Sắc màu của dòng sông

TTCT - Cái “xưởng thủ công mỹ nghệ mini” nằm day mặt ra phía bờ sông. Kêu bằng cái xưởng vậy cho ra vẻ nhà nghề một chút chớ thực chất nó chỉ là một cái nhà nhỏ hai gian. Gió mát rượi lùa từ bờ bên kia qua, lùa theo sống lưng những tàu dừa rồi tẻ xuống từng chiếc lá phe phẩy, nghe xào xạc những khúc hát quê mùa.

Phóng to
Minh họa: Hoàng Tường
TTCT - Cái “xưởng thủ công mỹ nghệ mini” nằm day mặt ra phía bờ sông. Kêu bằng cái xưởng vậy cho ra vẻ nhà nghề một chút chớ thực chất nó chỉ là một cái nhà nhỏ hai gian. Gió mát rượi lùa từ bờ bên kia qua, lùa theo sống lưng những tàu dừa rồi tẻ xuống từng chiếc lá phe phẩy, nghe xào xạc những khúc hát quê mùa.

Những chùm bông dừa trắng muốt lung lay theo gió, ngan ngát mùi hương quen thuộc của xóm Dừa. Dưới gốc những cây dừa già chót vót là những cây dừa trồng trễ mới cho trái lứa đầu, quày nào cũng thiệt bự, bóng láng phát ham, đứng soi bóng xuống mặt sông khoe mình đang thời tươi tốt.

Dòng sông quanh năm ngọt ngào tươi mát như nước dừa xiêm, làm tấm gương phẳng lặng ôm bóng hàng dừa vào lòng. Rễ dừa giữ đất dọc bờ sông. Hai bên bờ được nối liền bởi một nhịp cầu dừa. Ai cũng nói sông xóm Dừa bao nhiêu nước thì người xóm Dừa bấy nhiêu tình...

Có nhiều tác giả viết truyện về thế giới người khiếm thị, như Nguyên Hương với vài truyện ngắn đã in trên TTCT, nhưng cây bút trẻ xứ Long An Mai Văn Quí vẫn có cách riêng của anh để khiến người đọc ngậm ngùi, thương cảm khi đọc Sắc màu của dòng sông. Một bài ca cổ đẹp và buồn.

Quê ở Bến Lức, tốt nghiệp về luật thương mại Đại học Luật TP.HCM, hiện là nhân viên kế toán Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Vĩnh Hưng, Long An nhưng Mai Văn Quí (sinh 1979) đến với văn chương khá sớm. 15 tuổi đoạt giải nhất cuộc thi thơ văn của Nhà Thiếu nhi Long An, năm sau (1995) đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác văn học của Hội VHNT tỉnh Long An với truyện ngắn Gã ở trọ. Anh còn có truyện ngắn in chung trong vài tuyển tập.

Tuyết Lệ là một con bé bất hạnh ở xóm Dừa. Tuyết Lệ cũng giống như tụi thằng Hí, thằng Nheo, thằng Lồi, con Nhường - tất cả đều bị khiếm thị bẩm sinh, không hề biết xung quanh mình còn có những sắc màu rực rỡ, cũng đâu biết dòng sông là gì và đâu hình dung được hình dáng những cây dừa ra sao. Không biết kiếp trước có làm gì nên tội hay không mà kiếp này tụi nó phải chịu tật nguyền từ trong bụng mẹ tội nghiệp như vầy. Thật ra không có tiền kiếp nào hết, mà xóm Dừa ngày xưa chính là nơi bị giặc đổ trút chất da cam, theo thời gian chất độc ăn sâu vào mảnh đất nghèo khó này, làm cho những đứa trẻ sinh ra bị dị tật rất nhiều, nhiều nhất là bị lòa mắt, có đứa mắt vẫn mở mà không thấy được gì ngoài một màu đen thăm thẳm.

Có một thanh niên đồng cảm với những mất mát ấy của đám trẻ nhỏ. Anh tên Văn. Văn gom tất cả những đứa khiếm thị lại để dạy chúng làm hàng thủ công mỹ nghệ. Văn có một đôi mắt thiệt sáng, một đôi mắt để nhìn cuộc sống rất rõ ràng không những chỉ cho anh mà còn để nhìn thay cho những đôi mắt thơ ngây không bao giờ tìm thấy ánh sáng.

Ban đầu tụi nhỏ làm việc hết sức khó khăn, nhưng từ từ nhờ sự kềm cặp của Văn mà chúng quen tay và làm được nhiều sản phẩm lạ mắt. Văn đã thổi hồn của thiên nhiên, của mầm sống vào lòng tụi nhỏ, đánh thức óc tưởng tượng của chúng. Anh luôn theo sát những đôi tay lần mò nhưng tỉ mẩn. Tuy hàng thủ công của mấy anh em không tinh xảo như của những người lành lặn khác nhưng chúng được chắt chiu từ bao giọt mồ hôi của bọn trẻ, lại long lanh tấm lòng nhân hậu của Văn.

Lệ hay mằn mằn dò đường ra bờ dừa để tưởng tượng dòng sông theo lời anh Văn tả, nhưng ráng hết sức nó cũng không thể nào hình dung nổi, chỉ nghe những con sóng vỗ thầm thì. Nhớ lại lúc còn nhỏ xíu, má tả cho Lệ nghe hình dáng của cái bậc thềm bằng đất ba đắp ngang cửa để cản nước sông tràn vô nhà khi mùa nước lớn, rồi giao cho nó một cây gậy để dò đường tránh cái thềm. Lệ quăng cây gậy, lấy tay rờ thử và tưởng tượng ra được hình dáng của cái bậc thềm dễ ẹt.

Rồi nó đứng trên bậc thềm nhảy xuống và bắt trớn từ dưới nhảy lên bậc thềm, té ịch đụi nhưng khoái chí cười ngất, một chút sau thấy thấm đau thì đổ thừa tại đôi mắt, nguyền rủa đôi mắt rồi lấy tay đấm vào đôi mắt tật nguyền vô tội ấy. Má Lệ nước mắt chảy thành dòng. Còn ba thì lặng thinh lấy cuốc phá cái bậc thềm, nước có tràn vô nhà bao nhiêu cũng kệ. Giờ đây, Lệ không biết bờ sông có giống như cái bậc thềm nhà mình hồi xưa không nữa, còn dòng sông chắc tròn tròn bự bự giống như cái mái lu vì nó hớp một ngụm nước sông uống thấy ngọt như nước chứa trong hai cái mái lu nhà nó vậy.

Lớn lên, đôi mắt Tuyết Lệ càng tròn nhưng càng vời vợi xa xăm, ánh mắt có lúc như nói lên điều gì - ánh mắt của đứa con gái đương tuổi dậy thì ẩn chứa bao nỗi ưu tư. Lệ hay ngồi nhìn ra phía sông dù phía trước chỉ là một màu tăm tối. Nó cũng hay hờn giận, cái tính xấu này mới xuất hiện chớ trước nay làm gì có.

Lệ không hề nói ra nhưng anh Văn đã biết nó đang ganh tị với chị Nhãn vì chị Nhãn may mắn hơn nó; trong ký ức chị Nhãn đã có sắc màu, có hình dáng con sông, chị còn nhớ mang máng cái thân cao cao của những cây dừa dọc bờ sông. Nhưng Văn đâu biết cái chính khiến Lệ hay hờn giận là vì chị Nhãn được Văn thương nhiều hơn tụi nó. Rất nhiều lúc Lệ cũng thương chị Nhãn nhiều nhất vì chị còn bất hạnh hơn tụi nó, tội nghiệp hơn tụi nó: chị Nhãn mồ côi, còn tụi nó tuy mù nhưng đứa nào cũng còn đủ cha đủ mẹ.

Chị Nhãn được bà nội gởi vào xưởng làm sau tụi nó. Chị hay kể cho tụi nó nghe thuở còn con nít của chị, đứa nào cũng há miệng ra say sưa dòm về phía có giọng kể của chị. Chị Nhãn kể chuyện hay quá, chị đưa tụi nó vào những trò chơi con nít vui mê tơi, nghe thiệt ngộ mà tụi nó chưa từng được biết nói gì được thấy. Một đám trẻ khiếm thị quây quần xung quanh một cô gái mù để được nghe kể chuyện chạy nhảy, quậy phá. Nhưng khi bọn trẻ hỏi tại sao mắt chị Nhãn bị mù và mù từ bao giờ, chị nhất định không nói.

Có lần chú Sáu nhìn đôi mắt chị Nhãn rồi cắt nghĩa theo chữ Nho: “Nhãn là mắt. Vì ba má con Nhãn quí đôi mắt đẹp của con mình mới đặt như vậy”. Chị Nhãn lại im lặng, một nỗi im lặng nghèn nghẹn, rưng rưng khiến chú Sáu thấy bối rối như người có lỗi. Lệ “đỡ đòn” giúp chú Sáu: “Tại đôi mắt chị tròn như hai hột nhãn”. Mà ai thấy cũng khen đôi mắt chị Nhãn đẹp thiệt đẹp, nó tròn xoe, đen huyền, long lanh, đôi mi cong vút. Có đôi mắt đó không biết sướng hay khổ về sau, bởi Lệ nghe người ta nói vận mệnh con người ở trong đôi mắt.

Chú Sáu hay giúp Văn bán hàng cho mấy tiệm đồ lưu niệm hay thỉnh thoảng khi đi công việc chú lại kết hợp đem sản phẩm của tụi nhỏ ra mấy nhà sách lớn quảng cáo giùm. Bán được hàng nhưng chưa chẵn tiền, chú lại đắp thêm tiền túi vô cho chẵn. Rồi những lúc ở không, chú xách cái rađiô qua xưởng vừa mở thời sự nghe, vừa làm phụ những việc không đòi hỏi phải khéo léo hay những việc tụi nhỏ không làm được vì cần hai con mắt. Thỉnh thoảng chú hì hụi chặt mớ cổ hũ giòn rụm ngọt thơm từ mấy cây dừa bị đuông ăn trong vườn nhà, chú đem qua hay biểu bà xã chú nấu cho mấy anh em một nồi chè nước cốt dừa để vừa ăn vừa làm.

Ai đời có mấy mối hàng bất nhơn đặt mười bức tranh xơ dừa vẽ cảnh dòng sông. Văn cắt nghĩa dòng sông muốn khô nước miếng mà tụi nhỏ vẫn không hình dung được, mỗi đứa có một dòng sông khác nhau: dòng sông của thằng Hí thì như vòng tay tròn mà không tròn, dòng sông của con Nhường thì dài thườn thượt, còn dòng sông của thằng Lồi thì méo xẹo như ai lấy sống dao đập trái dừa khô bể bậy.

Chỉ mình chị Nhãn là có hoa tay, chị vẽ đẹp hơn tụi nhỏ gấp nhiều lần. Chị Nhãn đã vẽ được dòng sông nhưng chị vẽ cực lắm. Mỗi lần nghe tanh mùi máu là cả đám biết chị Nhãn bị đứt tay, nhưng chị bậm môi chịu đựng. Anh Văn luôn miệng khen chị Nhãn thể hiện dòng sông thiệt giống và thiệt có hồn. Mỗi ngày nghe tiếng xe đạp cọc cạch là biết ngay anh Văn đưa chị Nhãn về. Trong gió chiều, tà áo bà ba màu hồng của chị Nhãn bay chấp chới mà tụi nhỏ không bao giờ thấy, chị Nhãn cũng không bao giờ thấy.

Được chỉ dẫn cho chị Nhãn, được làm chung với chị Nhãn, được chở chị Nhãn về là niềm vui của anh Văn. Ở bên chị Nhãn, bao nhiêu mỏi mệt vì công việc anh Văn thấy tan biến hết, tan theo những nụ cười ngọt ngào và đôi mắt rạng ngời của chị Nhãn. Tự nhiên Tuyết Lệ cảm thấy tủi tủi, cảm thấy... khó tả lắm, còn tụi thằng Hí, thằng Nheo, thằng Lồi, con Nhường thì vẫn cứ tỉnh bơ có sao đâu!

Một ngày kia không ai có thể ngờ rằng hàng thủ công mỹ nghệ của “xưởng khuyết tật” bán chạy như tôm tươi, chắc người ta thấy mặt hàng đẹp ở sự nhẫn nại vô bờ vượt qua số phận. Hàng đắt, mấy anh em làm quên mệt. Bữa đó Lệ được anh Văn khen tiến bộ, khen thể hiện dòng sông gần giống, chỉ cần tưởng tượng một chút xíu nữa thôi. Lệ thắc mắc sao bữa nay anh Văn chỉ khen tới nó rồi dừng lại, chị Nhãn lúc nào cũng làm đẹp hơn tụi nó mà? Nghĩ vậy chớ nó không nói gì, chị Nhãn cũng không nói gì.

Ngoài trời, gió chớm xuân phơi phới, thoang thoảng mùi hương bông dừa thổi những luồng nhẹ nhàng mát rượi phía nó với chị Nhãn. Hai cô gái đang tuổi mới lớn hất nhẹ khuôn mặt thơ ngây cho những sợi tóc dài thôi lòa xòa trên trán khi gió thổi, đôi mắt vẫn hướng thẳng về phía trước không chớp, đôi tay vẫn chậm rãi làm những động tác thường ngày. Còn anh Văn ở bên cạnh thì ngồi im, chút chút lại thở dài sườn sượt.

Hóa ra bà nội chị Nhãn đã giới thiệu đôi tay khéo léo của chị Nhãn cho một người đàn ông giàu có ở thành phố. Ông ta chú ý đôi mắt cuốn hút của chị Nhãn, hứa sẽ đưa chị Nhãn tới bệnh viện lớn để phẫu thuật tìm lại ánh sáng cho đôi mắt ấy. Văn không có quyền ngăn cản, mà sao anh lại ngăn cản, người ta trả lại ánh sáng ngày xưa cho Nhãn thì anh phải mừng chứ; nhưng linh tính báo cho anh biết: để có ánh sáng, Nhãn phải đánh đổi bằng một thứ gì khác.

Nhãn hiểu lòng anh Văn, Nhãn nói Nhãn đi ít ngày thôi, chừng nào mắt sáng sẽ về xưởng làm nhiều sản phẩm tốt hơn. Chú Sáu cũng sợ mất Nhãn như anh Văn, nói lí nhí vói theo bà nội Nhãn: “Thuở đời nay, con nhỏ tật nguyền mà bày đặt giới thiệu người này ngươi nọ mần chi. Cái đời ma quỉ này biết ai tốt ai xấu, bụng dạ con người lạ hoắc làm sao biết được, bác ơi là bác...”.

Chị Nhãn đi mổ mắt, “xưởng thủ công mỹ nghệ mini” mất một tay vẽ đẹp. Lệ và tụi thằng Hí, thằng Nheo, thằng Lồi, con Nhường phải cố gắng nhiều hơn. Trời Phật phù hộ, hàng vẫn đắt. Mấy cây dừa thấp trái tràn cả quày bây giờ đã hết trái, những trái dừa ở quày cao hơn như thách thức. Văn hết thọc rồi leo. Đuối sức, Văn té xuống đất. Trong bóng tối, bọn trẻ biết anh té nặng lắm, đau đớn lắm.

Chú Sáu vừa đi bỏ hàng cho mấy anh em nó về, lại xấc bấc cùng tụi nó đưa Văn vào bệnh viện. Người ta băng bột khúc chân bị gãy của Văn. Mấy đứa nhỏ đứa nào cũng khóc. Lệ khóc nhiều nhất, dai nhất. Khóc ở bệnh viện chưa đã, về nhà nó còn ra ôm gốc dừa khóc tức tưởi. Khóc vì cái đau đớn của anh Văn. Khóc vì cái đau đớn của nó: nó biết từ lâu anh Văn đã để ý thương yêu chị Nhãn. Nó là đứa đầu tiên chạy tới đỡ anh Văn lúc anh mới trên cao té xuống. Xoa dầu ở chân anh, xoa dầu ở tay anh, nó đụng trên tay anh một chiếc kẹp tóc hình trái tim mà miệng anh luôn kêu tên Nhãn.

Chiếc kẹp hình trái tim anh mài bằng gáo dừa, gọt giũa cẩn thận từng ly từng chút trong nhiều ngày để tặng riêng cho một mình chị Nhãn, lúc nào cũng giữ trong túi áo gần trái tim thật của anh. Mặc kệ đau đớn, điều trước tiên Văn coi chiếc kẹp còn nguyên vẹn không, nhưng chiếc kẹp đã gãy đôi rồi. Lòng Tuyết Lệ nhói đau, không biết vì tiếc chiếc kẹp hay tủi thân mình, ước gì chiếc kẹp tóc là của mình thì dù có gãy ra trăm mảnh nó cũng vui. Lần đầu tiên cái con bé chưa từng thấy hình dáng những giọt nước mắt như thế nào đã mặc tình để cho nước mắt chảy tràn như vậy.

Nước mắt có thành dòng sông không mà sao cũng gọi là dòng? Nó không biết màu trắng bông dừa nhưng nó biết bông dừa đang rụng tơi bời dưới chân. Anh Văn té nặng lắm nè. Chị Nhãn ơi... chị Nhãn...

* * *

Dòng sông lúc này êm ả, thỉnh thoảng mới có một cơn gió mát lùa từ bờ bên kia qua, lùa theo sống lưng những tàu dừa rồi tẻ xuống từng chiếc lá phe phẩy làm cho những trái dừa non mới đậu rớt xuống nước nghe lủm tủm. Cây dừa già khom người ủ rũ hối hận làm Văn té đau. Chị Nhãn đã sáng mắt, canh cánh bên lòng nỗi nhớ “xưởng thủ công”, bà nội chị dắt chị sang từ biệt mọi người. Sau khi phẫu thuật, đôi mắt chị Nhãn càng tròn xoe, đen huyền và sáng trong hơn nhưng rất tiếc là bọn trẻ mãi mãi không được nhìn thấy đôi mắt đẹp của chị Nhãn như lời anh Văn kể.

Còn chị Nhãn nôn nao được nhìn thấy các bạn, thấy anh Văn, thấy chú Sáu, thấy những người thân trong gia đình. Có ánh sáng rồi, chị Nhãn nhất định sẽ cùng bà nội tìm kiếm ba mẹ khắp mọi nẻo đường. Và bây giờ chị Nhãn đã thấy lại dòng sông. Sau bao năm dài không gặp ánh mắt chị Nhãn, dòng sông vẫn như xưa nhưng chị Nhãn thì có nhiều thay đổi: vâng lời bà nội, chị đã nhận lời cầu hôn của người đàn ông đứng tuổi kia; chị sẽ có một tương lai tươi sáng vì người ta có cả một công ty sản xuất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ lớn, thường xuyên mở triển lãm ở trong và ngoài nước để đưa tên tuổi các nghệ nhân vươn xa, chừng đó chị mặc sức làm sản phẩm.

Chú Sáu tức bà nội chị Nhãn lắm nhưng chú không chứng kiến cảnh bà già rơm rớm nước mắt nhìn thấy cháu nội sáng mắt, nhớ lại cái cảnh nghèo khó ngày xưa. Đôi mắt con Nhãn hồi đó đâu đến nỗi đui mù nếu mẹ Nhãn, con dâu của bà, không bỏ chồng bỏ con chạy theo một gã đàn ông giàu có, phong tình để cho ba con Nhãn phải bỏ đi biệt xứ kiếm tiền chữa trị cho con đến nay vẫn chưa thấy về, để cho con Nhãn có cha mẹ cũng thành đứa mồ côi.

Vậy là chị Nhãn sắp ra đi. Lần này chắc đi lâu lắm và biết có về không? Anh Văn giận mình bất lực, uống rượu một mình, chỉ có chú Sáu thấy mặt anh đỏ như gấc mà trề môi: “Thằng này uống rượu như thằn lằn uống nước cũng bày đặt” chớ chú hổng hiểu gì hết, hồi nào tới giờ anh Văn đâu có tâm sự tình cảm của mình với ai. Có lúc Văn ngồi trầm ngâm một mình, đập bể mấy mặt hàng thủ công mà mình từng tỉ mẩn còng lưng ngồi gọt giũa, nhưng khi nhìn thấy đám trẻ mù, Văn lén lượm lại, vuốt ve...

Những hũ màu đổ tràn lan dưới đất: màu đỏ, cam thiệt nóng hòa trộn với những màu lạnh thành một màu gì u tối lắm. Lần đầu cũng là lần cuối, chị Nhãn được thấy những dòng sông do chính tay mình vẽ trong bóng tối. Dòng sông có con nước ròng nước lớn, có con thuyền chở theo những tình cảm của Văn, của chú Sáu, của các bạn mù lòa. Dòng sông bằng sắc màu.

* * *

Rồi Nhãn cũng bước qua cầu dừa, sang bờ bên kia sông, bỏ lại sau lưng cái xưởng thủ công quen thuộc, bỏ lại dòng sông lai láng nước, bỏ lại hàng dừa gợi nhiều kỷ niệm, bỏ lại đầy những bình hoa, tranh xơ dừa, những mặt nạ mang hình thù của người bội bạc. Có cả chiếc kẹp hình trái tim bị gãy đôi Nhãn không biết của ai...

Trời xóm Dừa vào lúc ráng chiều. Nắng chói chang quá hắt vô làm chi cho mắt Văn cay xè. Lệ không nhìn thấy nắng nhưng biết mắt mình cũng cay xè vì nắng. Từ hai đôi mắt ấy - một nguyên vẹn, một tật nguyền - rơi ra những giọt nước. Sao mà trong lòng người ta có những cái buồn chuyền đi kỳ cục như vậy.

Hai anh em ngồi lắng nghe tiếng dòng sông hát những lời hát khẽ và cùng dõi mắt về phía bờ sông bên kia xóm Dừa, hướng về thành phố. Không biết ở nơi đó người ra đi có được hạnh phúc hay không, để cho người ở lại được yên lòng. Cách chiếc nạng gỗ của Văn không xa, có tiếng của những trái dừa non mới đậu rơi lủm tủm, lủm tủm... xuống dòng sông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận