Công chức làm thêm mới đủ xoay Xở

TTCT - Với đồng lương bèo bọt, nhiều công chức - viên chức nhà nước dù cố thắt lưng buộc bụng cũng phải làm thêm đủ nghề để trang trải cuộc sống. Sau 8 tiếng ở công sở, họ lại lao vào cuộc mưu sinh với nghề tay trái.

Minh họa: Nop
Minh họa: Nop

 

17h, kết thúc giờ làm việc, rời cơ quan, cô gái trẻ D.T.T.N. (23 tuổi) vội vã lên xe máy hòa vào dòng người tấp nập đến trung tâm văn hóa cho kịp giờ lên lớp. Công việc “ca hai” của N. là biên đạo múa, dẫn chương trình họp mặt, thôi nôi, đám cưới...

“Chạy show”

Quê N. ở miền Tây. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành quản trị nhân sự, cô xin được việc làm tại một đơn vị hành chính ở Q.1, TP.HCM. Với trình độ đại học, cô được hưởng mức lương bậc 1, khoảng 3 triệu đồng/tháng, cộng các khoản phụ cấp, tổng cộng thu nhập gần 4 triệu đồng/tháng. Cuộc sống phố thị đắt đỏ, cô tằn tiện hết sức nhưng vẫn không đủ chi tiêu, mọi quan hệ bạn bè, mua sắm, xã giao đều phải hạn chế hết mức.

“Ngoài tiền phòng trọ gần 1,5 triệu đồng/tháng, tiền ăn uống, sinh hoạt, xăng xe, tôi còn phải dành dụm gửi tiền về quê giúp bố mẹ nuôi em nhỏ ăn học” - N. tính. Vậy là N. phải kiếm việc làm thêm buổi tối, ban đầu là trang trí bàn tiệc cưới, kết hoa cưới rồi đến biên đạo múa, làm MC.

Tính ra mỗi ngày N. phải làm việc tới 12 tiếng, gần 23 giờ đêm mới về tới nhà. Nhiều hôm trời mưa, chạy xe về tới nơi ướt như chuột lột, mệt quá không nuốt nổi cơm. Bốn tiếng làm thêm mỗi tối mang lại cho N. từ 3,5-4 triệu đồng/tháng, tương đương số lương công chức mà cô nhận được.

Cuối năm 2011, L.V.N. (32 tuổi, quê Nghệ An) được nhận vào làm hợp đồng tại một sở thuộc UBND TP.HCM với mức lương gần 3 triệu đồng. Một năm sau N. trúng tuyển trong kỳ thi tuyển công chức. Là chuyên viên của sở, anh được hưởng mức lương 5,6 triệu đồng/tháng. Trừ các khoản đóng bảo hiểm, công đoàn phí..., số tiền N. nhận còn lại khoảng 5 triệu đồng.

Theo N., với mức lương này, nhà cửa chưa có, cộng thêm gánh nặng vợ con khiến nhiều lúc anh muốn bỏ việc ra ngoài kinh doanh tự do. Cả nhà đang sống tại Dĩ An (Bình Dương), tiền xăng xe hằng ngày N. chạy đi chạy về TP.HCM làm việc cũng mất một khoản. Lương không đủ sống, anh phải vay mượn, có lúc tiền nợ lên tới 130 triệu đồng. Không thể sống nhờ đồng lương công chức, năm ngoái N. đánh liều vay mượn người thân, vay thêm ngân hàng để mở quán ăn nho nhỏ tại Bình Dương.

“Chuyện mở quán tôi phải giấu đồng nghiệp cơ quan. Sáng đưa con đến trường, tôi chạy một mạch 22km đến chỗ làm. Chiều tối lại tranh thủ chạy về bán quán ăn đến khuya” - N. kể. Anh nói kiểu làm “chân trong chân ngoài” cũng khiến công việc cơ quan bị ảnh hưởng bởi phải thường xuyên đi trễ về sớm.

Quên ăn để làm thêm

Cách đây 20 năm, anh L.N.B. bước chân vào làm cộng tác viên mảng văn hóa xã hội cho một UBND phường ở Q.1, TP.HCM. Hết làm cộng tác viên đến cán bộ bán chuyên trách, mãi đến năm 2004 anh mới thi đậu kỳ thi công chức và công tác tại phường đến bây giờ. Năm nay gần 50 tuổi, mức lương anh nhận được hằng tháng là 4,1 triệu đồng, chưa trừ bảo hiểm và các khoản đóng góp.

Để bám trụ được với công việc, anh B. phải làm thêm đủ nghề. Hằng ngày cứ đến giờ nghỉ trưa, đồng nghiệp lại thấy anh phóng xe ra chợ đầu mối lấy hàng về cho vợ bán, hoặc đi bỏ mối khăn lạnh cho các quán ăn. Bữa trưa của anh thường chỉ là ổ bánh mì, nhiều khi không kịp ăn đã đến giờ làm buổi chiều.

Mới đây, anh còn thế chấp căn nhà vay tiền ngân hàng để hùn vốn mở cơ sở sản xuất nước mát đóng chai. Sau giờ làm việc, anh lại đi mua lá dứa, mía lau, rễ tranh, bông cúc... về cùng vợ nấu, đóng chai, bỏ mối... “Chuyện làm thêm tôi không dám cho lãnh đạo cơ quan và đồng nghiệp biết. Làm công chức nhà nước mà “chạy” đủ nghề vậy cũng ngại, nhưng biết làm sao được, không làm thì lấy tiền đâu nuôi hai đứa nhỏ ăn học!” - anh nói.

Khoảng 3 tháng nay, hết giờ làm việc, anh N.V.S. (35 tuổi, quê Thanh Hóa) lại bắt đầu cuộc mưu sinh “ca hai” bằng nghề tay trái là lái xe taxi. Sau khi tốt nghiệp ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, anh S. quyết định ra miền Bắc lập nghiệp và may mắn xin vào làm cán bộ hợp đồng ở bộ phận bồi thường, giải phóng mặt bằng của UBND một quận nội thành Hà Nội.

Gần 7 năm công tác, trải qua hai lần nâng lương (chưa được ký hợp đồng), mức lương hiện tại anh S. nhận được là 3,4 triệu đồng/tháng, cộng thêm các khoản phụ cấp ngót nghét 5 triệu đồng. Vợ anh làm kế toán, lương cũng chỉ xấp xỉ 4 triệu đồng nên cuộc sống gia đình khá chật vật giữa thủ đô đắt đỏ, đừng nói đến chuyện dành dụm.

Để sắm được chiếc ôtô cũ trị giá 400 triệu đồng làm “cần câu cơm” mỗi đêm, anh S. phải vay mượn anh em, bạn bè và ngân hàng. “Đêm nào may lắm tôi chạy được khoảng 10 cuốc khách thì được 300.000-400.000 đồng, trừ chi phí xăng xe còn lại khoảng 200.000 đồng, coi như góp thêm trang trải chi tiêu gia đình” - anh S. nói.

Mấy tháng nay, chị Đ.T.A.S. (32 tuổi, công chức làm việc tại TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) quyết định “tăng ca” với việc bán hàng qua mạng - công việc theo chị là khá phù hợp với dân văn phòng. Chị S. đi làm công chức hơn 8 năm, có một con và đang mang bầu đứa thứ hai. Mọi chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào đồng lương công chức của chị nên cuộc sống lắm chật vật. Nghề tay trái mỗi tháng mang lại khoản thu nhập 4-5 triệu đồng, giúp chị giải quyết khó khăn trước mắt.

“Đặc thù kinh doanh trên mạng phải dành nhiều thời gian tư vấn, cập nhật sản phẩm. Mình là công chức mà lúc nào cũng ôm khư khư cái điện thoại coi sao được.

Do vậy, cứ đến giờ nghỉ trưa tôi lại tranh thủ ôm điện thoại trả lời tin nhắn, tư vấn cho khách” - chị S. kể. Chị cùng nhìn nhận việc nhiều hôm thức khuya tư vấn, loay hoay đặt hàng, đóng gói hàng cho khách khiến chị không còn thời gian nghỉ ngơi, do đó công việc cơ quan ít nhiều bị ảnh hưởng.

Không có thời gian nghỉ ngơi

Chị Hiền Thanh, nhân viên kế toán của một công ty chuyên về nội thất ở Bình Dương, cho biết dù công việc áp lực nhưng sau giờ làm chị cũng tranh thủ kiếm việc làm thêm để tăng thu nhập. “Do công ty lớn nên mỗi khi đi làm đều phải dành toàn bộ thời gian để giải quyết công việc.

Để kiếm thêm thu nhập, tôi tranh thủ buổi tối hoặc các ngày nghỉ nhận thêm việc làm báo cáo tài chính cho các công ty nhỏ, mỗi tháng có thêm vài triệu đồng, công việc cũng đơn giản, không quá áp lực và tốn nhiều thời gian” - chị cho biết.

Dù làm chính trong cơ quan nhà nước nhưng thu nhập chủ yếu của anh Đồng (ngụ Đồng Nai) lại chủ yếu dựa vào công việc làm thêm ở ngoài. Lý giải về việc này, anh Đồng chia sẻ: “Thực tế là vậy vì lương nhà nước khá thấp, khoảng 5 triệu đồng/tháng, nếu chỉ dựa vào khoản thu nhập này thì cuộc sống của vợ chồng, con cái khó lòng đảm bảo, chưa kể con cái còn học hành”.

Với việc “chạy show” làm kế toán thời vụ cho ba công ty, hiện thu nhập của anh Đồng trên dưới 20 triệu đồng/tháng, nhờ vậy mà nay anh tích lũy mua được mảnh đất nhỏ.

Gần một năm nay, anh Cường (công nhân ở KCN Sông Mây, Đồng Nai) vui mừng khi kiếm được mối đi ráp đường ống nước ở TP.HCM và Bình Dương, nhờ người bạn giới thiệu. Với việc cả tuần (từ thứ hai đến thứ bảy) làm việc ở công ty, chủ nhật đi ráp ống nước, anh Cường còn rất ít thời gian dành cho gia đình. “Mưu sinh phải chịu chứ biết làm sao.

Ai cũng muốn cuối tuần được nghỉ ngơi, đưa con cái đi chơi nhưng điều kiện khó khăn phải đi làm để kiếm thêm khoản trang trải chi tiêu - anh Cường cho biết - Nếu ráp đường ống khoảng mấy tiếng buổi tối, tôi được trả khoảng 300.000 đồng, làm cả ngày chủ nhật được trả 600.000 đồng. Một tháng trung bình cũng được thêm 2 triệu đồng để mua gạo, sữa cho con”. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận