Để truyền thống kết thân với môi trường

NGỌC KHANH 20/05/2025 10:08 GMT+7

TTCT - Liệu những lễ hội truyền thống với giá trị tinh thần tốt đẹp có thể đồng thời thân thiện thiên nhiên?

lễ hội hoa đăng - Ảnh 1.

Krathong làm bằng lá và hoa được thu gom sau mùa Loy Krathong 2023. ẢNH: REUTERS

Liệu những lễ hội truyền thống với giá trị tinh thần tốt đẹp có thể đồng thời thân thiện thiên nhiên? Câu chuyện về lễ hội hoa đăng Loy Krathong của Thái Lan là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ để truyền thống kết thân với môi trường.

Cứ đêm trăng tròn tháng 12 theo lịch Thái Lan (thường rơi vào tháng 11 dương lịch), các tuyến sông, hồ, kênh rạch ở Thái Lan sẽ sáng bừng những chiếc krathong (hoa đăng) lung linh để tôn thờ nữ thần nước Phra Mae Khongkha. 

Các krathong này tượng trưng cho lòng biết ơn nữ thần nước đã duy trì hệ sinh thái, hỗ trợ sinh kế và cung cấp các nguồn tài nguyên quan trọng cho đời sống con người, nhưng cũng là lời xin lỗi bà vì đã làm ô nhiễm các tuyến đường thủy.

Truyền thống đã diễn ra từ thế kỷ 14 và vẫn luôn được duy trì như một nét đẹp văn hóa, thu hút khách du lịch đến với Thái Lan. Tuy nhiên, với dân số ngày càng tăng, chính quyền đô thị Bangkok (BMA) báo cáo đã thu gom được 640.000 hoa đăng sau khi lễ hội 2023 kết thúc, theo báo Bangkok Post. Con số này chắc có lẽ nữ thần nước cũng không ngờ tới.

Đa dạng vật liệu làm hoa đăng

Theo truyền thống, krathong được làm bằng thân cây chuối, lá chuối, hoa và nến. Nhưng trong một giai đoạn dài, nhựa và xốp là những vật liệu được dùng phổ biến để làm hoa đăng vì chúng nhẹ, tiện và dễ sản xuất hàng loạt. 

Và tác động của chúng đến môi trường, động vật hoang dã, sức khỏe con người và chi phí kinh tế thì không hề nhẹ.

Động vật dưới nước có thể vô tình ăn phải những vật liệu này hoặc bị vướng vào chúng rồi bị thương. Vi nhựa và quá trình thẩm thấu hóa học có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe khi đi vào chuỗi thức ăn. 

Chi phí cho việc dọn dẹp những hoa đăng trôi nổi này cũng là một bài toán đau đầu của chính quyền địa phương. Chưa kể các tuyến đường thủy bị ô nhiễm sẽ giảm sức hấp dẫn đối với du khách đến tham quan các điểm du lịch tự nhiên trong khu vực. Hậu quả kinh tế khi đó thật khó mà đếm được.

lễ hội hoa đăng - Ảnh 2.

Cận cảnh một krathong "thân thiện môi trường". Ảnh: ASIAN DIRECT

Con số 640.000 hoa đăng được thu gom năm 2023 cho thấy quy mô của lễ hội chỉ riêng tại Bangkok, nhưng đáng mừng là 96,75% trong số này làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường, tăng 1,05% so với năm 2022, theo BMA. 

Các vật liệu này sau khi thu gom sẽ được biến thành phân bón tại cơ sở ở quận Nong Khaem của Bangkok. 3,25% còn lại làm bằng polystyrene (đại diện quen thuộc với đời sống hằng ngày là những miếng/hộp xốp - thường mất khoảng 50 - 500 năm phân hủy) được chính quyền xử lý tại các bãi chôn lấp.

Những năm qua, nhiều cuộc thử nghiệm lớn từ cả phía chính quyền lẫn các tổ chức tư nhân ở Thái Lan đã được thực hiện, để đa dạng hóa những chiếc hoa đăng dâng lên nữ thần nước. Từ nước đá, vỏ dừa, khoai mì đến bánh mì đều đã được sử dụng vì chúng có thời gian phân hủy ngắn. 

Krathong bánh mì khi được thả sẽ nhanh chóng tan ra và thành thức ăn cho cá. Dĩ nhiên, vẫn cứ có vấn đề phát sinh: không phải tất cả bánh mì đều vào bụng cá, số lượng quá nhiều sẽ gây thối rữa và làm ô nhiễm nguồn nước.

Thời gian phân hủy của các hoa đăng làm từ những vật liệu khác nhau:

Nước đá và khoai mì: mất khoảng 30 phút - 1 giờ

Bánh mì hoặc kem ốc quế: khoảng 3 ngày

Cây chuối, lá chuối hoặc vỏ dừa: khoảng 14 ngày

Giấy: khoảng 2 - 5 tháng

Xốp: từ 50 - 500 năm

Ngoài ra, dù dùng các vật liệu dễ phân hủy hơn, nhưng các vật liệu kết hợp như đinh, hợp kim dùng khâu lá chuối, kết dính hoa đăng cũng không phân hủy được.

Những nỗ lực từ chính quyền địa phương

Các giải pháp thay thế sáng tạo hơn được đưa ra, thức thời nhất phải kể đến là hoa đăng kỹ thuật số. Các krathong ảo cho phép du khách tham gia vẽ và ghi những nguyện cầu của họ lên giấy. Sau đó chúng sẽ được chiếu lên một con sông ở Bangkok, thả trôi cùng với 3.000 chiếc hoa đăng kỹ thuật số khác. 

Hoạt động này được kết hợp với các cuộc thi cosplay, hoạt động văn hóa, biểu diễn, các tour tham quan thành "Lễ hội hoa đăng kỹ thuật số" diễn ra tại 4 điểm trên khắp Bangkok, trải ở nhiều khung giờ các ngày trong tuần diễn ra lễ hội.

Ngoài ra, các kênh thả hoa đăng trực tuyến cũng được xây dựng, nơi mọi người chọn một hình krathong ưa thích, viết lên đó điều nguyện cầu rồi… bấm thả, chiếc hoa đăng hoạt hình trôi trên màn hình máy tính, điện thoại minh họa 34 công viên trên khắp thành phố, khi ta ngắm chúng thoải mái trên sofa ở nhà riêng.

lễ hội hoa đăng - Ảnh 3.

Hoa đăng kỹ thuật số. Ảnh: Reuters

Đối với những người vẫn muốn đích thân thả những chiếc hoa đăng trên sông, Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Thái Lan (DCCE) vận động mỗi gia đình, nhóm bạn bè chỉ thả một chiếc krathong để giảm số lượng hoa đăng.

Các khuyến khích khác gồm: cố gắng thiết kế hoa đăng nhỏ nhất với đồ trang trí tối thiểu nhất; sử dụng 100% vật liệu phân hủy sinh học, tránh các vật liệu có hại như polystyrene, dây thép, đinh hoặc các vật liệu cần nhiều thời gian phân hủy; chỉ thả krathong ở những khu vực được chỉ định. 

Cuối cùng, nếu có thể hãy lựa chọn hoa đăng kỹ thuật số trên các nền tảng đáng tin cậy, trích thông báo của DCCE.

lễ hội hoa đăng - Ảnh 5.

Thiết kế hoa đăng làm từ thức ăn cho cá, bền vững và thân thiện với môi trường của sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nam (Trung Quốc). Sau khi cháy hết, hoa đăng sẽ tan trong nước, cung cấp dinh dưỡng cho cá ở sông, kênh rạch. Sáng kiến này đoạt Giải thiết kế sinh viên 2024 do Diễn đàn Thiết kế quốc tế iF tổ chức.

Thành quả đáng khích lệ

Sau rất nhiều thông tin kêu gọi, các nghiên cứu, phát động phong trào, lễ hội Loy Krathong năm 2024 tại Bangkok đã thu được nhiều thành quả. Tổng cộng 514.590 krathong được BMA vớt ra khỏi các ao, kênh rạch, sông, trong đó 98,39% chiếc làm từ vật liệu phân hủy sinh học, 1,61% được làm từ polystyrene

Người phát ngôn của BMA Aekvarunyoo Amrapala cho biết nhân viên của BMA cùng 50 văn phòng quận bắt đầu thu gom hoa đăng từ 8h tối đêm diễn ra lễ hội đến khoảng 5h sáng hôm sau, nhằm ngăn chặn rác thải tắc nghẽn các tuyến đường thủy và gây ngập. Theo ông Aekvarunyoo, lượng rác thải năm nay thấp hơn 19,57% so với năm 2023 (tức 125.238 krathong).

2024 cũng là năm đầu tiên BMA phối hợp các đối tác tổ chức lễ hội Loy Krathong kỹ thuật số, góp phần giảm đáng kể rác hoa đăng thải ra môi trường. Tổng cộng 10.885 hoa đăng kỹ thuật số được thả tại 4 địa điểm quy định, và 36.832 hoa đăng trực tuyến được thả qua trang web chương trình.

Bangkok đã tiếp tục truyền thống một cách có trách nhiệm mà vẫn tận hưởng truyền thống theo những cách mới mẻ và sáng tạo. Đây chỉ là một ví dụ cho thấy hoạt động văn hóa có thể thích ứng với những thách thức về môi trường hiện đại. 

Con người, với khả năng đổi mới và tích hợp tính bền vững vào nhiều phong tục khác nhau, có thể tôn vinh cả di sản và môi trường cùng một lúc.

lễ hội hoa đăng - Ảnh 4.

Lễ hội Diwali, mệnh danh là lễ hội ánh sáng ở Ấn Độ năm 2024, cũng ghi nhận nhiều đổi thay tích cực trong tiêu dùng của người tham gia.

Tiểu thương các khu chợ bày bán nhiều các vật liệu thân thiện với môi trường để làm tranh rangoli như hoa vạn thọ, hoa hồng, các loại lá xanh thay thế cho một số đồ trang trí bằng nhựa hay các vật liệu khó phân hủy khác.

Còn với sản phẩm đèn lồng, người tiêu dùng cũng chuộng mua các loại bằng tre và giấy thô. Tín hiệu đáng vui cho những người yêu môi trường, vì Dilawi là lễ hội truyền thống của hàng triệu người dân Ấn Độ và các tín đồ Hindu trên khắp thế giới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận