Sự trở lại của bệnh sởi: Đừng tự chuốc tai họa

CHIÊU VĂN 30/10/2018 02:10 GMT+7

TTCT - Ngay cả những bậc cha mẹ bình tĩnh nhất cũng hết mực lo lắng cho lần tiêm văcxin đầu tiên của con, nhưng với sự tái phát bệnh sởi ở quy mô khắp thế giới như hiện nay, những mũi tiêm đó đang trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.

Tỉ lệ mắc sởi trên toàn cầu năm 2017. Ảnh: WHO
Tỉ lệ mắc sởi trên toàn cầu năm 2017. Ảnh: WHO

Trong năm 2017, số trường hợp mắc sởi đã tăng gấp 4 lần ở châu Âu và ít nhất 35 người thiệt mạng, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Ukraine, Romania và Ý - nơi hệ thống y tế công nghèo hơn và các niềm tin dân gian về y tế còn mạnh mẽ. Nhưng với tốc độ di cư và đi lại của thời hiện đại, căn bệnh đó không biết tới biên giới và châu lục. Các trường hợp mắc sởi cũng đã được ghi nhận ở Bỉ, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Mỹ và cả Úc.

Không còn biết sợ

Theo WHO, tính từ đầu năm tới tháng 8-2018, ít nhất 37 người có thể đã thiệt mạng vì bệnh sởi. Ở châu Âu 6 tháng đầu năm 2018, có hơn 41.000 trẻ em và người lớn mắc sởi trên khắp châu lục - con số vượt xa tổng số ca mắc một năm trong tất cả mọi năm từ đầu thập niên này. Về mặt kỹ thuật, bệnh sởi được tuyên bố đã được thanh toán ở khắp châu Âu và Mỹ. Mới hai năm trước, châu Mỹ-Latin đã tuyên bố thanh toán xong bệnh sởi sau một chiến dịch lớn, kéo dài nhiều thập kỷ với sự trợ giúp của WHO.

Nhưng giờ ở đó bệnh cũng đang trở lại, với trận dịch lớn ở Venezuela đã khiến ít nhất 54 trẻ thiệt mạng. Trên toàn cầu, bệnh sởi vẫn phổ biến ở các vùng kém phát triển hơn. Vào năm 2017, WHO cho biết có tổng cộng 115.117 ca nhiễm sởi trên toàn thế giới với đa số tập trung ở Đông Nam Á, nơi ước tính có 4,8 triệu trẻ em không được tiêm ngừa mỗi năm.

“20 năm trước, người ta còn xếp hàng tiêm phòng bệnh ho gà vì nó làm trẻ em thiệt mạng - nguy cơ là rõ ràng và hiển hiện - Adam Finn, giáo sư bệnh nhi ở Đại học Bristol, Anh, nói với Telegraph vào tháng 8-2018 - Giờ không ai chết vì những bệnh đó nữa. Động cơ chính khiến mọi người tin ở văcxin là nỗi sợ, và không có nỗi sợ thì người ta bắt đầu nghi ngờ”.

Tất cả mở ra cơ hội cho những phong trào chống văcxin, vốn cũng lâu đời như chính văcxin vậy. Năm nay cũng đánh dấu đúng hai thập kỷ kể từ khi nhà nghiên cứu người Anh Andrew Wakefield đăng một tài liệu về sự liên quan giữa văcxin sởi, quai bị và rubella (MMR) với chứng tự kỷ, gây ra một cơn cuồng chống văcxin ở quy mô toàn cầu và tỉ lệ cha mẹ không cho con tiêm chủng tăng mạnh. Sau này, lý thuyết của Wakefield đã bị chứng minh không có cơ sở, nhưng lòng tin thì ở lại.

Ngay cả ở Anh, một nước có hệ thống y tế công phát triển, các con số mới nhất về tỉ lệ tiêm văcxin này từ Cơ quan Y tế quốc gia (NHS) cũng đã giảm so với năm ngoái và giảm năm thứ ba liên tiếp, đồng thời vẫn thấp hơn so với mức khuyến nghị của WHO là 95%. Các chuyên gia y tế lưu ý rằng MMR an toàn và hiệu quả ở mọi độ tuổi, nên những ai đã bỏ lỡ việc tiêm phòng nên đi tiêm, nhất là những người sắp sửa tới các vùng có dịch.

“Các ca nhiễm sởi hiện giờ thường là ở những trẻ đã lớn tuổi không tiêm MMR khi còn nhỏ, vì những lo ngại trên báo chí thời bấy giờ” - Helen Bedford, giáo sư bệnh nhi ở Đại học London, nói. Ngày nay, phong trào chống văcxin vẫn là nhỏ bé nhưng rất lớn tiếng, đặc biệt là hiện diện trên mạng xã hội. Nó càng lớn tiếng sau khi ông Donald Trump, người ủng hộ thuyết văcxin gây tự kỷ, đắc cử tổng thống Mỹ. Wakefield, mất luôn nghiệp bác sĩ ở Anh vì nghiên cứu sai lạc của ông, tiếp tục nghị trình tại Mỹ và đã tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Trump vào năm 2017.

Ở Ý, tình hình cũng đáng báo động. Nước này thông báo có 5.000 ca mắc sởi vào năm 2017, tức cao hơn ở Mỹ 200 lần (trong khi dân số không bằng 1/5 dân số Mỹ). Trong số các ca mắc sởi, 1 người lớn và 3 trẻ em dưới 10 tuổi đã thiệt mạng, tất cả đều không được tiêm ngừa. Tâm lý chống khoa học đặc biệt mạnh ở quốc gia sùng đạo này. Phong trào chính trị dân túy Năm sao, giống như Trump ở Mỹ, đã lớn tiếng nghi ngờ hiệu quả của văcxin trong những năm gần đây.

Hiệu ứng số lớn

Sởi là bệnh do một loại virút lây nhiễm cực mạnh gây ra, ai cũng có thể mắc, nhưng dễ xảy ra hơn ở trẻ nhỏ, nhất là những em thiếu dinh dưỡng. Văcxin ngừa sởi có thể bảo vệ trẻ em với tỉ lệ hiệu quả 97% sau hai liều và từng rất phổ biến vào những năm 1960. Trước đó, căn bệnh này giết chết hơn 2 triệu người mỗi năm và làm hàng nghìn người bị mù.

Việc tiêm ngừa không chỉ bảo vệ từng cá nhân không bị bệnh, mà còn bảo vệ cả cộng đồng khi ta tập hợp một lượng đủ lớn người miễn nhiễm với bệnh. Trong dịch tễ học, có một khái niệm là miễn dịch cộng đồng, mà diễn giải đơn giản là bạn an toàn hơn khi ít hàng xóm của bạn mắc bệnh hơn. Tỉ lệ miễn dịch cộng đồng cần thiết để loại trừ bệnh sởi trong dân chúng là 90-95%.

Hậu quả của việc không tạo ra được tỉ lệ miễn dịch đó có thể thấy rõ ở Romania vào cuối năm 2017 khi 36 người, hầu hết là trẻ nhỏ, thiệt mạng trong một đợt bùng phát bệnh sởi vào cuối tháng 11 và 10.000 người nhiễm bệnh trong năm đó. Đó là trận dịch lớn nhất ở quốc gia Đông Âu này từ năm 2005, năm mà Romania chính thức yêu cầu tiêm chủng hai mũi với MMR trên cả nước.

Bất chấp việc tiêm chủng MMR là miễn phí, tỉ lệ người được tiêm văcxin đã giảm mạnh ở Romania. Theo số liệu từ WHO và Bộ Y tế nước này, tỉ lệ người tiêm mũi thứ nhất đã giảm 11% trong một thập kỷ qua và mũi thứ hai là tới 29%. Ngoài phong trào chống văcxin, các bác sĩ và chuyên gia y tế cũng chỉ rõ trách nhiệm của nhà chức trách và cho rằng dịch sởi là một lỗi lầm mang tính hệ thống trước một cuộc khủng hoảng có thể nhìn thấy trước.

Từ việc quản lý sai lầm với nguồn dự trữ văcxin, cách phân bổ và việc gióng lên hồi chuông cảnh báo quá trễ, nhưng thủ tục quan liêu và sự tự mãn trong bộ máy đã dẫn tới những hậu quả chết người, theo nghĩa đen.

“Chương trình miễn dịch không thể tốt hơn so với hệ thống y tế điều hành chương trình đó” - Eduard Petrescu, điều phối viên Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) ở Romania, phân tích trên trang mạng Balkan Insight. “Nếu ta không tiêm chủng liên tục và có hệ thống, virút ngay lập tức lấp vào chỗ trống” - Adriana Pistol, giám đốc Trung tâm Giám sát và kiểm soát bệnh truyền nhiễm Romania thuộc Viện Y tế quốc gia, nói.

Trước khi có văcxin sởi vào những năm 1960, ở Romania, cũng như mọi nơi khác, gần như mọi trẻ em đều phải mắc bệnh này trước khi 15 tuổi. Loại virút lây nhiễm cực cao này có thể truyền đi khi người bệnh ho, hắt xì hay qua tiếp xúc. Văcxin sởi lần đầu được giới thiệu ở Romania năm 1979, nhưng tới năm 2005 MMR mới trở thành chương trình miễn phí toàn quốc. Tới năm 2007, tỉ lệ tiêm liều thứ nhất và thứ hai vẫn cực cao, lần lượt là 97% và 96%, nhưng rồi giảm còn 86% và 67% vào năm 2016. Những trận dịch đã bùng nổ gần như ngay lập tức.

Theo một nghiên cứu của UNICEF năm 2012, 45% trẻ em thuộc cộng đồng Roma thiểu số ở Romania không tham gia chương trình tiêm chủng quốc gia. Nhiều gia đình lao động cũng không có cơ hội hay lựa chọn vì họ không đăng ký với một bác sĩ gia đình như luật định, hoặc thiếu các giấy tờ tùy thân tối thiểu.

Sự phân biệt đối xử giai cấp trong bệnh viện là một lý do khác khiến những người nghèo, vốn dễ nhiễm sởi nhất, lại là những người ngại đi tiêm chủng. Một nghiên cứu năm 2013 của WHO nói dân lao động ở Romania “không thấy thích thú trong các tương tác với thầy thuốc, một yếu tố chính cản trở họ tìm tới sự trợ giúp y tế chuyên nghiệp”.

Những người thực sự tới gặp bác sĩ để được tiêm chủng đôi khi lại không thể toại nguyện bởi nguồn cung văcxin, sau nhiều năm lơ là, giờ đã không còn đủ. Dữ liệu của Bộ Y tế Romania cho thấy tháng 4-2017 còn khoảng 36.000 liều MMR trên toàn quốc, ít hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước. Nguồn dự trữ MMR cuối cùng đã phục hồi, nhưng chỉ sau khi chính quyền đã ký một hợp đồng mới rất lớn với một nhà cung ứng vào đầu tháng 7-2017.

Câu chuyện của Romania, một trong những nước nghèo nhất thuộc Liên minh châu Âu, cũng có thể coi là điển hình với nhiều nước đang phát triển khác. Sẽ cần quyết tâm chính trị để chấm dứt những thảm kịch không cần thiết đó và công thức là rõ ràng: không được lơ là, dù chỉ trong chốc lát, trước những căn bệnh lây nhiễm cao, nguy hiểm và có tác động sóng lan như sởi.■

Mỹ cũng không thoát

Từ năm 2001 tới 2015, số vụ mắc sởi ở Hoa Kỳ vẫn khá thấp (dưới 1 vụ trên 1 triệu dân), nhưng đã có xu hướng tăng đáng kể. Các ca nhiễm sởi đã tăng gần gấp đôi, từ 0,28 ca/1 triệu dân vào năm 2001 lên thành 0,56 ca/1 triệu dân năm 2015, theo một nghiên cứu năm 2017 của Trung tâm Phòng và kiểm soát bệnh Hoa Kỳ (CDC). Từ khoảng năm 2008, các ca mắc sởi ở Mỹ bắt đầu tăng và trong vòng 6 năm, bệnh sởi đã xuất hiện ở 27 bang với 667 ca cả thảy, nguyên nhân chính là những người mang theo bệnh từ nước ngoài quay về Mỹ.

Sởi là một trong những bệnh lây nhiễm nhất ở người. Trước khi có văcxin vào năm 1963, nó giết chết 2 triệu người mỗi năm trong số khoảng 30 triệu người nhiễm bệnh. Cứ 1.000 người mắc bệnh thì có 1-2 người tử vong. Không có cách điều trị cụ thể ngoài việc điều trị giảm triệu chứng. Sởi đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em dưới 5 tuổi, thiếu dinh dưỡng, thiếu vitamin A và mắc các bệnh liên quan tới hệ miễn dịch.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận