Mặn ngọt Ba Lai

TRUNG CƯỜNG 25/09/2010 18:09 GMT+7

TTCT - Đập Ba Lai cắt đôi sông Ba Lai ở khúc lượn quanh xã Thạnh Trị (huyện Bình Đại) và xã Tân Xuân (huyện Ba Tri), tỉnh Bến Tre. Tám năm hoạt động, đập vẫn chưa phát huy hết tác dụng trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu ở khu vực này.

Phóng to

Anh Đinh Hồng Điệp đánh bắt cá ở hạ lưu đập Ba Lai (vùng mặn) nói: “Giọt nước thay đổi, cá tôm khó lắm” - Ảnh: Xuân Trường

Vốn là phân lưu của sông Tiền, nhưng hiện nguồn nước sông Ba Lai chủ yếu từ sông Mỹ Tho đổ về và chảy ra biển ở vị trí địa lý trên. Tại cửa sông đổ ra biển này, đập Ba Lai được dựng lên lấp dòng, ngăn dòng nước mặn từ biển ngược vào. Từ khi có đập, sông Ba Lai được chia nửa mặn - nửa ngọt. Người dân hai bờ cũng chia theo con nước mưu sinh, trong khi con nước đang dần thay đổi theo diễn biến của biến đổi khí hậu.

Vẫn sống theo con nước

Từ xã Tân Xuân băng qua cống đập, thả dốc xuống là nhà anh Tư Nhường, xã Thạnh Trị. Tầm 9g sáng mà anh Tư vẫn ở nhà, nhìn ra sông Ba Lai với ánh mắt mong ngóng. “Tháng 8 rồi mà nước chưa ngọt. Mới nếm nước hôm qua, vẫn còn mặn chát” - anh nói.

Đập Ba Lai được xây dựng năm 2000 và đưa vào sử dụng năm 2002 với chức năng ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn... Đây là một trong những công trình thuộc dự án ngọt hóa bắc Bến Tre. Sau khi hoàn tất công trình này, các hạng mục khác chưa được xây dựng nên dự án chưa đồng bộ và phát huy hiệu quả.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, khi nào hoàn thành đập và âu thuyền trên sông Giao Hòa, sông Bến Tre, lúc đó sông Ba Lai mới trở thành hồ nước ngọt.

Anh có 7 công (7.000m2) đất trồng mía và dừa. Trước năm 2002 khi chưa có đập Ba Lai, anh cho biết “trúng dữ lắm”, cứ mỗi công được 10 tấn mía, giờ nhiều lắm cũng chỉ được 5 tấn, năm nào chết gốc cũng 80% sau một vụ thu hoạch, so với trước đây 3-4 mùa vụ gốc mới chết. Anh nhẩm tính lúc bán mía thịt giá 1 triệu đồng/tấn, lúc mua gốc trồng lại giá cũng tương đương.

Chị Nguyễn Thị Dưỡng, xã Thạnh Trị, nói với vẻ cam chịu: “Chờ mưa xuống nước sông ngọt mới trồng lại. Chẳng lẽ bỏ thì lấy gì ăn?”. Mía nhà chị tự trồng chứ thuê mướn thì lỗ trắng. Chị không thể nhớ được bao nhiêu người trong xã bỏ mía, bỏ lúa chuyển qua nuôi tôm vì con số đó quá nhiều. Không thể chỉ trông chờ vào cây mía, năm rồi anh Tư trồng dừa, hết năm dừa chết mặn còn 58 cây. Năm nay anh chờ nước ngọt để trồng lại.

Trồng trọt thất bát như vậy, theo anh Tư, là do có đập nhưng nước mặn vẫn xâm nhập. Ba con sông Tiền, Hàm Luông và Ba Lai thông nhau bằng nhiều con sông nên nước mặn từ sông Tiền, Hàm Luông vòng qua đập chắn ập vào sông Ba Lai, làm nhiễm mặn dòng sông và vùng ngọt hóa sau đập. Vì vậy ngoài đập mặn chát mà trong đập cũng mặn.

Ông Đặng Văn Đua Em, phó chủ tịch xã Thạnh Trị, nói sông Ba Lai có sáu tháng nước mặn, sáu tháng nước ngọt. Người dân nuôi trồng theo mùa nước. Nhưng nay chưa thực hiện dự án ngọt hóa cục bộ sông Ba Lai (một trong những dự án ngọt hóa bắc Bến Tre) nên mặn vẫn xâm nhập sâu 1.100ha ở xã Thạnh Trị và chưa thể dẫn nước ngọt từ vùng ngọt hóa vào tưới tiêu cây trồng. Cũng do độ mặn sông Ba Lai ngày càng tăng nên người bức xúc mưu sinh chuyển sang nuôi tôm, trái với quy hoạch của xã mà không thể cản được. Bên kia đập Ba Lai, nông dân trồng lúa, mía... của xã Tân Xuân cũng chung cảnh ngộ.

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre, thời gian qua nước mặn trên 4‰ từ sông Cửa Đại theo sông Giao Hòa chảy vào sông Ba Lai làm dòng sông này nhiễm mặn. Do địa hình Bến Tre chủ yếu nằm dưới mực nước biển trung bình, các con sông chịu tác động của chế độ thủy triều biển Đông và nhiều sông, kênh rạch có độ rộng lớn dẫn đến nước sông bị nhiễm mặn nghiêm trọng, nhất là vào mùa khô.

Ngoài ra, nhiễm mặn nhiều hay ít còn tùy thuộc lượng nước từ thượng nguồn các sông đổ về. Với sông Ba Lai, do sự bồi tích nhanh của sông Tiền (đoạn sông Mỹ Tho) làm nghẽn dòng chảy nên lượng nước sông Ba Lai từ thượng nguồn đổ ra cửa sông yếu, không đẩy mặn ra xa được.

Phóng to
Ruộng mía và vuông tôm của hai anh em cùng gia đình ở ấp 3, xã Thạnh Trị, trong vùng ngọt hóa nhưng mặn ngọt vẫn đôi mùa. Cây mía và con tôm vì thế vẫn cùng chung sống, cùng chung khổ - Ảnh: Xuân Trường

Xả nước ngọt cũng khổ

Ngoài ngăn mặn, đập Ba Lai còn xả nước ngọt từ vùng ngọt hóa trong đập để pha loãng độ mặn của vùng ngoài đập. Ông Em nói hằng tháng vào ngày 14 và 28 âm lịch, đập xả nước ngọt ra vùng ngoài đập nhưng cũng tùy điều kiện nước mặn, triều cường cao... để xả. Tuy nhiên, việc xả nước lại gây khó một số ngành nghề truyền thống của người dân.

Các xã Thạnh Phước, Đại Hòa Lộc...(huyện Bình Đại), xã Bảo Thạnh, Bảo Thuận (huyện Ba Tri) có diện tích làm muối trên 1.000ha. Diêm dân vùng này gắn với nghề 50-60 năm nay. Nhưng từ khi có đập, không ít người bỏ nghề muối hoặc nhọc nhằn hơn với nghề.

Anh Năm Đón, xã Thạnh Phước, theo cha mẹ làm diêm dân từ lúc nhỏ nhưng giờ đang ngao ngán với nghề. Anh nói trước khi có đập (không xả nước ngọt) một mùa anh trúng muối 2.000 giạ (1 giạ khoảng 45-50kg), khi có đập chỉ còn 700-800 giạ. “Do xả nước ngọt nên thời gian đong muối lâu hơn. Trước 20 ngày, giờ phải 40 ngày” - anh giải thích. Thời gian làm muối cũng rút mất một tháng do đập xả nước không thể làm muối.

Chỉ tính xã Thạnh Phước đã có 342 hộ diêm dân đang hứng chịu nỗi khổ do đập xả nước. Không chỉ nghề muối mà nghề nuôi sò (sống ở nước mặn) có thương hiệu của vùng Ba Tri cũng “mệt” với đập Ba Lai. Vừa qua, đập xả nước liên tục làm môi trường nước thay đổi đột ngột khiến sò chết sạch, gây thiệt hại hàng tỉ đồng, theo ước tính của chính quyền xã Bảo Thạnh. Người dân xã này rơi vào cảnh trắng tay, nợ tứ bề, có người đòi tự vẫn vì mới đầu tư hàng trăm triệu đồng chưa kịp thu hoạch.

Trong khi đó, nhiều người dân nuôi tôm xã Đại Hòa Lộc, Bình Đại, than nhiều lúc độ mặn cao, tôm chết hoặc “chai” (tôm không phát triển) nhưng trông xả nước như trời hạn trông mưa mà không thấy. Anh Năm Đón nói chỉ một cái đập mà các nghề chỏi nhau, được nghề này mất nghề kia. Cũng theo anh, trước đây người dân đổ xô về xã Thạnh Phước đào ao nuôi tôm ngút tầm mắt. Mấy năm gần đây ô nhiễm môi trường nước nên họ ồ ạt kéo nhau lên vùng ngọt hóa nuôi tôm. Điều đó kéo theo nghịch lý đang mặn hóa vùng ngọt hóa, ngược với những gì đập Ba Lai đang làm để chia đôi hai vùng mặn - ngọt.

Năm nay Mặn xâm nhập gay gắt hơn

Cửa Đại là một trong các cửa sông lớn của Bến Tre tiếp giáp biển Đông nên mặn xâm nhập qua vị trí này vào đất liền khá sâu. Do tình hình khô hạn nghiêm trọng trong năm 2010, mùa khô năm nay độ mặn 4g/l đã xâm nhập sâu trên 60km, bao trùm gần như cả tỉnh Bến Tre.

Độ mặn lớn nhất (vào tháng 4-2010) tại ven biển Bình Đại có lúc vượt qua mức xấp xỉ 30g/l, tại Lộc Thuận (huyện Bình Đại) là 23g/l, Giao Hòa (huyện Châu Thành) là 8g/l, đến điểm tiếp giáp tỉnh Tiền Giang độ mặn vẫn còn ở mức 1,8g/l. Sự xâm nhập mặn đã gây khó khăn cho hơn 30.000ha đất canh tác lúa và cây ăn trái ở Bến Tre. Tình hình xâm nhập mặn ở Bến Tre năm 2010 gay gắt hơn so với các năm 2004, 2005 và 2007.

Đến tháng 8 năm nay mặn vẫn còn do lũ về thấp, không đủ đẩy mặn khỏi địa bàn. Ở các vùng đất ven biển vẫn ghi nhận độ mặn 4g/l, nhất là vào lúc triều thấp. Hiện tượng lũ thấp năm nay do lượng mưa vùng Hạ Lào ít hơn nhiều năm trước. Lũ thấp một phần cũng do các đập nước - hồ chứa thượng nguồn đã giữ lại nước.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận