Tới tuổi trưởng thành, đến lớp học làm người lớn

PHAN BẢO 14/05/2025 05:58 GMT+7

TTCT - Làm người lớn thực sự nghĩa là gì? Là khi một người tròn 18 tuổi, hay là khi họ biết thay một cái bóng đèn hoặc vá một chiếc áo rách?

học làm người lớn - Ảnh 1.

Học sinh lớp 12 trường E.J. Lajeunesse ở thị trấn Windsor, bang New South Wales, Úc học thay vỏ xe. Ảnh: Amy Dodge/CBC

Từ tự thay vỏ xe tới khai thuế, từ mài dao tới quản trị tài chính cá nhân - tất cả đều là các kỹ năng sống thiết yếu mà nhiều người trưởng thành đang thiếu. Nếu ngại hỏi người đi trước, họ có thể học theo video hướng dẫn trên YouTube hay TikTok, hay chắc cú nhất là dự các buổi học "Adulting 101" (Sơ cấp cách làm người lớn), có người cầm tay chỉ việc, giải đáp thắc mắc rõ ràng.

Học làm người lớn

Tại một buổi "học trưởng thành", giáo viên đứng lớp bắt đầu bằng thao tác cơ bản: xỏ chỉ vào kim. Trong 30 phút tiếp theo, cô hướng dẫn học viên vài kiểu khâu khác nhau, cách vá một chiếc áo bị rách và khâu viền áo đã sờn cũ. 

Theo tờ The Economist, đây không phải một buổi học ở trường dạy nữ công gia chánh kiểu xưa, mà là một lớp Adulting 101 của Trường cao đẳng cộng đồng Austin (ACC). ACC đã tổ chức các khóa học như thế này hoàn toàn miễn phí suốt 6 năm qua.

Các buổi học chỉ kéo dài một ngày, được thiết kế để giúp mọi người "trưởng thành thành công" - kể cả những người vốn đã là người lớn, cả về mặt pháp lý lẫn thực tế. Chủ đề thì đủ thể loại, từ căn bản như "ăn mặc thế nào khi đi phỏng vấn xin việc" cho đến phức tạp như "cách khai thuế thu nhập cá nhân". 

The Economist cho biết học viên thuộc mọi lứa tuổi, từ cuối tuổi teen đến tận ngoài 40.

học làm người lớn - Ảnh 2.

Lớp Adulting 101 ở Trường cao đẳng cộng đồng Austin.

Trên khắp nước Mỹ, nhiều trường cao đẳng cộng đồng, thư viện công và trung tâm cộng đồng cũng mở lớp "dạy trưởng thành". Ở Anh cũng thế, có điều người ta gọi chúng là các lớp "kỹ năng sống" - tập trung chủ yếu vào 3 mảng: việc nhà, các mối quan hệ và tài chính.

Còn ở Úc, chương trình "học làm người lớn" do Hội đồng thành phố Onkaparinga tổ chức đã nhận được phản hồi bùng nổ, hết chỗ chỉ sau hai ngày mở đăng ký năm 2019 (tới nay vẫn còn duy trì), theo ABC News. 

Tương tự như ở Anh, Mỹ, các lớp này giúp người trẻ học về quản lý chi tiêu, khai thuế, cách bảo dưỡng xe cũng như cách làm việc với các cơ quan chính phủ liên bang như Centrelink và Medicare.

Vì sao cần học?

Với nhiều người, những kỹ năng trên nghe như điều hiển nhiên. Trên thực tế, "điều hiển nhiên" này không xảy ra với tất cả mọi người trưởng thành.

Theo The Independent, một khảo sát 2.000 người trưởng thành trong độ tuổi từ 23-38 ở Anh năm 2019 cho thấy cứ 10 người thì có 1 người thừa nhận chưa từng chạm tay vào tua vít, búa hay cọ sơn. 

Trong số này, 3/10 người cho biết họ chưa bao giờ thay bóng đèn, chỉ 1/4 từng dán giấy dán tường. Chính vì không rành việc tay chân, 80% người tham gia khảo sát đồng ý rằng các kỹ năng cơ bản này nên được dạy trong trường học.

Mai, 18 tuổi, sinh viên năm nhất ngành y mới rời nhà bố mẹ ở thành phố Shepparton (Úc) để sống tự lập, thú thực với ABC News: "Em hoàn toàn không biết gì về cách phân bổ tiền ăn, tiền thuê nhà hay bất cứ thứ gì khác". 

Một thanh niên Úc khác, Riley, 19 tuổi, hoang mang không biết bắt đầu từ đâu để xin thuê nhà. "Em cảm thấy mình không được trang bị kiến thức. Cảm giác như chẳng thể kiểm soát nổi cuộc sống của mình. Nói thật, em thấy mình hoàn toàn chưa tự lập" - Riley nói.

Theo The Economist, so với người ở các nước khác, người trưởng thành ở Mỹ dành ít thời gian hơn cho các công việc gia đình như lau nhà hay ủi đồ; chỉ chưa đến 50% người Mỹ hiểu được những nguyên lý tài chính cơ bản. Vì vậy, không khó hiểu khi nhiều lớp học được lập ra bởi chính những người từng bị sốc trước những thách thức không ngờ tới của tuổi trưởng thành.

Raffi Grinberg - người từng lập và giảng dạy khóa "Adulting 101" suốt hai năm tại Đại học Boston - cho biết ý tưởng mở lớp xuất phát từ ngày đầu tiên ông đi làm tại công ty tư vấn quản lý Bain & Company ngay sau khi tốt nghiệp đại học. 

Lúc ấy, ông và các đồng nghiệp non trẻ phải đưa ra vô số quyết định: từ chọn gói bảo hiểm y tế, đến trích bao nhiêu phần lương cho quỹ hưu trí và hàng loạt vấn đề tài chính khác. "Tất cả bọn tôi đều phải ra ngoài gọi điện về cho bố mẹ. Chúng tôi tốt nghiệp từ những trường đại học hàng đầu mà vẫn không biết phải làm gì" - ông nhớ lại.

Lỗi thời đại

Việc các lớp học trưởng thành ngày càng phổ biến phản ánh phần nào sự thay đổi trong thời thơ ấu và tuổi vị thành niên - vốn ngày càng số hóa, ít va chạm thực tế. Các thống kê cho thấy thanh thiếu niên Mỹ có thể dành tới 9 tiếng mỗi ngày dán mắt vào màn hình. TikTok và YouTube cũng có hướng dẫn nấu ăn và dọn nhà, nhưng phần lớn người trẻ lên đó để nhảy nhót hơn là học cách dùng máy rửa bát.

Trong cuốn Infantilised: How Our Culture Killed Adulthood (Trẻ con hóa - Văn hóa đã giết sự trưởng thành ra sao), Keith Hayward (Đại học Copenhagen, Đan Mạch) cho rằng người trẻ ngày nay trưởng thành chậm hơn so với thế hệ trước. Họ ngại gánh vác trách nhiệm như kết hôn, mua nhà hay nuôi con - vì "làm người lớn khó quá", như lời một sinh viên của ông.

Theo Hayward, văn hóa phương Tây đang chiều chuộng thói trẻ con. Ông còn nhận xét rằng người trẻ ngày nay không mấy hứng thú với những gì thế hệ đi trước truyền đạt lại. Ngược lại, thế hệ ông bà, cha mẹ luôn sẵn sàng ra tay giúp đỡ, thậm chí làm thay "những đứa trẻ" đã ngoài 20. 

Bằng chứng là kết quả cuộc khảo sát được The Independent trích dẫn cũng cho thấy một nửa số người tham gia thường xuyên nhờ bố giúp các việc chân tay, và 1/5 cho biết sẽ thuê thợ chuyên nghiệp. 

Với người trẻ, không còn DIY (do it yoursefl - tự mình làm tất) mà chỉ có DDI (Dad'll do it - để bố làm cho). Và một khi bậc cha mẹ thất bại trong việc dạy con cái những kỹ năng sống thiết yếu này, các lớp "học trưởng thành" có lý do để ra đời.

Tới tuổi trưởng thành, đến lớp học làm người lớn - Ảnh 3.

Lớp học làm người lớn ở Úc. Ảnh: Foundation for Rural & Regional Renewal

Khác với thái độ chỉ trích của Hayward, tiến sĩ Nathan Manning - giảng viên cao cấp ngành xã hội học tại Đại học Adelaide - có cái nhìn bao dung hơn đối với những người trẻ tham gia các lớp kỹ năng. 

Theo Manning, nhiều kỹ năng từng được xem là cơ bản thì giờ không còn phổ biến nữa, hoặc người trẻ không có nhiều cơ hội để rèn luyện. "Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế dịch vụ, có rất nhiều việc một người lớn từng phải tự xử thì nay có thể thuê ngoài" - Manning nói với ABC News.

Trong một bài viết bình luận cho The Guardian, diễn viên kiêm ngòi bút Rhik Samadder cũng đứng về phía người trẻ. Samadder cho rằng việc giới trẻ ngày nay chuộng thuê người làm thay hơn là tự tay sửa chữa, từ thay bóng đèn xe đến lắp kệ, thực chất phản ánh sự thay đổi trong lối sống: ưu tiên tiện lợi, thiết kế thông minh và tiết kiệm thời gian. Họ tạo việc làm mới và ứng dụng công nghệ để thích nghi.

Mặt khác, công bằng mà nói, làm người lớn phải đâu chuyện đùa. Ấy là chưa kể cuộc sống bây giờ phức tạp hơn vài thập kỷ trước. 

Tiến sĩ Manning chỉ ra rằng nhiều dấu mốc gắn mác trưởng thành trước đây - như sống tự lập, làm việc toàn thời gian hay kết hôn - hiện đều xảy ra muộn hơn đáng kể, do "hệ quả của nhiều thay đổi xã hội sâu rộng hơn - từ việc khó tìm việc làm ổn định, đến chi phí sinh sống cao, giá nhà đắt đỏ, và thời gian học hành kéo dài để đáp ứng yêu cầu công việc".

"Họ không tạo ra hoàn cảnh đó. Nhưng người ta lại hay đổ lỗi cho họ là thiếu trưởng thành, thiếu năng lực - ông nói - Chúng ta thích phán rằng 'tụi nó mãi không lớn nổi', nhưng thực tế là người trẻ đang phải đối mặt với nhiều rào cản mà thế hệ trước chưa từng gặp".

The Economist đúc kết: Xã hội ngày nay thích 'mắng' giới trẻ không biết bắt vít nhưng biết dùng WiFi là lười, là thiếu kỹ năng. Nhiều người xem các lớp học trưởng thành là bằng chứng cho thấy người trẻ ngày càng phát triển chậm. 

Nhưng một đứa trẻ được nuông chiều sẽ không bao giờ nhận ra mình thiếu kỹ năng - và càng không chủ động học thêm. Chỉ có người thực sự trưởng thành mới chịu dành thời gian rảnh để học một thứ chán ngắt như… cách vá áo.

Quyển How to Be a Grown Up: The 14 Essential Skills You Didn't Know You Needed (Until Just Now), tạm dịch "Cách để trở thành người lớn: 14 kỹ năng cần thiết mà bạn không biết mình cần (cho đến bây giờ)" của tác giả Raffi Grinberg, vừa ra mắt tháng 3-2025. 14 kỹ năng, theo mục lục của sách, được phân chia như sau:

#1 - TÌM MỤC ĐÍCH SỐNG (NGAY BÂY GIỜ)

I. Kỹ năng tư duy

#2 - ĐỐI DIỆN VỚI SỰ TỪ CHỐI

#3 - TƯ DUY PHẢN BIỆN

#4 - CHUYỂN HÓA SUY NGHĨ TỰ ĐỘNG

---

II. Kỹ năng tài chính

=#5 - XÂY DỰNG TÍN DỤNG

=#6 - ĐẦU TƯ TIỀN CỦA BẠN

=#7 - MUA BẢO HIỂM VÀ ĐÓNG THUẾ

=#8 - GIỮ VỮNG NGÂN SÁCH CHI TIÊU

---

III. Kỹ năng quan hệ

#9 - GIAO TIẾP HIỆU QUẢ

#10 - KẾT BẠN (VÀ YÊU ĐƯƠNG)

#11 - PHÁT TRIỂN MỐI QUAN HỆ VỚI CHA MẸ

---

IV. Kỹ năng nghề nghiệp

#12 - GHI DẤU ẤN Ở CÔNG VIỆC ĐẦU TIÊN

#13 - KHỞI ĐỘNG SỰ NGHIỆP CỦA BẠN

---

#14 - SỐNG CÓ MỤC ĐÍCH

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận