Quyền năng của người lớn

TÔ THỤY DIỄM QUYÊN 27/03/2018 21:03 GMT+7

TTCT - Phạt sao cho “tâm phục khẩu phục”, để trẻ không có cảm giác bị khủng bố tinh thần, bị sỉ nhục?

Bức tranh Trường làng của họa sĩ người Đức William Bromley III
Bức tranh Trường làng của họa sĩ người Đức William Bromley III

 

Với câu hỏi: “Thầy cô đang dùng những hình phạt thế nào?”, chúng tôi đã nhận được những câu chuyện khó tin nhưng có thật. Những hình phạt “kinh điển” như “thụt xì dầu”, chép phạt, quỳ gối, úp mặt vào tường, ra cửa lớp đứng, hít đất, chạy vòng quanh sân trường... được nhiều thầy cô xác nhận là rất thường dùng.

Một cô giáo ở Điện Biên đã trung thực nhìn nhận mình từng sai lầm trong cách xử phạt học sinh và bây giờ đang nỗ lực ngăn chặn đồng nghiệp làm điều ấy với học sinh nhưng đáng buồn là... vô phương!

Một cô giáo trẻ rất hồn nhiên kể rằng cô thường phạt học sinh bằng cách... nhổ tóc! Đúng là kiểu phạt vô cùng “sáng tạo” bởi nó có vẻ tếu tếu chứ không bạo lực. Tuy nhiên hình phạt này vẫn là xúc phạm thân thể và nhân cách trẻ. Cũng cô giáo trẻ ấy lại có thêm hình phạt là bắt học sinh... lau lá cây. Không hiểu sau những hình phạt kỳ lạ ấy học sinh hiểu ra được điều gì và có động lực để khắc phục không?

Những câu hỏi

Phải chăng ai có lỗi thì bị phạt? Trong nhà trường có nhiều người, từ ban giám hiệu đến giáo viên, nhân viên... Các em học sinh thắc mắc: Chưa bao giờ thấy hoặc nghe chuyện ban giám hiệu bị phạt. Tại sao trong lớp có giáo viên và học sinh thì người bị phạt chắc chắn là học sinh? Trong nhà có cha mẹ và con cái thì con sẽ là người bị phạt... Chẳng lẽ họ không bao giờ có lỗi? Trong những cặp quan hệ này, người yếu hơn luôn là người phải chịu phạt. Điều này có bất bình đẳng và phi lý không?

Khi trẻ con bị phạt, có bao giờ người lớn nhìn nhận rằng hầu hết không phải lỗi do chúng mà lỗi bắt nguồn từ sự thiếu kỹ năng giáo dục của người lớn? Theo các nghiên cứu khoa học về tâm lý hành vi, những đứa trẻ sống trong sợ hãi của đe dọa và bạo lực sẽ có hành vi rất bản năng và man rợ.

Chúng còn bị giới hạn năng lực tư duy tưởng tượng và có xu hướng sử dụng bạo lực để giải quyết vấn đề. Trẻ luôn nhìn thấy cách người lớn cư xử với nhau là la hét, đập bàn ghế, ném đồ đạc... chắc chắn cũng sẽ có hành vi tương tự.

Tuy nhiên ở những nước phương Tây, khi giáo dục nhà trường không hề sử dụng hình phạt bạo lực với trẻ nhưng sao vẫn nảy sinh những hành vi bạo lực mà cả thế giới phải bàng hoàng? Những hành vi bạo lực này không xuất phát từ gia đình và nhà trường, nó xuất phát từ phim ảnh và xã hội là những thứ nằm bên ngoài tầm kiểm soát.

Xử phạt và trừng phạt

Theo tôi, khái niệm “xử phạt” (sanction) và “trừng phạt” (punishment) thường xuyên bị nhầm lẫn, thậm chí trong tiếng Việt cũng chưa có định nghĩa rõ ràng về hai thuật ngữ này.

“Xử phạt” đề cập tới một quy tắc hay nội quy đã được thống nhất nhưng nếu đứa trẻ không tuân thủ quy tắc thì sẽ bị xử phạt. Phải chắc chắn là đứa trẻ hiểu mục đích của việc thiết lập quy tắc (vì an toàn, vì tôn trọng tập thể, vì sự tiến bộ của chính đứa trẻ...) và biết hình phạt cụ thể sẽ là gì. Đứa trẻ biết rằng hình phạt chắc chắn sẽ được áp dụng trong trường hợp không tuân thủ quy tắc.

Ở lớp học, các quy tắc và hình phạt nên được thông báo và có sự thống nhất của trẻ ngay từ đầu năm. Tại nhà, cha mẹ cũng nên cố gắng làm như vậy.

“Trừng phạt” có tính chất “phủ đầu” hoặc “phản ứng” hơn là giáo dục. Nó thường đánh vào sự sợ hãi và sự sỉ nhục hoặc thậm chí hạ nhân phẩm đứa trẻ. Điều này không có giá trị giúp trẻ tích cực hơn mà có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tính cách của trẻ. Tính chất “phủ đầu” hoặc “phản ứng” ở đây chủ yếu là để giải tỏa sự bực mình của người lớn, kiểu “cho chừa”... chứ không hề có tính giáo dục.

Những đứa trẻ nhận sự trừng phạt sẽ có khuynh hướng tích tụ sự bất mãn và chống đối để đến một ngày nào đó bùng phát ra thành hành động mà người lớn quen gọi là “hỗn láo”. Mục đích của chúng ta là cần một đứa trẻ phát triển tốt trong một tâm thế hợp tác chứ không phải là cấm đoán đe dọa để trẻ chỉ làm đúng trước mặt người lớn và làm ngược lại sau lưng người lớn.

Phạt phải là giải pháp cuối cùng 

Người lớn bao gồm thầy cô và phụ huynh luôn cần phải thống nhất trước với trẻ, đảm bảo là trẻ đồng ý và hiểu quy định cũng như vì sao phải có quy định đó (vì an toàn, vì tập thể...). Nếu vi phạm thì phải làm cho trẻ hiểu là trẻ đã vi phạm và phải chịu xử phạt.

Trẻ vốn nhạy cảm nên sẽ nhận ra mình bị trừng phạt chứ không hề có sự cảm thông hoặc lý giải từ người lớn. Trẻ có cảm giác bị khủng bố tinh thần, bị sỉ nhục... và cảm thấy người lớn bất công, vô lý và không sửa chữa do không tâm phục khẩu phục.

Giải pháp phạt phải là giải pháp cuối cùng. Phải thực hiện các biện pháp: hướng dẫn, cho thời gian, khuyến khích, khen ngợi. Các chuyên gia khuyên cần phải có thỏa thuận từ trước, trẻ phải có ý kiến về hình phạt, khi nào thì phạt. Phải có xử trước khi phạt. Không chấp nhận trừng phạt chỉ vì cảm xúc nóng giận của người lớn. Đưa ra các lựa chọn để trẻ hiểu rằng chính trẻ chủ động chọn kết quả của mình chứ không phải hình phạt là do người lớn chủ động.

Không phạt thì nên làm gì để giúp trẻ ngoan?

Khoa học về việc tạo động lực đã minh chứng rằng nếu bạn gia tăng những khuyến khích cho hành vi tốt và hành vi tích cực sẽ giúp cho những hành vi này được lặp lại (theo Học thuyết tăng cường tích cực của B.F. Skinner).

Vì vậy, thay vì bạn thông báo rằng: “Ai thấy rác mà không nhặt sẽ bị trừ một điểm hạnh kiểm”, bạn hãy thay bằng: “Nếu em nào nhặt rác sẽ được cộng một điểm hạnh kiểm”.

Bạn hãy dạy trẻ làm một tờ lịch “Mỗi ngày một việc tốt” như lau bàn hộ mẹ, mang cặp giùm một bạn đang đau chân, nhặt rác trong sân trường... Khi trẻ chú ý đến việc thực hiện những hành vi tích cực thường xuyên sẽ quen dần lối sống tích cực và hình thành tính cách đạo đức.

Nếu một đứa trẻ đi học trễ, đừng mắng trẻ rằng: “Vì sao con suốt ngày đi trễ vậy?” mà hãy chờ ngày trẻ đi học sớm để khen: “Hôm nay con rất ngoan và nhờ con lớp đã được điểm cộng vì cả lớp đi học đúng giờ đấy!”. Đứa trẻ được khuyến khích làm việc tốt sẽ có xu hướng hiện thực hóa hơn là cấm làm việc không tốt.

Nếu trẻ nói chuyện và không tập trung học, bạn đừng nhiếc móc trẻ là hư đốn lười biếng, mà việc đầu tiên là hãy soi lại chính bản thân mình đã giảng dạy hiệu quả chưa. Một khi trẻ không chú ý bài giảng của bạn thì vấn đề chính nằm ở bạn hơn là ở đứa trẻ. Thay đổi cách tiếp cận, tổ chức dạy học tích cực giúp trẻ hứng thú hơn khi nghe giảng bài sẽ khắc phục tình trạng trẻ không chịu nghe giảng.

Để làm một điều gì đó, con người sẽ có bốn trạng thái như sau: bị ép buộc và đe dọa; hiểu rõ về lợi ích của việc mình làm; rất thích làm điều này; rất yêu thích làm điều này. Đó cũng chính là bốn mức độ hiệu quả của quá trình giáo dục trẻ. Bạn sẽ ép trẻ phải nghe lời bằng bạo lực hay bạn muốn trẻ có động lực để tự học, tự phát triển đều nằm ở kỹ năng của bạn.

Bạn không được phép cho mình thứ quyền năng dùng bạo lực với trẻ chỉ vì bạn là người lớn và mạnh hơn chúng. Quyền năng của người lớn nên là thứ năng lực có thể giúp cho trẻ tự lập và hạnh phúc khi trưởng thành.■

Một số khái niệm về kỷ luật học đường tại Mỹ

- Kỷ luật của lớp học là việc thực thi các tiêu chuẩn trong lớp học và xây dựng các mô hình hợp tác để giảm tối đa sự gián đoạn và tối đa hóa việc học.

- Kỷ luật phòng ngừa bao gồm những điều mà giáo viên có thể làm để ngăn ngừa các vấn đề kỷ luật xảy ra.

- Kỷ luật hỗ trợ bao gồm những điều mà giáo viên có thể làm trong khi giảng dạy để hỗ trợ khả năng hành xử của học sinh một cách thích hợp.

- Kỷ luật sửa chữa bao gồm những hậu quả mà chúng ta áp dụng cho hành vi sai trái của học sinh.

- Năng lực hấp dẫn bắt nguồn từ quan hệ của giáo viên với học sinh. Học sinh làm những gì giáo viên muốn vì họ thích thầy giáo.

- Năng lực chuyên gia bắt nguồn từ kiến thức vượt trội của giáo viên. Học sinh làm những gì giáo viên muốn vì sự nhiệt tình của giáo viên và kiến thức về môn học.

- Phần thưởng năng lượng bắt nguồn từ khả năng phân phát của giáo viên, đặc biệt là phê duyệt và khen ngợi. Học sinh làm những gì giáo viên muốn vì họ muốn nhận phần thưởng từ giáo viên.

- Quyền cưỡng bức bắt nguồn từ khả năng trừng phạt của giáo viên. Học sinh làm những gì giáo viên muốn vì tránh bị trừng phạt.

- Quyền chính đáng có nguồn gốc từ niềm tin của học sinh rằng giáo viên có quyền quyết định phải làm gì trong lớp học. Học sinh làm những gì giáo viên muốn vì họ nghĩ rằng họ nên làm theo hướng dẫn của giáo viên.

- Năng lực cá nhân bắt nguồn từ khả năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể hiệu quả của giáo viên trong khi thiết lập các giới hạn. Học sinh làm những gì giáo viên muốn vì họ thấy giáo viên là cá nhân mạnh mẽ.(Nguồn: www.mun.ca)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận