TTCT - Thời trước, người Mỹ bộc trực, thẳng thắn, trắng đen rõ ràng. Họ thường chê người châu Á luôn dùng uyển ngữ, nói vòng, nói khéo, giữ thể diện, trắng không ra trắng, đen không ra đen… Khoảng ba thập niên gần đây, chuyện đó… xưa rồi! Bà Carly Fiorina và ông Donald Trump - hai ứng viên đang dẫn đầu của phe Cộng hòa -amazonaws.com Chính trị Mỹ ngày nay “tinh vi” hơn, uyển ngữ hơn và nói còn vòng vèo hơn cả kiểu cách châu Á xưa. Như vấn đề súng ống bán tràn lan gây thảm sát ở Mỹ, họ sẽ nói vòng kiểu: “Súng không giết người, chỉ người cầm súng giết người thôi!”. Nói khéo chính trị Nói khéo còn là tránh nói sự thật, che giấu suy nghĩ của mình. Trong cuộc tranh cử hồi năm 2008 nổi lên vấn đề nguồn gốc của ông Obama, ông McCain tranh cử lúc đó thoạt đầu tỏ ra nghi ngờ: “Tôi không biết ông ấy thật sự là ai. Ông ấy không phải là một cuốn sách mở toang”. Nhưng rồi để tránh bị gọi là phân biệt chủng tộc hay tiến hành một “Smear politic” (Chính trị bẩn), ông McCain che giấu những suy nghĩ đó khi bị một bà cụ Mỹ nêu “vấn đề Obama” công khai trong một cuộc vận động tranh cử: “Không, thưa bà, ông ấy là một người tử tế”. Nhưng ông McCain cũng không tránh được việc bị ông Obama tố trong cuộc tranh luận trực tiếp: “Ông đã không ngăn những người ủng hộ gào thét: Obama đi với khủng bố, kill him!”. Lúc đó ông McCain mới buột miệng: “Fact is fact, năm 2001 ông vẫn còn liên lạc với một giáo sĩ cực đoan tại Mỹ luôn đòi đánh bom nước Mỹ...”. Hal Holbrook, nghệ sĩ Mỹ từng đóng những bộ phim chính trị nổi tiếng, đã buột miệng: “Tôi ghét nói khéo chính trị. Nó là nguyên nhân làm chúng ta lặng lẽ nói dối, thay vì phải nói thật những gì chúng ta nghĩ!”. Mùa tranh cử năm 2015, Donald Trump đã thể hiện điều này mạnh nhất: “Tôi nghĩ đất nước này có một vấn đề lớn là nói khéo về chính trị. Tôi đã bị thách thức bởi quá nhiều người và nói thẳng ra, tôi không có thời giờ để nói khéo vòng vo kiểu ấy. Và thật lòng với các bạn, đất nước này cũng không có thời giờ cho những việc ấy!”. Và ông ta đã áp dụng lối suy nghĩ này đến mức gần như trần trụi trong cuộc tranh cử lần này. Người lật mặt về đồng tiền trong chính trị Mỹ “Tôi trả tiền cho bà ấy và tôi bắt bà ấy phải đến dự đám cưới của tôi” - ông Trump đã nói toạc móng heo như vậy về bà Hillary Clinton trong việc ủng hộ tiền cho chiến dịch tranh cử của bà hồi năm 2011, và nay bà là đối thủ của ông trong cuộc bầu cử này. Trong cuộc tranh luận của 11 ứng viên Đảng Cộng hòa hồi tuần rồi, ông Trump cũng đã chỉ tay hết cả hàng ứng viên quanh mình và nói: “Tôi đã tài trợ cho hầu hết các anh”, rồi quay qua nói với Jeb Bush đứng ngay cạnh mình: “Các tài phiệt góp cho anh 100 triệu để tranh cử sẽ biến anh thành con rối của họ. Tôi đã góp tiền cho anh khi tranh cử ở bang Florida và tôi cũng đã làm như vậy. Tôi ở trong trò chơi, tôi ở phía đó và tôi biết họ sẽ làm trò gì!”. Dù ông Jeb Bush quật lại: “Ông đã góp tiền và ông đã đòi xây một casino ở Florida, nhưng tôi đã bác bỏ!”, ông Trump cười khoát tay: “Không đúng như vậy đâu Jeb!”. Thật lạ lùng, có thể nói chưa ở đâu và chưa bao giờ chúng ta có cơ hội xem một cuộc lật mặt công khai như vậy về hậu trường chính trị Mỹ được trực tiếp truyền hình như thế. Có đến 15 ứng viên tham gia cuộc tranh luận lần hai. Người ta phải tách ra hai đợt. Đợt 1 diễn ra trước gồm bốn ứng viên có số thăm dò dư luận thấp nhất là bốn thống đốc bang, nghị sĩ... Câu hỏi khó đầu tiên của người dẫn chương trình khi các ứng viên trình bày thành tích cầm quyền và chỉ trích sự thiếu kinh nghiệm của ông Trump: “Như vậy, tại sao bốn ông với cả đời hoạt động chính trị mà cộng lại hết thì chỉ số thăm dò dư luận lại thấp hơn ông Trump?!”. Đây thật ra không phải là một câu hỏi mà là một cảm thán chính trị của nước Mỹ: tất cả những người gắn bó quá lâu với thủ đô, trung tâm quyền lực chính trị, đều bị người dân mất niềm tin. Hầu như trong tất cả các cuộc bầu cử mà tôi được theo dõi trực tiếp (từ năm 2001 khi bắt đầu có Đài CNN ở Việt Nam), tất cả các ứng viên đều tách mình ra khỏi Washington. Một số rất lớn công kích những ứng viên xuất thân từ đây, họ gọi mình là “outsider” (những người bên ngoài), ngược lại với đối thủ dính quá lâu ở đó gọi là “inside the beltway” (ở bên trong xa lộ vành đai - beltway - định vị trung tâm Washington). Do đó, sự nổi trội của Donald Trump là không lạ: ông ta (cùng bà Carly Fiorina và Ben Carson, một bác sĩ) là ba “outsider” hoàn toàn, họ không nợ gì hết nên họ nói toạc ra hết, đặc biệt là Trump: ông ta có 20 tỉ đôla do mình làm ra và là “chủ nợ” chứ không phải “con nợ”. Không nơi ẩn nấp Trong chính trị Mỹ, bạn không thể “núp” được ở đâu cả. Tất cả sẽ lồ lộ dưới ánh mặt trời. Hồi năm 1990, ông Clinton phải vất vả biện hộ và “chịu đòn” vì tội tránh đi vào chiến tranh. May mà lúc đó sức mạnh của việc chán ghét cuộc chiến Việt Nam còn lớn và người Mỹ muốn tập trung vào làm ăn. Hơn nữa ông Clinton trẻ, đẹp, ăn nói giỏi, hứa hẹn mang đến một luồng gió mới nên cử tri bỏ qua. Rồi năm 2000, ông Bush con phải cung cấp giấy tờ tại ngũ lúc chiến tranh Việt Nam vì người ta lôi ra việc ông dựa vào thân thế gia đình để vào làm phi công trong không lực thuộc Vệ binh quốc gia, tránh ra chiến trường, và khi đang tại ngũ lại được đi học. Nhưng không chỉ có chuyện lý lịch mà còn là toàn bộ quá trình bỏ phiếu thông qua các đạo luật, phát biểu quan điểm của họ suốt nhiều chục năm ở Quốc hội cũng được soi kỹ. Năm 2008, khi Mỹ đang sa lầy ở Iraq, bà Hillary Clinton bị làm khó vì đã bỏ phiếu ủng hộ tấn công Iraq hồi năm 2003, trong khi ông Obama được lợi vì bỏ phiếu không. Tất cả mọi lá phiếu của các dân biểu đều bị theo dõi và được dùng để “vặc” lại họ trong các cuộc tranh cử. Trong cuộc tranh luận tuần rồi, ông Jeb Bush bị làm khó vì ông Bush anh đã đề cử thẩm phán John Robert vào tối cao pháp viện và ông thẩm phán đã ủng hộ hai điều mà Đảng Cộng hòa rất cay cú là ObamaCare và quyền của người đồng tính. Cần nhớ rằng chính trị Mỹ có hai quy trình đang không gắn kết với nhau mà nhà bình luận chính trị Mỹ Hedrick Smith đã nói: “Sự đứt gãy chính trị giữa vận động tranh cử và điều hành đất nước” (Our political Disconnect: Campaigning vs Gorverning). Bởi bản chất của tranh cử là một loại chính trị trình diễn, xây dựng hình ảnh, PR, sự duyên dáng cá nhân, tài tranh cãi... Còn cầm quyền, cai trị đất nước thì đòi hỏi những kỹ năng khác. Dù vậy, ít nhất quy trình này cũng giúp bộc lộ nhiều thứ mà trong điều kiện thông thường ta khó nhận ra.■ Tags: CHẠY ĐUA TRANH CỬChính trị MỹTranh cử ở Mỹ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Báo cáo Trung ương phương án tinh gọn bộ máy trong quý 1-2025 THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn phải tốt hơn cũ, đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.