Kỹ thuật mới thành công của bác sĩ Việt Nam

PGS.TS.BS NGUYỄN HOÀNG ĐỊNH 29/08/2018 05:08 GMT+7

TTCT - Nghiên cứu áp dụng phương pháp mổ ít xâm lấn vào kỹ thuật Ozaki thành công đã gây ra sự ngạc nhiên thú vị cho các đồng nghiệp Âu, Mỹ tại Hội nghị quốc tế về phẫu thuật tim ít xâm lấn, tổ chức ở Vancouver, Canada tháng 6-2018. Trang CTSNet - cộng đồng online của phẫu thuật tim mạch thế giới - đã đăng toàn bộ công trình và video mô tả kỹ thuật mới của các bác sĩ Việt Nam. TTCT giới thiệu bài viết của PGS.TS.BS Nguyễn Hoàng Định.

Màng tim được cắt ra thành các lá van. Ảnh: BV ĐHYD
Màng tim được cắt ra thành các lá van. Ảnh: BV ĐHYD

 

Tháng 10-2017, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD) đã triển khai thành công phương pháp tái tạo van động mạch chủ với vật liệu tự thân, hay còn gọi là phẫu thuật Ozaki. Kỹ thuật này góp thêm một giải pháp mới trong việc điều trị cho người bệnh mắc bệnh van động mạch chủ.

BV ĐHYD là đơn vị đầu tiên áp dụng thành công kỹ thuật này tại khu vực phía Nam. Và lần đầu tiên trên thế giới, các BS Việt Nam đã áp dụng phương pháp mổ ít xâm lấn để thực hiện phẫu thuật Ozaki. Phương pháp của các BS Việt Nam đã được phổ biến trên trang CTSNet và được đồng nghiệp quốc tế rất quan tâm.

Van tim, chọn lựa nào?

Các bệnh lý bất thường của van động mạch chủ như hẹp van động mạch chủ, hở van động mạch chủ thường là những bệnh nặng, có thể gây tử vong nếu không điều trị kịp thời. Phẫu thuật thường là thay van tim nhân tạo.

Tới nay, con người chưa tìm ra được một loại van tim nhân tạo nào hoàn hảo, bền bỉ suốt đời, không có tác dụng phụ, không phải dùng thuốc kháng đông lâu dài. Nhiều loại van tim nhân tạo ra đời: van sinh học làm từ van tim hoặc màng ngoài tim của heo hay bò, van cơ học làm bằng vật liệu cacbon.

Mỗi loại van có ưu và nhược điểm riêng, thầy thuốc căn cứ vào nhiều yếu tố như tuổi, giới, thói quen sinh hoạt, khả năng tuân thủ việc dùng thuốc kháng đông và kiểm tra đông máu định kỳ, mong muốn có thai ở phụ nữ trẻ... để tư vấn việc chọn lựa van tim.

Van cơ học có ưu điểm sử dụng lâu dài, không cần thay mới, nhưng người bệnh cần đến BV tái khám thường xuyên, dùng thuốc kháng đông suốt đời với các nguy cơ tai biến của việc sử dụng thuốc kháng đông (kẹt van cơ học, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết trong cơ, trong bao khớp...).

Trong khi đó, người bệnh sử dụng van sinh học có nguồn gốc từ động vật không cần dùng thuốc kháng đông liên tục, nhưng sau 10-15 năm van sẽ hư hỏng và người bệnh cần phải phẫu thuật lại để thay van mới. Đối với người bệnh nữ có nhu cầu mang thai dùng van cơ học, việc dùng thuốc kháng đông làm tăng nguy cơ mang quái thai và sẩy thai; ở người trẻ, van sinh học sẽ thoái hóa nhanh hơn ở người lớn tuổi. Thay van nhân tạo cũng không phải là phẫu thuật được lựa chọn cho trẻ em, vì vòng của van nhân tạo làm vòng van tự nhiên không lớn lên được cùng với trẻ và trở nên hẹp khi trẻ lớn lên.

Vết mổ Ozaki ít xâm lấn. Ảnh: BV ĐHYD
Vết mổ Ozaki ít xâm lấn. Ảnh: BV ĐHYD

 

Ozaki và sáng tạo của bác sĩ Việt Nam

Kỹ thuật dùng màng ngoài tim tự thân tái tạo van động mạch chủ là phương pháp do GS Ozaki (người Nhật Bản) phát minh cách nay hơn 10 năm. Phương pháp Ozaki lấy màng ngoài tim của chính người bệnh để tái tạo thành van tim cho họ. Màng tim được khâu trực tiếp vào vòng van tự nhiên và hoạt động như van tự nhiên, nên dòng máu qua van ít bị cản trở hơn so với van cơ học hoặc van sinh học.

Người bệnh không dùng thuốc kháng đông suốt đời, giảm nguy cơ xuất huyết và nhiễm trùng van nhân tạo, không cần “sống gắn bó BV”. Ở bệnh nhân trẻ tuổi, van sinh học thoái hóa nhanh hơn người lớn tuổi, tỉ lệ người bệnh không mổ lại sau 10 năm đối với van sinh học là 85%.

Trong khi đó, theo nghiên cứu của GS Ozaki, sau 10 năm nếu dùng phương pháp Ozaki, 95-98% bệnh nhân không cần phải mổ lại. Nhiều nghiên cứu của các tác giả Âu, Mỹ đang được thực hiện để khẳng định kết quả này.

Kỹ thuật tái tạo van tim bằng vật liệu tự thân hiện đã được áp dụng tại hơn 50 quốc gia trên thế giới. Phương pháp này đặc biệt phù hợp với đối tượng người bệnh là phụ nữ có nhu cầu mang thai, trẻ em trong giai đoạn phát triển, người bệnh có vòng van tự nhiên nhỏ, người bệnh mong muốn không bị phụ thuộc vào thuốc kháng đông sau phẫu thuật, người bệnh đang bị nhiễm trùng trong tim (còn gọi là viêm nội tâm mạc nhiễm trùng).

Sau khi học hỏi từ GS Ozaki và áp dụng thành công, các BS BV ĐHYD đã tìm tòi kết hợp kỹ thuật ít xâm lấn với phương pháp Ozaki. Tại BV, phẫu thuật nội soi được áp dụng để lấy màng tim và với vết mổ chỉ dài 6cm, van động mạch chủ được tái tạo hoạt động như van tự nhiên, giúp điều trị hiệu quả bệnh động mạch chủ, người bệnh giảm đau đớn, ít mất máu và không cần phải cưa toàn bộ xương ức như phương pháp Ozaki kinh điển.

Chị V.T.M. - 30 tuổi, ngụ Tây Ninh - là một trường hợp được tái tạo van tim theo phương pháp Ozaki thành công. Năm 27 tuổi, chị M. bắt đầu xuất hiện những triệu chứng mệt nặng khi gắng sức và tình trạng ngày một nghiêm trọng hơn.

Khi đi khám, chị được chẩn đoán hở van động mạch chủ nặng, tim giãn lớn và cần phẫu thuật thay van. Chị rất lo khi biết dù được thay van cơ học hay van sinh học thì cơ hội có thai và sinh con của chị cũng thấp và mang nhiều rủi ro. Chị M. cảm thấy như bản thân không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đánh đổi giữa sức khỏe của mình và việc mang thai nên rất tuyệt vọng.

Khi đến khám tại BV ĐHYD, chị rất hạnh phúc khi biết được tại đây đã áp dụng phẫu thuật tái tạo van bằng màng ngoài tim, vừa giúp chị cải thiện bệnh tình vừa đảm bảo cơ hội mang thai. Ca phẫu thuật của chị M. diễn ra cuối tháng 11-2017 và thành công tốt đẹp. Đến nay, sức khỏe của chị đã phục hồi và ổn định. Chị cho biết dự định có thai trong năm 2018.

Trường hợp bác N.T.T. - 56 tuổi, ngụ Đồng Nai - lại khá đặc biệt và hiếm gặp. Sau một lần nhổ răng, bác T. có những triệu chứng sốt, khó thở kéo dài không dứt. Khi đi khám tại BV ĐHYD TP.HCM, bác T. được các BS chỉ định siêu âm tim và phát hiện bị nhiễm trùng van tim.

Các BS nhận thấy ổ vi trùng trú ngụ lâu ngày trong răng của người bệnh đã bị phát tán khi đi nhổ răng. Các loại vi trùng này nhiễm vào máu và theo máu di chuyển khắp cơ thể. Khi đến tim, những vi trùng này bám lại, gây nên ổ nhiễm trùng ở van tim và đã phát triển thành những mảng sùi ở van tim, làm hở van động mạch chủ, hở van hai lá và van ba lá.

Nếu không được phẫu thuật ngay, những mảng sùi này có thể rơi ra và theo mạch máu lên não gây tắc mạch máu não, khiến người bệnh có nguy cơ đột quỵ. Việc dùng màng ngoài tim tái tạo van động mạch chủ, sửa van hai lá và van ba lá, tránh sử dụng van nhân tạo giúp bác T. giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng tái phát trên van nhân tạo là biến chứng rất nguy hiểm. Hiện tại, ca phẫu thuật của bác T. đã thành công và người bệnh đang trong giai đoạn hồi phục tích cực.

Chúng tôi mong phương pháp mới sẽ được phổ biến rộng hơn để ngày càng nhiều bệnh nhân được hưởng lợi từ kỹ thuật mới này.■

Ưu điểm trong phương pháp của các bác sĩ BV ĐHYD:

Vết mổ chỉ dài 6cm, van động mạch chủ được tái tạo hoạt động như van tự nhiên, giúp điều trị hiệu quả bệnh động mạch chủ, người bệnh giảm đau đớn, ít mất máu và không cần phải cưa toàn bộ xương ức như phương pháp Ozaki kinh điển.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận