Sức mạnh của hệ miễn dịch

CHIÊU VĂN 23/09/2016 02:09 GMT+7

TTCT - Khi bị chẩn đoán ung thư máu năm 2011, bà Karen Koehler được bác sĩ thông báo không có gì phải lo. Ca của bà nhẹ và có thể theo dõi đơn giản.

Liệu pháp miễn dịch là một hướng đi rất mới trong điều trị ung thư
Liệu pháp miễn dịch là một hướng đi rất mới trong điều trị ung thư

Nhưng hai năm sau, bệnh ung thư của bà biến chứng khi một đột biến gen khiến các tế bào ung thư trở nên dữ tợn và khó xử lý bằng hóa trị.

Ung thư biến mất

“Tôi được thông báo chỉ còn sống được 10 tháng nữa” - bà Koehler, hiện 59 tuổi và là giáo viên về hưu ở Park Ridge, New Jersey, Mỹ, nói với US News and World Report. Lạc quan nhất thì hóa trị cũng chỉ giúp bà sống thêm hai năm.

Rồi bà Koehler được nhận vào một chương trình thử nghiệm y khoa ở Trung tâm ung thư tưởng nhớ Sloan Kettering (MSK) tại New York, nhắm tới việc biến chính những tế bào miễn dịch của bà thành các sát thủ với tế bào ung thư. Sau một tháng điều trị, bạch cầu trong cơ thể bà đã biến mất. “Không còn tế bào ung thư nữa” - bà Koehler, sống khỏe mạnh tới giờ, nói.

Nghiên cứu của các chuyên gia ung thư ở MSK là minh chứng mới nhất cho một sân chơi mới trong cuộc chiến chống ung thư: liệu pháp miễn dịch (immunotherapy).

Triển vọng tăng cường khả năng tự nhiên của hệ miễn dịch để chống lại ung thư được nhận ra đầu tiên nhờ những thuốc điều trị miễn dịch như Keytruda và Yervoy, vốn có tác dụng ngăn chặn các protein bình thường đè nén chức năng miễn dịch.

Những loại thuốc này giờ được sử dụng để biến các bệnh như ung thư tế bào hắc tố (melanoma) hay ung thư phổi, vốn trước kia được coi là “chết chắc”, thành các bệnh mà người bệnh có thể xử lý trong dài hạn.

Hình thức trị liệu mới, được gọi là CAR T hay “tế bào T thụ thể kháng nguyên khảm” (chimeric antigen receptor T cell), là thế hệ liệu pháp miễn dịch tiếp theo: cá nhân hóa việc đưa vào cơ thể một lần các tế bào tiêu diệt ung thư và trên lý thuyết có thể ngăn cản chúng quay lại.

Ngoài các thử nghiệm với chứng ung thư máu, các tế bào T này “đã được tìm hiểu trong các thử nghiệm ung thư tử cung, tuyến tụy, phổi và u não - lời bác sĩ Jae Park, người đã điều trị cho bà Koehler ở MSK - Triển vọng lớn là chắc chắn”.

Hợp tác với những công ty công nghệ sinh học, các bác sĩ đang tạo ra những biện pháp trị liệu riêng cho từng cá nhân bằng cách lấy tế bào T từ hệ miễn dịch của người bệnh, sửa chữa cấu trúc tế bào để chúng nhận ra và tấn công loại ung thư cụ thể trong cơ thể.

Công nghệ này được thiết kế để giải quyết một vấn đề cơ bản: Vì ung thư là các tế bào bình thường bị đột biến và mất kiểm soát, hệ miễn dịch không nhìn nhận các tế bào đó như một đối tượng xâm nhập từ bên ngoài.

Và câu hỏi “tại sao?”

Sau khi các bác sĩ thu tế bào T từ máu của bà Koehler cuối năm 2014, các tế bào được chỉnh sửa để nhận ra một protein tên gọi CD19 có trong các tế bào bạch cầu. Bà Koehler trở lại MSK năm 2015 để cấy tế bào vào cơ thể.

Liệu pháp CAR T là rất mới. Trung tâm ung thư Abramson ở Đại học Pennsylvania hiện đang phát triển một công nghệ nhắm vào protein CD19 khác với sự hỗ trợ của Công ty dược Novartis.

Vào đầu năm 2014, Novartis công bố 27 trong 30 bệnh nhân bị ung thư máu không có phản ứng với liệu pháp hóa trị truyền thống, hầu hết là trẻ em, đã thuyên giảm rất nhiều sau khi được điều trị bằng liệu pháp mới. Novartis, Juno Therapeutics (công ty hợp tác với MSK) và Hãng Kite Pharma dự báo Cục Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) có thể chấp thuận để đưa liệu pháp CAR T ra sử dụng đại trà ngay từ năm tới.

“Tôi thấy ý tưởng lập trình lại các tế bào miễn dịch là hợp lý” - Douglas Olson, 69 tuổi và là giám đốc một công ty thiết bị y tế ở Pennsylvania đã được điều trị bằng CAR T sau khi bệnh ung thư máu của ông tái phát vào năm 2010, nói.

Kể từ đó tới nay, mọi kiểm tra và xét nghiệm máu của ông đều không còn thấy tế bào ung thư. Ông Olson đã tập chạy trở lại sau khi khỏe lên từ cuộc chiến chống ung thư và giờ chạy được năm cuộc bán marathon. 8 trong 14 bệnh nhân tham gia cuộc thử nghiệm cùng ông Olson cũng có phản ứng tích cực với các tế bào được điều chỉnh.

Nhưng một câu hỏi mà các nhà nghiên cứu ở Pennsylvania, MSK và các trung tâm ung thư khác chưa trả lời được là tại sao các tế bào miễn dịch điều chỉnh có tác dụng với một số bệnh nhân, nhưng không hiệu quả với những người khác.

Do việc điều trị ảnh hưởng tới một số tế bào miễn dịch bình thường lẫn các tế bào ung thư, ông Olson, bà Koehler và các bệnh nhân có thể cần được cấy cả tế bào miễn dịch thông thường định kỳ để duy trì hệ thống miễn dịch trong máu.

Vấn đề đó có thể xử lý được, nhưng một nguy cơ nghiêm trọng với bệnh nhân là “hội chứng giải phóng cytokine”, một phản ứng nguy hiểm của hệ miễn dịch xảy ra không lâu sau khi điều trị, lúc mà các tế bào CAR T bắt đầu tấn công tế bào ung thư.

Biến chứng có thể gây sốt cao và hạ đường huyết, cũng như làm rối loạn chức năng thận, khiến một số bệnh nhân thử nghiệm phải được chăm sóc rất đặc biệt. Những triệu chứng thần kinh như mất trí và tai biến ngập máu cũng phải được tính đến.

“Chúng tôi đang bắt tay vào việc cố phòng ngừa các tác dụng phụ” - bác sĩ William Wierda, giáo sư ở khoa ung thư máu tại Trung tâm ung thư Anderson (Houston), nói.

Các nhà nghiên cứu cũng đang phát triển những CAR T hiệu quả với các chứng ung thư khó trị khác như buồng trứng, tuyến tụy và não. Thách thức lớn nhất trong cuộc chiến là tìm ra các mục tiêu giống protein CD19.■

Các bác sĩ đang tạo ra những biện pháp trị liệu riêng cho từng cá nhân bằng cách lấy tế bào T từ hệ miễn dịch của người bệnh, sửa chữa cấu trúc tế bào để chúng nhận ra và tấn công loại ung thư cụ thể trong cơ thể. Triển vọng mới trong điều trị ung thư.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận