450 triệu USD là ít hay nhiều?

CHIÊU VĂN 26/11/2017 03:11 GMT+7

TTCT - Những tiếng kêu kinh ngạc có thể nghe rõ trong căn phòng đấu giá hôm thứ tư (15-11) tuần rồi, trong một phiên đấu giá được livestream mô tả bầu không khí nghẹt thở, khi một người mua giấu mặt trả 450,3 triệu USD (tương đương 2 ngày ngân sách của thành phố lớn nhất nước Mỹ - New York) cho bức Salvator Mundi của Leonardo da Vinci.

Bức tranh 450 triệu USD “Salvator Mundi”.
Bức tranh 450 triệu USD “Salvator Mundi”.

 

Ngay sau buổi đấu giá của nhà Christie’s, cả thế giới đặt câu hỏi liệu bức tranh có thực sự đáng giá như thế? Nhưng câu hỏi lớn thật ra không phải là về bức tranh, mà là về việc làm sao để định giá bất kỳ thứ gì trong một thị trường tài chính đang trở nên siêu thực, thoát ly hoàn toàn những phong thái kiểu cổ điển.

Rốt cuộc, giá trị của một món đồ thực ra là gì? Kinh tế học truyền thống sẽ nói với bạn rằng giá trị của một món đồ là giá thành làm ra nó, cộng với lợi nhuận cho người sản xuất và bán hàng.

Đó là vấn đề đầu tiên với bức họa của Da Vinci: nhà nghệ sĩ đa tài thế kỷ 16 không còn “sản xuất” được nữa. 15 bức tranh của ông hiện đang treo trong các bảo tàng, nhưng chưa bao giờ được rao bán, và bởi thế không ai biết chính xác giá của các “sản phẩm” đó là bao nhiêu.

Nếu như con cái hay cha mẹ bạn muốn có một bức của Da Vinci làm quà vào Giáng sinh này, thì phiên đấu giá vừa rồi là không thể bỏ lỡ.

Điều đó đưa chúng ta tới một vấn đề kinh tế học thứ hai: “hàng hóa khan hiếm”. 30 năm trước, có rất ít người có thể trả khoản tiền như thế. Các tỉ phú mới nổi ở Nga và Trung Quốc còn rất ít ỏi, khi quá trình tư nhân hóa tài sản nhà nước chưa diễn ra ở Nga, còn hàng giá rẻ chưa được sản xuất ồ ạt ở Trung Quốc.

Đã có tin đồn rằng Liu Yiqian (Lưu Ích Khiêm), tỉ phú Trung Quốc và người đồng sáng lập Bảo tàng Long ở Thượng Hải, nằm trong số những người đấu giá. Tay cựu tài xế taxi chuyển sang sưu tầm tác phẩm nghệ thuật này từng gây tiếng vang hồi năm 2015 với việc trả 170,4 triệu USD cho một bức của Amedeo Modigliani, cũng ở một phiên đấu giá của Christie’s (tuy nhiên, trong một tin nhắn sau đó trên WeChat, Liu nói ông không mua được Salvator Mundi).

Sự giàu có mới trên toàn cầu với những đại gia vừa giàu lên như Liu đã bóp méo thị trường hàng hóa khan hiếm. Giống như những bức họa của Da Vinci, đất đai tại Manhattan, Brooklyn, London, hay Hong Kong không sinh sôi nảy nở nữa, và để sở hữu chúng, có nhiều tiền là chưa đủ.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính, những người giàu trên thế giới thực ra không hề nghèo đi. Không sai, họ có mất chút ít tài sản vì cuộc suy thoái, nhưng đã nhanh chóng được bù đắp khi cũng là người hưởng lợi nhiều nhất từ những gói cứu trợ cực kỳ hào phóng từ chính quyền.

Phiên đấu giá nghẹt thở của nhà Christie’s.  -Ảnh: businesswire.com
Phiên đấu giá nghẹt thở của nhà Christie’s. -Ảnh: businesswire.com

 

Từ năm 1989 tới 2007, cung tiền trên toàn cầu tăng từ 94% lên 98% tổng GDP toàn thế giới. Ngày nay, tỉ lệ đó là 126%.

Riêng ở phương Tây, đã có thêm 10.000 tỉ USD bơm vào nền kinh tế, phần lớn rơi vào túi những người giàu nhất. Đó luôn là vấn đề quen thuộc của những người có tiền: phải đầu tư vào đâu để giảm thiểu rủi ro? Bỏ tiền cho các doanh nghiệp luôn là lựa chọn rõ ràng.

Uber chẳng hạn, được cho là có giá trị thị trường 68 tỉ USD (cũng chỉ bằng hơn 150 bức Salvator Mundi), nhưng thực ra họ chưa hề có lãi. Và so sánh như thế thì Salvator Mundi trở nên một món đầu tư hợp lý, ít ra thì nó còn hữu hình, chứ không phải như cổ tức của Uber.

Một vấn đề kinh tế học lý thú nữa thuộc về phân ngành kinh tế học hành vi đang “hot” trong câu chuyện này là “tư duy tập thể”: khi một người - trong trường hợp này là một tay tỉ phú - vì muốn duy trì sự hài hòa và thống nhất trong giới của mình - những kẻ lắm tiền và thích hội họa - có thể đã quyết định không hề duy lý như giả định về con người kinh tế học.

Nên nhớ, chính Christie’s không đảm bảo bức tranh là thật (đã có nhiều điều tiếng về chuyện này, và Christie’s chỉ bảo hành bức tranh trong 5 năm). Thay vào đó, một nhóm chuyên gia “đồng thuận” rằng bức tranh là nguyên bản.

Tư duy tập thể tạo ra bong bóng kinh tế, như nhiều vụ sụp đổ thị trường chứng khoán đã là bằng chứng. Về cơ bản, sau thời hạn 5 năm kia, Salvator Mundi sẽ có thể có giá từ 10.000 tới 3 tỉ USD. Biên độ như thế chắc chắn là không lành mạnh với mọi hoạt động kinh tế. Nhưng sau cùng, ai lại đi nói chuyện tiền bạc trước một kiệt tác, đúng không?■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận