. Thì ra tiệc mặn ở một nơi khác!

Không có nhạc sống ầm ĩ lạc điệu, MC dài dòng..., “tăng hai” được tổ chức ở nhà hàng dân tộc Taing Yin Thar ấm cúng và chỉ có nhóm bạn cô dâu chú rể.

“Cho tụi cháu thoải mái, họ hàng, người quen lớn tuổi... gia đình tổ chức nơi khác - họ cũng thoải mái luôn!” - người thân chú rể vui vẻ cho biết. Buffet tự phục vụ với rượu vang, nhưng còn lại tuyền nét dân tộc.

Thức ăn là những món ngon lạ từ nhiều nhóm dân tộc xứ này: xúc xích heo của người Kayah, canh sườn heo kiểu Chin, mắm cái sống của người Rakhine, cơm chiên kiểu Rachin... Khá dân dã, phần lớn nấu trong nồi đất hay bày biện trên mẹt tre lót lá chuối.

Mấy chai rượu vang bị dẹp sang bên khi một cậu lôi ra mấy can rượu nếp, nếp cẩm ướp lạnh gửi xuống từ quê nhà Rachin. Đã quá quen với cái nước cay nhưng ngòn ngọt ướp lạnh dễ uống, dễ “giết người” này, tôi tìm kế lảng tránh.

Cao trào của buổi tiệc là khi các bạn từ vùng rừng núi phía bắc tặng riêng chú rể - chứ không phải cặp đôi - một thanh kiếm cùng những lời chúc truyền thống để mạnh mẽ thể hiện bản lĩnh đàn ông, bảo vệ gia đình... là ý nghĩa của quà tặng... Tiệc cưới vui ấm áp còn dài và còn cả “tăng ba” đến nửa đêm về sáng. ■

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận