Mùa yêu thương của người trẻ từ tâm

VŨ THỦY - DUY TRÁC 29/12/2017 21:12 GMT+7

TTCT - Nhiều người định kiến: “Bọn trẻ bây giờ vô tâm, hời hợt”. Nhưng ở rất nhiều góc phố Sài Gòn, có những người trẻ từ tâm cần mẫn gom góp áo ấm, sách vở, nấu nồi cơm ngon... giúp đỡ người nghèo khó. Cuối năm, những yêu thương của họ lan đi như những làn gió xuân ấm áp.

Bạn trẻ chọn mua sách góp vào thư viện sách cho các em nhỏ Đan Phượng tại đêm nhạc gây quỹ Đêm nằm nghe Radio của CLB truyền thông REC tối 16-12. -Ảnh: Vũ Thủy
Bạn trẻ chọn mua sách góp vào thư viện sách cho các em nhỏ Đan Phượng tại đêm nhạc gây quỹ Đêm nằm nghe Radio của CLB truyền thông REC tối 16-12. -Ảnh: Vũ Thủy

 

Sáng chủ nhật, con hẻm nhỏ trên đường Tạ Uyên (Q.11, TP.HCM) rổn rảng tiếng xoong nồi, thìa muỗng và tiếng nói chuyện râm ran, hai bếp than đỏ lửa nấu hết chảo này đến nồi khác. Đó là căn bếp của bà Nguyễn Thị Lý (62 tuổi), nấu cơm chay cho bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi chiều chủ nhật đã 5 năm nay.

Đầu bếp chính, phụ bếp, rửa chén bát... ở bếp ăn của bà hầu hết đều là sinh viên, gắn bó với nhau bằng nghĩa tình, yêu thương, bằng niềm vui được trao tay những hộp cơm thơm thảo đến người bệnh.

Nghĩa tình người trẻ

Một mình đánh vật với ba nồi cơm to nấu cho suất ăn của 500 người, Nguyễn Quang Phụng (22 tuổi, sinh viên năm 4 ĐH Tôn Đức Thắng) kể đã “góp chân tay” vào bếp ăn từ lúc mới là sinh viên năm 1.

Bốn năm qua, anh chàng từ phụ bếp, nhặt rau, rửa chén đã lên phụ trách nấu cơm, nấu bếp. “Không có nó là coi như bếp ăn này dẹp luôn. Nấu ba nồi cơm lớn phải biết nấu, không thì chỗ sống, chỗ chín, chỗ nhão, chỗ khô phải đổ bỏ, phải canh xoay nồi cho cơm chín đều.

Gạo ở đây nhiều người cho, mỗi người mỗi loại nên càng khó hơn” - bà Lý nói. Hằng tuần, cứ thứ bảy là Phụng từ Q.9 chạy lên Q.11, ngủ lại để 1h sáng dậy phụ bà Lý và con gái bà đi chợ mua đồ ăn, nhặt rau, rửa rau, bắc bếp... đến cuối ngày chủ nhật.

Ngoài Phụng là Cát Lượng, là Thùy Trang và rất nhiều bạn sinh viên mỗi người mỗi việc, làm không ngưng nghỉ từ sáng đến gần 4h chiều để kịp cho phần ăn vào hộp chất lên xe ba gác đẩy ra bệnh viện. Hôm nay, Cát Lượng (21 tuổi, sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM) đứng “bếp trưởng” nấu ba chảo cà tím, ba chảo đậu hũ đại...

“Tới đây không biết làm, không biết nấu rồi cũng phải làm được hết” - Thùy Trang (24 tuổi) kể. Với Trang, hai năm qua nơi này đã như nhà, đến nấu bữa cơm cho những bệnh nhân cũng như nấu cho người nhà.

Bữa trưa, cả nhóm ngồi tụm lại trong nhà, xì xụp ăn nồi phở chay bà Lý nấu, xuýt xoa khen “cô Lý nấu ăn là nhất”. “Tuần nào cũng tới như là về thăm nhà vậy đó. Mình không đến thì các bạn khác sẽ rất vất vả” - Trang kể.

Yêu trẻ em, từng “phượt” đi Gia Lai mang theo một bao tải dép tặng các em nhỏ vùng sâu thường “đầu trần, chân đất”, Phạm Hoàng Thân (27 tuổi, ngụ Q.4) cũng đang ấp ủ một dự án nho nhỏ để gây quỹ giúp các em nhỏ dịp tết. Làm nghề chụp ảnh với một studio nhỏ ở Sài Gòn chuyên chụp ảnh cho trẻ em, Thân còn là người mê đi và đã gặp nhiều em nhỏ nhiều nơi ở vùng cao.

Những ngày nghỉ, Thân một mình một xe vượt hơn 600km từ Sài Gòn đến một ngôi làng ở Đắk Đoa (Gia Lai) mang quần áo cũ, quà bánh cho các em. Những chuyến đi của Thân ngoài niềm vui được thỏa máu khám phá còn là những trăn trở, là rất nhiều hình ảnh ngây thơ, mộc mạc, trong trẻo của các em.

Dự định cuối năm của Thân là tổ chức một triển lãm ảnh nho nhỏ để gây quỹ, mua sách vở, quần áo cho các em dịp tết. “Các em hồn nhiên và đáng yêu lắm. Thấy các em cơ cực nên Thân muốn làm một điều gì đó giúp các em” - Thân bảo.

Thùy Trang (phải) đưa cơm cho các cô chú bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).-Ảnh: Vũ Thủy
Thùy Trang (phải) đưa cơm cho các cô chú bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).-Ảnh: Vũ Thủy

 

Cho một mùa xuân ấm áp

Những ngày cuối năm, khi Sài Gòn bắt đầu trở lạnh, các bạn trẻ Sài Gòn cũng tất bật với những hoạt động tình nguyện, chỉ nghe tên đã thấy ấm áp: “Áo ấm cho em”, “Thắp sáng vùng cao”, “Xuân yêu thương”...

Nhiều năm qua, những ngày cận kề Giáng sinh cũng là lúc các thành viên CLB Chủ nhật yêu thương của anh Nguyễn Tú Anh (33 tuổi, Q.Bình Thạnh) cùng nhau chuẩn bị chiến dịch phát chăn cho người nghèo.

CLB thường chọn thời điểm phát chăn là trước Giáng sinh 1-2 tuần, trung bình nhóm trao khoảng 200 tấm chăn cho người nghèo. 23h một tối chủ nhật, nhóm của Tú Anh xuất phát bằng xe máy từ Q.Bình Thạnh tỏa ra các ngả đường Sài Gòn. Ai cũng tạm gác cơn buồn ngủ và việc riêng, hào hứng vì đang làm một việc ý nghĩa.

“Chúng tôi dành tặng chiếc chăn ấm, bánh bao nóng, heo đất cho những bác xe ôm, cô lao công... đang quần quật làm việc giữa đêm khuya” - Tú Anh bảo. Phát chăn xong cũng là khi đồng hồ điểm 3h-4h sáng, cả nhóm trở về những căn nhà trọ với trái tim ngập tràn niềm vui vì đã làm được một việc thiết thực.

Một căn nhà được CLB Chủ nhật yêu thương xây tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết nỗ lực học tập.  -Ảnh: CTV
Một căn nhà được CLB Chủ nhật yêu thương xây tặng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nhưng biết nỗ lực học tập. -Ảnh: CTV

 

Tú Anh kể 10 năm trước, khi còn là sinh viên, anh đã cùng các bạn bè gây quỹ đi thăm các cụ già neo đơn, trại trẻ mồ côi ở Sài Gòn và Bình Dương. Sau đó, CLB Chủ nhật yêu thương ra đời với những hoạt động chủ yếu dành cho trẻ em.

“Chúng tôi không chủ trương tặng bánh kẹo, hoặc đến chơi với các em một lần rồi thôi. Các chương trình nhằm đem lại mầm tri thức và giúp các em nỗ lực không từ bỏ việc học” - anh chia sẻ.

Từ năm 2014 đến nay, nhóm đã duy trì chương trình “1.001 thư viện” cho trẻ em vùng sâu vùng xa trên khắp đất nước, tạo được thư viện sách cho trẻ em của nhiều bản làng ở Yên Bái, Sơn La, Đắk Nông, Quảng Nam, Bình Phước... Mỗi thư viện có khoảng 500 đầu sách, gồm các sách về văn học, khoa học, truyện tranh phù hợp độ tuổi các bé.

Mỗi cuối tuần, các bạn trong CLB lại lụi cụi đến các nhà sách cả cũ lẫn mới chọn sách trẻ em, vận động bạn bè và cư dân mạng đóng góp... Vài năm gần đây, nhóm của Tú Anh còn gây quỹ xây nhà cho các bé chăm học, hỗ trợ các em học đến khi lên ĐH.

Mỗi căn nhà trị giá 40-50 triệu đồng sẽ được xây theo nhu cầu ở của gia đình và ý thích của bé trong một chừng mực có thể. Đến nay, CLB của anh đã xây được 6 căn nhà như thế và dự kiến đến cuối năm nay sẽ có thêm 2 căn.

Anh cho biết đang tìm thuê thêm một ngôi nhà để làm nơi tập kết sách cho trẻ em. Năm nào anh cũng dành những chuyến đi lặng lẽ đến các bản làng thăm lại các em nhỏ mà mình đang giúp đỡ. “Có khi tôi đi một mình, đến bản thì đã khuya, nhưng cô chú cha mẹ các bé thấy mình thì thương lắm” - Tú Anh chia sẻ.

Năm nay là năm thứ 4 CLB truyền thông REC (ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) đến với các em nhỏ ở những vùng khó khăn, với chương trình “Thắp sáng vùng cao” dịp cuối năm. Lần này là với gần 300 em nhỏ ở Trường tiểu học Đan Phượng 1 (Lâm Hà, Lâm Đồng).

Câu chuyện các em nhỏ Đan Phượng với cái nghèo thường trực, gian nan đường đến trường được các bạn kể lại trong chương trình ca nhạc gây quỹ “Đêm nằm nghe radio” hai tuần trước chuyến đi.

Đêm nhạc bán vé ở một quán cà phê âm nhạc tại Q.Bình Thạnh là tâm sức của gần 100 thành viên: liên hệ mời ca sĩ, kêu gọi bán vé, quyên góp vật phẩm để tổ chức bán đấu giá trong đêm nhạc. Chủ nhiệm CLB Nguyễn Mĩ Dân, nữ sinh viên ngành báo chí 20 tuổi, chia sẻ để có 70 triệu đồng làm chương trình, gần 100 thành viên của nhóm đã cùng nhau làm rất nhiều hoạt động, tìm kiếm doanh nghiệp tài trợ, liên hệ các nhà xuất bản để có sách mới làm thư viện cho các em nhỏ.

Trước đó, nhiều bạn cũng tự bán đấu giá sản phẩm của bản thân trên Facebook để gây quỹ: Ngọc Huyền (25 tuổi) bán bộ truyện của Marc Levy mà cô trân quý, giữ gìn nhiều năm nay; Hữu Nghĩa (29 tuổi) bán cái drap giường độc đáo mà bạn mua trong chuyến du lịch bụi đến Sri Lanka...

Nhóm còn tổ chức đi bán hàng lưu niệm ở các công viên, chụp hình thẻ để gây quỹ. “Cuối tháng 12, nhóm sẽ đến với các em nhỏ ở Đan Phượng, mang theo sách, vở, truyện tranh, thiết bị dạy học cho các em và thầy cô sẽ đến chơi, hát với các em. Mỗi chuyến đi được sẻ chia sẽ là một kỷ niệm đáng nhớ của tuổi thanh xuân” - Mĩ Dân bảo.■

Xuân về trên phố

Cuối năm, để vợ và hai con nhỏ ở nhà, anh Lê Tiến (38 tuổi, phụ trách hội thiện nguyện Trái tim yêu thương) miệt mài với chuyến đi trao học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Trường ĐH Khánh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Chương trình kéo dài đã 5 năm, mỗi năm nhóm anh trao khoảng 100 suất, trị giá 2 triệu đồng/suất.

Nhóm còn có các hoạt động như “Xuân về trên phố”, “Bữa cơm đầu năm” duy trì 8 năm nay. Chương trình “Xuân về trên phố” vào dịp cuối năm âm lịch sẽ tổ chức lì xì trên đường phố cho người lao động nghèo với 200 bao lì xì, mỗi bao 100.000 đồng. Còn chương trình “Bữa cơm đầu năm” thường tổ chức sau tết cho 50 cụ già có hoàn cảnh khó khăn.

Các cụ sẽ được đưa đi siêu thị mua hàng trị giá 200.000 đồng, mời ăn nhà hàng mỗi người 200.000 đồng, nhận bao lì xì 100.000 đồng. “Chương trình nhằm chia sẻ và mang niềm vui đến các cụ già bán vé số, bán dạo... để họ có một năm ấm áp hơn” - anh nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận