Đạo diễn trẻ Thủy Giang: Tôi sẽ không nửa vời

HẢI NGUYÊN 24/12/2008 17:12 GMT+7

TTCT - Sau khi nhận được giải Cánh diều vàng cho bộ phim Bóng rối, cái tên Thủy Giang được nhắc đến nhiều. Dư âm của giải thưởng vẫn còn nhưng Giang lại tiếp tục bận rộn dựng nốt bộ phim ngắn dành cho thiếu nhi để tham gia liên hoan phim tại Thụy Điển.

Phóng to
TTCT - Sau khi nhận được giải Cánh diều vàng cho bộ phim Bóng rối, cái tên Thủy Giang được nhắc đến nhiều. Dư âm của giải thưởng vẫn còn nhưng Giang lại tiếp tục bận rộn dựng nốt bộ phim ngắn dành cho thiếu nhi để tham gia liên hoan phim tại Thụy Điển.

Giang trẻ. Và đương nhiên là mê làm phim. Mới tốt nghiệp khoa đạo diễn của Trường ĐH SKĐA Hà Nội tháng 6-2008, Giang “nhảy” vào TP.HCM tìm kiếm cơ hội làm phim cho mình. Cơ hội làm phim, nhất là làm đạo diễn, với một tay mới như Giang không hề dễ dàng. Một mình vật lộn với cơm áo gạo tiền ở một thành phố sầm uất, Giang đành “nén” giấc mơ làm phim lại để kiếm sống. Công việc PR hấp dẫn với nhiều người nhưng lại không quyến rũ nổi Giang, bởi cô đã trót “nghiện” làm phim mất rồi. Thế là bỏ việc. Rồi lại tất tả vác hồ sơ “mon men” xin việc ở các công ty liên quan đến phim ảnh. Một ngày đẹp trời, Giang nhận được tin Bóng rối lọt vào vòng đề cử của giải Cánh diều cho phim ngắn kèm theo lời dặn dò từ chị tiếp tân: “Em nhớ ăn mặc đẹp vào nhé”.

Trong đêm nhận giải, lời tâm sự của Giang khiến nhiều nhà báo cười ồ vì nó thật đến ngây ngô. Còn những người đã từng bầm giập với nghề thì ứa nước mắt: “Để làm bộ phim này, em tự hứa với mình sẽ không mua sắm bất cứ thứ gì cho bản thân trong vòng hai năm vì em đã tiêu mất của bố mẹ 10 triệu đồng”.

Trong lớp, khi thầy ra bài tập về nhà, nhiều bạn trong lớp chỉ làm chiếu lệ hoặc làm sơ sài để có bài nộp, còn Giang lại không cho phép mình nửa vời như thế. Trong mỗi sản phẩm do mình làm ra, Giang đều muốn cố gắng hết sức để đóng dấu của mình lên đó. Giang không chấp nhận sự nhạt nhòa, dù đó chỉ là bài tập thầy giao.

Việc Bóng rối đoạt giải Cánh diều vàng nằm ngoài dự kiến của Giang. Bởi trước đó, Giang kỳ vọng nhiều hơn vào Đêm - bộ phim tốt nghiệp của cô được Trường ĐH SKĐA gửi đến liên hoan. Giang đầu tư nhiều hơn vào phim Đêm và trong phim đó, Giang đã rút được rất nhiều kinh nghiệm sau khi làm Bóng rối.

Ngày đầu quay Bóng rối, đoàn phim náo loạn vì cãi nhau bởi chưa ai có kinh nghiệm. Còn đạo diễn thì khóc như mưa và buổi quay đầu tiên thất bại. Giang định bỏ cuộc và sẽ nộp những sản phẩm nhàn nhạt như các bạn bởi đó cũng chỉ là một bài tập, chẳng có lý do gì khiến mình phải khổ đến thế. Đêm đó Giang không ngủ.

Ý nghĩ số tiền 10 triệu đồng mẹ cho cộng với 4 triệu đóng góp của anh bạn quay phim sẽ tan thành mây khói vì tiền thuê bối cảnh, tiền diễn viên, tiền ánh sáng và các khoản khác đã được ký trong bản hợp đồng vỏn vẹn ba ngày. Ngày hôm sau, Giang bắt tay làm lại từ đầu, cố gắng học cách lắng nghe và học cách làm việc cùng với cả kíp để hoàn thành phần quay. Khi ra phòng dựng, Giang chỉ còn lại 600.000 đồng trong túi, đủ cho ba ngày dựng mà bộ phim cần đến tám ngày. Vậy là lại chấp nhận nợ nần để làm cho bằng được cái mình muốn. Bóng rối của Giang đã chật vật như thế mới có thể ra đời.

Bóng rối của Giang nói về sự sợ hãi của con người hiện đại khi phải đối mặt với quá nhiều áp lực của cuộc sống. Sự sợ hãi đó khiến người ta tự kỷ ám thị và hoang tưởng, hoảng sợ ngay cả trong giấc ngủ, trong cả sự hoan lạc. Cuộc sống vẫn tiếp diễn và con người ta vẫn sẽ phải vượt qua những nỗi sợ của mình để tiếp tục sống. Ý tưởng lạ, cách thể hiện lạ với những con rối, ánh sáng tốt, âm nhạc tốt khiến Bóng rối vượt qua nhiều đối thủ nặng ký khác để giành Cánh diều vàng cho phim ngắn. Một phần thưởng xứng đáng cho sự tận tâm.

Tất cả những điều đó giống như một sự khởi đầu “thuận buồm xuôi gió” mà không phải đạo diễn trẻ nào cũng có được. Điều mà nhiều người có thể nhìn thấy ở Giang và thế hệ của cô là sức trẻ và sự nhiệt huyết. Nhưng nếu nhiệt huyết đó không chảy đến tận cùng thì cũng khó có thể “làm nên chuyện” trong tương lai.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận