Nên lấy đại cục làm trọng

CẦM VĂN KÌNH THỰC HIỆN 10/01/2009 19:01 GMT+7

TTCT - Theo Thứ trưởng Bùi Xuân Khu - người phát ngôn của Bộ Công thương, giá điện đang được trình Thủ tướng quyết định với hai mức tăng 8,3% và 9,8%. Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, TS Vũ Đình Ánh (viện phó Viện Nghiên cứu thị trường giá cả) cho rằng mặc dù mức này đã giảm so với ba phương án tăng giá của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) nhưng vẫn sẽ gây những tác động khó lường đối với bối cảnh kinh tế hiện nay. Ông Ánh phân tích:

- Nguyên lý chống suy giảm kinh tế là phải giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Hiện nay sức mua của người dân rất yếu, trong khi bối cảnh kinh tế thế giới không biết sẽ còn khó khăn thêm thế nào, việc tăng giá điện có thể gây tác động trực tiếp và đặc biệt là tác động tâm lý, khiến người dân thắt chặt chi tiêu hơn. Để khẳng định cái lợi của việc tăng giá điện có đủ bù lại thiệt hại hay không cần con số và nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, có thể khẳng định đa số người dân đang khó khăn và việc tăng giá điện sẽ khiến họ khó khăn hơn nhiều.

Ảnh hưởng sức mua và sự tồn vong của doanh nghiệp

Nghệ thuật chọn thời điểm

Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, VN cũng đang phải kích cầu, việc tăng giá điện hay không sẽ là bài toán khó cho Chính phủ. Việc quyết thế nào, theo tôi, nên tính đến những tác động cụ thể, không chỉ một chiều mà nhiều chiều.

Nếu việc tăng giá là không thể tránh được thì nên vận dụng nghệ thuật chọn thời điểm. Tăng giá điện ngay sau tết hoặc ngay lúc vừa triển khai gói kích cầu sẽ tạo những tác động tâm lý không tốt, trong khi chống suy thoái điều quan trọng hàng đầu là niềm tin. Hơn nữa, dù giảm phát nhưng lạm phát năm qua của VN vẫn rất cao. Việc tăng giá điện nên tính đến khả năng tác động khiến lạm phát quay trở lại.

* Nhiều quan điểm cho rằng tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất vì điện cấu thành trong giá sản xuất không lớn. Ông có thể tính mức tăng giá điện khoảng 9% sẽ ảnh hưởng thế nào đến CPI, GDP và đời sống người dân?

- Nếu tăng theo phương án của EVN, tức trên 20%, CPI sẽ tăng hơn 1%. Đặc biệt là các ngành sản xuất năm 2009 có thể sẽ phải trả thêm trên 6.000 tỉ đồng. Nếu tăng khoảng 16%, các ngành sản xuất phải trả thêm gần 5.000 tỉ. Vì vậy, mức tăng gần 10% như công bố của Bộ Công thương sẽ khiến các doanh nghiệp phải trả thêm khoảng 3.000 tỉ. Bên cạnh đó, số tiền người dân và các cơ quan hành chính phải trả thêm cũng trên 2.000 tỉ đồng.

* Vậy theo ông, mức tăng giá điện của Bộ Công thương, nếu được Chính phủ thông qua, là cao hay thấp?

- Mức tăng từ 8,3-9,8% có thể không lớn với những người giàu, nhưng với những doanh nghiệp đang khó khăn thì cao, có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của họ, nhất là các doanh nghiệp dùng nhiều điện như cơ khí, xơ sợi... Đa số công nhân, sinh viên, người nghèo thuê nhà - đối tượng đang bị đe dọa mạnh nhất từ khủng hoảng kinh tế, đang phải sử dụng điện giá cao do phải chịu mức giá từ 100kWh trở lên - cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Qua các chủ nhà trọ, họ đang phải đóng mức 1.500-2.000 đồng/kWh.

Mỗi tháng một gia đình công nhân vẫn có thể mất 80.000-150.000 đồng tiền điện - mức không nhỏ so với thu nhập chỉ 800.000-1,2 triệu đồng/tháng của họ. Họ còn hàng chục thứ phải chi khác như nước, thuê nhà, ăn uống và tiết kiệm cho tương lai... Nếu tăng thêm, dù chỉ 10%, chắc chắn không ít công nhân sẽ phải bớt thêm những nhu cầu vốn đã tối thiểu của mình. Chúng ta cần tránh những khó khăn to lớn của người dân do những người hoạch định chính sách không lường hết được dân khó đến mức nào.

* Theo nhiều giải trình của EVN, hiện giá điện của VN vẫn thấp so với nhiều nước trong khu vực nên cần thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường càng sớm càng tốt?

- Chúng tôi đã đi khảo sát về giá điện tại Úc. Ở đó, cơ chế thị trường đã giúp giá điện luôn theo hướng càng lúc càng rẻ vì các nhà cung ứng điện như EVN phải đấu giá cạnh tranh cứ 30 phút một lần, công ty nào chào giá thấp nhất sẽ được huy động lên lưới bán cho dân. Công ty nào bán đắt thì không được huy động, đồng nghĩa với việc có hàng nhưng không bán được. Tại VN, theo tôi, nếu nói theo cơ chế thị trường thì chúng ta phải tạo cho được thị trường đã, rồi để thị trường quyết định giá. Như thế mới đúng là thị trường.

Còn hiện tại, tôi thấy rất lạ vì nói giá điện của VN thấp. Đã nói thấp thì cũng phải công khai xem là thấp so với cái gì. Nếu chỉ nói thấp so với nước ngoài thì rất vô cùng. Các nước như Philippines, Malaysia giá điện cao nhưng liệu họ có nhiều thủy điện như ở VN không? Trong khi thủy điện, giá rất rẻ, ở VN chiếm gần 50% tổng nguồn điện mà đi so với nước chủ yếu dùng nhiệt điện thì quá khập khiễng.

Nên lùi thời hạn tăng giá

EVN nên công khai chi phí

Hiện chúng ta không biết cấu thành giá điện là như thế nào. Một kWh điện hết bao nhiêu ký than, cần bao nhiêu công lao động, hết bao nhiêu chi phí quản lý, có thể giảm thêm không? Nếu nói EVN đã tiết kiệm, chúng ta phải biết mức bình thường (định mức) đã thật tiết kiệm chưa hay đáng ra còn có thể tiết kiệm hơn nữa. Nếu mọi người dân biết rõ đồng tiền đóng góp của mình đã được sử dụng hợp lý thế nào, nhất là sau khi EVN xin trích 1.002 tỉ đồng khen thưởng - phúc lợi, thì dù giá tăng, tác động tâm lý, sự căng thẳng trong xã hội cũng bớt đi phần nào.

* Với những tác động không nhỏ trên, theo ông, nên tiếp cận với chủ trương tăng giá điện như thế nào?

- Trước tiên, theo tôi, phải tiếp cận trên sự thật EVN đang lãi, dù mức lãi đó không cao so với số vốn khổng lồ mà Nhà nước, nhân dân đóng cho họ. Khi khó khăn thật sự cũng là cơ hội cho những cải cách tiết giảm phí. Theo tôi, tiềm năng tiết kiệm của EVN vẫn còn. Hơn nữa, 2009 là năm khó khăn, đề án của Bộ Công thương lại tập trung tăng mạnh vào năm này, các năm sau lại tăng thấp hơn. Tất nhiên không ai biết năm 2010 có dễ thở hơn năm 2009 không nhưng có lẽ nên giải bài toán trước mắt: năm 2009 khó khăn, nếu cần tăng thì tăng thấp, sau đó tùy tình hình sẽ tăng thêm.

* Vậy tổng thể, theo ông, việc tăng giá điện thời điểm này có hợp lý?

- Doanh nghiệp VN đang khó khăn trong cạnh tranh, nhiều nơi đã đóng cửa, sa thải công nhân. Nếu tiếp tục bồi thêm bằng việc tăng giá điện sẽ tạo thêm khó khăn mới. Doanh nghiệp khó thì chắc hẳn công nhân không thể yên vị với mức lương như cũ được. Nhiều doanh nghiệp đang cầm cự nên bất cứ sự điều chỉnh nào liên quan đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt là điện, cần phải được cân nhắc rất kỹ. Nếu về lý trí thì không nên tăng và tôi tin rằng Chính phủ sẽ phải cân nhắc dựa trên đại cục. Nên nhớ nếu giá cước viễn thông đắt, doanh nhân có thể gọi ít đi; còn giá điện, nếu chi phí quá cao, doanh nghiệp chỉ có thể cắt giảm sản xuất hoặc đóng cửa.

* Vậy theo ông, Chính phủ có nên lùi việc tăng giá điện để chống suy giảm kinh tế hay không?

- Theo tôi, nên tính đến phương án này. Thuế thu nhập cá nhân dù sao chỉ người nào thu nhập trên 4 triệu đồng mới phải nộp. Nên người nghèo khó lòng được hưởng gì dù Quốc hội linh động cho tạm dừng thu. Nhưng nếu giá điện được tạm dừng, từ doanh nghiệp đến người nghèo nhất cũng sẽ được hưởng. Vì vậy, nếu cần giảm gánh nặng của dân, theo tôi, lùi thời hạn tăng giá điện sẽ có ý nghĩa hơn lùi thời hạn thực hiện thuế thu nhập cá nhân.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận