TTCT - Cuộc thương lượng giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) nối lại hôm 12-12 bàn về lộ trình để Ukraine ký hiệp ước gia nhập EU (dự kiến vào năm 2014) vẫn chưa có kết quả rõ ràng.

Phóng to
Những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Yanukovich cuối tuần qua cũng kéo về Kiev biểu dương lực lượng, sau đó đã giải tán để đi làm - Ảnh: Korrespondent.net

Cuối tuần rồi, 200.000 người ủng hộ Tổng thống Yanukovich từ phía đông đất nước đã đổ về Kiev, làm tiếng nói đối trọng với phe đối lập đã biểu tình suốt ở đây từ hôm 21-11. Số phận của đất nước mà người dân đang chia rẽ giữa Nga và EU sẽ ra sao? Các kết cục nào được dự báo?

TTCT giới thiệu các góc nhìn từ châu Âu và Mỹ.

Bài học từ Gruzia

Phe đối lập Ukraine có thể rút ra bài học có ích qua cựu tổng thống Gruzia Mikhail Saakashvili. Không phải từ bài diễn văn cháy bỏng ông ta đọc trên Maidan (*) hôm 7-12-2013, mà từ sự cất cánh chính trị đầy ấn tượng và cú vấp ngã cũng đầy ấn tượng của ông ta.

Tháng 2-2004, sau khi trở thành tổng thống Gruzia, Saakashvili đến Washington. Trong bữa tiệc chiêu đãi của Trung tâm các lợi ích quốc gia mà tôi cũng có mặt, Saakashvili đến dự với tâm trạng hừng hào - không chỉ vì ông ta đã lật đổ thành công chính phủ Eduard Shevarnadze, mà còn vì cuộc tiếp đón nồng ấm của tổng thống Bush (con) ở Washington.

Chiều hôm đó, nghe xong phát biểu của Saakashvili, tôi lo âu nhận thấy lãnh đạo Gruzia quá hồ hởi trước tâng bốc ngoại giao của Mỹ. Một cách nhã nhặn đúng với vai trò người chủ bữa tiệc, tôi kể cho Saakashvili và mọi người nghe cuộc đối thoại giữa cựu tổng thống Richard Nixon với tổng thống thứ nhất của Gruzia Zviada Gamsakhurdia năm 1991 ở Tbilisi.

Khi đó ông Gamsakhurdia khoác lác với ông Nixon rằng nước Nga đã phải quỳ gối, và chỉ một nỗ lực đáng kể nữa thôi đủ giáng cho nó một đòn sinh tử. Và dường như Gamsakhurdia là người đảm đương vai trò này.

Nixon đợi một chút rồi mới trả lời: “Ngài tổng thống, ông hiện là nhân vật rất quan trọng, và người ta nói với ông điều mà họ nghĩ ông muốn nghe. Còn tôi sẽ nói với ông điều thật sự ông cần phải biết: Mỹ sẽ không bao giờ đối đầu với Nga vì Gruzia, và nếu ông không hiểu điều đó thì ông và nước ông sẽ phải trả giá rất đắt”.

Saakashvili rõ ràng chấn động, nhưng đã đáp rất nhanh rằng ông ta không phải là Gamsakhurdia và ông ta cũng không có ý chọc giận nước Nga. Tuy nhiên một số người trong bữa tiệc nhận thấy cử chỉ của ông ấy nói điều ngược lại. Ông ta không nén được mong muốn đặt nước Nga vào đúng chỗ của nó. Và mong ước đó đã góp phần vào cuộc chiến với nước Nga bốn năm sau cùng với thất bại chính trị của ông ta năm năm sau bữa tiệc ấy.

Từ phía phe đối lập Ukraine, sẽ khôn ngoan hơn nếu tránh được sai lầm này. Kinh nghiệm 20 năm trước chỉ ra rằng lời ủng hộ từ các quan chức Mỹ và EU không dễ gì biến thành hành động cụ thể - dù ở mức độ tối thiểu mà kinh tế Ukraine cần khi không còn trợ giá của Nga. Hơn thế nữa, phe đối lập Ukraine cần phải lắng nghe xem Mỹ và EU thật sự nói gì.

Ở trường hợp Mỹ, tín hiệu rất rõ: Washington thất vọng vì ông Yanukovich, nhưng không ủng hộ việc lật đổ ông bằng bạo lực. Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Victoria Nuland, theo các phương tiện truyền thông, đã nói ra điều này tại cuộc gặp các lãnh đạo đối lập Ukraine...

Chính sách của Mỹ đối với Ukraine, được cả hai chính đảng ủng hộ, là tạo điều kiện cho Ukraine dần hội nhập vào EU và sau đó là NATO. Nhưng Mỹ không bao giờ tài trợ cho Ukraine nhiều tỉ đôla, mà sẽ dựa vào những khoản cho vay của IMF với các điều kiện ngặt nghèo.

Hiện nay chính quyền Obama quan tâm tới hợp tác với Nga ở những vấn đề cấp thiết hơn như Iran và Syria. Sự căng thẳng giữa Mỹ với Trung Quốc khiến Washington càng không muốn xung đột với Matxcơva.

Phóng to
Ông Dimitry Simes - Ảnh: Izvestia

EU thì quả thật muốn đưa Ukraine vào dưới trướng của mình... Nhưng tình hình kinh tế EU hết sức khó khăn, nhất là ở các nước Địa Trung Hải. EU không thể giải quyết hiệu quả vấn đề di cư hàng loạt và cũng không tìm ra cách thức hấp thụ dòng người mới đổ tới. Thiếu sự tiếp tay từ phía Mỹ, EU với nguồn lực quân sự yếu kém sẽ không sẵn lòng nhận trách nhiệm và bảo đảm ổn định ở Ukraine trong trường hợp một cuộc “cách mạng cam” mới.

Hiểu được rằng lật đổ một tổng thống Ukraine yếu sẽ đơn giản hơn việc thay ông ta bằng một người kế thừa hợp pháp và hiệu quả, các lãnh đạo đối lập Ukraine cần suy tính thật kỹ trước khi thủ tiêu các kết quả bầu cử tự do và công bằng hay làm bất ổn thêm tình hình một đất nước mà điều hành nó, ngay trong những hoàn cảnh thuận lợi nhất, cũng không đơn giản.

...Kinh nghiệm cho thấy nụ cười của các lãnh đạo Ba Lan và Litva trong các ảnh chụp tập thể với Saakashvili tháng 8-2008 không có mấy ý nghĩa, và những cái ôm biểu tượng không đồng nghĩa với hậu thuẫn thật sự.

Nguồn: http://izvestia.ru/news/562370#ixzz2nPhONGMr

(*): Maidan: tiếng Ukraine có nghĩa là quảng trường. Do các cuộc biểu tình của phe đối lập phần lớn diễn ra ở quảng trường Độc Lập, trung tâm Kiev, nên từ maidan ở Ukraine giờ đồng nghĩa với nơi diễn ra những hoạt động chính trị.

Trong khi đề nghị EU tài trợ cho Ukraine 20 tỉ euro để chuẩn bị cho việc gia nhập EU chưa được đáp ứng, ngày 17-12 Tổng thống Yanukovich đã đến Nga. Nội dung nghị sự là yêu cầu Nga cho Ukraine vay 15 tỉ USD và giảm giá bán khí đốt.

Trong khi đó, hội nghị bàn tròn đầu tiên của chính phủ và phe đối lập Ukraine diễn ra tuần qua đã kết thúc thất bại: Kiev đồng ý ân xá những người biểu tình bị bắt, nhưng không đáp ứng yêu cầu của phe đối lập đòi sa thải Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov và Bộ trưởng nội vụ Vitaly Zakharchenko. Bên ngoài tiếp tục gia tăng sức ép.

Các nghị sĩ Mỹ John McCain và Christopher Murphy cuối tuần trước đã có mặt ở Kiev bày tỏ sự ủng hộ những người biểu tình. EU thì cáo buộc Nga gây áp lực với Ukraine, trong khi Thủ tướng Nga Medvedev cảnh báo nguy cơ “đứt gãy kiến tạo” Ukraine nếu những mâu thuẫn giữa hai nửa đông, tây của nước này tiếp tục dâng cao, với phía tây ủng hộ EU và phía đông ủng hộ làm ăn với Nga.

Tờ báo Ukraine Korrespondent đã gọi tương quan lực lượng ở Ukraine hiện nay là “hai maidan”.

_____________________

“Đừng trông đợi cơn mưa rào tài chính"

Trích trả lời phỏng vấn của bà Marine Le Pen - chủ tịch Mặt trận Dân tộc Pháp - cho báo Vzglyad (Nga).

Bà Marine Le Pen - Ảnh: Reuters

* Trong chuyến thăm Sevastopol (Ukraine) hè vừa rồi, bà đã nêu quan điểm về việc Ukraine gia nhập EU, rằng nên đón nhận đất nước này như một người bạn nhưng “không ai mời bạn mình vào một cơn ác mộng” cả. Đến giờ bà có thay đổi quan điểm đó không?

- Dĩ nhiên là không. Trước nhất, tôi nghĩ chẳng có ý nghĩa gì để Ukraine vào EU cả. Thứ hai, tôi nghĩ cũng chẳng có ý nghĩa gì khi EU tiếp tục mở rộng vào lúc chính nó cũng đang trong tình trạng khánh kiệt, phá sản.

* Bà có quan sát những gì đang diễn ra ở Ukraine?

- Có, qua phương tiện truyền thông Pháp, mà tôi không thể nói là không thiên vị.

* Bà đánh giá thế nào hoạt động của Tổng thống Yanukovich?

- Tôi không dám nhận vai trò người điều hành công việc nội bộ của các nước có chủ quyền. Nhưng tôi phát hiện nhiều điều khá ngạc nhiên, rằng EU, dựa trên ý kiến của hàng chục nghìn người biểu tình, tuyên bố về sự không hợp pháp của tổng thống Ukraine. Tôi càng ngạc nhiên hơn khi nhớ một năm trước 1,5 triệu người Pháp đã xuống đường chống Tổng thống Holland, mà tôi có nghe EU đòi ông Holland từ chức và tuyên bố ông ta không hợp pháp đâu.

Nếu có những bất đồng giữa một bộ phận người Ukraine và tổng thống thì những cuộc bầu cử sẽ giải quyết. Nhưng đòi tổng thống Ukraine phải ra đi sớm trên cơ sở những cuộc biểu tình khiến tôi thấy lạ. Ở Pháp năm ngoái có quá nhiều cuộc biểu tình quần chúng, mà chẳng ai đòi hỏi như thế.

* Bà không cho mình đúng khi phán xét việc nội bộ các nước. Nhưng một số lãnh đạo châu Âu và Mỹ đã tới Kiev và phát biểu công khai trên quảng trường Độc Lập. Bà có cho rằng đó là việc can thiệp nội bộ các nước?

- Dĩ nhiên. Tôi rất sốc khi ngài Fabius, ngoại trưởng Pháp, có ý định tiếp một nhà đối lập Ukraine. Tôi mới được biết ông ta đã bãi bỏ cuộc gặp này nhưng vẫn thấy sốc. Chẳng ai làm vậy cả. Hoặc là công pháp quốc tế không còn nữa.

* Bà nghĩ gì về những yêu cầu mới nhất của Kiev khi tuyên bố sẽ ký thỏa thuận (gia nhập) EU nếu Ukraine được sự trợ giúp tài chính khoảng 20 tỉ euro của châu Âu?

- Tôi không biết mức độ thành thật trong lời đề nghị này ra sao.

* Nhưng nếu đó không phải là đề nghị của EU mà là yêu cầu của Tổng thống Yanukovich với EU?

- Tôi hiểu. Một số nhà phân tích cho rằng Tổng thống Yanukovich đã đưa yêu cầu này chỉ để EU bác bỏ, hầu chỉ ra cho người Ukraine rằng sự mong đợi tài chính mà người Ukraine trông cậy ở EU chỉ là ảo tưởng. Vì vậy tôi mới nói không biết mức độ chân thành trong đề nghị này là thế nào, nó có thành khẩn hay đó chỉ là một bước chiến thuật trong tất cả những gì đang diễn ra ở Ukraine hiện nay.

Tôi không biết vì tôi không đủ thông tin trong chuyện này...

* Theo bà, liệu EU có thật sự sẵn sàng đón nhận Ukraine vào vòng ôm của mình? Thủ tướng Anh David Cameron mới đây đã cảnh báo sẽ không cho công dân những nước EU như Bulgaria, Romania vào Anh làm việc, kể cả nếu việc đó có vi phạm các nguyên tắc EU?

- EU hiện nay không có khả năng đón nhận nước nào khác nữa. EU thật sự đã khánh kiệt và đang chịu đựng bao vấn đề nặng nề của những nước mới gia nhập - Bulgaria và Romania. Bất cứ một “cửa sổ” mới nào cho bất cứ nước mới nào cũng sẽ đẩy nhanh sự suy yếu của EU.

Nhưng, thí dụ, Ba Lan vào EU 10 năm trước. 10 năm trước mức độ phát triển của Ukraine và Ba Lan bằng nhau, hơn thế nữa người Ba Lan còn mua hàng hóa của Ukraine. Còn hiện nay mức độ phát triển của Ukraine đã không thể sánh với Ba Lan...

- Vấn đề ở chỗ khi các “nước mới” (gia nhập) có trình độ phát triển cách biệt với những nước EU “cũ”, họ nhận được hàng trăm tỉ euro hỗ trợ. Sự hậu thuẫn này kéo dài vài năm. Nhưng sau đó, thay cho bánh mì trắng là bánh mì đen. Hiện nay EU không còn tiền như thế nữa. Khối này cũng không còn phồn vinh như 10 năm trước.

Từ đó có thể thấy nếu người Ukraine hi vọng gia nhập EU rồi thì nắng hạn sẽ gặp mưa rào tài chính, như với Ba Lan, thì họ đã lầm.

* Vậy theo bà, lối thoát nào khả dĩ nhất cho tình hình Ukraine hiện nay?

- Lối thoát mong muốn nhất từ bất cứ cuộc khủng hoảng chính trị nào đó là bầu cử. Ít ra nó sẽ giải quyết vấn đề. Nếu tiến trình ngoại giao giữa phe đối lập và đa số của quốc hội không mang tới lối thoát nào thì cần tổ chức trưng cầu ý dân.

* Thì đúng là phe đối lập đòi bầu cử trước thời hạn.

- Rất tốt! Nhưng cần lưu ý: quyết định tổ chức bầu cử nằm trong khuôn khổ những thỏa thuận giữa chính quyền hiện hành với phe đối lập là một chuyện, nhưng nếu EU đòi những cuộc bầu cử này là chuyện hoàn toàn khác. EU không có quyền đưa ra đòi hỏi này.

Nguồn: http://vz.ru/politics/2013/12/13/664122.html

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận