Đông Nam Á: Tinh thần tự lực cánh sinh

DANH ĐỨC 02/07/2018 20:07 GMT+7

TTC T- Thái Lan vừa đề xướng mở một quỹ khu vực nhằm giảm bớt lệ thuộc vào các “ông lớn” kinh tế châu Á. Đó là ao ước ngược dòng thực sự hay chỉ là một sáng kiến của nước chủ nhà?

Các nước Đông Nam Á nói chung và Đông Nam Á lục địa nói riêng cần sự đoàn kết để có tiếng nói nhất quán và có trọng lượng hơn trước nỗ lực giành giật ảnh hưởng trong khu vực từ bên ngoài. Ảnh: Rappler
Các nước Đông Nam Á nói chung và Đông Nam Á lục địa nói riêng cần sự đoàn kết để có tiếng nói nhất quán và có trọng lượng hơn trước nỗ lực giành giật ảnh hưởng trong khu vực từ bên ngoài. Ảnh: Rappler

 

Chìm trong những huyên náo của cuộc gặp thượng đỉnh Donald Trump - Kim Jong Un; một cuộc gặp thượng đỉnh khác, Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 8, đã diễn ra ít kèn ít trống tại Bangkok (Thái Lan) vào trung tuần tháng 6 vừa qua.

Bớt lệ thuộc để cùng tồn tại

Reuters ngày 16-6 tường thuật: “Thái Lan đang cầm trịch một quỹ mới ở Đông Nam Á dành cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok hôm thứ bảy (16-6), như một nỗ lực nhằm đối phó với sự lệ thuộc vào các “ông lớn” châu Á, như Trung Quốc.

Quỹ mà Thái Lan sẽ cùng quản lý với bốn nước trong khu vực - Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam - dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2019”. Các quan chức của 5 quốc gia dự kiến sẽ họp chi tiết sau trong năm nay.

“Giảm bớt sự lệ thuộc” vào bên ngoài là chủ ý của phía Thái Lan ở AMECS. Reuters đã mấy lần nhắc lại ý này và trích dẫn không chỉ phát biểu của Thủ tướng Prayuth, mà còn của một quan chức cấp bộ Thái Lan là phó tổng thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Arthayudh Srisamoot. Ông này phụ họa thủ tướng của mình, nói rất thẳng thắn: “Giữa các nước trong khu vực đang có một cảm nhận là hãy cố gắng tham gia nhiều hơn với khu vực trước khi gõ cửa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ”.

Reuters cũng đã đưa thông tin nền giải thích “sự lệ thuộc” mà ông Prayuth nói đến: “Trung Quốc đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng ở Đông Nam Á, phù hợp với sáng kiến Vành đai - con đường của họ, cũng như vào năng lượng và bất động sản, làm dấy lên mối quan ngại về sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng của khu vực vào Trung Quốc.

Trung Quốc cam kết chi gần 12 tỉ USD cho các khoản vay và tài trợ ở Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm nay ở Campuchia - một nước hưởng lợi hàng đầu từ đầu tư của Trung Quốc ở khu vực - các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đã đồng ý xem xét một loạt dự án do Trung Quốc tài trợ lần thứ hai, ngoài 132 dự án được phê duyệt trong năm 2016. Các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc hỗ trợ bao gồm một kế hoạch đường sắt trị giá 5,5 tỉ USD kết nối bờ biển đông Thái Lan với miền nam Trung Quốc, qua Lào”.

Trước khi hội nghị diễn ra, Thái Lan đã quảng bá ý tưởng “bớt phụ thuộc vào Trung Quốc” này qua một số tờ báo lớn, trong đó có tờ Nikkei Asian Review của Nhật Bản. Báo này hôm 4-6 đã đăng một bài với tựa: “Thái Lan lên kế hoạch cơ sở hạ tầng khu vực nhằm giảm lệ thuộc vào Trung Quốc”, trích các phát biểu của ông Arthayudh, tương tự như bản tin của Reuters.

Từ thực trạng đó, theo tờ Nikkei: “Sự lệ thuộc gây ra những tổn thất nghiêm trọng. Ví dụ ở Lào, các dự án lớn như đập thủy điện, đường cao tốc và đường sắt đang được đầu tư của Trung Quốc xây dựng để đổi lấy quyền khai thác và phát triển đất đai...

Trung Quốc đang tài trợ cho việc phát triển đập dọc sông Mekong tại Lào và Campuchia. Song, các dự án này đang đe dọa hệ thống sinh thái nông nghiệp ở hạ lưu là Việt Nam”. Đến đây, báo trích lời ông Arthayudh: “Nhiều nước trong khu vực trong khi chào đón đầu tư từ một số quốc gia nhất định, vẫn muốn giữ sự cân bằng, không phải chỉ dựa vào mỗi một quốc gia”.

Cái giá phải trả

Những trận lũ quét đầu mùa đang diễn ra ở Tây Bắc Việt Nam chính là lời nhắc nhở báo chí, công luận, các nhà khoa học... đã và đang ta thán: những tác hại của các đập nước trên sông Mekong và sông Lan Thương thượng nguồn. Các đập này đã và đang được xây dựng không có giới hạn và không đếm xỉa gì tới những tác hại ở hạ lưu, cả với con người lẫn với hệ sinh thái, bất chấp sự sinh tồn của các quốc gia ở hạ lưu.

Mạng lưới thông tín viên châu Á Asian Correspondent đã không ngừng gióng lên những tiếng chuông báo động. Tỉ như bài của Michael Hart, đăng hôm 24-1-2018: “Lào đẩy mạnh xây dựng các đập trên sông Mekong bất chấp rủi ro môi trường”.

Tác giả cho biết hiện Lào muốn xây thêm các dự án thủy điện dọc sông Mekong, nhằm thỏa mãn tham vọng trở thành “nhà đèn bán điện” cho cả Đông Nam Á, bù lại sự thất thế không có đường ra biển. Các đập đang được xây dựng tại Xayaburi, Don Sahong và Pak Beng có thể sẽ được các đập khác tiếp nối trong tương lai gần, với những kế hoạch cho 6 đập nữa bất chấp những phản đối năm này sang năm khác của các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan đa quốc gia khu vực cùng các nhóm cộng đồng địa phương.

Các đập mới sẽ bổ sung cho 7 đập đã được xây trên thượng nguồn sông Mekong - được gọi là sông Lan Thương ở bên kia biên giới phía bắc của Lào, tức Trung Quốc. Các đập này là một phần của dự án cơ sở hạ tầng rộng lớn hơn của Chính phủ Lào, nhằm trở thành trung tâm thủy điện chính của Đông Nam Á, đồng thời kết nối trên đất liền qua một tuyến đường sắt do Trung Quốc tài trợ”

Chủ nhân các dự án thủy điện nhấn mạnh đến những tác động tích cực trong tăng sản lượng năng lượng sạch trong khu vực, cũng như mở rộng việc tiếp cận và sử dụng điện và tăng trưởng kinh tế nhanh hơn cho nước chủ nhà. Một lập luận “sinh kế” không phải là không chính đáng.

Vấn đề ở chỗ, như nhận xét của tờ Nikkei ngày 9-5, mọi sự hợp tác giữa các nước trong khu vực Mekong ngày càng trở nên phức tạp khi Trung Quốc đứng ra bỏ vốn cho hạ tầng ở những nước kém phát triển nhất khu vực như Lào và Campuchia.

Hợp tác thế nào?

Chủ nhà Thái Lan không chỉ tập trung vào ý “bớt lệ thuộc” Trung Quốc, mà là “bớt lệ thuộc” nói chung vào bên ngoài. Thủ tướng Prayuth giải thích: “Vị trí của ACMECS có thể liên kết với “Vành đai - con đường” của Trung Quốc và “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở cửa” của Hoa Kỳ và các đối tác.

Trong tình thế này, xuất hiện một nhu cầu cấp bách với các thành viên ACMECS và các đối tác phát triển là cùng nhau cân bằng và tối ưu hóa hiệu quả hợp tác một cách thống nhất, để duy trì vai trò của chúng ta là cốt lõi của ASEAN”. Nói cách khác, cần cân bằng trong quan hệ với các đối tác để “ta vẫn là ta”.

Chủ trương là như thế. Cụ thể thì làm gì? Hãy cùng góp vốn, vốn công lẫn vốn tư nhân sẽ được huy động: đó là ý nghĩa của sáng kiến quỹ khu vực của Thái Lan. Tất nhiên vẫn còn nhiều vấn đề. Nếu chỉ góp vốn công, với thực lực kinh tế của cả 5 nước e rằng “ốc không mang nổi mình ốc”. Chính vì thế mà Thái Lan mới mở rộng sự góp vốn này ra lĩnh vực tư nhân.

Thủ tướng Prayuth giải thích cụ thể vai trò của tư nhân trong diễn văn tại cuộc gặp các lãnh đạo doanh nghiệp: “Theo kế hoạch tổng thể, sự tham gia của khu vực tư nhân vào việc phát triển ACMECS sẽ rất quan trọng. Khu vực tư nhân sẽ là động lực thúc đẩy hội nhập chuỗi cung ứng khu vực, cho phép tất cả các thành phần của nền kinh tế chuyển động cùng lúc, và biến tiểu vùng thành một cơ sở sản xuất duy nhất.

Đầu tiên, khu vực tư nhân của ACMECS phải hợp tác với khu vực công trong việc thúc đẩy đầu tư khu vực để kết nối chuỗi cung ứng ACMECS từ thượng nguồn đến hạ nguồn và tích hợp hoàn toàn tiểu vùng với nền kinh tế toàn cầu”.

Kế đến, ông diễn giải phương cách hoạt động: “Sự tham gia của khu vực tư nhân theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) là bắt buộc. Thái Lan đã bắt đầu hợp tác với các thành phần tư nhân thông qua PPP để phát triển cơ sở hạ tầng trong nước. Một trong những dự án đầu tư đáng chú ý mà Chính phủ Thái Lan ưu tiên cao là Hành lang kinh tế phía đông (EEC).

Thái Lan đề xuất đưa sự kết nối liền mạch cơ sở hạ tầng vào quy hoạch tổng thể của ACMECS, trở thành một trong những trụ cột phát triển của ACMECS trong tương lai”. Ông còn nói đến vai trò của tư nhân trong việc giúp ACMECS theo kịp nền kinh tế toàn cầu đang thay đổi, đặc biệt là về công nghệ.

Đề xuất của Thái Lan phản ánh phần nào những quan ngại về sự lệ thuộc vào các cường quốc nói chung, chứ không chỉ Trung Quốc. Trong lịch sử cận và hiện đại, nhất là sau khi chế độ thực dân - thuộc địa chấm dứt, nổi lên những mối quan hệ hợp tác phát triển với công cụ là viện trợ hay tài trợ ODA. Các nước bỏ tiền, từ Mỹ với USAID, Pháp với đồng franc CFA, tới các ông lớn châu Á sau này..., đều nắm đằng chuôi.

Lợi ích của họ bao trùm tất cả, từ chính sách tới vật chất, mà mục tiêu tối thượng vẫn là vì sự phát triển mở rộng (một uyển ngữ của “bành trướng”) cho nước chủ nợ. USAID để duy trì vành đai căn cứ Mỹ trên toàn thế giới, đồng franc CFA để duy trì một châu Phi Pháp ngữ, tiền bạc là dơ bẩn, nói chung đều thế cả. Vành đai - con đường chung quy cũng là để “chủ xị”, vốn có những địa phương kẹt sâu trong lục địa, thông ra bên ngoài hay rút ngắn hành trình bằng các cảng biển của các nước đối tác, nhiều nơi “thoải mái như ở nhà”.

Trong bối cảnh chung như thế, Thái Lan đã nêu khẩu hiệu: “Self-Sufficient, Sustainable, Vital” (tạm dịch: Tự cường, bền vững, để sống còn). Cho dù đề xuất này có được đáp ứng hay không, chí ít đây cũng là nhắc nhở về một thực tế có thật.■

ACMECS, như tên gọi, là một tổ chức hợp tác hoạch định kinh tế bao gồm Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, tức các nước nằm bên các con sông Ayeyawady (Myanmar), Chao Phraya (Thái Lan) và Mekong (Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam). ACMECS được thành lập vào năm 2003 từ một sáng kiến của cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Việt Nam gia nhập năm 2004. Hội nghị cấp cao ACMECS được tổ chức hai năm một lần.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận