Sự nghiệt ngã của thời gian (*)

GS TRẦN VĂN THỌ 04/01/2011 04:01 GMT+7

TTCT -Chuyên mục Vấn đề &sự kiện trên số báo đầu tiên của năm 2011 dành cho việc nhìn lại và dự báo những vấn đề phát triển, khoa học và môi trường của VN. Những thách thức nào đang chờ VN biến thành cơ hội cho mình trong thập niên mới?

 

 Đối với những nước còn ở giai đoạn thấp trong quá trình phát triển, cần bao nhiêu năm để mức sống trung bình của người dân tăng gấp đôi bây giờ? Tăng gấp đôi mức sống thể hiện rõ trong các điều kiện về ăn, ở, mặc, và nhu cầu về văn hóa, giáo dục. 

Nếu thu nhập bình quân đầu người theo giá trị thực tăng trung bình mỗi năm 7% thì cần 10 năm để tăng gấp đôi mức sống của người dân, nếu 5% thì cần 14 năm, 3% thì khoảng 23 năm và 1% cần tới 70 năm.

Trong phát triển kinh tế, một thế hệ (trên dưới 25 năm) có thể xem như một đơn vị thời gian quan trọng để khảo sát sự thay đổi về chất của xã hội đó. Nếu chỉ phát triển 3% thì phải đợi một thế hệ mới thấy có sự cải thiện đáng kể trong cuộc sống. Ngược lại nếu phát triển 5% thì mức sống con người có thể tăng 3-4 lần trong một thế hệ.

Trên thế giới, khoảng thời gian một thế hệ cũng làm thay đổi hẳn cục diện của một quốc gia, đảo lộn vị trí của từng nước trên bản đồ kinh tế thế giới. Ở châu Á, vào thập niên 1950, Philippines là nước phát triển chỉ sau Nhật, cao hơn cả Hàn Quốc. 

Năm 1960, GDP đầu người của Philippines gấp đôi Thái Lan, nhưng đến giữa thập niên 1980 Thái Lan đã theo kịp Philippines và khoảng năm 2000 hai nước đảo ngược vị trí của năm 1960. Năm 1985, GDP đầu người của Philippines cao gấp 3,5 lần Trung Quốc nhưng sau năm 2000, Trung Quốc đã vượt Philippines.

Hàn Quốc vào đầu thập niên 1960 là nước kém phát triển nhưng sau đó vượt qua giai đoạn phát triển ban đầu và thành công trong giai đoạn phát triển bền vững, trở thành nước tiên tiến trong thời gian rất ngắn. 

Quá trình công nghiệp hóa của nước này bắt đầu từ khi tổng thống Park Chung Hee nắm chính quyền (năm 1961) nhưng chỉ sau một thế hệ, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp phát triển đáng kể trên thế giới và đến năm 1996 được kết nạp vào Tổ chức Hợp tác phát triển (OECD) là tổ chức của các nước tiên tiến.

Nhìn trường hợp Việt Nam ta, từ khi hết chiến tranh, đất nước thống nhất đến nay đã 35 năm, kể từ khi đổi mới đến nay cũng đã qua một thế hệ. Dĩ nhiên thành quả phát triển trong thời gian qua rất đáng được ghi nhận. Việt Nam đã tách được ra khỏi nhóm các nước nghèo và chen chân vào nhóm các nước thu nhập trung bình thấp.

Nhưng ta đã mất hơn một thế hệ để có thành quả đó. So sánh Việt Nam với Thái Lan, vào thập niên 1950 hai nước xấp xỉ nhau về thu nhập đầu người. Nhưng do bối cảnh lịch sử 20 hoặc 25 năm sau đó, Việt Nam bị tụt hậu trong khi Thái Lan phát triển nhanh và vào năm 1984, thu nhập đầu người Thái Lan cao gấp 4,5 lần Việt Nam. Sau một thế hệ đổi mới, Việt Nam cũng chỉ mới rút ngắn được một tí, Thái Lan còn gấp gần 4 lần nước ta vào năm 2009.

So sánh với Trung Quốc, thời điểm cải cách tại Việt Nam chậm hơn tám năm nhưng ta đã bỏ mất nhiều thời cơ nên ngày càng tụt hậu so với nước láng giềng lớn này. Năm 1984, thu nhập đầu người của Trung Quốc chỉ hơn Việt Nam 30%, nhưng bây giờ (năm 2009) khoảng cách giữa hai nước trên chỉ tiêu này là 3,3 lần!

Dĩ nhiên cần xét đến chất lượng phát triển nữa, nhưng chất lượng phát triển của ta cũng không hơn Trung Quốc hay Thái Lan nên không cần đặt ra so sánh chi tiết ở đây. Hơn nữa, khoảng cách đáng kể trong thu nhập đầu người giữa các nước thường phản ảnh trình độ phát triển ở nhiều mặt khác như cơ cấu kinh tế, trình độ công nghệ, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp trên thị trường thế giới... Ta cũng đang tụt hậu xa so với Thái Lan và Trung Quốc trên các lĩnh vực này.

Nói thêm về khoảng cách phát triển so với Trung Quốc. Vào nửa đầu thập niên 1990, cụ thể là từ năm 1993, tình hình quốc tế rất thuận lợi cho Việt Nam. Cộng đồng quốc tế bắt đầu một cơ chế giúp vốn vay ưu đãi để xây dựng kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp nước ngoài dự định đổ xô vào Việt Nam đầu tư sản xuất nhiều mặt hàng công nghiệp như điện tử và các loại máy móc. Đồng yen Nhật lên giá mạnh làm phát sinh dòng chảy đầu tư trực tiếp (FDI) lớn đang khao khát tìm cơ sở sản xuất mới.

Nhưng Việt Nam đã bỏ mất thời cơ này do môi trường pháp lý chậm cải thiện, kéo dài chính sách phân biệt đối xử với nước ngoài và chính sách công nghiệp không rõ ràng, thay đổi thường xuyên. Dòng chảy FDI đó kết cuộc đổ sang các tỉnh ven biển Trung Quốc, sau đó kéo theo hàng chục vạn doanh nghiệp nhỏ và vừa đến đầu tư hình thành những cụm công nghiệp lớn tại đây.

Hiện nay, tiền lương ở vùng này tăng cao, nhiều công ty đa quốc gia đang nhìn Việt Nam như là nơi có thể chuyển đến những cơ sở sản xuất có hàm lượng lao động giản đơn hoặc những ngành gây ô nhiễm môi trường. Bỏ mất thời cơ 17 năm trước, Việt Nam đã mất đi cơ hội phát triển ngang hàng với nhiều tỉnh ở ven biển Trung Quốc để bây giờ phải ở vào vị thế của một nước chậm phát triển so với họ.

Đó là một biểu hiện sinh động về sự nghiệt ngã của thời gian!

Bây giờ ta phải làm gì để tránh một cú sốc khác của thời gian?

Đây là câu hỏi có lẽ quan trọng nhất.

Cần tìm kiếm những ý tưởng, những chiến lược, chính sách để làm cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới. Phải qua các chiến lược, chính sách đó để lấy lại một phần những gì đã mất và rút ngắn được khoảng cách phát triển với các nước xung quanh.

Đặc biệt khí khái, bản lĩnh của nhà lãnh đạo, năng lực và đạo đức của quan chức, tinh thần khởi nghiệp và đạo đức kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp, và nỗ lực học tập của xã hội là những yếu tố cốt lõi.

Nhìn toàn cục, Việt Nam hiện nay đang trực diện hai cái bẫy, một là cái bẫy của trào lưu tự do thương mại, hai là cái bẫy của nước thu nhập trung bình. Những chiến lược, chính sách để vượt qua hai cái bẫy này cũng sẽ làm cho kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ và bền vững trong thời gian tới.

__________

(*) Bài viết thay lời nói đầu trong cuốn sách của cùng tác giả Việt Nam từ năm 2011: Vượt lên sự nghiệt ngã của thời gian, Nhà xuất bản Tri Thức sắp phát hành. Nội dung cụ thể của các yếu tố cốt lõi nói ở đoạn cuối trong bài trên sẽ được phân tích trong sách này.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận