Học cách nói không

HẢI MINH 21/09/2018 03:09 GMT+7

TTCT - Như mọi siêu cường đang nổi lên khác, Trung Quốc tận dụng sức mạnh kinh tế áp đảo của họ để mở rộng ảnh hưởng. Rất nhiều khoản đầu tư ra nước ngoài của họ là vì mục đích kinh doanh thuần túy hoặc có lợi cho các quốc gia tiếp nhận, nhưng cũng có những khoản tiền “dễ vay”, “dễ nhận” khác không hề như thế. Vấn đề là làm sao phân biệt và làm sao học cách nói không.

Giao dịch kinh tế với Trung Quốc là điều gần như không thể tránh khỏi với mọi quốc gia, vấn đề là làm sao để mối quan hệ đó mang lại lợi ích song phương cao nhất. Ảnh: Politico
Giao dịch kinh tế với Trung Quốc là điều gần như không thể tránh khỏi với mọi quốc gia, vấn đề là làm sao để mối quan hệ đó mang lại lợi ích song phương cao nhất. Ảnh: Politico

 

Đầu tháng 9, Đức đã thông qua một kế hoạch trao nhiều quyền hạn hơn hẳn cho nội các trong việc phủ quyết các vụ thâu tóm, sáp nhập với công ty tư nhân, một động thái mà Financial Times bình luận là “chủ yếu do tâm lý bảo hộ nhắm vào các vụ thâu tóm từ Trung Quốc”.

Trước đó, Berlin có quyền bác bỏ các vụ mua lại công ty Đức ở mức tối thiểu 25% giá trị doanh nghiệp từ một pháp nhân ngoài Liên minh châu Âu (EU) trên cơ sở an ninh quốc gia. Giờ thì mức mới là 15%, “để chúng tôi có thể kiểm tra những vụ mua lại trong các lĩnh vực nhạy cảm của nền kinh tế” - Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Altmaier nói với báo Die Welt. Đây là lần thứ hai trong không đầy một năm, Đức, một nước vốn có hệ thống pháp luật chặt chẽ và khá bảo thủ trong việc thay đổi luật pháp, sửa luật để siết chặt các quy định đầu tư và thâu tóm.

Bằng mọi phương tiện có thể

Theo Die Welt, chính quyền đang can thiệp ngày càng nhiều để cản bớt dòng đầu tư ồ ạt từ Trung Quốc, nhất là ở các công ty hoạt động trong những lĩnh vực cơ sở hạ tầng quan trọng, bởi lo ngại nhiều công nghệ tiên tiến của họ có thể lọt ra nước ngoài. Tháng 7-2018, chính quyền đã chỉ đạo ngân hàng phát triển của nhà nước KfW mua lại 20% cổ phần 50Hertz, công ty điều hành lưới điện, nhằm chặn trước việc một hãng nhà nước Trung Quốc đang ngấp nghé nhắm tới số cổ phần đó.

Trong tháng 8, một công ty Trung Quốc khác, Yantai Taihai, đã chấm dứt nỗ lực mua lại Leifeld Metal Spinning, một hãng chế tạo máy chính xác ít tên tuổi, nhỏ nhưng tối quan trọng bởi chuyên môn của họ trong lĩnh vực vật liệu không gian và năng lượng hạt nhân, sau khi chính quyền can thiệp.

Thái độ cứng rắn hơn của Đức chỉ là một ví dụ trong một cuộc từ chối có quy mô toàn cầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sớm ký ban hành thành luật các biện pháp mở rộng quyền hành của Ủy ban Đầu tư nước ngoài Hoa Kỳ (CIFUS), một cơ quan liên bộ chuyên đánh giá các khoản đầu tư bị coi là đe dọa với an ninh quốc gia. Trong khi đó, Anh mới đây ra mắt một tài liệu chính sách dài 120 trang, nhằm củng cố quyền lực của nhà nước trong việc can thiệp vào các tài sản của Anh “nhạy cảm với an ninh quốc gia”.

Những biện pháp dè chừng này phổ biến hơn sau khi chính quyền Bắc Kinh ra mắt chương trình “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, một dự án 10 năm của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm biến Trung Quốc từ một nhà sản xuất giá rẻ thành một siêu cường công nghệ trong 10 ngành công nghiệp tiên tiến: công nghệ thông tin, công cụ điều khiển và robot, thiết bị không gian, thiết bị hàng hải kỹ thuật cao, thiết bị đường sắt, xe hơi tiết kiệm năng lượng, thiết bị điện, vật liệu mới, y tế và máy móc nông nghiệp.

“Họ đã làm rõ là họ sẽ theo đuổi mục tiêu đó với mọi phương tiện có thể” - Mikko Huotari, phó giám đốc tổ chức nghiên cứu chuyên về châu Á Merics, nói với Financial Times. Tuy nhiên, các doanh nhân, bao gồm chính ở Đức, bày tỏ lo ngại thái độ bảo hộ có thể là thái quá. BDI, tổ chức vận động hành lang cho doanh nghiệp ở Đức, nói sự tăng trưởng của kinh tế Đức “phụ thuộc vào một bầu không khí đầu tư cởi mở” và “một chính sách khôn ngoan là làm sao để Đức vẫn còn hấp dẫn với giới đầu tư”, bất kể quốc tịch của họ là gì. Joachim Lang, giám đốc điều hành BDI, dẫn các số liệu nói hiện gần 3 triệu người lao động Đức làm việc ở các công ty có chủ sở hữu là người nước ngoài.

Một nỗi lo khác

Không giống các nước phát triển, những quốc gia đang phát triển đón nhận đầu tư từ Trung Quốc không phải lo ngại nhiều vấn đề đánh cắp công nghệ nhưng đồng thời, bởi vẫn rất khát nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho tăng trưởng kinh tế, họ thường không có những quy định đủ chặt chẽ phòng ngừa các vụ mua lại, sáp nhập hay đầu tư “nhạy cảm”.

Từ khi thắng cử vào tháng 5-2018 tới nay, tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã gây nhiều tranh cãi với việc gác lại hai dự án cơ sở hạ tầng rất lớn do Trung Quốc bỏ tiền ở nước này. Ông Mahathir giải thích lý do là những dự án đó quá đắt đỏ với một quốc gia đang chịu gánh nặng nợ nần như Malaysia. Trong khi đã sang thăm Trung Quốc, có những cuộc trao đổi khá thân tình với Chủ tịch Tập Cận Bình mới hồi giữa tháng 8 và ra một tuyên bố chung bày tỏ “lạc quan” về tương lai mối quan hệ song phương, thái độ của ông Mahathir ở trong nước là rất nhất quán.

“Tôi tin rằng chính Trung Quốc không muốn thấy Malaysia trở thành một quốc gia bị phá sản - ông Mahathir nói khôn khéo, nhưng cũng rất rõ ràng - Trung Quốc hiểu vấn đề của chúng tôi và đã đồng ý (ngưng hai dự án)”.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo New York Times ngày 20-8, thủ tướng Malaysia nói ông có bằng chứng rằng dự án đường sắt bờ biển miền đông có thể được thi công với chi phí chỉ khoảng một nửa so với số vốn đề xuất 13,4 tỉ USD mà người tiền nhiệm của ông, Najib Razak, đã đồng ý với Công ty Xây dựng và viễn thông Trung Quốc (CCCC).

Ông Mahathir cũng nói Malaysia đã trả 2 tỉ USD trong tổng tiền đầu tư dự kiến 2,5 tỉ USD cho dự án đường ống dẫn khí đốt ở bang Sabah, do một chi nhánh của Công ty Dầu khí nhà nước Trung Quốc (CNPC) đảm đương, nhưng giờ vẫn chưa thấy gì ở thực địa. Cả hai dự án này đều có vai trò rất quan trọng trong kế hoạch tổng thể Vành đai - con đường (BRI) của Trung Quốc.

Ngay lúc này, nợ công của Malaysia đã là 250 tỉ USD và ông Mahathir nói chính quyền sẽ phải rất tiết kiệm trong tương lai. “Chúng tôi không muốn một tình thế mà trong đó xuất hiện một phiên bản chủ nghĩa thực dân mới, vì các nước nghèo không cạnh tranh nổi với các nước giàu” - ông Mahathir nói trong cuộc họp báo ngay giữa Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Tới nay, Trung Quốc đã chi ra 500 tỉ USD cho nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc kế hoạch BRI, nhưng một số nước nhận các khoản đầu tư đó nói nó đi kèm quá nhiều ràng buộc, bao gồm việc không được gọi thầu mở - công khai và những thỏa thuận cho thuê không sòng phẳng trao cho Trung Quốc quyền tiếp cận áp đảo với quá nhiều dự án một khi chúng hoàn tất.

Malaysia không phải là quốc gia duy nhất muốn ngưng hay thương lượng lại các thỏa thuận, theo lời Agatha Kratz - giám đốc Tập đoàn Rhodium chuyên về đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, nói với The Washington Post ngày 21-8. Một số nước “nhận ra rằng nhận quá nhiều các dự án (thường từ vay nợ) của Trung Quốc sẽ gây ra gánh nặng cho cơ cấu tài chính của họ và có thể có hại cho sức khỏe tổng thể của nền kinh tế” - Kratz phân tích trong một thư điện tử gửi cho tờ Post.

Không phủ nhận sạch trơn

Tuy nhiên, đồng thời một chính sách từ chối mọi khoản đầu tư từ Trung Quốc, dù trên bất cứ cơ sở gì, sẽ là thiển cận. Vai trò kinh tế của Trung Quốc, dù cho tình cảm với họ có thế nào, trong nền kinh tế toàn cầu là không thể phủ nhận. Ngay chính ở Malaysia, trong khi dư luận nhìn chung đồng tình với ông Mahathir, cũng có những tiếng nói phản biện cần thiết.

Trong một bài với tựa đề: “Một quan điểm khôn ngoan hơn với đầu tư Trung Quốc không phải là sự chối bỏ sạch trơn”, giáo sư kinh tế học người Malaysia Jomo Kwame Sundaram nói quốc gia này vẫn phải tiếp nhận những khoản đầu tư trực tiếp và chuyển giao công nghệ góp phần vào cải thiện năng suất và tăng trưởng, vốn “có vai trò tối quan trọng trong tiến bộ tương lai” của đất nước. “Chính quyền mới rõ ràng ưu tiên các khoản đầu tư cho sản xuất công nghiệp, nhất là với việc Thủ tướng Mahathir quyết tâm thúc đẩy tiến bộ công nghệ của Malaysia” - ông Jomo nói.

Chính Trung Quốc cũng cảm nhận được sự lo lắng từ các đối tác của họ và rất nỗ lực trấn an. Mới đây, trong chuyến thăm Pakistan, Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã ra sức giải thích rằng dự án Hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC) sẽ không gây ra gánh nặng nợ nần cho nền kinh tế Nam Á này, theo báo Pakistan Tribune ngày 8-9: “CPEC không gây ra nợ nần cho Pakistan - ông Vương Nghị nói - ...khi dự án này hoàn tất và đi vào vận hành, lợi ích kinh tế sẽ là rất lớn”. Bắc Kinh đã hứa hẹn các khoản vay và đầu tư 57 tỉ USD cho nhiều dự án trong khuôn khổ CPEC.

Giao dịch với một nền kinh tế khổng lồ như Trung Quốc, một siêu cường đang trỗi dậy gần như mọi mặt, tất nhiên sẽ gây ra áp lực lớn. Nhưng sự khôn khéo và cương quyết, đi kèm với một động lực thật sự vì một sự hợp tác lâu bền và lợi ích của dân chúng nước sở tại sẽ là kim chỉ nam tốt cho bất cứ chính phủ nào.■

Cần sự thức tỉnh của Bắc Kinh?

Tháng 5-2018, chính quyền Canada đã chặn vụ mua lại trị giá 1,5 tỉ USD của CCCC với công ty xây dựng Canada Aecon vì các lý do an ninh quốc gia. Sau đó, đại sứ Trung Quốc tại Canada Lu Shaye (Lô Sa Dã) nói quyết định đó là “vô đạo đức”. Tuy nhiên, trang Open Canada bình luận đó thực ra là một “sự thức tỉnh” với Trung Quốc. “Trong khi các chuyên gia giờ tiên đoán sự trả đũa từ Bắc Kinh, những đe dọa kiểu của ông Lu sẽ không giúp thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc ở Canada - Open Canada viết - Chỉ có sự tôn trọng lẫn nhau mới dẫn tới một mối quan hệ hợp tác và hiểu biết làm thỏa mãn cả hai nước… Sự đa dạng về quan điểm chính là điểm mạnh của Canada và chúng ta cần duy trì điều đó”.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận