Venezuela: Để vãn hồi trật tự

TƯỜNG ANH 21/02/2019 22:02 GMT+7

TTCT - “Tình trạng khẩn cấp” hay “đảo chính” là các tên gọi khác nhau cho những diễn biến gần đây ở Venezuela. TTCT giới thiệu quan điểm của các chuyên gia Nga trong Câu lạc bộ Valdai - một tổ chức tư vấn chính trị, kinh tế thân Matxcơva.

Simon Bolivar (phải) và Hugo Chavez, hai nhà lãnh đạo huyền thoại của Venezuela - tranh tường ở Caracas. Ảnh: Getty Images
Simon Bolivar (phải) và Hugo Chavez, hai nhà lãnh đạo huyền thoại của Venezuela - tranh tường ở Caracas. Ảnh: Getty Images

 

Sự ổn định chính trị Venezuela hiện được bảo đảm bởi các lực lượng vũ trang nước này, vốn được Caracas hào phóng chi trả. Lý do chính của những biến động xã hội là nạn khan hiếm nghiêm trọng hàng hóa thiết yếu cũng như sự thiếu ổn định thường xuyên của hoàn cảnh kinh tế - xã hội.

Lợi dụng tình hình phức tạp hiện nay của Venezuela, Washington tăng thêm sức ép lên chính quyền Caracas, mặc dù vẫn không có cơ sở để khẳng định về khả năng xâm lược vũ trang của Hoa Kỳ vào đất nước này. Theo Valdai, hiện 7 yếu tố quan trọng dưới đây đóng vai trò then chốt cho sự bền vững, đồng thời cũng là những điều kiện gây bất ổn cho chính quyền Maduro.

7 yếu tố

1. Luồng tiền chảy vào đất nước. Nguồn tiền then chốt vẫn là thu nhập từ xuất khẩu dầu hỏa. Chính phủ Venezuela phụ thuộc nhiều vào doanh thu của Tập đoàn nhà nước PDVSA, trong khi sản xuất và xuất khẩu của tập đoàn liên tục giảm.

Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ áp đặt chống PDVSA cuối tháng 1-2019, bất chấp mọi ngoại lệ với các đối tác Mỹ (PDVSA đang làm ăn với các tập đoàn của Hoa Kỳ và đồng minh của Hoa Kỳ như Chevron - Mỹ, Equinor - Na Uy, và Total - Pháp), đang tác động tiêu cực đến luồng tiền này.

2. Sự ủng hộ của quân đội. Về cơ bản, hiện các lực lượng vũ trang Venezuela vẫn duy trì sự trung thành với chính phủ và trấn áp các hoạt động phản kháng trong hàng ngũ của mình cũng như trong đội ngũ lực lượng vệ binh quốc gia.

Trong năm qua, không dưới một chục cuộc phản kháng như thế đã được ghi nhận. Tổng thống Nicolas Maduro tranh thủ sự ủng hộ của quân đội bằng cách bổ nhiệm các lãnh đạo quân đội chủ chốt vào những vị trí đứng đầu tập đoàn dầu khí nhà nước.

Tuy nhiên, theo Valdai, “trong triển vọng lâu dài, một hệ thống như thế là cực kỳ không ổn định”. Một số sĩ quan quân đội Venezuela cấp cao vừa tuyên bố từ bỏ Maduro để chuyển sang ủng hộ phe đối lập, đã thêm chứng cứ cho luận điểm này.

3. Điều kiện ổn định thứ ba là việc bảo đảm cho người dân các hàng hóa thiết yếu. Hiện giờ trong nước đang diễn ra tình huống nguy cấp do sự mất cân đối chung trong nền kinh tế và việc cản trở cung ứng các hàng hóa này từ phía Colombia, qua đó hỗ trợ cho kế hoạch gây sức ép lên Caracas của Washington.

4. Đe dọa can thiệp quân sự từ bên ngoài. Bất chấp những phát biểu hiếu chiến về việc sẵn sàng cho thay đổi chế độ ở Venezuela, các chuyên gia Valdai cho rằng hiện nay không nhiều khả năng Washington sẽ can thiệp trực tiếp, “bởi hành động này sẽ dẫn tới sự phản kháng của quần chúng và cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của Venezuela.

Căn cứ vào hồ sơ can thiệp của Hoa Kỳ ở các nước Mỹ Latin, điều này sẽ dẫn tới một làn sóng chống Mỹ khắp toàn cầu. Cái chính là can thiệp quân sự sẽ không cho phép Hoa Kỳ nhanh chóng đạt được mục tiêu chính trị; chiến dịch quân sự sẽ lằng nhằng, kéo dài và không hiệu quả.

Những nước khác chỉ kêu gọi sử dụng vũ lực bằng lời (như Colombia hay Brazil) sẽ không đơn phương tiến tới việc gây căng thẳng quân sự trầm trọng hơn”.

5. Tổng thống Maduro vẫn đang nắm quyền lãnh đạo phong trào của hệ tư tưởng cánh tả Chavez. Trong hàng ngũ này, ông Maduro hiện không có đối thủ cạnh tranh và đang nắm thế chủ động trong bộ máy đảng hiện nay.

6. Điều kiện quan trọng tác động đến sự ổn định của Venezuela là sự năng động của phong trào sinh viên. Ở Mỹ Latin, không hiếm khi sự thay đổi chế độ diễn ra khi các cuộc chống đối của sinh viên lớn lên thành những cuộc nổi dậy. Venezuela không là ngoại lệ.

Theo các diễn tiến hai năm gần đây, sinh viên là một trong những nhóm phản đối tích cực nhất ở Venezuela, quân đội và vệ binh quốc gia không hiếm khi bắt giữ các lãnh đạo sinh viên. Cần nhắc thêm, tổng thống tự xưng Juan Guaidó đã bắt đầu hoạt động chính trị dưới thời ông Hugo Chavez, khi còn là sinh viên.

7. Nhân tố quan trọng cuối cùng là chính sách của Trung Quốc. Trung Quốc đã đầu tư trên 50 tỉ USD vào kinh tế Venezuela và có những kế hoạch dài hạn để Venezuela xuất khẩu dầu sang Trung Quốc. Hiện nguồn dự trữ dầu của Venezuela được cho là lớn nhất thế giới.

Để sử dụng nguồn tài nguyên này, Trung Quốc đang xem xét khả năng xây dựng một kênh vận tải hàng hải ở Nicaragua. Nhiều điều sẽ phụ thuộc vào cách hành xử của Bắc Kinh. Các bước đi thể hiện rõ nhất sẽ liên quan đến Tập đoàn PDVSA đang bị Hoa Kỳ trừng phạt.

Sai lầm của Maduro và phe đối lập

Trả lời phỏng vấn trên trang web của Câu lạc bộ Valdai, giáo sư về Hoa Kỳ của Đại học tổng hợp Saint Petersburg Lazard Kheyfets chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình hình phức tạp hiện nay của Venezuela.

Theo ông, một trong những nguyên nhân sâu xa là sức mạnh của những truyền thống lịch sử Venezuela. Ít ai để ý rằng ngày 23-1-2019, khi lãnh đạo phe đối lập Guaidó tự tuyên bố ông là tổng thống tạm quyền của Venezuela cũng là ngày kỷ niệm cuộc lật đổ nhà độc tài Marcos Perez Jimenez 61 năm trước. Đó là một cuộc cách mạng thật sự mà những lực lượng chính trị khác nhau ở Venezuela đã đoàn kết vì cùng một mục tiêu, dù sau đó họ đã chuyển sang các hướng đi khác nhau.

Đối với hầu hết người dân Venezuela, nhà cách mạng người Venezuela, người lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc ở Nam Mỹ thế kỷ 19 lật đổ ách thống trị Tây Ban Nha, giành độc lập cho 6 quốc gia Venezuela, Colombia, Panama, Ecuador, Peru và Bolivia - Simon Bolivar - là một nhân vật được ngưỡng mộ.

Không phải ngẫu nhiên mà Guaidó đã cầm chân dung Bolivar trong cuộc biểu tình ngày 23-1. Sự hấp dẫn của truyền thống là một đặc điểm quan trọng trong ý thức cộng đồng Venezuela.

Nguyên nhân tiếp theo, theo Kheyfets, hiển nhiên vẫn là cuộc khủng hoảng kinh tế, với những căn cứ khách quan và chủ quan. Một trong những lý do khách quan là giá dầu giảm đã tác động mạnh vào nền kinh tế dựa vào xuất khẩu dầu của Venezuela, nơi các chương trình xã hội được thực hiện từ những tích lũy do giá dầu cao.

Chính sách phúc lợi dựa trên giá dầu cao đã đảm bảo cho sự ủng hộ của một bộ phận lớn người lao động với chính quyền dưới thời ông Chavez. Nguồn tài chính này cũng giúp Venezuela theo đuổi một đường lối tự chủ nhất định trong chính sách đối ngoại, thông qua “Liên minh Bolivar cho các dân tộc Mỹ Latin và Caribê” - một dự án hợp nhất các nước khu vực này, giúp các nước nghèo có thể nhận hỗ trợ vật chất từ giá dầu cao.

Tuy nhiên, đường lối này của ông Chavez, và người kế nhiệm ông Maduro, đã có những sai lầm dẫn tới cục diện kinh tế bất lợi hiện nay. Theo Kheyfets, việc tiếp tục chính sách kinh tế cũ, bao gồm việc quốc hữu hóa khi thu ngân sách ngày càng giảm, là một sai lầm nghiêm trọng.

“Thực hiện những chương trình xã hội quy mô lớn nhưng lại không đảm bảo được nguồn lực tài chính là một sai lầm hệ thống của các chế độ cánh tả” - Kheyfets nhận định.

Nhà nghiên cứu Ivan Danilov bổ sung: ý kiến cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế Venezuela hiện nay 100% là do cấm vận của Mỹ là không đầy đủ. Ông viết: “Không có lệnh trừng phạt nào của Hoa Kỳ có thể giải thích thực tế rằng trữ lượng vàng của Venezuela nhiều năm qua nằm ở Ngân hàng Anh, mà theo thông tin mới nhất, ngân hàng này đã từ chối trả lại cho chính quyền Maduro...

Không có biện pháp trừng phạt nào có thể giải thích thực tế là các tài sản Venezuela mang lại nguồn ngoại hối chính (như nhà máy lọc dầu và mạng lưới tiếp liệu Citgo) lại nằm ở Mỹ và sau nhiều năm căng thẳng với Mỹ, Caracas lại không cố bán chúng và mua lại những cơ sở tương ứng ở những quốc gia thân thiện khác với Venezuela”.

Một sai lầm nữa, theo Valdai, là tình trạng bế tắc chính trị hiện nay. Cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015 mà phe đối lập giành đa số (chiếm 2/3 đại biểu) đã mở màn cuộc đấu tranh công khai và gay cấn giữa phe ủng hộ ông Maduro và những người đối lập. Kết quả, phe ủng hộ ông Maduro lập “Nghị hội lập hiến” (được một số nhà quan sát gọi là “Quốc hội bỏ túi của Maduro”).

Cơ quan mới này không chỉ xây dựng hiến pháp mới, mà còn thực hiện cả chức năng hành pháp. Trong khi đó, Quốc hội (do phe đối lập nắm đa số) vẫn tiếp tục họp, đưa ra các quyết định, còn Tòa án hiến pháp (thân Maduro) thì ra sức bãi bỏ các quyết định này. Đó là lý do phe đối lập tẩy chay cuộc bầu cử “Nghị hội lập hiến” 2017 và cuộc bầu cử tổng thống 2018.

Trong cuộc bầu cử tổng thống 2018, ông Maduro thu được 67% phiếu nhưng với tỉ lệ cử tri đi bầu thấp, khiến phe đối lập cho rằng cuộc bầu cử không hợp lệ. 13 nước phương Tây và Mỹ Latin cũng không công nhận kết quả.

Phe đối lập cũng có những sai lầm, theo Kheyfets. Gần 20 năm qua, chính quyền và phe đối lập đã không  thảo luận và nhân nhượng nhau. Thêm nữa, phe đối lập Venezuela còn lâu mới là một lực lượng thống nhất, bao gồm cả những người từng ủng hộ Maduro nhiệt thành.

Chẳng hạn bà công tố viên trưởng Venezuela Luis Ortega Diaz, người đào thoát khỏi đất nước và lưu vong ở Colombia. Tạm thời, họ liên kết với nhau bởi mục tiêu chống Maduro, nhưng chẳng hề có một chương trình rõ ràng về cải tổ đất nước, khiến xuất hiện lo ngại chính đáng về một tương lai tiếp tục bất ổn khi họ lên nắm chính quyền.

Thực tế này từng diễn ra ở Venezuela, sau cuộc cách mạng năm 1958, khi phe đối lập nhanh chóng phân lập thành nhiều phe phái, rồi một cuộc chiến tranh du kích kéo dài suốt 5 năm.■

Ai là chủ nợ chính của Venezuela?

Theo Bloomberg và Reuters, Trung Quốc dẫn đầu, với những khoản tín dụng trị giá 70 tỉ USD. Thứ hai là các ngân hàng và quỹ đầu tư Hoa Kỳ và Anh, với các khoản vay cho cả chính phủ Chavez và Maduro để đầu tư vào PDVSA trị giá 50 tỉ USD. Tình hình này tạo ra nghịch lý là một số công ty tài chính lớn của Mỹ lại ủng hộ Maduro! Về phía Nga, tổng tín dụng và đầu tư của nước này vào Venezuela là 17 tỉ USD, nhưng một phần đã được trả bằng dầu hỏa (Trung Quốc cũng theo cơ chế này).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận