Nếu lòng tham có thể cứu thế giới...

TTCT - LTS: Một thực tế không thể phủ nhận là ước muốn giàu sang (xem TTCT từ số ra ngày 14-2) đã được tiếp sức bởi toàn cầu hóa: khi thế giới đã trở nên phẳng, lại được công nghệ truyền thông và mạng xã hội hỗ trợ, ám ảnh vật chất, bạc tiền chẳng những không xa lạ mà còn được khuyến khích và ủng hộ. Để rồi cuối cùng ngay cả phương Tây cũng đang đặt cho mình câu hỏi: Xã hội quá ám ảnh bởi đồng tiền của họ đang đi về đâu?

 


 TTCT giới thiệu bài viết của tác giả Michael Snyder(1) về tác hại của nỗi ám ảnh đồng tiền đối với một trong những xã hội thịnh vượng nhất thế giới.

Những ngày này, các hãng tin như CNN không ngừng đưa những tin tức với tít tựa kiểu như “ôtô xịn nhất cho người siêu giàu”. Chúng ta có những chương trình truyền hình mà mọi người tự hào khoe mình giàu có thế nào, và có vẻ như Hollywood đang tạo ra cuộc diễu hành vô tận từ những bộ phim tôn vinh lối sống của tầng lớp thượng lưu.

Chúng ta có cả đám những chiếc loa tạo động lực và những “huấn luyện viên cuộc sống” sẽ dạy chúng ta làm cách nào để “thành công hơn” trong đời, và mỗi động thái rất nhỏ trên thị trường chứng khoán cũng được săm soi kỹ lưỡng bởi các phương tiện truyền thông chủ đạo. Ngay cả trong thế giới của đức tin, chúng ta cũng có cả một tầng lớp các giáo sĩ được biết đến như những “nhà thuyết giáo thịnh vượng”.

Là một xã hội, chúng ta yêu tiền và không thấy xấu hổ khi thừa nhận điều đó. Tạp chí Time từng in một bài báo hồi năm 2014 nhan đề “Khoa học chứng minh: Tham là tốt”(2) mà chẳng ai buồn ngạc nhiên. Nhưng từ đâu có nỗi ám ảnh bệnh hoạn của chúng ta với sự giàu sang và tiền bạc? Liệu nó có hủy diệt chúng ta không?

Không, chẳng có gì sai trái với việc có tiền. Nếu không có tiền, chúng ta sẽ trở thành người vô gia cư và đói khát. Quả thật tiền rất hữu ích. Nhưng khi trở thành thần tượng, tiền sẽ biến thành vấn đề. Và bởi vì chúng ta đã dạy cho toàn bộ các thế hệ người Mỹ rằng làm giàu là một trong những mục tiêu hàng đầu trong cuộc sống nên cũng đang có một số lượng lớn ganh ghét, tị hiềm, thất vọng và tức giận trong số những người không thể trở nên giàu có.

Những năm gần đây, mức độ từ sự cay đắng, oán giận của những người còn lại của đất nước đối với những người giàu có đã tăng tới mức chưa từng thấy. Rõ ràng hệ thống được thiết kế để rót sự giàu có lên đỉnh của dây chuyền thực phẩm và nhiều người ở đáy của dây chuyền đang trở nên cực kỳ khó chịu về điều này.

123rf.com
123rf.com

 

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, hầu như toàn bộ mức tăng thu nhập có được đều chảy sang 1% những người giàu có, Huffington Post cho biết. Và bất bình đẳng thu nhập đã trở thành chủ đề nóng đến độ New York Times giới thiệu một quyển sách bán chạy của nhà kinh tế Pháp Thomas Piketty.

Và đây là những gì CBS nói về quyển sách của ông: “Lập luận của Piketty: Tỉ lệ của lợi nhuận trên vốn chẳng hạn như bất động sản, cổ tức và các tài sản tài chính khác đang ngày càng bỏ xa tốc độ tăng trưởng cần thiết để duy trì một nền kinh tế lành mạnh.

Nếu xu hướng này tiếp tục trong thời gian dài, nếu sự giàu có tiếp tục tập trung hơn vào tay một số người, bất bình đẳng sẽ thêm tồi tệ... Thu nhập trì trệ, trừ trong số những kẻ siêu giàu. Chi phí y tế và giáo dục tăng vọt.

Những kỳ vọng thường thấy trong giới trẻ, đặc biệt ở những ai không có bằng đại học đã sụt giảm, cũng như ở những người già, khi việc về hưu đã trở thành một thứ gì đó để gánh chịu hơn là thưởng thức”.

Sẽ là ngu ngốc khi phủ nhận khoảng cách ngày càng tăng giữa những người giàu và nghèo trong xã hội. Ngay cả khi thị trường chứng khoán đạt đỉnh cao chưa từng thấy thì tầng lớp trung lưu đang chết và cứ năm trẻ em Hoa Kỳ thì có một đang sống trong nghèo khó.

Ở cấp độ toàn cầu, những người giàu nhất đang sở hữu tài sản 65 lần nhiều hơn toàn bộ một nửa dân số nghèo nhất toàn cầu. Nhiều người không biết rằng những kẻ siêu giàu đang cất giấu khoảng 32.000 tỉ USD (là số chúng ta biết) trong các ngân hàng nước ngoài khắp hành tinh. Số tiền gần đủ để trả toàn bộ nợ quốc gia của Hoa Kỳ và mua hàng lẫn dịch vụ tốt cho Mỹ suốt một năm.

Trong khi đó, một nửa dân số nghèo nhất thế giới chỉ sở hữu khoảng 1% tất cả tài sản toàn cầu và khoảng 1 tỉ người trên khắp thế giới đi ngủ mà bụng đói mỗi đêm.

Nếu lòng tham có thể cứu thế giới, nó phải hành động ngay từ bây giờ. Tại thời điểm này, những người giàu có đã tích lũy tài sản nhiều hơn bao giờ so với trước.

Nhưng vấn đề dĩ nhiên ở chỗ nhiều người siêu giàu chỉ giàu trên giấy. Theo Zero Hedge, 67,2 nghìn tỉ USD của tổng tài sản 81,8 nghìn tỉ của Hoa Kỳ là tài sản tài chính. Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu có một cuộc khủng hoảng tài chính lớn khiến tổng tài sản tài chính Hoa Kỳ giảm 50% hay hơn nữa?

Điều gì sẽ xảy ra nếu một sự cố như thế xảy ra?

Chúng ta quá bị ám ảnh bởi tiền tài, vật chất nên quả thật đáng sợ khi nghĩ tới việc chúng ta sẽ phản ứng thế nào như một xã hội khi mọi thứ bị lấy mất đi.

Mà bong bóng tài chính hiện nay sẽ không kéo dài mãi.

Đến điểm nào đó, nó sẽ kết thúc.■

Minh Thư (trích dịch)

(1) http://theeconomic collapseblog.com/archives/greed-is-good-where-will-americas-sick-obsession-with-wealth-and-money-end

(2) http://time.com/ 41680/greed-is-good-science-proves/

LIỆU CÁC XÃ HỘI CHẠY THEO LỢI NHUẬN CÓ THIẾU ĐẠO ĐỨC?

Một cuộc tranh luận về chủ đề này đã được mở ra trên trang web debate.org, một diễn đàn quy tụ “cộng đồng các trí thức khắp thế giới để thảo luận trực tuyến và đọc ý kiến người khác”, như trang web này giới thiệu. Với câu hỏi trên, 53% câu trả lời là “có” và 47% là “không”. Dưới đây là một số ý kiến của cuộc tranh luận.

CÓ (53%)

“Tôi cho rằng lợi nhuận là một tội ác. Các công ty kiếm lợi bằng cách thu nhiều hơn chi phí của tài nguyên và thời gian họ cần để sản xuất hay phục vụ. Trong xã hội chúng ta, tội ác này gọi là trục lợi. Tôi cho rằng tất cả hình thức của lợi nhuận đều là trục lợi.

Thu lợi trên thực phẩm, nước uống, nhà ở và đất đai phải bị coi là hành vi phạm tội hình sự. Nó khiến cuộc sống đắt đỏ hơn với mọi người, kể cả những người đang kiếm lợi nhuận. Những người nghèo phải làm việc nhiều hơn để có thể xoay xở với các khoản nợ, trong khi cuộc sống làm việc của những người giàu chẳng thay đổi mấy.

Đây là một bất công vốn có trong xã hội chúng ta, cần phải bị loại bỏ hoàn toàn hoặc phải được điều tiết”.

“Mặc dù đã có một bộ luật đạo đức, nhưng nó ngày càng trở nên “què cụt” hơn và tùy chọn hơn trong một xã hội chạy theo lợi nhuận. Thật thú vị khi mọi người bên cột “KHÔNG” cho rằng về nguyên tắc, có thể giữ gìn đạo đức của mình và đó là việc của mỗi người, chẳng có gì chung với việc xã hội chạy theo lợi nhuận hay không.

Nhưng vấn đề không phải ở chỗ một số người có thể chừng mực và tử tế, mà ở chỗ các nguyên tắc chính chi phối xã hội chắc chắn tác động đến cách họ hành xử và phủ nhận điều đó có nghĩa bạn hoặc đui mù hoặc gian giảo.

Bên cạnh đó, có những giá trị khác trong cuộc sống quý báu hơn nhiều so với lợi nhuận vật chất, vì vậy thật tự nhiên khi ta nghiêng về hướng coi trọng tình bạn và sự tôn trọng hơn là sự điên rồ của cuộc săn đuổi bất diệt sự giàu có rỗng tuếch”. (schekn)

“Tôi nghĩ những xã hội chạy theo lợi nhuận thúc đẩy người ta đặt đồng tiền, sự thừa nhận và tài sản lên trên mọi thứ. Một người có thể có đạo đức và là một người “tốt” chuẩn mực, nhưng biết rằng họ phải làm việc theo cách nào đó để đạt được một mục tiêu khiến họ đặt đạo đức cá nhân ra ngoài để làm điều họ cần. Con người phải được tưởng thưởng cho việc làm đúng thay vì làm việc chỉ vì tiền. (BashfulEmil60)

Có, bởi để ai đó có lợi nhuận, một ai đó khác phải chịu tổn thương về kinh tế trong những xã hội đó. Thật không may, nhiều xã hội chạy theo lợi nhuận thường thiếu đạo lý.

Nhiều người quá giàu nắm giữ những vị trí quyền lực dường như chia sẻ một niềm tin rằng để họ giàu có hơn, ai đó cần phải nghèo hơn và phải bị tước đoạt tài nguyên kinh tế khỏi tay mình. Một thí dụ của việc hiển thị lòng tham chạy theo lợi nhuận này là hệ thống thuế hiện hành tại Hoa Kỳ, vốn ưu tiên cho người giàu một cách không cân xứng. (T_cruise)

KHÔNG (47%)

“Hãy sống trong thế giới thực. Những xã hội phi lợi nhuận, nơi mọi người làm việc chăm chỉ để cung cấp sản phẩm, dịch vụ và tiện ích thúc đẩy phát triển chủng loài người (trong đa số trường hợp) chỉ vì lợi ích của kẻ khác là chuyện không tưởng.

Tôi đã trải qua một thời gian ở những xã hội này, tham nhũng khắp mọi nơi, nó chứng minh lần nữa và lần nữa rằng xã hội đó không hiệu quả”.

“Trao đổi hàng hóa và dịch vụ công bằng không phải là thiếu đạo đức. Khi mọi người nói đến các từ như tiền bạc và thu nhập, tôi thấy chúng ta chẳng thể có gì nếu không làm gì. Có sai hay không nếu ta kỳ vọng được trả nhiều hơn cho việc mình làm?

Nếu một nghệ sĩ đường phố mất đến ba giờ cho một bức tranh thì có vô đạo đức không khi ông ta muốn một số tiền lớn cho bức vẽ này? Liệu nghệ sĩ đó có vô đạo đức bởi ông ta chờ đợi được đền bù nhiều hơn cho tài năng và lao động của mình? Câu trả lời là không.

Bên cạnh đó, ông ta đòi hỏi gì? Đôla, rúp hay peso? Bất kể tiền tệ nào đó cũng là đồng tiền. Còn nếu ông ta đòi thịt gà, đồ gỗ hoặc kem đánh răng? Nó có còn là một giá trị không cho sản phẩm của ông ta và có được xem là hình thức trao đổi, do đó là một dạng lợi nhuận? (EminentBennett93)

“Không, bởi những xã hội chạy theo lợi nhuận có thể dùng tiền để giúp những nơi thu nhập thấp hơn. Hoa Kỳ là một xã hội chạy theo lợi nhuận, nhưng chúng ta chuyển một phần kiếm được trong dịch vụ hoặc tiền bạc cho các quốc gia có nhu cầu. Nhiều tổ chức như Bác sĩ không biên giới là những người kiếm lợi nhuận từ công việc nhưng đã chăm sóc không công và mang tình yêu đến các nước khác...”. (CeIIoBurke)

“Mối quan hệ có đạo đức duy nhất giữa hai người là một sự trao đổi công bằng, được đồng tình khi hai phía đều có lợi. Vô đạo đức là khi ai đó toan lừa ai đó để hưởng lợi trên sự thua thiệt của người khác trong khi cho đi ít hơn giá trị được nhận về. Không có gì trái đạo đức khi trao đổi thời gian, kinh nghiệm hay tài sản để lấy lại nhiều tiền hơn hoặc nhiều giá trị hơn”.■

(Nguồn: debate.org/opinions/do-profit-driven-societies-lack-morals)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận