Những tính toán mới về Đài Loan

HỮU NGHỊ 12/01/2019 18:01 GMT+7

TTCT - Những tin tức dồn dập về các phát biểu qua lại từ hai bên bờ eo biển Đài Loan từ đầu năm đã làm nóng tình hình an ninh khu vực.

Lực lượng hải quân ngày càng hùng hậu của Trung Quốc gửi đi một tín hiệu rõ ràng.-Ảnh: Business Insider
Lực lượng hải quân ngày càng hùng hậu của Trung Quốc gửi đi một tín hiệu rõ ràng.-Ảnh: Business Insider

 

Hôm 5-1, Đài CRI Trung Quốc đưa lại tin của Tân Hoa xã: “Hội nghị công tác quân sự của Quân ủy trung ương Trung Quốc ngày 4-1 đã triệu tập tại Bắc Kinh. Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương Tập Cận Bình tham dự và có bài phát biểu quan trọng”.

Quân lệnh đầu năm

Bài báo cho biết: “Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh toàn quân cần phải kiên trì lấy tư tưởng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới làm chỉ đạo, đi sâu quán triệt tinh thần Đại hội 19 và Hội nghị trung ương 2-3 khóa 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đi sâu quán triệt tư tưởng xây dựng quân đội hùng mạnh và phương châm chiến lược quân sự của Đảng trong thời đại mới, làm tốt công tác chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, mở ra cục diện mới về sự nghiệp xây dựng quân đội hùng mạnh trên khởi điểm mới”.

Thế nào là “tinh thần Đại hội 19”? Có nhiều ý chính từ Đại hội 19, như “quyết thắng toàn diện xây dựng xã hội khá giả, giành lấy thắng lợi vĩ đại của chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”.

Song, có lẽ ý này mới là trọng tâm: “…Phấn đấu không mệt mỏi thực hiện giấc mơ Trung Quốc phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại”. “Phục hưng dân tộc Trung Hoa vĩ đại” trùng hợp thực tế Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực, thay đổi so với chiến lược “giấu mình chờ thời” thời Đặng Tiểu Bình.

Cũng theo bản tin trên CRI, ông Tập còn nhấn mạnh quân lệnh: “Thế giới ngày nay đang đứng trước tình hình biến đổi chưa từng có trong 100 năm qua; sự phát triển của Trung Quốc vẫn đang ở thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, đồng thời các rủi ro thách thức có thể và khó dự báo tăng lên.

Toàn quân cần phải nhận thức đúng đắn và nắm bắt xu thế an ninh và phát triển của Trung Quốc, tăng cường ý thức về hoạn nạn khốn khó, ý thức khủng hoảng, ý thức chiến đấu, làm vững chắc các công tác chuẩn bị cho đấu tranh quân sự, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ sứ mệnh mà Đảng và nhân dân giao phó”.

Trước đó, hôm 2-1, ông Tập đã có bài phát biểu quan trọng nhân kỷ niệm 40 năm công bố “Thông điệp cho đồng bào ở Đài Loan”. Tất nhiên, bài phát biểu này tập trung vào vấn đề Đài Loan.

China Daily 2-1 đăng lại những điểm nổi bật trong bài phát biểu này: “Kể từ năm 1949, Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc luôn kiên quyết giải quyết vấn đề Đài Loan nhằm thực hiện thống nhất hoàn toàn Trung Quốc như một nhiệm vụ lịch sử…

Trong bảy thập kỷ, đại lục và Đài Loan đã đạt được Đồng thuận 1992 dựa trên nguyên tắc một Trung Quốc, các trao đổi chính trị qua eo biển đã đạt đến một tầm cao mới. Trong 70 năm, các nguyên tắc cơ bản “thống nhất hòa bình” và “một quốc gia, hai chế độ” đã được thiết lập… Trong 70 năm qua, ngày càng nhiều quốc gia và dân tộc hiểu và ủng hộ sự nghiệp thống nhất Trung Quốc”.

Mới đây nhất, Cộng hòa El Salvador đã thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc vào tháng 8-2018, tiếp sau Cộng hòa Dominica và Burkina Faso, qua đó đương nhiên cắt đứt quan hệ với Đài Loan, khiến nay chỉ còn 17 quốc gia công nhận Đài Loan trên toàn thế giới.

Đến đây, ông Tập đi thẳng vào vấn đề và quả quyết: “Trong 70 năm qua đã đạt được một loạt chiến thắng lớn trong cuộc chiến chống lại “độc lập Đài Loan” và phe ly khai. Các sự thật lịch sử và pháp lý, rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc và hai bên trên eo biển Đài Loan thuộc về một và cùng một Trung Quốc, không bao giờ có thể thay đổi bởi bất kỳ ai hoặc bất kỳ lực lượng nào.

Thực tế là đồng bào ở hai bờ eo biển đều là người Trung Quốc có chung quan hệ họ hàng tự nhiên và bản sắc dân tộc không bao giờ thay đổi bởi bất kỳ ai hoặc bất kỳ lực lượng nào”.

Và ông kết luận: “Trung Quốc phải và sẽ được thống nhất. Đó là một kết luận lịch sử được rút ra trong 70 năm phát triển các mối quan hệ xuyên eo biển, và là một điều bắt buộc đối với sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Quốc trong kỷ nguyên mới”.

Cục diện mới

Qua hai đoạn trích dẫn trên, có thể thấy ông Tập đã nhắc lại quả quyết rằng quan hệ đại lục - Đài Loan là “không bao giờ có thể bị ngăn chặn bởi bất kỳ ai hoặc bất kỳ lực lượng nào”. Câu hỏi đặt ra là “ai” và “lực lượng nào” đang được nói tới ở đây?

Tuy không nêu đích danh, song các phát biểu tiếp theo của ông Tập khá rõ, China Daily trích dẫn: “Các vấn đề của người Trung Quốc phải được quyết định bởi người Trung Quốc… Vấn đề Đài Loan liên quan đến lợi ích cốt lõi của Trung Quốc và sự gắn bó dân tộc của người Trung Quốc.

Sự thống nhất của Trung Quốc không gây tổn hại cho bất kỳ lợi ích hợp pháp nào của bất kỳ nước nào, bao gồm cả lợi ích kinh tế của họ ở Đài Loan.

Điều đó sẽ chỉ mang lại nhiều cơ hội phát triển hơn cho các quốc gia khác, truyền thêm năng lượng tích cực cho sự thịnh vượng và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, và đóng góp lớn hơn để xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại, cho hòa bình và phát triển của thế giới, và cho mục tiêu tiến bộ của loài người”.

Có thể điểm lại xem nước nào đã, đang và sẽ còn “có lợi ích ở Đài Loan”. Một ví dụ là thông cáo đề ngày 1-1 của chính quyền Đài Loan với nội dung “chân thành hoan nghênh và cảm ơn việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký kết dự luật Sáng kiến tái trấn an châu Á 2018 (ARIA), bắt đầu có hiệu lực vào ngày 31-12-2018 (giờ Đông Hoa Kỳ).

Người phát ngôn… Alex Huang lưu ý rằng ARIA lặp lại cam kết của Hoa Kỳ đối với an ninh Đài Loan, hỗ trợ quan hệ chặt chẽ hơn giữa Đài Loan - Hoa Kỳ, và khẳng định giá trị của quan hệ đối tác của Hoa Kỳ với Đài Loan và các quốc gia khác trong khu vực”.

Lịch sử có khi “hữu sự” vì một tình cờ nào đó. Câu chuyện dự luật Sáng kiến tái trấn an châu Á mở đầu các hoạt động đối ngoại ở Đài Loan năm 2019 có thể là trùng hợp ngẫu nhiên, do lẽ đạo luật này đi vào hiệu lực một ngày trước đó, song cũng có thể là có ý đồ, mà ý đồ gì thì chỉ người trong cuộc mới biện giải.

Đạo luật này do hai thượng nghị sĩ Mỹ Cory Gardner (Cộng hòa) và Edward Markey (Dân chủ) đệ trình Quốc hội từ ngày 24-4-2018, đến 27-12-2018 thì trình lên Tổng thống Trump, đến 31-12-2018 thì được phê duyệt. Đạo luật tự định nghĩa là “một dự luật nhằm phát triển tầm nhìn chiến lược dài hạn và chính sách toàn diện, đa diện và mang tính nguyên tắc của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và cho các mục đích khác”.

Thật ra, Đài Loan không phải đợi đến khi dự luật trên được ông Trump ký duyệt mới thấy được “trấn an”: Tháng 6-2018, lần đầu tiên Đài Loan được Mỹ đồng ý bán một gói vũ khí trị giá 1,4 tỉ USD, đến cuối tháng 10 lại thêm một gói nâng cấp 144 chiến đấu cơ F-16 cũ lên thành F-16 V, trị giá 3,35 tỉ USD.

Dự luật tái trấn an châu Á, do được công khai từ khi đệ trình Quốc hội Mỹ, đã được đánh giá như một bước dấn tới dưới trào ông Trump của kế hoạch “xoay trục Thái Bình Dương” do cựu tổng thống Barack Obama chủ trương, nay thành “tái trấn an châu Á”.

Tất nhiên mỗi nước liên quan xa gần đều ít nhiều “nghiên cứu” dự luật này. Lấy ví dụ, UPSC, cơ quan tuyển dụng công chức toàn Ấn Độ, trong tuần lễ đầu năm 2019 đã ra đề luyện thi công chức với nội dung: “Phân tích phê phán tầm quan trọng của dự luật Sáng kiến tái trấn an châu Á đối với Ấn Độ? (250 chữ)”.

Lời qua tiếng lại

Nổi bật với Trung Quốc trong đạo luật này là “Khoản 209: Cam kết với Đài Loan”. Thành ra, không khó hiểu những nhắn nhủ “không một ai, không một lực lượng nào…” của ông Tập.

Bản tóm tắt các điểm chính bài phát biểu về Đài Loan của ông Tập do China Daily trích giới thiệu có đoạn: “Trong khi lưu ý rằng “Người Trung Quốc không đánh người Trung Quốc”, ông Tập nói rằng thống nhất hòa bình là vì lợi ích tốt nhất của đồng bào trên khắp eo biển cũng như quốc gia Trung Quốc.

“Chúng tôi không hứa sẽ từ bỏ việc sử dụng vũ lực và bảo lưu tùy chọn sử dụng mọi phương tiện cần thiết”, ông nói thêm. Điều này không nhắm vào các đồng bào ở Đài Loan, mà là vào sự can thiệp của các lực lượng bên ngoài cùng số rất ít những người ly khai đòi “Đài Loan độc lập” và các hoạt động của họ, ông nói.

“Đài Loan độc lập” đi ngược xu hướng lịch sử và sẽ dẫn đến ngõ cụt. “Chúng tôi sẵn sàng tạo ra không gian rộng để thống nhất hòa bình, nhưng sẽ không còn chỗ cho bất kỳ hình thức hoạt động ly khai nào”, ông nói thêm”.

Ngay chiều 2-1, lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã lên tiếng: “Đầu tiên, tôi phải nhấn mạnh rằng chúng tôi chưa bao giờ chấp nhận “Đồng thuận 1992”. Lý do cơ bản là bởi định nghĩa của chính quyền Bắc Kinh về “Đồng thuận 1992” là “một Trung Quốc” và “một quốc gia, hai chế độ”.

Bài phát biểu của nhà lãnh đạo Trung Quốc hôm nay đã xác nhận những nghi ngờ của chúng tôi. Ở đây, tôi muốn nhắc lại rằng Đài Loan hoàn toàn sẽ không chấp nhận “một quốc gia, hai chế độ”. Đại đa số người Đài Loan cũng kiên quyết phản đối “một quốc gia, hai chế độ”, và sự phản đối này cũng là một sự đồng thuận của Đài Loan”.

Hiện thời, mọi chuyện chỉ dừng ở mức lời qua tiếng lại, nhưng ít ra các bên vẫn còn tôn trọng hai chữ “hòa bình” trong nguyên tắc “thống nhất hòa bình” mà ông Tập đã nêu!■

Chính quyền Đài Loan đang chịu sức ép lớn trong việc duy trì thái độ cứng rắn với đại lục. Tháng 11-2018, Đảng Dân chủ tiến bộ của bà Thái Anh Văn thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử địa phương khi chỉ giành được ghế ở 6 huyện thị so với 13 ghế trước đó và lần đầu tiên trong 20 năm qua mất luôn cơ sở truyền thống là thành phố Cao Hùng. Phe đối lập chủ yếu là Quốc Dân đảng, có chính sách mềm mỏng hơn với Bắc Kinh, chiến thắng 15/22 ghế huyện thị, tăng mạnh so với chỉ 6 huyện thị có trong tay trước cuộc bầu cử. Hậu quả là bà Thái Anh Văn phải từ chức chủ tịch đảng cầm quyền.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận