Nguồn nước và nguy cơ xung đột

ANH THI 30/09/2016 00:09 GMT+7

TTCT - Cách đây ba năm UN-Water, tổ chức điều phối liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về quản lý các nguồn nước ngọt, trong báo cáo “Vietnam Country Brief” đã đưa ra nhận định: “Sự phát triển kinh tế nhanh chóng, tốc độ tăng trưởng dân số cao, điều kiện môi trường xấu đi và thiên tai thường xuyên xảy ra đã vượt quá năng lực quản lý với những chính sách và khung thể chế hiện có, lần lượt phá vỡ tính hiệu quả của nhiều biện pháp can thiệp của chính phủ”.

Giếng bơm của anh Huỳnh Văn Lợi, thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh có nước nhưng bị nhiễm mặn không dùng được (ảnh chụp tháng 4-2016)-Minh Trân
Giếng bơm của anh Huỳnh Văn Lợi, thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh có nước nhưng bị nhiễm mặn không dùng được (ảnh chụp tháng 4-2016)-Minh Trân

 

Xem xét những dự án công nghiệp quy mô lớn ở Việt Nam gần đây như thép Formosa Hà Tĩnh, giấy Lee & Man Hậu Giang hay thép Hoa Sen - Cà Ná cho thấy rằng nhận định của UN-Water đến nay vẫn hiện thực. Không chỉ là câu chuyện nguồn nước hạn hẹp có nguy cơ tạo ra xung đột giữa các nhu cầu sử dụng, mà còn liên quan đến công tác quản lý nhà nước về hạn ngạch xả thải và sức chịu tải của môi trường.

Trường hợp dự án thép Hoa Sen - Cà Ná sử dụng công nghệ tốt nhất hiện nay với định mức nước sử dụng là 5m3/tấn thép thô, thì nhu cầu nước của dự án đã là 80 triệu m3/năm. So với trữ lượng nước mặt trên 20 hồ tại Ninh Thuận, nhu cầu này chiếm đến 41,6% trữ lượng nước mặt trong điều kiện lý tưởng, hoàn toàn không xảy ra hạn hán.

Trên bình diện quốc gia, lượng nước sử dụng trong công nghiệp chỉ chiếm 5%, nông nghiệp chiếm 90% mà đã bắt đầu xảy ra xung đột nhu cầu, theo báo cáo của UN-Water, vậy thì nhu cầu của thép Hoa Sen - Cà Ná trong điều kiện cực kỳ lý tưởng về công nghệ và trữ lượng nước mặt cũng đã chiếm nhu cầu sử dụng tới 41,6%.

Sức chịu tải của môi trường

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24-4-2015 về quản lý chất thải và phế liệu định nghĩa: “Sức chịu tải của môi trường nước là khả năng tiếp nhận thêm chất gây ô nhiễm mà vẫn đảm bảo nồng độ các chất ô nhiễm không vượt quá giá trị giới hạn được quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật môi trường cho mục đích sử dụng của nguồn tiếp nhận”.

Có thể hiểu đơn giản rằng giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm được quy định trong các quy chuẩn môi trường nếu bị vượt quá, sẽ có khả năng gây ngộ độc cho các sinh vật, vượt quá ngưỡng chịu đựng của hệ sinh thái, tức là vượt quá “sức chịu tải của môi trường”, lúc ấy các nguồn nước này có khả năng không thể sử dụng theo đúng mục đích mong muốn được nữa, trong một khoảng thời gian nhất định hoặc là vĩnh viễn.

Thảm họa môi trường, cá chết hàng loạt và hệ sinh thái biển bị hủy hoại nghiêm trọng đã xảy ra tại bốn tỉnh ven biển miền Trung tháng 4-2016 là một ví dụ về giá trị giới hạn của các chất ô nhiễm trong nước biển ven bờ vượt quá “sức chịu tải của môi trường” ở đó.

Vấn đề thường gặp trong thực tế là việc xả nước thải ra môi trường không phải từ một nguồn đơn lẻ (ví dụ một nhà máy), mà có thể từ nhiều nguồn (ví dụ nhiều nhà máy trong Khu kinh tế Vũng Áng, nhiều khu công nghiệp hoặc nhà máy lân cận nhau nằm dọc theo sông Hậu...) có tiềm năng và tính chất gây ô nhiễm tổng hợp.

Khi đó, để ngăn ngừa ô nhiễm trong quá trình cấp phép, ngoài việc tính đến “sức chịu tải của môi trường nước”, còn phải áp dụng thêm “hạn ngạch xả nước thải”.

Hạn ngạch xả thải

Nghị định 38/2015/NĐ-CP nêu: “Hạn ngạch xả nước thải là giới hạn tải lượng của từng chất ô nhiễm hoặc thông số trong nước thải do cơ quan quản lý nhà nước ban hành đối với từng nguồn tiếp nhận nước thải nhằm bảo đảm việc xả nước thải không vượt quá sức chịu tải của môi trường nước”.

Lúc đó, để có cơ sở xem xét cấp giấy phép xả thải cho bất kỳ một nhà máy nào, cơ quan quản lý môi trường phải có đầy đủ thông tin về tất cả các nguồn thải trong khu vực đó, bao gồm từng lưu lượng nguồn thải và tải lượng của tất cả các chất ô nhiễm, đánh giá khả năng tự làm sạch hay “sức chịu tải của môi trường nước” để từ đó tính toán ra “hạn ngạch xả nước thải” mà nhà máy kia được phép xả thải là bao nhiêu.

Như thế mới gọi là “đúng quy trình” một cách khoa học để cấp giấy phép xả thải theo nghị định 38, và như thế mới có thể hi vọng kiểm soát tác động tổng hợp của các nguồn thải nhằm duy trì chất lượng môi trường nước đảm bảo mục đích sử dụng theo mong muốn mà các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước đã đặt ra.

Tiếc rằng, giấy phép xả nước thải của Formosa Hà Tĩnh lẫn Lee & Man Hậu Giang đều được cấp dựa trên quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp tương ứng (thép và giấy) và bỏ qua quy định “sức chịu tải của môi trường nước” cũng như “hạn ngạch xả nước thải”.

Với những giấy phép này, về nguyên tắc Formosa Hà Tĩnh và Lee & Man Hậu Giang vẫn có tiềm năng tiếp tục hoặc sẽ gây ra những thảm họa ô nhiễm môi trường nước trong khi vẫn đạt tiêu chuẩn về giới hạn nồng độ xả thải vì tải lượng các chất thải của các nhà máy này không bị kiểm soát và có khả năng vượt quá “sức chịu tải của môi trường nước” tại đó. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận