Tại sao dịch sởi tái phát?

NGUYỄN VĂN TUẤN 26/04/2014 23:04 GMT+7

TTCT - Năm 2005, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đề ra mục tiêu đến năm 2012 sẽ xóa bỏ bệnh sởi trong vùng Tây Thái Bình Dương. Dựa theo mục tiêu của WHO, Việt Nam cũng đề ra mục tiêu xóa bệnh sởi vào năm 2012.

Một bệnh nhi được điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi trung ương (ảnh chụp tháng 2-2014) - Ảnh: Nguyễn Khánh

Tuy nhiên, thực tế cho thấy dịch sởi ở Việt Nam vẫn bộc phát và tái phát hết năm này sang năm khác. Mục tiêu không/chưa đạt đã đành, nhưng câu hỏi là tại sao dịch sởi tái phát lần này có vẻ nghiêm trọng hơn mấy năm trước?

Dù không muốn gọi thì tình trạng phát sinh và lan tràn bệnh sởi hiện nay vẫn cứ là một “dịch”. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến ngày 16-4 đã có hơn 7.000 ca bệnh sởi. Một thông tin khác cho biết đã có 118 trẻ em tử vong vì bệnh sởi hay biến chứng có liên quan đến bệnh sởi. Đó không chỉ là những con số thống kê vô hồn, mà phản ảnh một thực trạng rất đáng lo ngại.

Ở các nước tiên tiến, nơi mà sinh mạng con người được đặt ưu tiên hàng đầu, chỉ vài ca tử vong vì bệnh truyền nhiễm như sởi cũng đủ điều kiện để các nhà chức trách tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Do đó, tất cả thảo luận xung quanh câu hỏi có nên công bố dịch trong tình trạng hiện nay có vẻ thừa, vì trong thực tế quy mô bệnh đã và đang xảy ra là một trận dịch.

Thật ra, dịch sởi không phải mới đối với Việt Nam. Trước đây, dịch sởi từng “đến rồi đi” và để lại nhiều di chứng cho dân số. Gần đây nhất là dịch sởi khởi phát từ các tỉnh phía Bắc vào tháng 10-2008 và kéo dài đến tháng 1-2010. Trong thời gian đó, tổng số 7.948 ca sởi được ghi nhận ở 60 tỉnh thành (1). Một xu hướng đáng quan tâm trong trận dịch 2008-2010 là số ca bệnh được ghi nhận cao nhất vào tháng 2 đến tháng 4, rất trùng hợp với xu hướng dịch sởi năm nay.

Sởi là bệnh thường xảy ra ở trẻ không được chích ngừa. Số liệu của Cục Y tế dự phòng cho biết trong tổng số bệnh nhân sởi được ghi nhận năm nay, 80% chưa được chích ngừa!

Tỉ lệ và hiệu quả chích ngừa

Trong Chương trình mục tiêu quốc gia y tế giai đoạn 2012-2015 (Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4-9-2012 với tổng kinh phí 12.770 tỉ đồng), một trong các dự án thành phần (tiêm chủng mở rộng) xác định rõ sẽ “loại trừ bệnh sởi vào năm 2012, giảm số trường hợp mắc sởi dưới 1/1.000.000 dân”.

Nhưng chương trình chích ngừa sởi ở Việt Nam đã được triển khai từ năm 1982. Câu hỏi đặt ra là với chương trình chích ngừa lâu dài như vậy, tại sao dịch sởi vẫn xảy ra và tái phát theo thời gian? Theo tôi, câu trả lời có thể là chương trình chích ngừa chưa được triển khai một cách sâu rộng và triệt để, và đối tượng chích ngừa chưa được mở rộng đến tuổi 10.

Tỉ lệ chích ngừa sởi ở Việt Nam là khá cao. Trong thời gian tính từ năm 1989 cho đến nay, tỉ lệ trẻ được tiêm chủng ngừa sởi là trên 90%, có năm 97% (1). Tuy nhiên, con số đó chỉ phản ảnh tỉ lệ chích ngừa lần đầu, tỉ lệ chích ngừa lần 2 và 3 thường thấp hơn con số đó khoảng 10-15%. Hiệu quả của chích ngừa nhiều lần cao hơn chích một lần. Do đó, với 24 triệu dân số trong độ tuổi từ 0-14, tỉ lệ chích ngừa cho dù là 97% vẫn để lại hơn 720.000 trẻ và thiếu niên không được chích ngừa. Đây là quần thể có nguy cơ cao bị sởi.

Cũng như bất cứ văcxin nào, không thể kỳ vọng hiệu quả chích ngừa sẽ ngăn ngừa 100% bệnh sởi. Trong thực tế, hiệu quả văcxin dao động trong khoảng 85% cho chích một liều (dose), 98% cho 2 dose (2). Nghiên cứu trước đây cũng chỉ ra rằng trẻ em được chích ngừa ít nhất 2 dose có hiệu quả giảm tử vong đến 62%. Chính vì hiệu quả có hạn nên ở một số nước tiên tiến (như Mỹ, Úc) thỉnh thoảng vẫn ghi nhận một vài ca bệnh sởi dù 100% trẻ em được tiêm chủng phòng ngừa ít nhất là 2 dose sau 9 tháng tuổi.

Tuổi chích ngừa

Hai đặc điểm đáng chú ý trong dịch sởi lần này liên quan đến địa điểm và độ tuổi. Đặc điểm thứ nhất là phần lớn ca bệnh sởi được báo cáo và ghi nhận từ các tỉnh thành phía Bắc. Đáng ngạc nhiên là gần 30% ca bệnh từ Hà Nội! Xu hướng này cũng rất phù hợp với dữ liệu dịch sởi trong thời gian 2005-2009, với 76% ca bệnh sởi xuất phát từ các tỉnh miền Bắc, chỉ 17% từ miền Nam (3).

Đặc điểm thứ hai là có dữ liệu cho thấy bệnh nhân sởi năm nay có độ tuổi tương đối cao hơn so với các năm trước đây. Số liệu thống kê thuộc địa bàn TP.HCM cho thấy số bệnh nhân trong độ tuổi 5-10 chiếm 14% tổng số ca bệnh, tỉ lệ này trong năm 2013 chỉ 5% (4).

Hiện nay và trước đây, chương trình chích ngừa tập trung vào các đối tượng từ 9 tháng đến 9 tuổi. Sự tập trung này không hẳn phù hợp với chứng cứ thực tế. Trong thực tế, bệnh nhân sởi có thể từ 10 tháng tuổi đến 40 tuổi, nhưng có “đỉnh cao”: đỉnh thứ nhất tập trung vào độ tuổi 1-6, đỉnh thứ hai tập trung vào nhóm tuổi 18 đến 23 (1). Số bệnh nhân trong nhóm tuổi 18-23 có lẽ là hệ quả của thiếu tiêm chủng lúc còn ở độ tuổi thiếu niên.

Đó chính là lý do tại sao nhiều chuyên gia khuyến cáo nên mở rộng chích ngừa đến độ tuổi 14. Với chương trình và đối tượng tiêm chủng hiện nay, nhiều trẻ em trong độ tuổi 10-14 bị phơi nhiễm sởi, và có lẽ đó là một giải thích tại sao tuổi bệnh nhân sởi có phần gia tăng trong năm nay.

Ngày 16-4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có một ngày tận mắt chứng kiến các phòng bệnh đông nghẹt bệnh nhi mắc sởi tại Bệnh viện Nhi T.Ư - Ảnh: Dương Ngọc

Ý nghĩa cho phòng dịch

Việt Nam từng đặt mục tiêu đến năm 2012 sẽ xóa bỏ bệnh sởi. Tuy nhiên, như chúng ta thấy mục tiêu này thiếu tính khả thi trong điều kiện y tế hiện nay, và trong thực tế dịch bệnh tiếp tục bộc phát và tái bộc phát. Ngay cả WHO cũng đặt ra mục tiêu hơi phi thực tế (rằng đến năm 2012 sẽ xóa bệnh sởi ở các nước trong vùng Tây Thái Bình Dương).

Vấn đề đặt ra là tìm cách phòng chống dịch trong tương lai. Thiết tưởng những chứng cứ trong quá khứ và dữ liệu năm nay cung cấp một số tiếp cận trong việc phòng bệnh.

Thứ nhất là cần tập trung quan tâm đến các tỉnh miền Bắc và cao nguyên. Cũng như các trận dịch trước đây, phần lớn ca sởi xuất phát từ các tỉnh thành phía Bắc và vùng cao nguyên. Những vùng gần biên giới (như Lai Châu và Lào Cai trước đây từng trải qua một trận dịch sởi) cũng là nơi có nguy cơ cao do phơi nhiễm từ các quần thể của nước bạn.

Sự thật này cho thấy đây là những địa điểm cần phải được quan tâm đặc biệt trong chương trình chích ngừa phòng bệnh sởi và các bệnh khác.

Thứ hai là nhóm tuổi. Dữ liệu thực tế cho thấy phần lớn bệnh nhân sởi tập trung ở hai nhóm tuổi: dưới 5 tuổi và trên 15 tuổi. Hiện nay, chương trình tiêm chủng ngừa sởi chỉ mới tập trung trong nhóm đầu, do đó nhóm thứ hai chưa được “bảo vệ” và chính nhóm này đang trở thành nhóm có nguy cơ cao trong vài năm tới. Cần phải có một chương trình chích ngừa cho nhóm có nguy cơ cao ngay từ bây giờ.

Thứ ba là nên xem xét chích ngừa lần 2 hay lần 3. Kinh nghiệm trước đây cho thấy khi chương trình chích ngừa được triển khai vào năm 2002-2003 thì ngay sau đó (2004) số ca bệnh sởi giảm một cách rõ rệt, nhưng khi không triển khai chương trình chích ngừa lần 2, dịch sởi lại tái phát vào năm 2006 (5).

Sự thật này cho thấy tiêm chủng ngừa bệnh sởi không chỉ một lần, mà có khi phải hai hay ba lần. Lần 2 là khi các em vào trường học. Lần 3 có thể tập trung vào nhóm có nguy cơ cao (vùng biên giới và cao nguyên).

Những đề nghị trên đây thật ra cũng là những bài học về phòng ngừa bệnh sởi ở Trung Quốc (6). Dịch sởi ở Trung Quốc cũng có xu hướng xảy ra ở bệnh nhân cao tuổi hơn, đặc biệt là tuổi 22-30, vốn bị phơi nhiễm trong lúc còn thiếu niên. Chính vì thế các chuyên gia dịch tễ học Trung Quốc cũng đề nghị tiêm chủng hai hay ba lần, đặc biệt ở người có nguy cơ cao.

Tuy nhiên ở Việt Nam, nếu triển khai chích ngừa lần 2 hay lần 3 sẽ dẫn đến gia tăng chi phí, nhưng chi phí này có lẽ không quá lớn khi đặt trong bối cảnh con số tử vong hiện nay quá cao.

Tham khảo:

(1): Sniadack DH, et al. Epidemiology of a measles epidemic in Vietnam 2008-2010. JID 2011;204.

(2): Sudfeld CR, et al. Effectiveness of measles vaccination and vitamin A treatment. Int J Epidemiol 2010;39:i48.

(3): Nmor JC, et al. Recurring measles epidemic in Vietnam 2005-2009: implications for strengthened control strategies. Int J Biol Sci 2011;7.

(4): TP.HCM: Bệnh sởi tăng mạnh ở nhóm trẻ từ 4-10 tuổi. Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam, 11-4-2014.

(5): Murakami H, et al. Epidemiological impact of a nationwide measles immunization campaign in Viet Nam: a critical review. Bull WHO 2008;86:948.

(6): Ni JD, et al. Recent resurgence of measles in a community with high vaccination coverage. Asia Pac J Publ Health 2012;20:1-8.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận