Quảng Nam: Cán bộ sai phạm được bố trí làm... công tác cán bộ!?

TTCT - Dư luận ở Quảng Nam đang tỏ ra bức xúc trước tình trạng nhiều quan chức đầu ngành của tỉnh bị kỷ luật, nhưng lại được đưa về giữ chức phó thủ trưởng cơ quan tại Ban Tổ chức tỉnh ủy và Sở Nội vụ. Vì vậy, tại một cuộc họp của Tỉnh ủy Quảng Nam mới đây, một số tỉnh ủy viên đã lên tiếng bất bình trước nghịch lý: cán bộ “có vấn đề” lại đi làm công tác cán bộ.

Phóng to
TTCT - Dư luận ở Quảng Nam đang tỏ ra bức xúc trước tình trạng nhiều quan chức đầu ngành của tỉnh bị kỷ luật, nhưng lại được đưa về giữ chức phó thủ trưởng cơ quan tại Ban Tổ chức tỉnh ủy và Sở Nội vụ. Vì vậy, tại một cuộc họp của Tỉnh ủy Quảng Nam mới đây, một số tỉnh ủy viên đã lên tiếng bất bình trước nghịch lý: cán bộ “có vấn đề” lại đi làm công tác cán bộ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ cuối tuần xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Đình Hòa - ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy, trưởng ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam - cho biết:

- Hiện tại Ban tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam có bốn phó ban và Sở Nội vụ có đến năm phó giám đốc sở. Theo qui định của trung ương, tùy theo tình hình thực tế của mỗi địa phương mà bố trí cán bộ cho phù hợp, nhiều nhất cũng không quá ba phó. Song thực tế hiện nay, số lượng cán bộ giữ chức phó tại Ban tổ chức tỉnh ủy và Sở Nội vụ tại Quảng Nam đang thừa.

Ngoài ba đồng chí phó Ban tổ chức tỉnh ủy đã có từ trước, mới đây có thêm trường hợp của nguyên giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Tấn Sơn do có sai phạm trong điều hành, quản lý để xảy ra một số vụ việc làm mất lòng tin của cán bộ dưới quyền và các huyện (đã chịu hình thức kiểm điểm, khiển trách) được bố trí về làm phó ban phụ trách công tác đào tạo.

Riêng Sở Nội vụ có đến năm phó, trong đó hai vị nguyên giám đốc sở; đó là nguyên giám đốc Sở Tư pháp Võ Văn Sĩ (không làm tròn chức năng người đứng đầu cơ quan, để tình trạng mất đoàn kết nội bộ kéo dài) và nguyên giám đốc Sở TD-TT Nguyễn Thế Thái (trong điều hành đã buông lỏng quản lý, sai phạm về nguyên tắc quản lý tài chính). Với các trường hợp này, UBND tỉnh đã khiển trách, làm rõ trách nhiệm.

* Thưa ông, đây chính là điều khiến dư luận trong cán bộ và nhân dân Quảng Nam bất bình: cán bộ có sai phạm, bị kỷ luật lại được bố trí vào những chức vụ quan trọng tại các cơ quan làm công tác cán bộ là Ban tổ chức tỉnh ủy và Sở Nội vụ?

- Với chúng tôi đây là một vấn đề rất khó giải quyết, bởi lẽ những sai phạm của các cán bộ này không đến mức phải xử lý kỷ luật là cách chức hoặc buộc thôi việc. Chính vì vậy, sau nhiều lần bàn bạc trong ban thường vụ, chúng tôi mới đi đến quyết định là điều các cán bộ này về tạm thời nhận công tác với chức vụ phó tại Ban tổ chức tỉnh ủy và Sở Nội vụ.

Thật ra đây chỉ là giải pháp tình thế. Chỉ bố trí tạm thời vậy trong một thời gian ngắn. Nói thì đơn giản vậy, nhưng để họ về làm việc ở hai cơ quan mới này với cương vị phó thủ trưởng, chúng tôi cũng phải làm công tác tư tưởng khá lâu. Giải quyết những vụ việc như thế này quả là rất mệt mỏi. Không phải chúng tôi không biết mình làm công tác cán bộ như vậy là chưa đúng.

Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, tại Quảng Nam nguồn nhân lực quá mỏng, vừa thiếu, vừa yếu, việc bố trí và điều động cán bộ thật hết sức khó khăn. Và trong số các giải pháp mà Ban thường vụ tỉnh ủy đã nhiều lần đưa ra bàn bạc, việc bố trí các cán bộ có sai phạm này về làm phó tạm thời tại hai đơn vị trên, theo tôi, là giải pháp khả thi nhất mặc dù biết là sẽ có nhiều phản ứng từ phía dư luận.

* Có ai trong số các cán bộ sai phạm này tự làm đơn xin từ chức không, thưa ông?

- Đó là điều chúng tôi luôn ủng hộ, nhưng thực tế thì chưa có ai đủ dũng cảm làm việc này. Cán bộ có sai phạm, đã đưa ra tổ chức họp kiểm điểm nhiều lần, vậy mà khi bố trí về vị trí mới vẫn eo sèo, thậm chí còn không muốn chấp hành.

Có trường hợp phải làm công tác tư tưởng nhiều lần mới xong. Vì công tác cán bộ đụng chạm đến từng cá nhân nên rất khó cho chúng tôi trong từng trường hợp. Họ là đồng chí của mình, có người đã từng vào sinh ra tử, mất mát, thiệt thòi trong chiến tranh; bây giờ có vi phạm khuyết điểm thì cũng từ từ mà uốn nắn.

Từ khi làm trưởng Ban tổ chức tỉnh ủy đến nay (gần ba năm) tôi chỉ nhận được duy nhất một đơn xin từ chức để trở lại làm công tác chuyên môn của một phó giám đốc Sở TD-TT vào tháng 7-2006 (đó là anh Thiều Hòa). Trường hợp này được thường vụ chấp thuận ngay và bây giờ đồng chí đó được đánh giá rất cao trong công tác chuyên môn.

* Trong khi cả nước đang thực hiện cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy thì Quảng Nam dường như đi ngược lại. Trên thực tế, công việc cần xử lý tại hai cơ quan này có cần thiết phải có nhiều phó như vậy không?

- Thật ra công việc cần tại hai cơ quan này không nhiều, chỉ cần một thủ trưởng và hai phó là đủ. Thậm chí lúc tôi làm giám đốc Sở Nội vụ từ năm 2001-2004 chỉ có một phó giám đốc nhưng công việc vẫn chạy đều. Nhưng như tôi đã trình bày ở trên, đây là việc chẳng đặng đừng vì không thể bố trí các cán bộ này về các cơ quan khác.

Chỉ riêng việc bố trí phòng làm việc, bàn ghế cho các vị này đã là khó khăn, rồi vì khi xây dựng trụ sở cơ quan có ai nghĩ là phải xây phòng làm việc cho năm phó giám đốc đâu. Trong nhiều cuộc họp bàn về công tác cán bộ của tỉnh, chúng tôi luôn thừa nhận là chính sách cán bộ của Quảng Nam còn nhiều hạn chế. Trên thực tế, một số cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác cán bộ nên trong chỉ đạo thiếu kiên quyết, chưa có những biện pháp phù hợp với từng đối tượng, từng cơ quan, đơn vị, còn nặng về hành chính.

Công tác quản lý cán bộ còn thiếu chặt chẽ, dẫn đến buông lỏng quản lý; có tư tưởng cục bộ, hẹp hòi, định kiến cá nhân trong đánh giá cán bộ. Vì vậy, trong nghị quyết của tỉnh ủy về xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ của tỉnh Quảng Nam đến năm 2010 và 2015, chúng tôi hứa sẽ khắc phục tình trạng trên.

* Vậy ông có lường trước việc xử lý cán bộ có sai phạm theo hình thức bố trí vào cơ quan làm công tác cán bộ sẽ gây mất niềm tin cho lớp cán bộ trẻ và nhân dân?

- Chúng tôi biết điều đó nhưng không thể làm khác hơn. Và khi biết sai, chúng tôi sẽ sửa. Cái gì cũng phải có lộ trình. Trong giai đoạn hiện nay, với một đội ngũ cán bộ còn quá mỏng, vừa thiếu lại vừa yếu, vì Quảng Nam mới tái lập tỉnh tròn mười năm, tất cả những gì mà Quảng Nam làm được là một cố gắng rất lớn rồi.

Trong việc xử lý cán bộ sai phạm, có nhiều trường hợp còn nhân nhượng, nhưng tôi khẳng định là không hề có sự bao che hay chịu bất cứ một áp lực nào. Trong từng công việc cụ thể, chúng tôi biết mình làm chưa đúng, chưa hợp lý, có thể gây ảnh hưởng đến niềm tin của lớp cán bộ trẻ và nhân dân, nhưng tôi tin mọi việc sẽ được xử lý rốt ráo hơn trong thời gian tới.

Ông Phan Nghĩa - giám đốc Sở Nội vụ Quảng Nam: Tôi phải nhận ngoài ý muốn của tôi

- Hiện nay, ngoài tôi làm công việc phụ trách chung còn có năm đồng chí làm nhiệm vụ phó giám đốc. Do số lượng người đông nên công việc được phân bổ cụ thể mỗi người chỉ chịu trách nhiệm một lĩnh vực. Thực tế, công việc tại cơ quan Sở Nội vụ không nhiều, chỉ cần hai phó là đủ, nhưng do cấp trên chỉ đạo nhận thêm người về nên tôi phải chấp hành.

* Một sở làm công tác có liên quan đến cán bộ mà có đến năm phó giám đốc, trong đó có đến hai người bị kỷ luật, ông nghĩ uy tín của cơ quan mình đối với xã hội có bị ảnh hưởng không?

- Tôi biết điều này đang gây xôn xao dư luận. Bản thân tôi cũng rất khó xử khi phải nhận thêm cấp phó, trong khi khối lượng công việc hiện nay không tăng thêm. Khi lãnh đạo tỉnh trao đổi với tôi về vấn đề này, tôi cũng đã tham mưu cho cấp trên bố trí công việc cho các đồng chí có sai phạm về một số ban, ngành khác nhưng ý kiến này không được chấp thuận. Là đảng viên, lại là cấp dưới, tôi phải phục tùng cấp trên, do vậy việc nhận thêm người về làm phó là ngoài ý muốn của tôi.

* Bố trí những cán bộ có sai phạm lại không rành về chuyên môn làm công tác cán bộ, theo ông, các đồng sự của ông có an tâm với công việc hiện tại?

- Điều đó tôi cũng đã nghĩ rất nhiều. Nhưng thú thật “lực bất tòng tâm”. Dĩ nhiên khi một người đã từng giữ cương vị giám đốc sở, nay lại đưa về làm phó và đang mang trên mình nhiều mặc cảm về sai phạm thì làm sao họ có thể yên tâm công tác được. Biết vậy nhưng đành chịu. Tuy nhiên, trong công việc hằng ngày, tôi luôn tôn trọng các đồng sự của mình trong xử lý công việc chung và rất dân chủ. Theo tôi, đây chỉ là giải pháp tạm thời. Hiện các anh lãnh đạo tỉnh đang tìm cách giải quyết để bố trí công việc phù hợp với từng trường hợp cụ thể.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận