TTCT - Giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, đóng vai trò quyết định với chất lượng nguồn nhân lực của một xã hội. Việc coi giáo dục là lĩnh vực then chốt để đầu tư đồng thời là động lực chính cho sự phát triển đất nước đã được nhắc đi nhắc lại qua nhiều kỳ Đại hội Đảng. Đại hội XIII cũng không là ngoại lệ; có khác biệt chăng chỉ là cần phải nhấn mạnh hơn khi chưa bao giờ Việt Nam đứng trước một thời cơ thay đổi về chất với nền kinh tế lớn như hiện giờ. Dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng XIII nhấn mạnh: “Coi giáo dục - đào tạo, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng và là động lực chủ yếu cho phát triển đất nước”. Văn kiện, trong phần “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực để nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, cũng thừa nhận: “Hiệu quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu chưa cao. Ảnh: The ConversationNăng lực nghiên cứu ứng dụng của các viện nghiên cứu, trường đại học còn khiêm tốn”; đồng thời đặt mục tiêu: “Đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài; có chính sách vượt trội để thu hút, trọng dụng nhân tài, chuyên gia cả trong và ngoài nước”.Có thể thấy việc tư duy lại về chính sách giáo dục đại học cũng như vai trò và sứ mệnh của bậc giáo dục đặc biệt này trong sự phát triển của đất nước đang là đòi hỏi khẩn thiết. TTCT xin chia sẻ tầm nhìn của tiến sĩ Bùi Thị Minh Hồng, phó giáo sư về quản lý giáo dục đại học Bath, Vương quốc Anh, giám đốc Mạng lưới giáo dục (Edunet) của Tổ chức Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global).Gần đây, tôi tham gia chấm và dẫn dắt vài đội trong hai cuộc thi công nghệ: Hack4Growth/Covid Endgame của AVSE Global, và Hackathon 2020 do Bộ KH&CN cùng Khu công nghệ cao Hòa Lạc tổ chức. Khi gặp lại qua mạng một số sinh viên trong nước tham gia các cuộc thi này, các bạn đã thực sự mang lại cho tôi, một người nghiên cứu về giáo dục đại học, niềm vui và hi vọng về giáo dục đại học nước nhà.Nhưng VN vẫn còn một quãng đường dài, cần sự sáng tạo và chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa thì mới theo kịp được giáo dục đại học của Malaysia, Hong Kong hay Singapore.Bốn sứ mệnhĐể đón chào thập kỷ mới đang tới, với rất nhiều cơ hội cho đất nước nói chung và giáo dục đại học VN nói riêng, tôi hi vọng các trường đại học và sinh viên VN nhận thức tốt hơn về sứ mệnh của mình trước những thách thức khó lường của thế giới.Giáo dục đại học không thể chỉ là giảng dạy. Ảnh: MeltwaterSứ mệnh đầu tiên của các đại học chính là giáo dục. Tư tưởng của nhà khoa học và giáo dục lỗi lạc người Đức Wilhelm von Humboldt về một trường đại học hợp nhất giảng dạy và nghiên cứu để cung cấp cho sinh viên một nền giáo dục con người trọn vẹn dẫn tới sự thành lập Đại học Berlin vào năm 1810. Humboldt tới nay được coi là cha đẻ của các đại học hiện đại lấy nghiên cứu làm trọng tâm và nghiên cứu trở thành sứ mệnh thứ hai của giáo dục đại học. Dần dần, các trường đại học nghiên cứu hàng đầu đi từ nghiên cứu sang khám phá và phát minh.Tới gần đây, xuất hiện sứ mệnh thứ ba của giáo dục đại học: chuyển giao công nghệ/dịch vụ. Cội rễ của sứ mệnh này là từ Đạo luật Bayh-Dole (Đạo luật Sửa đổi Luật Nhãn hiệu và Sáng chế của Mỹ năm 1980) giúp chính phủ Mỹ quản lý những sáng chế được phát triển từ nguồn ngân sách nghiên cứu của chính phủ dành cho các trường đại học và viện nghiên cứu. Sứ mệnh này hình thành từ mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau giữa khoa học, phát minh công nghệ và chính sách của chính phủ trong sự chuyển đổi tiến tới nền kinh tế tri thức. Các học giả ở Đại học Công nghệ Massachusett và Đại học Stanford sau này gọi sứ mệnh thứ ba là đại học khởi nghiệp (entrepreneurial universities) - MIT và Stanford cũng là nơi đã đào tạo ra nhiều nhà công nghệ - khởi nghiệp hàng đầu ở Mỹ khi kết hợp nghiên cứu, khởi nghiệp và đào tạo. Cơn bão khởi nghiệp từ Mỹ nhanh chóng lan ra toàn cầu, tạo ra hàng triệu việc làm và hàng ngàn phát minh sáng chế công nghệ.Tuy nhiên, sau gần 40 năm phát triển, sứ mệnh thứ ba vấp phải nhiều sự chỉ trích. Sự phát triển quá tập trung vào những ngành STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) dẫn đến sự đánh đổi, nhiều ngành nhân văn bị bỏ bê vì nguồn lực các trường có hạn; hoặc phong cách quản lý theo hướng doanh nghiệp, đóng cửa các ngành học không tạo lợi nhuận, vắt kiệt nguồn lực con người thay vì phát triển môi trường học thuật tự do và sáng tạo. Sứ mệnh thứ ba cũng đe dọa văn hóa mở vốn là truyền thống của khoa học. Việc khẳng định quyền sở hữu trí tuệ đe dọa tính hiệu quả và logic kinh tế của kiến thức khoa học phổ thông. Thêm nữa, đào tạo khởi nghiệp mà không đào tạo đạo đức kinh doanh và các giá trị cá nhân có thể dẫn tới sự tận diệt với thế giới vì giá trị kinh tế được đưa ra làm thước đo chính, thậm chí là duy nhất, để đánh giá thành công của một người.Những quan ngại trên dẫn tới sự ra đời của sứ mệnh thứ tư cho giáo dục đại học: đồng kiến tạo vì sự bền vững. Sứ mệnh này đề cao hợp tác để cùng sáng tạo, chuyển đổi và phát triển bền vững.Bốn sứ mệnh này của giáo dục đại học liên tục phát triển và thích ứng với thay đổi của thế giới, cùng tồn tại, làm tiền đề và động lực cho nhau để các trường đại học phát triển.Hai chương trìnhSự phát triển của các trường đại học hiện đại trong suốt chiều dài lịch sử luôn cần những cú hích từ xã hội và một vài trường tiên phong. Tôi xin kể về hai chương trình của hai đại học, một rất xa và một ở gần VN, để minh họa.Chương trình thứ nhất là dự án làm nông nghiệp thân thiện với khí hậu (Climate Friendly Farming - CFF) của các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật sinh học, nông nghiệp bền vững, tài nguyên thiên nhiên, thổ nhưỡng, động vật, thực vật, lập trình, và kinh tế học trong và ngoài Đại học Washington State phối hợp với nhau và với cộng đồng nông nghiệp địa phương.Chương trình CFF là minh chứng cho thành công trong hợp tác giữa trường đại học và cộng đồng ở Mỹ. Ảnh: salon.comHọ khởi sự với dự án nghiên cứu 5 năm nhằm tìm hiểu mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu, phát thải khí nhà kính và nông nghiệp trong nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp, cải thiện quá trình hấp thụ carbon trong đất và phát triển năng lượng sinh học và các sản phẩm sinh học từ nông nghiệp để bù đắp cho quá trình đốt carbon nhiên liệu hóa thạch vào năm 2003.Kết quả của chương trình là nhóm đã đánh giá được và lập mô hình phát thải trực tiếp CO2, CH4 và N2O từ các cách thức quản lý nông nghiệp; đánh giá tác động của việc làm nông nghiệp như làm đất, luân canh cây trồng, quản lý tàn dư... với sự hấp thụ carbon trong đất; đánh giá các hệ thống cây trồng thay thế, bao gồm cả cây trồng năng lượng sinh học; phát triển hệ thống hỗ trợ quyết định để quản lý nitơ chính xác; phát triển và đánh giá công nghệ phân hủy kỵ khí với chất thải chế biến từ sữa và thực phẩm; phát triển các công nghệ thu hồi chất dinh dưỡng cho các chất thải hữu cơ; và hỗ trợ phát triển chính sách công cho các phương pháp canh tác thân thiện với khí hậu.Nhóm nghiên cứu đã xin thêm được kinh phí để chuyển giao công nghệ cho địa phương hai năm sau đó. Dự án đã giúp nông dân địa phương chăn nuôi bò sữa, canh tác ngũ cốc trên vùng đất khô và rau màu theo hướng nông nghiệp bền vững nhằm giảm thiểu biến đổi khí hậu. Tất nhiên, để có được một chương trình nghiên cứu liên ngành - đa ngành và chuyển giao công nghệ lớn như vậy về mảng nông nghiệp là điều vẫn còn quá xa so với nguồn lực của các đại học VN.Chương trình thứ hai, gần chúng ta hơn, là Sáng kiến Khát vọng xanh & hành động sáng tạo, tức Sáng kiến Gaia (Green Aspirations & Innovative Actions), mở đường cho một tương lai bền vững của Hong Kong, được phát động năm 2012. Đây là một dự án cộng đồng 5 năm của Đại học Thành phố của Hong Kong với các khoản tài trợ hơn 80 triệu đôla Hong Kong (10,3 triệu đôla Mỹ) từ quỹ từ thiện của Câu lạc bộ Jockey Hong Kong. Chương trình này có đối tác là các trường học và tổ chức phi chính phủ với mục tiêu thúc đẩy bảo tồn và bền vững môi trường ở địa phương, thông qua giáo dục công chúng và giảm thiểu carbon bằng những hoạt động thực tiễn. Lấy ví dụ, “Dự án giảm thiểu carbon” giúp 37 trường học và hai tổ chức phi chính phủ ở Hong Kong nâng cấp các cơ sở tiết kiệm năng lượng, làm giảm lượng khí thải carbon hơn 540 tấn và giảm tiêu thụ điện 1 triệu kWh mỗi năm, tương đương hơn 1,2 triệu đôla Hong Kong.Hai chương trình tôi vừa nêu có một số đặc điểm chung: trường đại học kết hợp với nhiều kênh khác nhau để phản ứng có hệ thống và toàn diện với thách thức địa phương; quản lý tri thức là kênh quan trọng để tạo ra và khuếch tán tri thức nhằm xây dựng các cơ chế thúc đẩy sự thay đổi bền vững; một kênh thực nghiệm kỹ thuật mang tính xã hội là yêu cầu tiên quyết; và cuối cùng, chuyển giao công nghệ và phát triển kinh tế phải gắn với nhau.■Nhìn vào giáo dục đại học VN, có thể thấy chúng ta đang mất quá nhiều thời gian cho sứ mệnh thứ nhất (đào tạo). Ngay trong sứ mệnh này, ảnh hưởng của lối học khoa cử khiến quá trình chuyển đổi trọng tâm giáo dục từ người dạy sang người học vẫn còn chậm chạp, đặc biệt là ở các đại học công. Sứ mệnh thứ hai (nghiên cứu) đã phát triển hơn trong một thập kỷ qua, nhưng còn dừng ở mức để tham gia các cuộc đua xếp hạng, thay vì những nghiên cứu thực sự có ảnh hưởng hoặc tính ứng dụng cao. Sứ mệnh thứ ba (khởi nghiệp) được phát triển trong vòng 5 năm trở lại đây do sự trở về của các du học sinh, chính sách đầu tư nhân tài của các thành phố lớn, cũng như sự tiếp xúc ngày càng sâu rộng với thế giới bên ngoài nhưng vẫn còn rất nhiều cơ địa phát triển.Còn sứ mệnh thứ tư có lẽ mới ở bước chập chững ban đầu. Thực tế là chúng ta vẫn chưa có một đại học tiên phong, dù chỉ nói trong khu vực Đông Nam Á, ở những lĩnh vực cụ thể, hay một trường nổi bật vì sự đồng kiến tạo và phát triển bền vững ở ngay địa phương mà họ đang hoạt động. Tags: Khởi nghiệpGiáo dục đại họcSứ mệnh giáo dục đại họcSTEM
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Ai đứng sau Công ty nghệ sĩ Quyền Linh? BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Công ty TNHH nghệ sĩ Quyền Linh do bà Nguyễn Thị Vân Anh sinh năm 1986, thường trú tại quận 7, TP.HCM làm chủ sở hữu.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.
Lần đầu lộ diện, con gái tỉ phú Nguyễn Đăng Quang bỏ 600 tỉ mua cổ phiếu Masan BÌNH KHÁNH 21/11/2024 Đăng ký mua 10 triệu cổ phần, song bà Nguyễn Yến Linh - con gái chủ tịch Tập đoàn Masan - chỉ mua được gần 8,5 triệu do "không đạt được thỏa thuận".