Tôi "dọn đường" sẵn cho con mình

NGUYỄN HOÀNG 27/07/2014 08:07 GMT+7

TTCT - Năm ấy khi tôi lần đầu tiên ra khỏi nhà, trên hai vai mang đi chỉ có bốn bộ quần áo. Từ Bắc vào Nam kiếm ăn từng đồng, để dành từng đồng, chắt bóp lo cho những ngày học đại học.

Kế thừa và tự lập
Tôi sợ hãi và lạc lối...
Tôi đã phí hoài 7 năm tuổi trẻ

Minh họa: Bích Khoa

Nhìn bạn bè đi học có xe Dream, có tiền đi Vũng Tàu, có tiền mua sách, tôi nghĩ đến đời con mình, nhất định con mình không thể khổ như mình bây giờ nữa.

Cha mẹ tôi nghèo lắm. Mấy mẫu đất cát ở làng chỉ trồng được đậu phộng, sắn. Trồng cả mùa dài, bán ra đã rẻ, những năm đậu bị hà, sắn bị thối còn tệ hơn, chẳng ai thèm mua. Mẹ gói vào balô cho tôi năm củ sắn ngon nhất, gọi là quà lên trường học đại học.

Tôi vào đời cũng chật vật như ngày khăn gói đi học. Bạn bè có tiền cha mẹ lo, với ngành hành chính, dễ dàng xin vào ủy ban huyện, cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính... vừa ra trường đã có việc. Có đứa than phiền bố mẹ ở nhà cũng tốn 20-30 triệu đồng (số tiền rất lớn hồi ấy) để xin được một chỗ làm ở cơ quan ổn định gần nhà. Hồi ấy tôi chưa nghĩ gì nhiều, chỉ tự an ủi nhà mình nghèo, mình phải cố gắng gấp nhiều lần, tự đi lên bằng đôi chân, biết đâu sau này cũng không thua kém gì chúng bạn.

Tôi lập gia đình và có con ba năm sau khi cưới vợ. Cuộc sống của một cử nhân hành chính không chật vật lắm, nhưng cũng không khá khẩm gì. Tôi thường cảm thấy ngột ngạt khi phải lo lắng cho từng đồng tã, sữa của con, hai vợ chồng không có lúc nào dành dụm được. Cho đến khi người anh trai đi nước ngoài, để lại cho gia đình tôi một cửa hàng sơn.

Việc kinh doanh thuận lợi và tốt đẹp đến mức chúng tôi mua nhà mới và đến khi cả hai con vào cấp III cũng không phải lo nghĩ nhiều về chuyện chi phí cuộc sống nữa.

20 năm sau ngày chia tay trường đại học, chúng tôi họp lớp. Những người bạn xưa kia được cha mẹ bỏ tiền lo chỗ làm việc giờ cứ như một đẳng cấp khác so với những đứa tự thân như tôi. Gương mặt chúng tôi già sọm, sương gió vì phải làm việc nhiều, lo hàng họ, lo kinh doanh.

Các bạn vẫn là những người mặc sơmi, gương mặt thảnh thơi, phong độ đường hoàng, đi xe hơi đến buổi họp mặt. Vị trí ngày xưa được mua với giá 20-30 triệu đồng ấy giờ đã cất nhắc họ lên trưởng phòng, giám đốc chi nhánh, chủ tịch... Nguồn lợi bù vào “vốn” bỏ ra ngày trước thật quá lớn, chỉ những cha mẹ “nhìn xa trông rộng” mới thấy.

Nhìn lại 20 năm trăn trở của mình, tôi thấy điểm xuất phát ban đầu của một đứa trẻ là điều quan trọng hơn bao giờ hết để chúng có được cuộc sống tốt đẹp về sau. Là cha, tôi không chịu nổi nếu thấy con mình cũng tóc bạc, áo sờn vì chạy chợ từng đồng nuôi gia đình. Tôi sẽ đau lòng lắm nếu con lớn cũng như tôi, loay hoay 6 -7 năm trong một cái nghề tưởng là đam mê mà thật ra là nhầm lẫn của tuổi trẻ, cho đến khi nhận ra được đường mình đi thì đã già cỗi cả tâm hồn.

Nếu ngày đó anh trai tôi không để lại cửa hàng, không hướng dẫn tôi vào đường làm ăn, chắc giờ tôi vẫn loay hoay cực khổ với cơm cho con, áo cho vợ... mà mãi mãi không thoát ra được gánh nặng.

Tôi biết tuổi trẻ nào cũng có đam mê. Nhưng khi làm cha mẹ, mình phải lo đến cái xa hơn của con cái mình là gia đình, là cuộc sống dài lâu, là hạnh phúc cả đời của con. Đam mê chỉ có 1-2 năm, dễ dàng, đơn giản, chán rồi thì bỏ, nhưng tuổi trẻ không lấy lại được. Nếu con tôi chọn sai như tôi, lại không được giúp sức, không được dọn đường, cháu cũng sẽ lớn lên lầm lụi, khổ cực và loay hoay như chúng tôi.

Giờ nhà tôi chẳng khó khăn gì, tôi có thể lo cho con mình xa hơn, có thể cho cháu học trường cao cấp nhất, có thể cho cháu đi du học, có thể chọn cho cháu theo nghiệp kinh doanh của gia đình - cháu sẽ tiếp quản công ty mà tôi và anh trai đã dày công xây dựng với bao nguồn lợi đảm bảo.

Có lẽ bây giờ con cái chưa hiểu làm cha mẹ như tôi lo cái gì, lo xa tới đâu. Nhưng một ngày nào đó, khi đã có vợ, có con, khi bế em bé khóc trong tay, con tôi có thể sẽ cảm ơn tôi vì sự ép buộc bây giờ.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận