Một mối xa thư đồ sộ, giờ làm gì để khỏi mất hoài?

PHẠM HOÀNG QUÂN 11/04/2023 10:35 GMT+7

TTCT - Rất cần điều chỉnh cách quản lý các kho tư liệu Hán Nôm, rất cần thay đổi chủ trương, rất nên cho đọc rộng rãi.

Mất sách ở thư viện công trước giờ đã từng xảy ra nhiều lần, nhưng có lẽ vụ mất sách cổ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VHN) hồi cuối năm ngoái là lần đầu tiên được giới truyền thông hết sức chú ý, dư luận cũng quan tâm đặc biệt.

Cuối năm 2022, VHN chính thức thông báo mất (hoặc thất lạc) 25 cuốn, thuộc các thể loại lịch sử, địa lý, văn học, tôn giáo, tín ngưỡng dân gian. Theo vài nguồn tin khác về vụ này, có thể tạm biết về mức độ giá trị một số sách, trong số được dư luận chú ý nhiều, đáng kể là 2 cuốn đề tài lịch sử địa lý và 2 bộ sách đề tài văn học.

Xếp mức rất quý hiếm là Việt âm thi tập (6 quyển), do Phan Phu Tiên sưu tập, làm xong năm 1459, bản khắc in năm 1729, độc bản, đã photocopy, chưa kịp scan. Sách này, nếu không kiếm lại được thì coi như chỉ biết được nội dung qua bản photo và qua một bản chép lại năm 1881 (chỉ có 3 quyển đầu).

Kế đến là Toàn Việt thi lục (16 quyển), do Lê Quý Đôn biên tập, xếp vào mức quý hiếm, bản mất đã scan. Sách này có nhiều bản, các bản còn lại cũng đủ và tốt, không ảnh hưởng nhiều đến việc nghiên cứu, coi như cũng đỡ hụt hẫng.

Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành, Tôn Tốn-Trịnh Khắc Mạnh-Trần Ích Nguyên chủ biên, Thượng Hải Cổ tịch xuất bản 2011, (trang bìa)

Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành, Tôn Tốn-Trịnh Khắc Mạnh-Trần Ích Nguyên chủ biên, Thượng Hải Cổ tịch xuất bản 2011, (trang bìa)

Trong số bị mất, mang nhiều điều tiếng hơn cả có lẽ là sách Hoàng Việt địa dư chí (1833, Phan Huy Chú soạn). Do liên quan đến cương vực quốc gia và có đoạn ghi chép về Hoàng Sa - Trường Sa mà sách được săm soi, nhưng khách quan mà nói thì sách này chỉ xếp ở mức thường, do nó có rất nhiều bản khắc in, bản chép.

Trong số các bản khắc in xưa, có 1 bản do nhà Kim Ngọc Lâu (Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc) thực hiện năm 1883; và gần đây ở Trung Quốc cũng in lại trong tùng thư "Vực ngoại Hán tịch trân bản văn khố" (2008).

Học giới nghiên cứu về Biển Đông cả Việt Nam và Trung Quốc đã trích dẫn, phân tích sách này nhừ tử mấy chục năm rồi. Nội dung Hoàng Việt địa dư chí gần như tương đồng với phần "Dư địa chí" trong Lịch triều hiến chương loại chí, cả hai đã được dịch từ lâu, in nhiều lần.

Kế đến là sách Thoái thực ký văn (Ghi chép sau giờ ăn, 7 quyển), do Trương Quốc Dụng soạn xong năm 1851, quyển 1 "Phong vực" nói tổng quát về lịch sử cương vực, các quyển khác chép về lịch sử, nhân vật, động thực vật..., có thể xếp mức quý. 

Một trang ảnh ấn sách Công hạ ký văn (tức Thoái thực ký văn) của Hình bộ Thượng thư Trương Quốc Dụng. Trích trong Cuốn 17 (bộ 20 cuốn) tùng thư Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành.

Một trang ảnh ấn sách Công hạ ký văn (tức Thoái thực ký văn) của Hình bộ Thượng thư Trương Quốc Dụng. Trích trong Cuốn 17 (bộ 20 cuốn) tùng thư Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành.

Bản bị mất là bản không đủ, đã scan, và hiện còn nhiều bản khác đầy đủ hơn bản đã mất. Sách có tên khác là Công hạ ký văn (Ghi lại điều nghe được lúc rảnh việc công), Công hạ ký văn được in lại trong tùng thư "Việt Nam Hán văn tiểu thuyết tập thành" (cuốn 17 trong bộ 20 cuốn), do nhà Thượng Hải Cổ tịch xuất bản năm 2011.

Vụ việc cuối năm 2022 ồn ào chưa nguôi, sách mất kiếm chưa được thì đến đầu năm 2023 qua kiểm kê kiểm tra, lại thêm thông tin mất mát nặng nề hơn, con số mất lên tới hơn trăm, còn số hư mục đến hơn 300 cuốn.

Ẩn phía sau thông cáo thứ 3 của VHN có thể thấy nhân sự của viện này từ lâu đã không kham nổi khâu cơ bản nhứt là thực hiện biên mục, nói chi đến việc phân loại, phân hạng, giám định giá trị (sách Hán Nôm cũng nhiều sách nhảm, sách giả), và còn mệt mỏi hơn nữa với những kế hoạch và phương pháp bảo tồn.

Dư luận quan tâm đến sách cổ bị mất, phần lớn dưới góc nhìn di sản dân tộc. Sách cổ là di sản văn hóa đặc biệt quan trọng, số lượng sẽ dừng lại, không như các loại cổ vật gốm sứ đồng đá có cơ may đào lên từ lòng đất hay mò vớt từ khoang tàu cổ nơi đáy biển. Sách cổ là hiện vật rất ư đỏng đảnh, khoái chiều chuộng nâng trứng hứng hoa, sợ mối sợ ẩm, nào thể đưa tạm vô gầm giường như bình sứ Khang Hy được. 

Trước giờ, nếu như Nhà nước cấp kinh phí cho việc này yếu thì giờ phải chuộc lại lỗi này, phải có cơ chế ưu tiên đặc biệt gấp cho việc bảo tồn sách cổ, không riêng kho sách ở VHN.

Học giới bực bội khi sách cổ bị mất với khá nhiều phản ứng gay gắt, vì bấy lâu nay đa số tư liệu trong đó rất khó tiếp cận, hoặc không được đọc, hoặc phải trả giá quá đắt. Đặt trường hợp như các sách ấy đã lưu hành qua thư viện số hay đã được sao chụp rộng rãi thì sự mất mát nội bộ trong VHN có lẽ ít được chú mục đến vậy. 

Sự việc thất thoát do VHN không tròn chức trách khó được học giới thông cảm phần lớn cũng là hậu quả của sự hẹp hòi bảo thủ trong quá khứ.

Nếu như coi vụ mất sách ở VHN như một bài học, trước mắt, Viện Hàn lâm KHXH cần phải nhắm đến mấy điểm:

1/ Đẩy nhanh tiến độ lập biên mục số sách kho ST (sách sưu tập từ sau 1988), phân loại đề tài nhằm phục vụ nghiên cứu lâu dài, phân hạng tốt xấu để có hướng xử lý và bảo quản phù hợp, phân biệt sách hay sách nhảm để nhẹ bớt gánh nặng số lượng;

Hoàng Việt địa dư chí, ký hiệu A.1074, bản Hội Văn Đường khắc in (lần đầu), năm Minh Mạng thứ 14 (1833). Hiện do VHN quản lý.

Hoàng Việt địa dư chí, ký hiệu A.1074, bản Hội Văn Đường khắc in (lần đầu), năm Minh Mạng thứ 14 (1833). Hiện do VHN quản lý.

Hoàng Việt địa dư chí, ký hiệu VHv. 1910, bản Tụ Văn Đường, khắc in năm Thành Thái thứ 9 (1897). Hiện do VHN quản lý. Đây là bản nền, được sao chép ra bản A. 1475

Hoàng Việt địa dư chí, ký hiệu VHv. 1910, bản Tụ Văn Đường, khắc in năm Thành Thái thứ 9 (1897). Hiện do VHN quản lý. Đây là bản nền, được sao chép ra bản A. 1475

Hoàng Việt địa dư chí, ký hiệu A.1475, bản chép, bản đã bị mất trong số 25 cuốn (cuối năm 2022). Bản này mang ký hiệu kho A (tức do Pháp bàn giao). Đây là bản chép lại từ bản khắc in năm Thành Thái thứ 9 (1897).

Hoàng Việt địa dư chí, ký hiệu A.1475, bản chép, bản đã bị mất trong số 25 cuốn (cuối năm 2022). Bản này mang ký hiệu kho A (tức do Pháp bàn giao). Đây là bản chép lại từ bản khắc in năm Thành Thái thứ 9 (1897).

2/ Liệt hạng vài trăm cuốn sách quý hiếm và đặc biệt quan trọng trong số sách ở kho A (gồm sưu tập do Pháp bàn giao) và kho V (sưu tập của Việt Nam trước 1988), có thể nâng cấp bảo quản chúng theo chế độ bảo vật quốc gia, việc quan trọng hóa này có thể góp phần chống và cản việc thất thoát sách quý;

Một trang trong sách “Địa đồ”, có dấu EFEO, hiện lưu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Ký hiệu A.589 [ảnh chụp từ sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB KHXH, 2014)

Một trang trong sách “Địa đồ”, có dấu EFEO, hiện lưu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Ký hiệu A.589 [ảnh chụp từ sách “Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, NXB KHXH, 2014)

3/ Cải tổ cơ cấu quản lý kho sách cổ, nghiên cứu việc đặt riêng bộ phận giám sát (nhân sự ngoài VHN, có thể thanh tra định kỳ và đột xuất). Bộ phận giám sát này có thể hạn chế tình huống mất sách cả năm mới phát hiện như vụ việc vừa qua, cũng có thể giảm gánh nặng trách nhiệm cho nhân sự ở VHN.

Đối với kho tàng di sản Hán Nôm Việt Nam nói chung (ở các thư viện công và Cục lưu trữ), Nhà nước nên lưu ý làm nhanh mấy việc sau đây.

Thiết lập thư viện số từng nơi, tiến đến là thư viện số liên thông giữa các thư viện có sách và tư liệu Hán Nôm trong cả nước. Đây không phải là việc khó khăn hay tốn kém, mà hình như là vướng bởi những trở lực bất chính nào đó, Chính phủ sáng suốt và coi trọng học thuật cần tìm hiểu và cân nhắc kỹ việc này. Việc số hóa sách cổ và phổ biến nó, tạo sự tiện dụng cho người có nhu cầu này đến nay đã rất trễ so với nhiều nước trong khu vực.

Đối với những sách quý hiếm ở các thư viện trung ương, nên chia đặt các phó bản (bản scan và bản photocopy) ở những thư viện lớn tại TP.HCM và TP Huế, vừa tạo thuận tiện cho việc tham khảo ở nhiều nơi, vừa đề phòng những sự cố bất trắc.

Đầu tư đúng mức cho việc bảo quản sách cổ.

Trong khoảng 30 năm qua, chủ trương hạn chế tối đa việc tiếp cận tài liệu Hán Nôm cổ đã khiến giới nghiên cứu trong nước rơi vào hoàn cảnh "trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường". Bởi đã có hàng trăm tựa sách lịch sử, địa lý, văn học... được in lại nguyên văn qua hình thức ảnh ấn, hoặc gõ lại nội dung, xuất bản đàng hoàng ở Trung Quốc và Đài Loan, thử hỏi việc hạn chế đọc tài liệu cổ bởi lý do gì và nhằm mục đích gì? 

Cho nên rất cần điều chỉnh cách quản lý các kho tư liệu Hán Nôm, rất cần thay đổi chủ trương, rất nên cho đọc rộng rãi.

Công trình luận văn thạc sĩ của Liêu Mỹ Ny, Việt Nam Nguyễn triều ‘Đại Nam quốc cương giới hối biên’ khảo tích.

Công trình luận văn thạc sĩ của Liêu Mỹ Ny, Việt Nam Nguyễn triều ‘Đại Nam quốc cương giới hối biên’ khảo tích.

Sự kiện mất sách quả thật là sự mất mát khó bù đắp, nhưng bên cạnh, đằng sau ồn ào dư luận là tín hiệu cho thấy mối quan tâm ngày càng lớn của người dân đối với những giá trị văn hóa đúng nghĩa. 

Các cơ quan quản lý những kho di sản Hán Nôm cũng cần phải thấy rằng nhu cầu được tiếp cận gia tài văn hóa cổ xưa ấy của học giới không phải là điều quá đáng, mà là sự đúng đắn, là đáng mừng.

Thiết nghĩ, cũng nên đọc lại lời bày tỏ đúng trách nhiệm của vị đồng nghiệp của mình thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa hồi hơn 50 năm trước: "Kho sách Hán Nôm của thư viện chúng tôi cùng với các kho cùng loại của một vài thư viện lớn ở Trung ương đều là những nguồn tư liệu vô cùng quý giá cho việc nghiên cứu văn học và lịch sử nước nhà. Nhưng một thư viện dù nhỏ cũng không chỉ đơn thuần chăm lo xây dựng các kho sách báo, mà còn phải luôn luôn nhớ đến nhiệm vụ chủ yếu là đem những kho vàng này của nhân dân ra phục vụ cho nghiên cứu khoa học..." (Nguyễn Văn Xước, giám đốc Thư viện quốc gia, Lời giới thiệu sách Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp, 1971).■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận