​Thú hoang, Karl Ammann, Leonardo DiCaprio và Việt Nam 

THU HƯỜNG 02/07/2015 20:07 GMT+7

Karl Ammann là một trong những nhà hoạt động bảo vệ thiên nhiên nổi tiếng nhất thế giới. Ông là tác giả của vô số ảnh, phim và sách về những động vật hoang dã đang bị đe dọa tuyệt chủng. Được tạp chí Time bầu chọn là “Người hùng môi trường” năm 2007, Karl Ammann là “khách quen” của Việt Nam từ sáu năm nay. Nhờ ông, rất có thể một số hình ảnh của Việt Nam sẽ được (hay bị) đưa vào phim của Leonardo DiCaprio, siêu sao Hollywood và là một người bảo vệ môi trường nhiệt thành.

Karl Ammann và Charlie - một trong những con tinh tinh ông từng chăm sóc -Ảnh: Ảnh nhân vật cung cấp

Việt Nam, trung tâm sừng tê, ngà voi tầm cỡ thế giới?

Là người Thụy Sĩ nhưng Karl Ammann sống ở Kenya. “Khi mới đến Kenya cách đây 40 năm, tôi làm việc cho khách sạn Intercontinental, sau đó tôi thành lập một khu cắm trại cho du khách, rồi lui về “ở ẩn” tại núi Kenya” - ông kể.

Kenya hấp dẫn ông vì thiên nhiên hoang dã nhưng “bây giờ mọi thứ đang dần biến mất và thế giới không biết hay cố tình không muốn biết đến điều đó”.

Karl Ammann đi rất nhiều nơi để làm phim và viết sách nhằm báo động cho cộng đồng quốc tế biết về thực trạng đáng lo ngại này. Là nhiếp ảnh gia và nhà báo môi trường hàng đầu thế giới, ông không chỉ điều tra ở châu Phi mà ngày càng quan tâm đến châu Á.

Ông tin rằng Việt Nam là một trong những thị trường tiêu thụ nhiều sừng tê giác, ngà voi, xương hổ và mật gấu nhất thế giới. Đối với nhiều người, nguồn làm ăn này rõ ràng là thất đức nhưng béo bở.

Đầu tháng 6 vừa qua, Karl Ammann và một nhóm làm phim người Mỹ có chuyến đi đến Myanmar, Lào, Việt Nam và Trung Quốc để thực hiện một bộ phim tài liệu về hiện trạng buôn lậu các sản phẩm từ động vật hoang dã, chủ yếu là ngà voi và sừng tê giác.

“Hai ngôi làng phía nam Hà Nội mà chúng tôi đến thăm hôm nay đều chuyên sản xuất những thứ phi pháp đó và khách hàng đều là người Trung Quốc - ông nói - Tôi tin chắc rằng ngày nay người ta mua sừng tê giác không phải với mục đích để mài ra uống nữa mà là những vòng tay với giá từ 10.000-20.000 USD, những chiếc chén thờ...

Bây giờ người ta hiểu ra rằng những đồ mỹ nghệ chế tác từ ngà voi và sừng tê giác giá trị hơn rất nhiều so với cocain hay vàng. Nên khi có tiền, người ta muốn sở hữu chúng để thể hiện đẳng cấp. Cũng có những người mua để đầu tư vì nghĩ rằng những loài vật này sắp tuyệt chủng nên nay cứ mua tạm vài cân sừng tê... găm đấy chờ vài năm giá lên thì bán lại”.

Từ sáu năm nay, Karl thường xuyên lui tới hai ngôi làng này, dân buôn bán ở đó thấy rõ ông quay phim, chụp ảnh nhưng không thấy có gì phải lo ngại. Karl nói ông tin chắc rằng các cơ quan chức năng biết rất rõ điều gì đang xảy ra. Chỉ có điều, “đã có lần Interpol đến đó điều tra nhưng không thu giữ gì, không bắt ai hết. Và hoạt động đó tiếp tục diễn ra”.

Theo điều tra của ông, 1kg sừng tê giác hiện nay giá khoảng 40.000 USD, 1kg ngà voi khoảng 1.500 USD, cao hổ cốt giá khoảng 1.000 USD cho 100 gram. Bản thân Karl cũng nhiều lần mua các sản phẩm đó và phát hiện rằng đồ giả rất nhiều. Nhiều khi cái được giới thiệu là sừng tê hóa ra chỉ là sừng trâu.

Đặc biệt hơn cả, 20 mẫu “cao hổ cốt” ông đã mua tại Việt Nam và một số nước láng giềng trong những khoảng thời gian khác nhau, khi đem về Mỹ và Nam Phi để xét nghiệm đều không thấy dấu tích ADN của hổ. “Ngay cả khi trong đó có chút xương hổ thật thì tôi cho rằng việc ninh xương lâu đến mức đấy làm cho mọi chất trong đó đều tiêu tan, ít ra là cho đến nay mọi xét nghiệm ADN đều chỉ ra như vậy”, ông cho biết.

Một con hổ bị bắt giữ làm của riêng tại Việt Nam - Ảnh nhân vật cung cấp

Cuộc chiến dai dẳng giữa người và thú

“Ở Việt Nam đã không còn con tê giác nào nữa, hổ cũng chỉ còn lại khoảng chục con, voi khoảng 20 con. Tất cả những loài đó đang đến hồi diệt vong. Trong số các lý do có chuyện săn bắn trộm nhưng cũng có cả việc con người lấn đất của thú rừng”.

"Nếu tôi thấy không ngủ được vì những gì mình đã chứng kiến thì có thể là một số người khác cũng vậy".

Karl Ammann

Theo Karl Ammann, việc voi rừng tấn công một số ngôi làng ở Tây nguyên là hoàn toàn có thể hiểu được. “Cách đây vài chục năm, những ngôi làng ấy chính là đất của chúng, là nhà của chúng. Bây giờ con người ở khắp nơi nhưng voi vẫn nhớ đường về nhà chúng, thấy có vườn, có hoa màu là chúng vào ăn thôi. Đấy là cuộc xung đột triền miên giữa người và thú.

Tôi không tin thú hoang tự nhiên đến đất của con người mà là ngược lại, chính con người mới đến chiếm đất của thú. Theo quan điểm cá nhân của tôi, nếu mọi người công nhận sự thật này và tạo ra những công viên quốc gia đủ rộng thì có thể giải quyết được vấn đề”. Ông cho biết ở Myanmar có khoảng 5.000 con voi được con người sử dụng để phá rừng.

“Bây giờ rừng không còn hổ nữa, cũng sắp chẳng còn rừng, còn cây nữa mà phá. Vấn đề đặt ra là lấy gì mà nuôi 5.000 con voi đó. Mọi chuyện đều do con người gây ra”.

Karl Ammann có một mối cơ duyên đặc biệt đối với các loài khỉ lớn. “Cách đây khoảng 30 năm khi cùng vợ đi du lịch Congo, tôi thấy người ta đem bán một con tinh tinh mồ côi. Hồi đó chúng tôi không lường hết hậu quả của việc mình làm và quyết định mua nó với giá khoảng 5 USD. Câu hỏi được đặt ra sau đó là phải làm gì với con tinh tinh con này.

Hiện nó vẫn ở với chúng tôi, nó đã có bạn gái, và chúng sẽ còn sống lâu hơn chúng tôi. Tuổi thọ của tinh tinh gần như tương đương với con người. Chúng tôi nuôi tinh tinh trong một khu đất riêng, có rào chắn điện, nằm ở giữa rừng. Hằng ngày chúng tôi dành nhiều giờ chăm sóc, vui chơi với chúng. Tôi tin là chúng hài lòng với cuộc sống ấy.

Nhưng vấn đề là ngày càng có nhiều loài khỉ dạng người bị mồ côi khắp nơi. Ở Trung Phi, người ta không tìm ra giải pháp cho vấn đề này. Có nhiều người săn lùng chúng để lấy thịt, đó là một vấn đề đặc trưng của châu Phi”. Hai con tinh tinh của ông không sinh con, và ông thấy có khi như thế lại hơn.

“Tôi không muốn lại tạo ra những con vật sống hoàn toàn phụ thuộc vào con người và với những gì đang xảy ra tại châu Phi, tôi không tin là có một tương lai tốt đẹp nào dành cho một thế hệ mới khỉ dạng người bị giam giữ cả”.

 

“The tiger mafia”

Bộ phim mới nhất của Karl Ammann mang tên The tiger mafia, nói về hệ thống buôn bán hổ với những mắt xích phức tạp tại Đông Nam Á. Một lần nữa, khách hàng chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Hàng trăm con hổ được bắt về nuôi trong những trang trại chật chội ở Thái Lan (khu Tiger Kingdom tại Phuket và Chiang Mai) hay tại Kings Roman Casino bên bờ sông Mekong trên đất Lào, bán vé cho khách du lịch vào xem. Điều kiện nuôi dưỡng, sinh sản đều trái với các quy định của CITES (Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp).

“Có rất nhiều góc khuất trong việc buôn bán này và tôi làm phim để mọi người thấy được từ động vật hoang dã đến các sản phẩm của chúng bán ra thị trường đã có những chuyện gì xảy ra. Có thể là nếu mọi người thấy được cả quy trình sản xuất này, một số người sẽ hiểu ra rằng đó không phải là hướng mà chúng ta nên đi” - Karl Ammann giải thích.

Ông đã làm nhiều phim cho truyền hình Đức, Thụy Sĩ, một số nước vùng Scandinavia, “nhưng thế giới ngày nay đã bão hòa thông tin, những phim tài liệu kiểu này không còn đi thẳng vào trái tim người xem được nữa. Bộ phim The tiger mafia tôi mới làm có thể có khả năng làm được gì đó lớn lao hơn.

Tài tử Leonardo DiCaprio hiện nay đang rất quan tâm đến loài hổ và đang có dự định làm một phim truyện về đề tài này. Tôi đã có chuyến đi cùng với tác giả kịch bản của Leonardo DiCaprio và hiện chúng tôi đang tính tới khả năng làm một bộ phim tài liệu song song với phim truyện của anh”.

Phim của Karl Ammann chưa bao giờ được chiếu ở Trung Quốc. “Hồi cuối năm ngoái tôi được một nhóm sinh viên Đại học Bắc Kinh mời sang chiếu một bộ phim về nạn buôn lậu các loài khỉ lớn ở một số vườn thú tại Trung Quốc.

Họ đã lên lịch chiếu phim, họp báo, nhưng một ngày trước khi chiếu phim họ nhận được lệnh hủy buổi chiếu vì lý do “ảnh hưởng tới an ninh quốc gia”. Chủ các vườn thú ấy cũng là chủ các tập đoàn, công ty lớn, là những người đầy quyền lực”.

Karl bi quan. Ông biết cuộc chiến của ông với những thế lực mafia điều khiển việc kinh doanh động vật hoang dã là cuộc chiến tuyệt vọng. “Có cầu thì khắc có cung. Chừng nào còn những người lắm tiền thèm của lạ thì vẫn còn những người sẵn sàng giết thú để cung cấp cho họ”.

Có rất nhiều hiệp hội, tổ chức phi chính phủ chi rất nhiều tiền cho các nước để bảo vệ động vật hoang dã. “Nếu thật sự muốn bảo vệ động vật hoang dã thì có tiền để làm việc đó, mà các nước nghèo không phải tự chi. Chỉ có điều là nhiều khi dân bản địa lại nói các vị ở nơi khác đến dạy chúng tôi là hổ quý lắm, nhưng quý là với các vị thôi chứ tôi thì cần tiền hơn, tôi giết một con hổ bán lấy 20.000 USD thì tốt hơn, mua được cái ôtô, nuôi được cả nhà... Với mức giá ấy, lúc nào cũng có người sẵn sàng giết hổ”.

Nhưng Karl Ammann vẫn không ngừng chiến đấu, vì “không thể tự biện minh rằng mình không làm gì vì mình không biết. Khi tôi làm phim, viết sách để thông tin cho bạn sự thật, thì bạn chính là người quyết định liệu có nên để mọi chuyện tiếp tục diễn ra như thế hay không. Nếu tôi thấy không ngủ được vì những gì mình đã chứng kiến thì có thể là một số người khác cũng vậy”.      

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận