Trường học ngoài trời: Một truyền thống bị quên lãng

CHIÊU VĂN 18/09/2020 16:09 GMT+7

TTCT - Trong tình cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành và trường học ở nhiều nước mở cửa trong tâm trạng phấp phỏng, người ta đề xuất việc đưa lớp học ra ngoài trời như một giải pháp mới lạ và khác thường nhằm phòng dịch.

Học trong trang trại hữu cơ ở vùng núi Milton (Mỹ)

Trên thực tế, việc giam hãm học trò chủ yếu trong bốn bức tường chưa bao giờ là truyền thống trong gần như mọi nền giáo dục lâu đời. Nó chỉ trở nên phổ biến trong thời đại công nghiệp hóa.

Quan trọng hơn, việc trẻ con, và cả người lớn, học tập ngoài trời, giữa thiên nhiên, ít ra là một phần đáng kể chương trình học, không chỉ là một giải pháp tình thế để đối phó dịch bệnh, đó còn là một trong những điều tốt lành nhất mà giáo dục có thể mang lại.

Sự học - niềm vui với núi sông

Học tập ngoài trời lâu đời ít ra là ngang với việc con người bắt đầu có ý niệm về “giáo dục”, bởi tổ tiên xa xưa của chúng ta đã dạy và học - đầu tiên là những kỹ năng sinh tồn, rồi sau đó là hiểu biết về môi trường sống xung quanh - chủ yếu là ở ngoài trời.

Những bậc thầy lớn nhất của thời cổ đại đều coi việc học tập từ và trong tự nhiên là điều tất yếu. Mấy lời của Khổng Tử - nhân vật được văn hóa Trung Hoa xưng tụng là “vạn thế sư biểu” trong Luận ngữ - Ung dã, đặt trong hoàn cảnh mới này thật phù hợp: “Trí giả lạc thủy, nhân giả lạc sơn” (người trí vui với sông nước, người nhân vui với núi non).

Bản thân là một nhà kinh nghiệm luận, Khổng Tử và các học trò của ông đã biến toàn bộ “giáo trình” mà ông giảng dạy thành một cuộc du hành kéo dài 20 năm khắp Trung Hoa cổ đại. Bối cảnh giảng dạy của ông rất thường xuyên là giữa sông núi, trong chợ, ngoài đường, trên xe…, chứ ít khi nào là trong lớp học.

Quan điểm đó cũng rất gần với những bậc thầy Hy Lạp cổ đại. Plato chẳng hạn, với Học viện Plato chủ yếu tổ chức ngoài trời của ông, coi sự học là niềm vui từ trải nghiệm thực tế và sự hòa hợp với tự nhiên.

Học viện Plato trong các tranh minh họa thời xưa thường được thể hiện trong không gian mở, ngoài trời. (Ảnh: Wiki Common Creatives)

Từ nguyên của “school” (trường học) trong tiếng Anh là “scola” tiếng Latin, và gốc là từ Hy Lạp “skōla”, nghĩa là niềm vui, sự nhàn hạ, thời giờ rảnh rỗi… Sự học, do đó, có thể, và phải mang lại niềm vui, trong một bối cảnh thiên nhiên - xã hội rộng lớn, chứ không chỉ trong lớp, trong trường.

Những bậc thầy kinh điển của mấy thiên niên kỷ trước đấy hẳn sẽ ủng hộ cách làm ở nhiều nơi trong thế kỷ 21 này. Ở miền tây Ấn Độ chẳng hạn, nơi nhiều trường học đóng cửa từ tháng 3 vì COVID-19, giáo viên ở Nilamnagar, một làng nghèo khó thuộc bang miền tây Maharashtra, đã đưa lớp học xuống phố.

“Do hầu hết gia đình ở đây không có điều kiện cho con cái học trực tuyến, chúng tôi phải nghĩ ra cách sáng tạo để bọn trẻ vẫn được đi học”, Ram Gaikwad, một giáo viên trong làng, nói với AFP. Những lớp học ngoài trời được tổ chức cho 1.700 học trò tuổi từ 6 - 16 trong làng đã rất được tán thưởng.

Mỗi ngày, các nhóm nhỏ học trò tập hợp bên những bức tường ven đường - khoảng 250 bức tường như vậy đã được “trưng dụng” - thay cho bảng đen, còn giáo viên có một chuyến đi dạy “lưu diễn” xuyên qua làng, với các môn từ tập làm văn đến hình học, bằng tiếng Anh và tiếng Marathi. Phụ huynh cũng đã góp tiền trang trải chi phí cho chương trình học đặc biệt này, theo lời ông hiệu trưởng.

Một lớp hình học trên phố ở Nilamnagar. Ảnh: AFP
Một lớp hình học trên phố ở Nilamnagar. Ảnh: AFP

Thật ra, việc học tập ngoài trời chính thức đã diễn ra ở nhiều nơi từ trước đại dịch. Ở Mỹ có khoảng 250 “trường học trong rừng”, chủ yếu là các trường mẫu giáo, nơi học trò dành phần lớn thời gian trong tự nhiên, một số trường này, không có gì ngạc nhiên, vẫn hoạt động bình thường trong đại dịch, theo The Washington Post.

Ở Đan Mạch và Ý, một số trường mở cửa trở lại những tháng gần đây kèm hướng dẫn học trò ở ngoài trời trong quãng thời gian tối đa có thể. “Nhiều người ở nhiều nước trên khắp thế giới học tập ở ngoài trời mỗi ngày”, Scott Goldstein, giám đốc EmpowerEd, một tổ chức hỗ trợ giáo viên tại Mỹ, nói với The Atlantic. “Họ sử dụng bảng đen và phấn trắng kiểu truyền thống”.

Trường học ngoài trời đương nhiên sẽ rất khó sử dụng công nghệ, không có lớp học Zoom hay Google Classroom, không có màn hình chiếu, máy tính bảng và bút laser. Trẻ có thể học trên một sân bóng đá, trong một công viên, hay thậm chí là giữa một con đường được ngăn lại một phần, nếu không gian quá thiếu thốn. Chúng sẽ ngồi dưới tán cây hay những nơi nào có bóng mát, hoặc đơn giản là phải đội thêm nón. Giáo viên cũng sẽ phải điều chỉnh lại giáo án và giáo cụ, nhưng về cơ bản, sự học sẽ đầy niềm vui.

Học tập ngoài trời hiện đại

Đẩy ý tưởng đó đi xa hơn nữa, bài viết năm 2016 trên trang Aeon “Schooled in Nature” (Học tập trong tự nhiên) giới thiệu cách làm của Trung tâm Nghệ thuật bản xứ ở Papantla, bang Veracruz (Mexico) với tuyên ngôn “phi thực dân hóa trường học”, tức cởi bỏ hết mức có thể những gì mang tính áp đặt và đồng phục trong giáo dục, mà ở các xứ như Mexico, được ý thức rõ ràng là nền giáo dục thuộc địa, ở đây là qua đế quốc Tây Ban Nha.

Tìm cách trở lại với những truyền thống xưa của thổ dân bản xứ thời tiền thuộc địa, giám đốc trung tâm, Salomón Bazbaz Lapidus, nhấn mạnh rằng “mọi đồ vật nhân tạo và sự vật, hiện tượng tự nhiên đều chứa đựng hàng nghìn năm tri thức trong nó”.

Sự bất mãn với nền giáo dục mang tính áp đặt - trong đó bốn bức tường phòng học không chỉ đại diện cho sự giam hãm thể chất, mà cả sự bó buộc về tư duy và cảm xúc - của thời đại công nghiệp, và ở các nước đang phát triển thường đi kèm với hệ thống trường học thuộc địa, đã có lịch sử lâu dài.

Đầu thế kỷ 20, nhà thơ Ấn Độ vĩ đại Rabindranath Tagore lập tổ chức Santiniketan ở Bengal nhằm phản đối hệ thống giáo dục thuộc địa kiểu Anh. Các lớp học của ông được tổ chức ngoài trời, tự nhiên là đối tượng học, nghệ thuật, truyện kể và âm nhạc là phương tiện giảng dạy, và không có thi cử.

Nhà thơ vĩ đại Tagore và lớp học ngoài trời của ông (Ảnh: Britanica)

Những ý tưởng đó của Tagore được phản chiếu trong các hệ thống giáo dục hiện đại đã tồn tại từ trước đại dịch, dù còn lâu mới là chủ lưu hay phổ biến.

Lấy ví dụ kiểu Forest Schools (trường học trong rừng) bắt đầu tại Bắc Âu rồi lan dần ra khắp châu Âu. Được định nghĩa là loại hình giáo dục ngoài trời trong đó người học đến thăm các không gian tự nhiên “để học những kỹ năng cá nhân, xã hội, và kỹ thuật”, hình thức giáo dục này được đánh giá là “đầy cảm hứng với trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, và người trưởng thành” để giúp họ vun đắp tính độc lập, lòng tự trọng, và cả sự tự tin.

Hay hệ thống Reggio Emilia được phát triển ở Ý sau Thế chiến II với triết lý nền tảng là ngay cả với trẻ con lứa tuổi mẫu giáo, người học phải có quyền kiểm soát nhất định với phương hướng học tập của mình - điều chỉ làm được nếu để trẻ, vốn chưa biết chữ và chưa hiểu hết các khái niệm trừu tượng, trải nghiệm thật nhiều qua sờ mó, di chuyển, lắng nghe, và quan sát, điều mà tới lượt nó chỉ có ý nghĩa khi diễn ra ngoài trời.

Những phương pháp đó cho thấy “không chỉ những nền văn hóa bị thuộc địa hóa rõ ràng mới biết rằng phải học với tự nhiên và trong tự nhiên; không chỉ những nước từng phải cam phận nô lệ, mà bất cứ con người nào từng cảm thấy sự căng thẳng, độc ác, què quặt hay xa rời thực tế của nền giáo dục [cũng sẽ hiểu điều đó].

Tất cả những ai căm ghét thực tế rằng giáo dục đang phải chịu ách gông cùm của các tập đoàn và công ty. Tất cả những ai giận dữ vì thấy trẻ nhỏ trở thành nô lệ của đế chế trường học, hay không chấp nhận nền giáo dục nhỏ mọn rao bán những đứa trẻ chỉ như những người kiếm tiền, người tiêu dùng, và người vay nợ trong tương lai”, bài viết trên Aeon cả quyết.

Lời khẳng định đó có thể là cực đoan. Nền giáo dục của thời đại công nghiệp có những ưu thế của nó mà nếu thiếu đi, ta không có một nhân loại đầy tri thức như ngày nay, nhưng quả thật, đã tới lúc phải tư duy lại về học tập như một nhu cầu tự thân, một niềm vui kiểu Plato, và mối quan hệ của nó với tự nhiên. Đại dịch đang diễn ra là một dịp rất tốt để làm điều đó.■

Hơn một thế kỷ trước, vào năm 1905, dịch lao phổi từng khiến các lớp học ở Đức và Mỹ cũng chuyển ra ngoài trời. 

Ngày 1-8-1904, trường học ngoài trời có lẽ là đầu tiên của thế giới hiện đại bắt đầu tổ chức giảng dạy trong một rừng thông ở Charlottenburg, một thị trấn gần Berlin, sau khi nước Đức phải chứng kiến dịch lao phổi gây ra tỉ lệ tử vong 193,8/100.000 dân (tỉ lệ tử vong ở Mỹ vì COVID-19 hiện là 52/100.000 dân). 

Lớp học ngoài trời ở Đức trong đại dịch đầu thế kỷ 20. (Ảnh: History.com)

Ngôi trường nhỏ nhanh chóng nhận được nhiều đơn đăng ký tới mức nó đã mở rộng thêm để có chỗ cho 250 học trò. 

Một thí nghiệm ở quy mô địa phương ban đầu đã trở thành mô hình quốc tế vài tháng sau đó. Tới năm 1908, các trường học ngoài trời đã xuất hiện ở Anh, Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Ý, rồi Mỹ. Tới trước Thế chiến I (1914), Mỹ có khoảng 150 trường ngoài trời ở 86 thành phố và hiện có hơn 250 “trường mẫu giáo dạy trên cơ sở thiên nhiên”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận