Nguyễn Thị Cải: Người đàn bà thép

NGUYỄN LÊ 23/11/2003 01:11 GMT+7

TTCN - Bà không trực tiếp sản xuất thép. Bà cũng không có cổ phần trong những nhà máy thép ở Thái Nguyên. Nhưng bà có khả năng làm “khuynh đảo” thị trường “đất thép”. Từ khách hàng tiêu thụ trực tiếp đến những đại lý cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh thành hay các doanh nghiệp sản xuất thép qui mô nhất trên toàn miền Bắc... phải tìm đến bà. Vào thời điểm "cháy hàng", không một xe thép nào ra được khỏi Thái Nguyên nếu không nhờ đến bàn tay của người đàn bà này!

Phóng to

Bà Nguyễn Thị Cải

TTCN - Bà không trực tiếp sản xuất thép. Bà cũng không có cổ phần trong những nhà máy thép ở Thái Nguyên. Nhưng bà có khả năng làm “khuynh đảo” thị trường “đất thép”. Từ khách hàng tiêu thụ trực tiếp đến những đại lý cấp 1, 2, 3 ở các tỉnh thành hay các doanh nghiệp sản xuất thép qui mô nhất trên toàn miền Bắc... phải tìm đến bà. Vào thời điểm "cháy hàng", không một xe thép nào ra được khỏi Thái Nguyên nếu không nhờ đến bàn tay của người đàn bà này!

Bản lĩnh kinh doanh

Trước xuân Quí Mùi, bà nhận được một tin vui: năm thứ ba liên tiếp doanh nghiệp dịch vụ kim khí Thái Hưng của bà được đón nhận cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ! Vào thời điểm đó, kinh doanh phôi, thép phập phù, lúc lên lúc xuống. Giá phôi nước ngoài đã nhích lên dần do các nhà sản xuất VN nhập về, sản xuất nhiều, bán được nhiều, giá cao. Đến khi giá phôi tăng tới 300 USD/tấn, họ vẫn tiếp tục vay tiền ngân hàng nhập phôi, sản xuất tràn lan cho đến lúc... cung vượt quá cầu. Bà cũng đã toan tính vay tiền “buôn” phôi, phục vụ mùa xây dựng năm mới 2003.

Nhưng rồi nghĩ lại, bà làm một phép tính: nhà sản xuất VN làm ra thép thành phẩm bán rẻ 5.000 đồng/kg chẳng ai mua, thép ứ đọng ở tất cả các nhà máy. Trong khi phôi nước ngoài lên đến... 5.200 đồng/kg tính cả phí vận chuyển về đến VN. Tâm trạng chung của những nhà kinh doanh thép cầm chừng, đứng ngoài nghe ngóng chờ... ăn tết xong, hi vọng thị trường phôi, thép qua cơn chấn động. Thậm chí một số không dám bỏ tiền mua thép giá rẻ từ các nhà máy đang ứ hàng mặc dù biết sang năm mới nhu cầu thép sản phẩm rất lớn.

Vào thời điểm ấy, “người đàn bà thép” thể hiện phẩm chất “đàn chị”: bà không ăn tết, cập nhật thông tin từng giờ, phân tích thị trường phôi, thép quốc tế và nội địa, cho đến khi tung ra quyết định: dùng tiền buôn phôi chuyển hết sang buôn thép. Tổng số tiền huy động là... 100 tỉ đồng! 300 cán bộ, công nhân viên của bà đều “ăn tết” ngoài công trường để nhận hàng, sắp xếp thép dài thép cuộn thành từng núi trong tổng kho rộng trên 1ha.

Để “vét” hàng, bà “mua hộ” Nhà máy thép Tisco Thái Nguyên... 15.000 tấn thép, Nhà máy SSE Hải Phòng... 5.000 tấn, ba nhà máy liên doanh với Singapore trên 3.000 tấn... Qua tết, sang tháng 3-2003, hàng bắt đầu “cháy” trên toàn bộ các tổng kho ở miền Bắc. Không cách nào khác các đại lý, nhà buôn, khách hàng trực tiếp phải lên Thái Nguyên tìm đường vào nhà bà. Con đường Thanh Niên Xung Phong dài gần 2km nối từ đường nhựa vào tổng kho của bà 24/24 giờ kín đặc xe tải 10-40 tấn nối đuôi nhau xếp hàng chầu chực cân và nhận thép. Bà phải bán... phân phối; lãi mỗi ký thép 200 - 500 đồng; tính tổng cộng sau “chiến dịch” này bà bỏ túi 10 tỉ đồng tiền lãi!

“Người học việc”

Phóng to
Cơ ngơi nhà xưởng 1ha của "người đàn bà thép"
Tên bà là Nguyễn Thị Cải, sinh năm 1947, chính hiệu dân Thái Nguyên. Năm 1965, sau khi đi thanh niên xung phong trở về, bà Cải xin vào làm thủ kho ở Công ty Kim khí Bắc Thái. Thời bao cấp, để làm một thủ kho giao nhận chỉn chu không phải là khó, bởi chuyện lời lãi, tiền nong đã có Nhà nước lo. Đến khi Nhà nước có cơ chế kinh tế mới, bà Cải làm đơn xin nghỉ hưu. Đó là năm 1990, bà Cải chấm dứt “nhiệm kỳ” 25 năm liên tục làm cho Nhà nước để về hưu với mức lương của thợ bậc 6/7 khoảng 500.000 đồng/tháng. Bà quyết chuyển hướng sang làm thép tư nhân. Nhưng mọi chuyện không dễ dàng, bởi Thái Nguyên đã có một đại gia thép, đó là ông cai Hoa.

Những năm 1980, ông Hoa đã đóng tàu thủy trọng tải lớn đi buôn gạo, buôn phân bón. Rồi ông chuyển qua làm xây dựng, đường sá, buôn đất... Cứ lĩnh vực nào làm ra tiền là ông nhúng tay vào nên dân Thái Nguyên gọi ông là “cai”. Trước những năm 1990 - 1992, thị trường thép Thái Nguyên do một tay ông Hoa điều khiển: ông được làm đại lý độc quyền cho Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng với mặt hàng tên tuổi và quan trọng nhất là thép cuộn. Nhớ lại thời kỳ đó, ông Hoa nhếch môi: “Bà Cải phải đưa khách qua tôi mới lấy được hàng!”.

Trái với vẻ tinh khôn của cai Hoa, bà Cải đến với nghề “buôn thép” bằng sự... khờ khạo. Những kinh nghiệm đầu tiên trong nghề buôn thép đã cho bà nhận ra một điều: thương trường không êm ả như chiếc ghế thủ kho giao nhận bà đã ngồi 25 năm qua!

Trong thời kỳ các nhà máy sản xuất thép làm ăn theo cơ chế bao cấp, sự “thống trị” của những nhà buôn như ông Hoa tạo nên dư luận ở Thái Nguyên về một thế hệ “đầu nậu” câu kết, tranh giành thị trường và khống chế lại các nhà sản xuất. Đến khi bập vào, bà Cải nhận ra vấn đề: các nhà máy trao đổi thép lấy vật tư, nhiên liệu đốt, thiết bị sản xuất... với các nhà xây dựng.

Nếu “đổi ngang” như vậy, nhà máy bị động, thậm chí dẫn đến lỗ; rồi lại vay tiền các đầu nậu, đổi lại đầu nậu nhận thép về bán. Cả hai bên cùng có lợi! Người có ảnh hưởng lớn, tiền bạc nhiều như cai Hoa, việc làm đại lý độc quyền cho nhà sản xuất còn được nhiều lợi hơn. Các nhà sản xuất thép cũng đã từng tiến hành nhiều biện pháp để bán hàng trực tiếp nhằm tạo công ăn việc làm cho công nhân, tăng lợi nhuận, nhưng do không có đầu mối chân rết, thủ tục rườm rà, điều tra thị trường, đối tác không sâu sát; dẫn đến tình trạng nợ đọng, nợ nhiều... Thậm chí Nhà máy luyện cán thép Gia Sàng phải vay tiền cai Hoa để... trả lương công nhân, cho thấy sự bất lực của họ cũng như sự lớn mạnh và ảnh hưởng của các đầu nậu.

Khi bà Cải nhảy vào thị trường thép, các nhà buôn bỗng dưng cạnh tranh thêm một đối thủ gan lì. Bà kể: “Họ khôn và kín lắm, buôn bán nhỏ lẻ tôi phải học lén dài dài. Từ mời khách, tiếp thị, đưa cơ chế thoáng, bán rẻ chịu ít lãi trong thời gian đầu. Khách hàng cũng tinh như ma, nghe đâu rẻ hơn từng đồng là mò đến, quay lưng với mối cũ”.

Nhưng rồi mảnh đất Thái Nguyên đã quá chật hẹp để xâu xé nên bà Cải quyết định phải vươn bàn tay ra xa. Chuyến hàng đầu tiên chuyển vào Vinh bà phải ăn nằm trên xe thép, áp tải vào tận nơi. “Để giữ khách, tôi đưa ra phương thức thuận lợi nhất có thể: hàng do tôi chọn và bảo đảm, chuyển vào tận nơi, giá rẻ hơn khi họ phải tự bỏ phí vận chuyển”. Sau lần ấy, đất Vinh - Nghệ An trở thành khách hàng ruột của bà Cải suốt 10 năm. Họ chuyển từng hòm tiền ra “đất thép” bằng tàu hỏa, đổi lại hàng đoàn xe thép của bà Cải chở hàng vào. Đó cũng là thị phần duy nhất bà không “đụng hàng” với cai Hoa.

Chuyển biến thị trường

Phóng to
Bà tiếp tục phương thức - nằm trên xe thép - áp tải hàng sang Hải Dương, Trung Quốc để giành giật thị trường xa cho đến khi có cơ hội ngàn vàng: vì vướng víu pháp luật, ông Hoa phải bỏ công việc buôn thép. Dân buôn thép Thái Nguyên mừng như cha chết sống lại. Mất mối, khách cần thép đâm ra loay hoay: họ không biết chọn ai để tiếp tục giao dịch, bà Cải hay những nhà buôn khác? Bà Cải lập tức hạ giá đồng loạt các mặt hàng thép thành phẩm, nhập phôi nước ngoài về bán giá thấp cho các nhà máy sản xuất. Quan hệ “dịu dàng” cả hai chiều, bà chấp nhận chịu lỗ để “đua” dài hơi với các nhà buôn khác bằng vốn. Thị trường thép Thái Nguyên chao đảo! Các nhà buôn khác không kịp trở tay. Khách hàng ùn ùn tìm đến bà Cải.

Hai năm sau đó bà Cải “phân bổ” lại được hơn 50% thị phần của “ông vua thép” cai Hoa. Tiền lãi thu được nhiều, bà đã mua được xe cẩu bò (trước đây phải thuê của... ông Hoa), mua được ôtô “bò ma” chở thép... Tiếng nói của bà trong “hội thép” (Hội Kinh doanh thép Thái Nguyên, gồm 13 doanh nghiệp) trở nên... nặng ký. Hội thép vẫn chơi với nhau, vẫn tươi cười khi đi họp, vẫn bắt tay khi ra về nhưng nội tình cạnh tranh dữ dội! Khi cai Hoa trở về làm thép lại, ông tung quân theo bà Cải, thấy bà chở thép đi đâu thì bám lấy, học hỏi xem bà kinh doanh kiểu gì. Ông Hoa thừa nhận: “Tôi tính chuyển sang sản xuất”. Ông chuyển thật và đang đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất thép 300 tỉ đồng ở Tam Điệp, Ninh Bình và quay lại mua của bà Cải 3.000 tấn phôi.

Bà Cải bảo: “Tôi luôn là con nợ, luôn nợ 95 tỉ đồng!”. Bà tính: “Tôi cầm giấy tờ năm ôtô con, 50 xe tải hạng nặng được 15 tỉ. Nhà cửa đất cát cầm được 35 tỉ. Gửi tiết kiệm được 40 tỉ, lại lấy sổ “cầm” ngân hàng, vay thêm bạn bè mới đủ 100 tỉ để “ra quân”! Lúc nào tôi cũng trong tâm trạng bị thế chấp!”. Doanh nghiệp cũ của bà bây giờ đã đổi tên mới: Công ty cổ phần thương mại dịch vụ Thái Hưng; doanh thu năm 2001 là 440 tỉ đồng, doanh thu năm 2002 tăng gấp đôi - 880 tỉ. Bà Cải bảo: “Năm 2003 làm ăn được, doanh thu một ngày trung bình 4 tỉ đồng!”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận