TTCT - Những bức tranh được vẽ từ hàng trăm năm trước bất chợt khuấy động không gian mạng, trở thành một chủ đề bàn luận vì chúng trông thật giải trí, chuẩn meme (ảnh chế). Nhưng đằng sau những hình vẽ đó là cả một thế giới Trung Cổ với nhiều lý thú. Hôm nay bạn trông giống con sư tử thêu nào? Ảnh: SADANDUSELESSNăm 2018, Matthew Ponesse, phó giáo sư sử học tại Đại học Ohio Dominican, lập tài khoản Instagram @medievalistmatt để kết nối với sinh viên, đăng tải nội dung liên quan thời Trung Cổ để giúp sinh viên giải trí. Tài khoản hoạt động khá thầm lặng cho tới khi bất ngờ bùng nổ năm 2024 (hiện có 160.000 người theo dõi), khớp với thời điểm dân mạng phát sốt với "meme Trung Cổ".Chính Ponesse cũng sớm nhận ra sinh viên và người theo dõi rất thích ảnh "độc lạ", những thứ khác biệt so với hình ảnh trong các tài liệu chính quy về thời đại này. "Tôi thật sự ngạc nhiên trước việc lịch sử Trung Cổ lại có thể lan rộng đến thế" - Ponesse nói với ABC News (Úc) hồi tháng 3, và tiết lộ: nếu muốn được yêu thích và chia sẻ nhanh chóng, đăng ảnh động vật là dễ nhất. Tất nhiên không phải động vật được họa theo hình dung của chúng ta bây giờ - từ ốc sên cầm kiếm chiến đấu với hiệp sĩ tới voi có bàn chân chó hay hải ly có đuôi cá.Vì sao những tác phẩm vẽ động vật, lấy từ các kho lưu trữ lịch sử ít người biết đến, lại xuất hiện đầy rẫy trên Instagram? Và vì sao chúng lại trông kỳ quặc đến vậy trong mắt chúng ta ngày nay?Kỳ quặc, ngớ ngẩn, đáng sợ...Một những lý do chính khiến hình ảnh động vật trong nghệ thuật Trung Cổ trông khác thường là do các họa sĩ thời đó hiếm có cơ hội quan sát trực tiếp chúng.Điển hình như loài sư tử, vốn đã tuyệt chủng ở châu Âu trước thời Trung Cổ. Sư tử được đưa đến châu Âu trong giai đoạn này chủ yếu làm quà tặng ngoại giao dành cho giới quý tộc và hoàng gia, được nuôi nhốt trong các dinh thự kín cổng cao tường. Vì vậy, muốn tái hiện loài vật này chỉ có thể dựa vào mô tả bằng lời hoặc hình vẽ của những họa sĩ khác, dẫn đến việc tam sao thất bản hay thầy bói xem voi - ngày càng xa rời thực tế.Ảnh: OUT OF MANAVà thực ra, người Trung Cổ cũng không quá bận tâm đến tính chính xác. Nói cách khác, họ vẽ những gì mình nghĩ chứ không phải những gì mình thấy. Thử nhìn vào mặt những con mèo được vẽ, ta thấy chúng đôi khi mang biểu cảm kỳ quặc, thậm chí giống con người một cách đáng sợ.Lý giải cho điều này, các nhà sử học nghệ thuật có hai giả thuyết chính được chia sẻ trên tạp chí Far Out. Một số cho rằng mèo bị coi là loài vật mang điềm xấu, bị xa lánh hoặc bị xem là tai họa. Ngược lại, có bằng chứng từ các bản thảo với dấu chân mèo cho thấy chúng được yêu mến và sống gần gũi với con người, có thể dẫn đến việc chúng được vẽ theo phong cách nhân hóa.Một bài viết lý thú trên Instagram @medievalistmattCòn theo tạp chí The Collector, trong các bản thảo thời Trung Cổ, hình ảnh động vật thường xuất hiện như chi tiết trang trí, có thể liên quan hoặc không liên quan đến nội dung văn bản. Chúng có thể được tìm thấy ở khoảng trống, chữ cái đầu trang trí, khung viền và nhiều chỗ khác, lúc thì nổi bật, lúc thì ẩn giấu.Hình vẽ ở lề trang được gọi là "hình lề" (marginalia), chúng hài hước, khiếm nhã, thậm chí tục tĩu. Đủ loại động vật làm công việc của con người như nướng bánh, chơi nhạc, làm bác sĩ, thầy tu. Và thường thấy thỏ đánh lại thợ săn, ốc sên chiến đấu với hiệp sĩ, khỉ mặc đồ người... Cảnh này vừa buồn cười vừa kỳ quái, đôi khi hơi đen tối, tất cả tạo nên một thế giới Trung Cổ nghịch ngợm. Đáng nói là, những hình vẽ này thường xuất hiện trong các sách tôn giáo, bên cạnh những nội dung rất nghiêm túc. Tại sao lại thế? Đây là điều bí ẩn mà các nhà nghiên cứu vẫn thắc mắc và khiến nhiều người thích thú với những tác phẩm này.Các học giả đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về mục đích của những hình minh họa này. Một số cho rằng chúng là những bài học đạo đức, trong khi những người khác xem chúng như những lời phê bình mang tính trêu đùa hoặc phản ánh các chuẩn mực xã hội.Thưởng lãm sao cho đúng?"Mọi người thường nghĩ rằng mình đang cười nhạo thời Trung Cổ, nhưng thực ra, họ đang cười cùng với thời Trung Cổ. Những nghệ sĩ thời đó cố tình tạo ra sự hài hước" - Shirin Fozi, phó giám tuyển Phòng nghệ thuật Trung Cổ (Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan), chia sẻ với trang Hyperallergic.Quan điểm này được nhà nghiên cứu Olivia Swarthout ủng hộ. Swarthout là chủ tài khoản mạng xã hội nổi tiếng Weird Medieval Guys trên X, nơi cô bắt đầu đăng những nội dung hài hước về lịch sử nghệ thuật từ tháng 4-2022. Tháng 11-2023, Swarthout xuất bản quyển Weird Medieval Guys: How to Live, Love, Laugh (and Die) in Dark Times - một cẩm nang thú vị hướng dẫn cách "thưởng thức" các tranh vẽ độc lạ thời Trung Cổ.Minh họa cá voi (chứ không phải sư tử biển), thế kỷ 13. Ảnh: Thư viện Anh/Wikimedia CommonsSwarthout giải thích: "Rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được tạo ra trong thời Trung Cổ phản ánh cuộc sống và trải nghiệm của con người thời đó... và chúng là một phần của văn hóa đại chúng". Trong cuộc trò chuyện với CNN, cô cho rằng tìm hiểu đời sống và toàn bộ thế giới Trung Cổ giúp kết nối các chủ đề khác nhau, đó cũng là mục đích của cuốn sách của cô.Cô cũng bày tỏ sự bất ngờ trước sự nổi tiếng nhanh chóng của tài khoản X của mình (hiện có hơn 600.000 người theo dõi). Dù có nhiều tài khoản hài hước về lịch sử nghệ thuật trên mạng xã hội, nội dung mà Swarthout chia sẻ đã phát triển rộng hơn. Cô cũng có tài khoản Instagram, bản tin Substack và podcast chuyên về lịch sử thời Trung Cổ với hy vọng sẽ làm sáng tỏ những lầm tưởng về thời kỳ này.Mặc dù những hình ảnh minh họa đã có từ xa xưa, Swarthout vẫn tìm thấy sự liên kết giữa chúng với cuộc sống hiện đại. Cô chỉ ra nhiều điểm tương đồng giữa cuộc sống thời Trung Cổ và ngày nay, từ những khó khăn trong tình yêu, các vấn đề với chủ nhà cho đến những đại dịch.Mèo khuấy bơ. Ảnh: @WEIRDMEDIEVALSwarthout cố gắng tránh tập trung quá nhiều vào cách nhìn hoặc đánh giá của người hiện đại về những hình ảnh này. Thay vào đó, cô muốn cung cấp những hiểu biết mới về cuộc sống hằng ngày trong giai đoạn lịch sử này, điều này đòi hỏi phải nhìn nhận vượt ra ngoài những lời chỉ trích về chất lượng nghệ thuật. "Tôi không thực sự có ý định biến nó thành một tài khoản meme, mặc dù tôi nghĩ rằng có rất nhiều yếu tố hài hước vốn có trong đó" - cô nói thêm.Lấy tấm hình vẽ con mèo khuấy bơ làm ví dụ, Swarthout hình dung rằng con người nhiều thế kỷ trước cũng thích thú với những hình ảnh hài hước. Những tác phẩm này, dù đôi khi thiếu tính chính xác hay không được thực hiện với kỹ thuật tỉ mỉ, lại ẩn chứa vô số thông tin về cuộc sống thời Trung Cổ.Ở đây chúng tôi không làm thếChúng ta ngày nay thường nhìn nhận nghệ thuật qua lăng kính của thời Phục Hưng, nơi các bậc thầy như Leonardo da Vinci và Michelangelo đã dày công nghiên cứu giải phẫu học, tạo nên những tác phẩm đạt độ chính xác cao. Trước đó, Hy Lạp và La Mã cổ đại cũng đã phát triển phối cảnh tuyến tính, kiến tạo ảo giác không gian ba chiều, và chạm khắc tinh xảo hình tượng thần thánh, hoàng đế của họ trên đá cẩm thạch.Đứng giữa hai thời kỳ kể trên, mỹ thuật Trung Cổ dường như trở nên lạc lõng và tụt hậu khi không đi theo hướng này. Không tuân theo quy luật phối cảnh hay tỉ lệ giải phẫu học, hình dáng con người thường bị kéo dài và cách điệu. Những khác biệt nền tảng này, giữa một bên chuộng lối vẽ ước lệ và một bên hướng tới tự nhiên, hiện thực, chính là một trong những lý do chính khiến nghệ thuật Trung Cổ trông thật kỳ dị.Minh họa về voi, thế kỷ 13. Ảnh: Thư viện Trinity College, Đại học Cambridge/Wikimedia CommonsCũng cần kể rằng nghệ thuật ở thời Trung Cổ được coi là một ngành nghề thủ công hơn là một lĩnh vực sáng tạo. Người vẽ thường là thành viên của các phường hội và làm việc theo đơn đặt hàng, giống như những người thợ mộc, thợ rèn, số khác có thể là các nhóm tu sĩ trong các tu viện chịu trách nhiệm sao chép và trang trí các văn bản, kinh sách. Do đó, chúng hiếm khi mang dấu ấn cá nhân mà phản ánh phong cách chung của thời đại, đôi khi xa rời các quy ước mỹ thuật sau này.Ngay cả những bức họa thánh (icon) đặc trưng của Đế chế Byzantine, vốn được trân trọng và đặt ở những địa điểm linh thiêng, cũng không ngoại lệ. Trên thực tế, sau khi Đế chế La Mã sụp đổ, mãi đến thế kỷ 13-14, Giotto và Duccio mới bắt đầu khám phá khái niệm về độ sâu và không gian trong tranh của họ, sử dụng kỹ thuật đổ bóng để tạo hiệu ứng thị giác. Phong cách này dần dần mới đạt đến sự hoàn thiện như trong thời kỳ Phục Hưng.Khi lần đầu tiếp xúc với những hình người Trung Cổ vẽ, người xem hiện đại có thể cảm thấy ngạc nhiên, thậm chí bối rối. Nhưng chính những khác biệt này, cùng với ảnh hưởng lịch sử, tôn giáo, văn hóa, đã tạo nên một thứ ngôn ngữ thị giác độc đáo. Những hình ảnh hài hước, kỳ dị thời thời đó phản ánh thế giới quan của người xưa và giúp chúng ta cảm thấy gần gũi với họ.Như tác giả Swarthout chia sẻ: "Bạn có thể nhìn vào hình ảnh ấy và tưởng tượng rằng nó cũng hài hước và đáng yêu như bây giờ. Những hình ảnh như vậy là cách thú vị để kết nối với con người sống cách ta hàng trăm năm". Thời kỳ Trung Cổ kéo dài từ khoảng thế kỷ 5 đến 15. Tại châu Âu chứng kiến sự phát triển của Kitô giáo, các cuộc Thập tự chinh, sự hình thành các quốc gia phong kiến và đại dịch Cái Chết Đen... Trái ngược với tên gọi "thời kỳ đen tối" (Dark Age) thường được gán ghép, giai đoạn này có những thành tựu đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Về mỹ thuật, họ nổi tiếng với những bức họa thánh (icon) đặc trưng của Đế chế Byzantine, kiến trúc lâu đài và nhà thờ Gothic tráng lệ, cùng nghệ thuật trang trí bản thảo (illuminated manuscripts) tinh xảo với những hình vẽ lề (marginalia) độc đáo. Tags: Trung cổMỹ thuậtLịch sử
Cắt hầu bao các báo, đài công ở Mỹ: Khi khái niệm "của dân" được bảo vệ... NGUYỄN VŨ 13/05/2025 1336 từ
Đại biểu tranh luận việc cán bộ công chức không hoàn thành KPI sẽ bị thôi việc NGỌC AN 14/05/2025 Việc đánh giá cán bộ, công chức dựa trên các tiêu chí KPI, nếu không hoàn thành nhiệm vụ có thể bị thôi việc được các đại biểu tranh luận cần có cơ chế đánh giá cụ thể, rõ ràng, đảm bảo hiệu quả.
Khởi tố lãnh đạo công ty ở TP.HCM vì làm giả phiếu quan trắc môi trường NHẬT LINH 14/05/2025 Lãnh đạo và nhân viên của một công ty dịch vụ môi trường ở TP.HCM bị Công an TP Huế khởi tố vì hành vi làm giả phiếu quan trắc môi trường.
Chúng tôi không biết giải thích với nước ngoài thế nào về 'trường đại học trong đại học' NGUYÊN BẢO 14/05/2025 Nhiều vị lãnh đạo trường đại học đã chia sẻ như thế tại tọa đàm Tham vấn chính sách xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng 14-5.
Mây dông tràn từ Campuchia về TP.HCM, Củ Chi đã mưa, dự báo đến 65mm LÊ PHAN 14/05/2025 Chiều 14-5, mây dông tiếp tục phát triển mạnh từ hướng tây mở sang phía TP.HCM ra Biển Đông. Đến cuối giờ chiều, Củ Chi đã có mưa.