TTCT - Chuyên san Current Biology (Sinh học đương đại) số ngày 5-5 vừa đăng một bài viết về tình trạng suy giảm nghiêm trọng loài cá heo nước ngọt không vây đặc hữu của sông Trường Giang, Trung Quốc. Chuyên san Current Biology (Sinh học đương đại) số ngày 5-5 vừa đăng một bài viết về tình trạng suy giảm nghiêm trọng loài cá heo nước ngọt không vây đặc hữu của sông Trường Giang, Trung Quốc.Điểm khác thường của bài viết này là thước đo của các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu: hơn 700 bài cổ thi Trung Quốc bắt đầu từ mốc năm 618, tức khi triều đại nhà Đường thành lập.Ảnh: China DailyNhóm nghiên cứu của Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) đã chuyển hướng sang các bài thơ cổ do quá ít tư liệu chính thức nhắc đến loài cá heo này trong quá khứ. "Khi làm công tác bảo tồn, chúng tôi cần biết phân bố trong quá khứ và quy mô quần thể loài trong lịch sử", giáo sư sinh thái học Lưu Giai Giai của Đại học Phúc Đán nói. Theo ông, những thước đo này sẽ là cơ sở giúp nhà nghiên cứu xác định mục tiêu bảo tồn. Nhưng dữ liệu về quần thể cá heo Trường Giang, tên khoa học là Neophocaena asiaeorientalis asiaeorientalis, chủ yếu chỉ có từ vài chục năm qua. Để có thêm tư liệu, theo lời giáo sư Lưu, "chúng tôi đành dựa vào các dạng dữ liệu khác, như thi ca".Lưu và các cộng sự đã lùng sục kho thơ cổ đại đồ sộ của Trung Quốc để tìm những bài có nhắc tới loài cá này, trong tiếng Hán là "giang đồn", nghĩa là "lợn sông", và xác định được 724 bài thơ chắc chắn có nhắc đến nó, sau khi đã loại trừ những trường hợp có thể nhầm lẫn hoặc mơ hồ. "Tiếp cận được dữ liệu quá khứ giúp chúng tôi hiểu khi nào thì quá trình suy giảm bắt đầu và quá trình đó tương ứng với những thay đổi gì trong các mối đe dọa tiềm tàng với loài như môi trường sống bị phá hủy, biến đổi khí hậu, bị săn bắt thái quá, dịch bệnh hay sự xuất hiện của các loài xâm lấn", theo nhà nghiên cứu Trương Diêu Diêu của Viện Nghiên cứu sinh vật thủy sinh Trung Quốc.Bối cảnh bài thơ và tư liệu lịch sử liên quan giúp các nhà nghiên cứu xác định địa điểm của mỗi tác giả khi làm thơ nhắc đến cá heo Trường Giang. Hầu hết nhà thơ trong danh sách đều có vị trí chính thức trong triều đình, gồm cả các vị hoàng đế như Càn Long (trị vì 1735-1796). Nhờ vậy, nhiều chi tiết về đời sống và hoạt động của họ được ghi chép tỉ mỉ, theo lời nhà động vật học Mai Chí Cương ở Học viện Khoa học Vũ Hán, một trong các tác giả nghiên cứu. Ví dụ, Càn Long đã làm bài thơ Du Tiêu sơn (Đi chơi núi Tiêu) với hai câu: "Đồn nhập tức phong ngân nguyệt trừng, long xuất thính giảng hắc vân khởi" (Cá bơi thổi gió ánh trăng bạc, rồng ra nghe pháp cuộn mây đen).Ông Mai nói dù mô tả về loài cá này sớm nhất có thể đã xuất hiện trong cuốn Thuyết văn giải tự thời Đông Hán, nhưng các tài liệu chính thức hầu như không nhắc gì tới chúng. Những người tiếp xúc với cá heo chủ yếu là ngư dân, thường không biết chữ và khuất lấp trong lịch sử thành văn.Thi ca khi đó trở thành lựa chọn thay thế. "Nhiều bài thơ cũng ghi lại thông tin về môi trường vào thời điểm đó, quy mô của các đàn cá heo và cả hành vi của chúng", Mai nói với trang essr.org.cn. Ví dụ, nhiều bài thơ đề cập đến hành vi "cá heo thổi sóng" hoặc "cá heo lạy gió". Như Hứa Hồn (thời Đường) viết trong bài Kim Lăng hoài cổ: "Thạch yến phất vân tình diệc vũ, giang đồn xuy lãng dạ hoàn phong" (Én đá chạm mây nắng vẫn mưa, cá heo thổi sóng đêm trở gió". Lương Hội (thời Minh) có hai câu trong bài Dữu lâu: "Thu kinh dã hạc hàn tầm mộng, lãng ủng giang đồn hạ bái phong" (Hạc thu giật mình tìm mộng lạnh, cá quẫy sóng ôm hơi gió khuya). Những bài thơ này miêu tả cảnh tượng cá heo Trường Giang nổi lên mặt nước để thở. Khi gió và sóng mạnh trên mặt nước, phần thân của cá heo nhô khỏi mặt nước sẽ lớn ra, khiến các thi nhân cổ đại tin rằng cá đang tỏ lòng tôn kính ("bái": lạy, "xuy": thổi) với gió và sóng. Đến thời hiện đại, ngư dân trên sông Trường Giang vẫn dùng hành vi của loài cá này để dự báo thời tiết: họ tin rằng nếu cá heo hoạt động nhiều thì thời tiết sắp tới sẽ xấu.Kết hợp dữ liệu từ các bài thơ và khảo sát hiện trường, nghiên cứu rút ra kết luận là môi trường sống của cá heo Trường Giang đã bị thu hẹp tới 65% so với thời Đường, và mức suy giảm mạnh nhất là từ thời Thanh tới nay. Ở các chi lưu và hồ của sông Trường Giang thay vì dòng chính, mức suy giảm này lên tới 90%. Giáo sư Lưu nói hoạt động của con người là nguyên nhân chính, bao gồm xây đập thủy lợi, san lấp đất để phát triển khu dân cư và khai thác thủy sản quá mức.Cá heo không vây là loại động vật có vú sống dưới nước duy nhất của sông Trường Giang. Theo các khảo sát trước đây, quần thể cá heo đầu những năm 1990 còn khoảng 3.600 con, nhưng năm 2013 chỉ còn 1.040 con. Nhờ các chính sách bảo tồn quyết liệt và lệnh cấm đánh bắt cá trong 10 năm ở sông Trường Giang, đến năm 2022, quần thể cá heo đã tăng lên lại thành 1.249 con, nhưng các nỗ lực bảo tồn vẫn phải tiếp tục, và các nhà thơ cổ đại đã góp phần vào đó.■ Bạn đang đọc trong chuyên đề "Bảo tồn động, thực vật Tiếp theo Tags: Vua Càn LongCá heo nước ngọtCá heoTrung quốcSông Trường Giang
Khởi công cầu Tứ Liên, Thủ tướng nhắn nhủ 'chỉ thi công trong 24 tháng' PHẠM TUẤN 19/05/2025 Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu việc xây dựng cầu Tứ Liên phải vượt tiến độ, hoàn thành trong 2 năm, thay vì 3 năm như dự kiến.
Ông Biden bị ung thư tuyến tiền liệt di căn đến xương: Nghiêm trọng ra sao, chữa được không? THANH BÌNH 19/05/2025 Ngày 18-5, văn phòng cựu tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã được chẩn đoán bị ung thư tuyến tiền liệt và đã di căn đến xương.
Mua bán thông tin tài khoản thanh toán: Đề xuất phạt cao nhất 200 triệu đồng LÊ THANH 19/05/2025 Mua bán tài khoản thanh toán hoặc mua, bán thông tin từ 10 tài khoản thanh toán trở lên được đề xuất mức phạt cao nhất 200 triệu đồng.
Giáo hoàng Leo XIV: Phục vụ bằng sự khiêm nhường NGHI VŨ 19/05/2025 Vị Giáo hoàng thứ 267 của Giáo hội Công giáo đã nhấn mạnh vai trò phục vụ và tinh thần khiêm tốn trong buổi lễ nhậm chức.