Ai muốn gì, được gì?

DANH ĐỨC 08/09/2017 22:09 GMT+7

TTCT - Sự thật khách quan rõ rệt nhất trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên chính là sự bất đồng nằm dưới lớp vỏ nhất trí “lên án” mà hậu quả là việc Bình Nhưỡng, cuối cùng, bất chấp hàng loạt nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), vẫn đạt mục đích tối hậu là làm chủ tên lửa liên lục địa và bom hạt nhân.

Giám đốc Trung tâm theo dõi động đất và núi lửa Hàn Quốc Ryoo Yong Gyu giải thích về các chấn động do vụ thử hạt nhân của Triều Tiên gây ra.-Ảnh: AP
Giám đốc Trung tâm theo dõi động đất và núi lửa Hàn Quốc Ryoo Yong Gyu giải thích về các chấn động do vụ thử hạt nhân của Triều Tiên gây ra.-Ảnh: AP

 

Sáng thứ ba 5-9-2017, thông tấn xã KCNA của Bình Nhưỡng tuyên bố: “Trừng phạt nặng nề và giáng búa tạ xuống Hoa Kỳ”.

Tác giả ký tên “Kim Myong Gil, sĩ quan Quân đội nhân dân Triều Tiên”, diễn giải vụ thử bom khinh khí hôm chủ nhật 3-9 như sau:

Một đòn hạt nhân sấm sét khác của tinh thần Songun (quân đội trên hết) là sự trừng phạt nặng nề và là quả búa tạ giáng xuống bọn đế quốc Mỹ, những kẻ đang gây ra tình hình tồi tệ nhất từ trước tới nay trên bán đảo Triều Tiên bởi sự liều lĩnh của chúng”.

Có vẻ như các phát biểu của tướng James Mattis, bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, sau vụ thử bom này là “nguồn tham khảo” cho bài viết của KCNA.

Tướng Mattis tuyên bố: “Các cam kết của chúng ta với các đồng minh rất sắt đá. Bất cứ đe dọa nào hướng về Mỹ hoặc lãnh thổ Mỹ, bao gồm đảo Guam, hoặc các đồng minh của Mỹ, sẽ bị đáp trả bằng hành động quân sự quyết liệt, hiệu quả và không thể chống đỡ”.

Bày tỏ quyết tâm

Lý luận của tác giả, “xem nhẹ lập trường chiến lược của đất nước chúng ta như một cường quốc hạt nhân theo định hướng tự chủ (chủ thể) và như là một cường quốc quân sự, bọn chúng vất vưởng trên các biện pháp trừng phạt mang tính kẻ cướp, cùng các cuộc thao diễn và tập trận hiếu chiến.

Thắng lợi ngày hôm nay là đòn mạnh mẽ khác giáng vào bọn chúng, đồng thời làm binh sĩ chúng ta tràn đầy sức mạnh tinh thần và lòng dũng cảm bất tận”, mang ý nghĩa của một lời hiệu triệu.

Đồng thời, đấy cũng chính là một tuyên ngôn “giấy trắng mực đen” về mục đích của các chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng: vì muốn trở thành một cường quốc hạt nhân và một cường quốc quân sự.

Cây bút “sĩ quan Quân đội nhân dân Triều Tiên” bày tỏ thêm quyết tâm của Bình Nhưỡng từ nay: “Nước cộng hòa chúng ta vừa mới cảnh cáo bọn chúng hãy dành từng phút của chút thời gian còn sót lại của chúng mà ngẫm nghĩ sao cho hợp lý và đưa ra phán đoán chính xác, nếu như bọn chúng muốn thoát khỏi một đòn đánh nóng từ chúng ta ngay trước mặt thế giới.

Đã đến lúc lũ diều hâu chiến tranh của Mỹ phải thừa nhận rằng toàn bộ lục địa và khu vực hành quân của chúng ở Thái Bình Dương nằm trong nắm đấm hạt nhân đầy sức hủy diệt và tàn nhẫn của quân đội cách mạng Paektusan hùng mạnh”.

Thật vất vả cho giới phân tích phải tìm hiểu điển tích Paektusan, tức Bạch Đầu Sơn, ngọn núi nằm ở biên giới Triều Tiên - Trung Quốc, cao 2.744m, là đỉnh núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên và khu vực Mãn Châu, vốn được xem là nơi Kim Jong Il ra đời, gắn liền với huyền thoại núi thiêng.

Thông điệp của bài báo rất rõ ở đoạn cuối, như một điều kiện sách:

Nếu bọn chúng tiếp tục các cuộc tập trận cực kỳ nguy hiểm xung quanh bán đảo Triều Tiên và gây ra cuộc chiến tranh hạt nhân trên vùng đất này, quân đội cách mạng Paektusan hùng mạnh sẽ tiêu diệt được nguồn gây hấn và quỷ dữ trên trái đất với lực lượng chiến lược hạt nhân hợp nhất với đại quân cùng lúc phát triển hai mặt trận”.

Nói gọn: đối phương nên chấm dứt các cuộc tập trận!

Có lẽ, hiểu Bình Nhưỡng nhất, không ai khác hơn Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông này, hôm thứ hai 4-9, bên lề thượng đỉnh của khối BRICS, đã phát biểu về tình hình bán đảo Triều Tiên:

Thêm vào các tên lửa tầm trung, Triều Tiên còn có pháo binh tầm xa cùng các hệ thống dàn phóng đa đầu... họ sẽ thà nhai cỏ chứ sẽ không dừng chương trình hạt nhân của họ cho tới khi họ được đảm bảo an toàn cho bản thân họ” (Moscow Times 4-9).

Phơi bày ruột gan

Tất nhiên, các bên liên quan, ở phía này hay phía kia, đều đã theo dõi từng câu từng chữ các thông điệp phát đi qua KCNA, và “giải mã” tường tận.

Điển hình là nội dung phản đối của nữ đại sứ Mỹ tại LHQ, Nikki Haley, trong cuộc họp khẩn hôm 4-9: “Hành động của Kim Jong Un không thể được coi là phòng thủ.

Ông ta muốn được công nhận là một cường quốc hạt nhân. Nhưng là một cường quốc hạt nhân không phải là sử dụng những vũ khí khủng khiếp để đe dọa người khác.

Các cường quốc hạt nhân hiểu trách nhiệm của họ. Kim Jong Un không cho thấy sự hiểu biết như vậy. Việc Kim Jong Un lạm dụng tên lửa và mối đe dọa hạt nhân cho thấy ông ta đang nài xin chiến tranh”.

Nhưng bà đại sứ Haley cũng trấn an: “Chiến tranh không bao giờ là điều mà Hoa Kỳ muốn. Chúng tôi không muốn chiến tranh vào lúc này”, ngay cả khi “sự kiên nhẫn của chúng tôi không phải là không giới hạn. Chúng tôi sẽ bảo vệ đồng minh và lãnh thổ của mình”.

Có thể thấy lần này các phát ngôn từ giới chức Mỹ đã thận trọng hơn nhiều, rút kinh nghiệm từ các tin nhắn Twitter trước kia của Tổng thống Donald Trump, tránh tối đa nguy cơ diễn dịch sai tình hình, xem việc tập trận ở Hàn Quốc là một nguy cơ với an ninh khu vực.

Cảnh báo từ Liên Hiệp Quốc

Trong thời điểm khủng hoảng, tiếng nói của Tổng thư ký LHQ António Guterres là một tham chiếu quan trọng.

Trong tuyên bố ngày 4-9, nhân cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo an, ông Guterres đã “yêu cầu ban lãnh đạo CHDCND Triều Tiên chấm dứt những hành vi cực kỳ đáng tiếc như vừa qua, và tuân thủ trọn vẹn các nghĩa vụ quốc tế trong khuôn khổ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an”.

Cùng ra tuyên bố hôm ấy còn có tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano: “Cuộc thử mới này, tiếp theo hai vụ thử năm ngoái, và là vụ thử thứ sáu kể từ năm 2006, hoàn toàn xem thường các yêu cầu của cộng đồng quốc tế”.

Theo ông Amano, “trong các nghị quyết của mình, mà gần đây nhất là nghị quyết 2371, Hội đồng Bảo an đã tái khẳng định rằng CHDCND Triều Tiên không được tiến hành bất cứ vụ thử hạt nhân nào nữa, đồng thời phải từ bỏ mọi chương trình vũ khí hạt nhân một cách hoàn toàn, có thể kiểm tra được và không tái lập”.

Để cho công tâm, Tổng thư ký Guterres không quên nhắn nhủ chính Hội đồng Bảo an: “Sự đoàn kết của Hội đồng Bảo an là tối thượng trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Đoàn kết còn là để tạo ra cơ hội hành động dựa trên phương thức ngoại giao nhằm làm giảm căng thẳng, tăng lòng tin và phòng ngừa mọi sự leo thang, tất cả nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

Ông nhấn mạnh đến nguy cơ tiềm ẩn trong bầu không khí của các phiên họp sau cùng của Hội đồng Bảo an: “Lý luận đối đầu có thể dẫn đến những hậu quả không ngờ. Giải pháp phải là chính trị.

Các hậu quả tiềm tàng của hành động quân sự là quá kinh hoàng. Là tổng thư ký LHQ, tôi sẵn sàng hậu thuẫn mọi nỗ lực hướng đến một giải pháp hòa bình cho tình hình đáng báo động này, và như tôi đã nói, cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

Đây là lần thứ nhì trong vòng hai ngày liên tiếp mà các thẩm quyền cao nhất của LHQ nói đến yêu cầu đoàn kết trong Hội đồng Bảo an.

Trước đó một ngày, bản tin của LHQ ngày 4-9 đã đưa tin và giật tít phó tổng thư ký LHQ đặc trách chính trị Jeffrey Feltman kêu gọi “Hội đồng Bảo an duy trì đoàn kết và tiến hành hành động thích đáng đối với CHDCND Triều Tiên”.

Nhưng sự đoàn kết đó sẽ không thể đạt được chỉ qua những lời kêu gọi. Đại sứ Mỹ tại LHQ Haley nói toạc móng heo trong cuộc họp khẩn ngày 4-9:

Đề xuất về cái gọi là “đóng băng (kiềm chế) - đổi lấy đóng băng (kiềm chế)” là một sự lăng mạ. Khi một đất nước côn đồ (rogue state) nay có vũ khí hạt nhân và tên lửa liên lục địa chĩa vào quý vị, quý vị sẽ chẳng hạ thấp thế thủ của quý vị được. Chẳng ai sẽ làm như thế.

Chúng tôi nhất định sẽ không làm như thế... Cuộc khủng hoảng này đã vượt quá LHQ rồi. 24 năm những biện pháp nửa vời cùng đàm phán thất bại là quá đủ rồi. Cảm ơn quý vị!”.

Lại phải nhắc lại. Triều Tiên không nhắc gì tới THAAD trong các tuyên bố của họ, nhưng leo thang sẽ dẫn tới leo thang, và qua những lời lẽ của bà Haley, có vẻ Mỹ không còn kiên nhẫn thật.

Và đúng như ý bà, cuộc khủng hoảng quả thật đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát, khi tất cả không cùng nhìn về một điểm chung là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Người đang lo cực độ trong vụ này không phải là ông Trump, Trung Quốc, hay Nga, mà là Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, người mà mới đây lúc nhậm chức còn tỏ ra rất hi vọng sẽ “nói chuyện” được với miền Bắc.

Tờ Korea Times ngày 5-9 đã chạy tít: “(Tổng thống) Moon chuyển thái độ thành diều hâu với Triều Tiên”. Những từ ngữ như “diều hâu” hay “bồ câu” mà báo chí các nước dùng không mang tính kích động, mà chỉ nhằm hình ảnh hóa hai xu thế khác nhau, cứng rắn và chủ hòa.

Korea Times cho biết ông Moon đã nhấn mạnh với đồng minh Donald Trump, trong một cuộc điện đàm hôm thứ hai, về nhu cầu nâng tầm các biện pháp phòng vệ cho Hàn Quốc, bao gồm việc chấm dứt giới hạn với các đầu đạn và tên lửa mà quân đội Hàn Quốc đang sở hữu, khởi động chương trình tự đóng tàu ngầm hạt nhân cho hải quân, và tăng thêm bốn dàn phóng tên lửa phòng không THAAD, bổ sung cho hai dàn hiện hữu.

Korea Times bình luận quyết định này cho thấy ông Moon quyết cứng rắn và tăng khả năng ngăn chặn, bất chấp có bị trả đũa kinh tế thêm nữa từ phía Trung Quốc.

Sự chuyển biến của ông Moon là một thí dụ cho thấy nguy cơ hạt nhân hóa, thay vì phi hạt nhân hóa, bán đảo Triều Tiên (và thậm chí trong khu vực kế cận) đang là một cám dỗ mới.

Báo chí Nhật Bản cũng đã rậm rịch nhắc đến khả năng “tự phòng vệ” và trang bị hạt nhân. Rõ ràng, Hội đồng Bảo an cần đoàn kết trở lại, thay vì cứ nhìn vào lợi ích riêng để rồi đưa tình hình tới chỗ ngày càng mất kiểm soát như hiện nay.■

Trong bài viết trên tờ Wall Street Journal hôm 13-8, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cùng khẳng định: “Mục tiêu của chiến dịch gây sức ép hòa bình của chúng tôi là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Mỹ không có lợi lộc gì trong việc thay đổi chế độ hoặc thúc đẩy tái thống nhất Triều Tiên và Hàn Quốc. Chúng tôi không tìm cớ để đóng quân ở phía bắc khu phi quân sự. Chúng tôi không muốn gây tổn hại cho người dân Triều Tiên”.

Việc cả hai ông cùng lên tiếng rõ ràng là một cố gắng hiếm thấy của Washington nhằm giải thích cho thật rõ và đảm bảo bằng giấy trắng mực đen cho ông Kim Jong Un hiểu ông không phải là mục tiêu của bất cứ âm mưu nào.

Song, nói đi cũng phải nói lại, thanh minh của các bộ trưởng và đại sứ Mỹ không đủ để xóa đi những dòng Twitter đầy “lửa và thịnh nộ” của ông Trump, lẫn sự thật rành rành là hệ thống THAAD đã được triển khai ở Hàn Quốc. Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận